CN0122.Vì sao người xưa xem trọng nhẫn nhục, luôn lấy đại cục làm trọng?

CN0122.Vì sao người xưa xem trọng nhẫn nhục, luôn lấy đại cục làm trọng?

Vì sao người xưa xem trọng nhẫn nhục, luôn lấy đại cục làm trọng? – Học Trường Đời (hoctruongdoi.com)

Search từ khóa ” Vì đại cục” google vn thì sẽ ra khá nhiều cái bài viết mang tính tiêu cực , Tâm Học hi vọng người đọc có thể hiểu và vận dụng đúng ý nghĩa thật sự mà người xưa đề cập đến

  • Vì sao người xưa xem trọng nhẫn nhục, luôn lấy đại cục làm trọng?

VÌ SAO NGƯỜI XƯA XEM TRỌNG NHẪN NHỤC, LUÔN LẤY ĐẠI CỤC LÀM TRỌNG?

Xưa nay mấy ai làm nên việc lớn mà không thực hành chữ “Nhẫn”! Những câu chuyện nổi tiếng về khả năng nhẫn nhịn của các anh hùng trong lịch sử là một minh chứng cho điều đó.

“Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”, hay: “Bậc quân tử không có tranh giành”. Lão Tử cũng nói: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Phật gia cũng giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”. Nho gia nhấn mạnh vào sự thần thánh bên trong, Đạo gia nhấn mạnh vào gìn giữ sự nhu hòa, Phật gia giảng từ bi với tất cả chúng sinh. Tất cả đều mang theo nội hàm về chữ “Nhẫn”. Lùi một bước, biển rộng trời cao. Có khả năng “Nhẫn” thì mọi sự tất thành.

Trong “Luận Ngữ” ghi lại Khổng Tử nhắc nhở Tử Lộ (một môn đồ của Khổng Tử) như sau: “Hàm răng cương ngạnh nên mới dễ bị gẫy, cái lưỡi mềm mại nên mới dễ bảo tồn. Nhu nhuyễn nhất định thắng cương ngạnh, nhỏ yếu mà lại chiến thắng cường đại. Ham tranh đấu nhất định sẽ bị tổn thương, một mực khoe dũng nhất định sẽ dẫn tới diệt vong. Thái độ căn bản để làm mọi chuyện là: Nhẫn nhịn là tốt nhất”. Nhẫn là pháp bảo để tu thân và xử thế. Khổng Tử từng khuyên Tử Lộ rằng: “Trăm hành chi bản, nhẫn làm đầu”.

Nhẫn không phải là thuận theo không nguyên tắc, cũng không phải biểu hiện của nhu nhược. Thường người có chí có đức, mới có thể bao dung điều người khác không thể bao dung. Khi bị người khác làm nhục, vẫn có thể cung kính khiêm tốn, tu tỉnh bản thân, mà không sinh ra tâm oán hận hay phẫn nộ. Người xưa thường dùng ý chí rộng rãi như vậy làm nguyên tắc đối nhân xử thế.

Tướng soái Khấu Tuân nhẫn nhục lấy đại cục làm trọng

Khấu Tuân là vị tướng soái thời Đông Hán, được Quang Vũ Hoàng đế nể trọng. Ông không những thông hiểu kinh thư, mà còn là người luôn tu dưỡng đức hạnh, tại triều đình rất có danh tiếng. Ông gặp chuyện có thể nhẫn nhục nhượng bộ, không kể thù riêng, luôn luôn lấy đại cục làm trọng.

Khi đảm nhiệm chức Thái thú tại Toánh Xuyên, đã xử tử tại chỗ một thuộc hạ của một tướng lĩnh tên là Cổ Phục vì phạm tội giết người. Vì thế Cổ Phục cảm thấy rất sỉ nhục, lúc từ Nhữ Nam trở về đi ngang qua Toánh Xuyên, nói với người bên cạnh rằng: “Ta và Khấu Tuân đều là tướng soái, nhưng giờ bị hắn hãm hại, đại trượng phu làm sao để bị người ta khi dễ mà lại không cùng hắn nhất định phân cao thấp? Lần này gặp được Khấu Tuân, ta nhất định phải giết hắn”.

Khấu Tuân nghe nói xong thì không muốn gặp Cổ Phục. Cốc Sùng nói: “Cốc Sùng tôi là tướng lĩnh, có thể mang kiếm hầu bên cạnh, nếu đột nhiên có chuyện gì, có thể ngăn chặn được”.

Khấu Tuân liền nói: “Không được. Trước kia Lạn Tương Như không sợ Tần vương, nhưng lại khuất phục Liêm Pha, đó là vì quốc gia. Nước Triệu nhỏ bé, lại có người hiểu biết đạo lý như thế, ta làm sao có thể quên được?”. Vì thế đã ra lệnh cho các huyện sở tại hầu hạ bọn người Cổ Phục cho thật tốt, còn Khấu Tuân thì cố ý mượn cớ né tránh ông ta. Cuối cùng bọn người Cổ Phục đều uống rượu say, không truy tìm Khấu Tuân nữa mà rời đi.

Khấu Tuân phái người báo cáo chuyện vừa xảy ra cho Quang Vũ Hoàng đế biết. Quang Vũ Hoàng đế bèn triệu kiến Khấu Tuân, vừa vào cung đã thấy Cổ Phục ở đó trước rồi lại muốn né tránh. Quang Vũ đế nói với ông: “Thiên hạ còn chưa có yên ổn, hai hổ làm sao có thể tranh đấu riêng tư đây? Hôm nay ta tới giảng hòa”. Thế là 3 người cùng nói chuyện hết sức vui vẻ. Cuối cùng hai người kết làm bạn tốt, chào từ biệt nhau rồi về nhà.

Khi gặp chuyện mà không không thể nhẫn nhục nhượng bộ thì sẽ dẫn đến tai họa, hỏng việc hại người. Sử sách bình luận về Khấu Tuân như sau: “Khổng Tử nói: ‘Bá Di, Thúc Tề, không nhớ thù xưa, cho nên có ít kẻ thù’. Khấu Tuân là một ví dụ điển hình”.

Hành vi của Khấu Tuân không phải là trốn tránh sợ hãi, mà là tầm nhìn sâu rộng, là biểu hiện của người có đức hạnh và có thể hoàn thành việc lớn. Bởi nhượng bộ được, nên cuối cùng mối thù giữa ông và Cổ Phục có thể được hóa giải, hai người từ kẻ thù trở thành bạn hữu, cùng nhau giúp vương triều Đông Hán thống nhất được Trung Nguyên.

vì sao người xưa xem trọng nhẫn nhục, luôn lấy đại cục làm trọng

Tể tướng Hàn Kỳ nhẫn việc nhỏ để làm việc lớn

Hàn Kỳ là tể tướng thời Bắc Tống. Tính tình của Hàn Kỳ rất chất phác và đôn hậu, lòng dạ rộng rãi, luôn khoan dung độ lượng đối xử với mọi người. Ông từng nói: “Việc lớn muốn thành phải nhẫn việc nhỏ”. Vào thời Hàn Kỳ đóng quân tại Định Châu, có một lần ông đang ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm một ngọn nến đứng bên cạnh ông để chiếu sáng.

Binh sĩ này đứng cầm nến nhưng mắt lại nhìn đi chỗ khác, không ngờ nến bị nghiêng và đổ xuống đầu làm cháy tóc của Hàn Kỳ. Hàn Kỳ chỉ dùng ống tay áo dập lửa và lại tiếp tục viết thơ. Một lát sau, ông phát hiện binh sĩ cầm nến ban nãy đã được đổi thành người khác. Bởi vì, cấp trên của binh sĩ ban nãy sợ bị trách phạt nên đã cho đổi người. Hàn Kỳ thấy vậy lập tức nói: “Không cần đổi, bây giờ cậu ấy đã biết cầm nến rồi!”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đoàn đều hết sức bội phục lòng bao dung độ lượng của Hàn Kỳ.

Lúc Hàn Kỳ đóng quân ở Đại danh phủ, có người biếu ông hai chiếc cốc ngọc quý giá, nói rằng đó là bảo vật có một không hai trên thế gian. Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm tạ người biếu ngọc. Ông rất yêu thích hai chiếc chén ngọc này, mỗi khi có tiệc chiêu đãi khách, ông đều cho người mang chén ngọc ra để trưng bày cho mọi người cùng được thưởng thức.

Một hôm, Hàn Kỳ tiếp một số quan lại quản lý về thủy vận, ông đã dùng hai chiếc chén ngọc này để mời khách quý uống rượu. Nhưng đột nhiên một người hầu lại đụng phải cái bàn và làm hai chiếc chén ngọc rơi vỡ. Những vị khách đều giật mình còn người hầu kia thì vô cùng sợ hãi và đã sẵn sàng chấp nhận chịu sự trừng phạt.

Hàn Kỳ khi ấy sắc mặt không thay đổi, cười và nói với những vị khách: “Sự tồn vong của bất kể vật nào đều là có quy luật!”. Sau đó ông lại quay sang nói với người hầu rằng: “Ngươi là do sơ xuất mà gây nên, thực sự không phải ngươi cố ý, có ai mà không sơ suất đâu?”. Tất cả những người chứng kiến đều bội phục đức hạnh và lòng khoan dung của ông mãi không thôi.

Cổ nhân dạy rất phải: “Người khoan dung không phải là kẻ ngốc, kẻ ngốc không giống như người khoan dung”. “Nhẫn được thì Nhẫn, kiềm chế được thì phải kiềm chế. Không Nhẫn không kiềm chế được, việc nhỏ thành việc lớn”. Tất cả đều nói với chúng ta đạo lý sâu sắc rằng “Lùi một bước, biển rộng trời cao, nhường ba phân trời quang mây tạnh” vậy.

– Sưu tầm –

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 36

Post Views: 280