Họ là những người dường như không có khái niệm thời gian, thầm lặng bươn chải trên đường đời. Cuộc sống của họ gắn liền với bóng tối, xoay xở tìm cách bước qua bóng tối bủa vây mình để sống mạnh mẽ hơn…

 

Bước mưu sinh trên hè phố

Dưới cái nắng gắt, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông mù vác bó chổi đót, chống gậy lần từng bước trên đường với tiếng rao ngân dài: “Chổi đây! Chổi đây! Ai chổi!…” Người đàn ông đó là Phạm Ba, thành viên của Hội Người mù thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).


Người mù nặng trĩu gánh mưu sinh

Ngày lại ngày, ông rong ruổi với chiếc gậy đã mòn vẹt, trên vai là những chiếc chổi được “sản xuất” từ chính đôi bàn tay của những người mù trong Hội. Ngày nào cũng thế, chiếc gậy thay cho đôi mắt, giúp ông dò dẫm từng bước đi giữa phố phường tấp nập người xe.

 

Khi được hỏi, ông chia sẻ: “Là con người, được sống đã tốt lắm rồi. Tôi khiếm khuyết một phần thân thể nhưng tâm hồn lúc nào cũng đầy tràn tình yêu thương. Hàng ngày bán dạo như vầy tiền lời kiếm được từ 25 – 30 ngàn đồng, nhưng không phải ngày nào cũng được như vậy, vì người bán thì nhiều mà người mua thì ít”.

Rồi ông kể trong Hội cũng có nhiều người mù, tuổi đã cao, vác bó chổi nặng từ 25 – 30kg từ vùng ngoại thành len lỏi vào các hẻm phố để bán kiếm tiền mưu sinh. Mỗi chiếc chổi chỉ với giá 15 ngàn, nhưng đó là sự cố gắng của rất nhiều người trong Hội như ông, là tấm lòng của những con người đồng cảnh ngộ chia sẻ với nhau trong cuộc sống khốn khó này.

Theo ông Phạm Ba, thường thì người mù không sợ bóng tối nhưng lại rất sợ tiếng ồn, vì tất cả cảm giác của họ khi di chuyển đều phụ thuộc vào âm thanh và tín hiệu dọ dẫm từ hai bàn tay, bước chân… Những ngày phố xá ồn ào, tấp nập cũng là những ngày kiếm sống tốt nhất của người khiếm thị mưu sinh với bán chổi, vé số, hàng rong… nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguy hiểm rình rập mọi lúc mọi nơi.

Ông Ba ngậm ngùi kể, trong nhóm của ông cũng có một người năm nay đã ngoài 60 tuổi, có con cái nhưng nghèo khổ quá, mà ông thì không muốn dựa dẫm, vậy là đến với Hội…

Cách đây mấy hôm, ông bị sụp xuống hố trụ điện, dính toàn đá hộc, vậy là gãy chân, xước mặt, chảy máu. “Tôi nghe ổng nằm rên mà thương quá, mình cũng khổ cũng nghèo như ổng, chẳng biết giúp gì. Thôi thì ăn chung chén cháo, tô canh cũng được”, ông Ba nói như an ủi chính mình.

Thử nhấc bó chổi, tôi giật mình vì nó quá nặng, có thể lên đến 35kg hơn chứ không phải tầm 25kg như ông nói. Tôi buột miệng: “Nặng kinh khủng vậy sao bác nói 25kg?”.

Ông cười khà: “Nói vậy cho nó nhẹ bớt, chứ nếu mình nghĩ mình mù mãi làm sao dám đi ra đường và nghĩ nó nặng quá thì vác mau mệt. Thà tôi chấp nhận vác nhiều, trúng mánh thì mình bán hết là có ăn chú à”.

Những ước muốn bình dị

Tôi có dịp đến thăm một cơ sở người khiếm thị, cảm nhận đầu tiên ở đây là không khí vắng lặng. Dù đã hơn 18 giờ nhưng không thấy ánh đèn nào được thắp lên, phòng ốc chật chội, áo quần phơi khắp nơi. Ấn tượng mạnh hơn nữa khi một giọng hát nữ vọng ra từ một căn phòng tối om: “Nhìn mặt trời mà không chói lóa, là hội người mù Việt Nam…”.

Hóa ra câu hát “hài hước” ấy là từ một chị vừa nhặt rau, vừa nấu cơm trong bóng tối. Với người mù thì tất cả chỉ là bóng tối, đâu cần đèn đuốc…


Anh Kim Rầy, chị Sít cùng đứa con “sáng”

Một anh khiếm thị nói với tôi: “Ở đây chỉ có món chổi đót là nhiều và phong phú nhất, nhưng món này không ăn được. Nhà nước xây dựng Hội, hỗ trợ cho chúng tôi học chữ nổi (chữ braille) vậy là quý quá rồi. Những người mù già yếu, hoàn toàn không nơi nương tựa thì mỗi tháng được cấp 360 ngàn đồng, còn lại có vài người được 180 ngàn đồng, bởi vậy việc của người mù tại đây chủ yếu là đi bán chổi, gia công chổi để kiếm sống…”.

Hội cũng giúp đỡ hội viên bằng cách bỏ mối với giá gốc 12 ngàn đồng, bán ra thị trường được 15 ngàn đồng, lãi cao nhất mỗi cây là 3 ngàn đồng. Mỗi tháng một người nếu làm giỏi thì kiếm cũng được 700 ngàn đồng, “nếu trừ những ngày mưa gió, ốm đau thì năng suất không đạt”. Để kiếm thêm thu nhập, có người lấy thêm chổi bên ngoài, chất lượng tốt hơn để bán và lãi cũng cao hơn chút đỉnh nhưng mỗi tháng cũng không quá 900 ngàn đồng một người.

Không chỉ có ông Phạm Ba khiếm thị mà tôi từng gặp chọn hè phố làm chốn mưu sinh, mà còn rất nhiều người khác rong ruổi trên những ngả đường trong cảnh sống nghiệt ngã như vậy. Cả cuộc đời họ không dám ước mơ gì lớn lao, họ chỉ mong trời đừng cho đau ốm, an lòng với những điều rất nhỏ nhoi như một bữa cơm ngon.

Vợ chồng anh Huỳnh Kim Rầy (SN 1960) và Đỗ Thị Sít (SN 1970), trú tại tổ 3, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, mà tôi từng gặp, khi họ đang dắt dìu nhau vừa bán chổi, vừa bán vé số, bán tăm, đũa và nhiều thứ lặt vặt khác là những con người mang ước mơ giản đơn như vậy.

Ngày ngày, người ta vẫn thường thấy hai vợ chồng dò dẫm đi bộ hàng chục cây số để bán từng cây chổi, chật vật với miếng cơm manh áo. Để lo cuộc mưu sinh của cả gia đình với hai con đang tuổi ăn học, ngoài đi bán chổi ban ngày, đêm về hai vợ chồng còn nhận thêm việc gia công tăm xỉa răng để tăng thu nhập.

“Tôi đi bán dạo thấy cuộc sống xung quanh mình vẫn còn vô số người tốt. Nhiều lần tôi đi bán chổi, khát nước ghé vào quán uống nước giải khát, trả tiền, chủ quán không lấy mà còn mua chổi ủng hộ, cho thêm tiền. Vậy nên vợ chồng mình thấy được chia sẻ, an ủi lắm”, chị Sít tâm sự.

Những điều bình dị như thế trong cuộc sống đã giúp cho vợ chồng anh Rầy, chị Sít có thêm nghị lực vượt qua bóng tối của đời mình, và lớn hơn, là lo cho những đứa con thân yêu.

Bài viết: “Những người bước qua bóng tối”
Minh Ngọc/ Vườn hoa Phật giáo
 
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 7

Post Views: 318