PHÁP LỤC HÒA
Thích Đức Thắng
Pháp Lục hòa là pháp được đức Đạo sư nói ra để dạy cho các đệ tử xuất gia của Ngài lấy đó làm nền tảng căn bản cho nếp sống cộng đồng Tăng đoàn trong hòa hợp, hòa kính, hạnh phúc và an lạc, vì sáu pháp hòa kính này có năng lực hóa giải tất cả mọi xung đột giữa cá nhân và cá nhân, giữa cộng đồng tập thể này và cộng đồng tập thể khác trong cuộc sống chung đụng với nhau từ vật chất đến tinh thần.
Trong cuộc sống, nếu mất đi sự hòa khí, và thường xuyên xảy ra bất hòa với nhau thì cuộc sống của mọi người trở nên địa ngục. Sự bất hòa là đầu mối đưa đến xung đột đổ vỡ trong cuộc sống, là ung nhọt độc cần phải được giải phẫu cắt bỏ đi nếu chúng ta không muốn đưa đến chỗ đổ vỡ chia lìa tan rã. Trong một tập thể cộng đồng Tăng lữ, nếu muốn duy trì cuộc sống vô sự thì trước hết phải vô hiệu hóa bản ngã cá nhân qua việc tự kính trọng mình và kính trọng mọi người chung quanh và phát triển lòng từ đối với chính mình cùng mọi người. Có như vậy mọi sự ái kính mới được phát triển và cuộc sống tập thể mới mong trở nên an lạc và hạnh phúc. Đó là chúng tôi đề cập đến ý nghĩa pháp Lục hòa đối các hàng Thinh Văn cầu Bồ-đề, khi tu tập cần phải ái kính lẫn nhau, chứ chưa đề cập đến Lục hòa theo ý nghĩa của Đại thừa dành riêng cho các hàng Bồ-tát đối với chúng sanh trong việc lợi tha không điều kiện. Sáu pháp hòa kính này, tuy các kinh luận nhiều nơi dùng dụng ngữ khác nhau hay có vị trí sắp xếp cũng không giống nhau, nhưng trong ý nghĩa thì đồng. Ở đây, chúng tôi đưa ra sáu pháp Lục hòa thông thường đối với mọi người đã từng đọc qua, đã từng học và đã từng thọ trì để chúng ta dễ tiếp nhận hơn. Theo Tổ đình sự uyển thì sáu pháp Lục hòa là:
1. Thân hòa cộng trụ, là trên phương diện sinh hoạt hằng ngày trong một tổ chức, chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, thường nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau.
2. Khẩu hòa vô tránh, đứng trên phương diện giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ lời nói lẫn nhau, luôn luôn thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác.
3. Ý hòa đồng sự, là đứng trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì hãy cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận.
4. Giới hòa đồng tu, là chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, lúc nào chúng ta cũng nên tuân thủ cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra.
5. Kiến hòa đồng giải, là kiến giải có được về chân lý, hay lý đạo đã thông xin chia sẻ cùng mọi người, cùng nhau tu tập.
6. Lợi hòa đồng quân, là tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của các thí chủ được chia đều cùng nhau một cách bình đẳng một cách hợp pháp, có nghĩa là bình đẳng trong đồng đẳng.
Đó là sáu pháp hòa kính thông dụng mà chúng ta thường nghe thấy hay thọ trì. Nhưng nếu sáu pháp hòa kính này mà theo các văn bản của các kinh luận khác thì chúng ta thấy có sự sai khác về cách dụng ngữ cũng như cách sắp thứ tự của sáu pháp, trong mỗi bản văn mỗi khác nhau. Có lẽ đây là do sự san định sau này trong những kỳ kiết tập kinh điển theo sự phát triển của từng bộ phái để phù hợp với quan điểm của họ mà thôi. Rất mừng là tuy khác nhau trên mặt hình thức và vị trí sắp xếp, nhưng trong các văn bản khác nhau này về nội dung thì không thay đổi; nếu chúng có thay đổi đi chăng nữa thì nội dung đó cũng chỉ khác nhau tùy thuộc vào các thuộc tính hình thành theo từng căn cơ của hành giả mà thôi.
Vì vậy cho nên, ở đây, chúng tôi sẽ trình bày một số ít văn bản trong nhiều văn bản đại diện cho các trào lưu phát triển từ nguyên thỉ cho đến các bộ phái sau này và trong hiện tại chỉ còn đại diện hai bộ phái duy nhất là Tiểu thừa và Đại thừa qua các bản kinh luận sau đây.
Sáu pháp hòa kính đầu tiên được đức Đạo sư nói ra qua tiêu đề là Lục trọng pháp trong kinh Trung A-hàm, 22, được đức Đạo sư đem ra dạy cho Tôn giả A-nan và Sa-di Châu-na nhân hai người đến để trình lên chỗ thấy nghe của Sa-di Châu-na về trường hợp thầy trò Ni-kiền Thân Tử, sau khi ông ta mất đi và những cảnh tượng đau lòng giữa các đệ tử của ông xảy ra. Sự phân hóa phát xuất từ những bản ngã cá nhân được bùng nổ từ sự ẩn nhẫn dưới sự bao trùm khép kín của sư phụ họ, những bản ngã cá thể được bùng vỡ ra từ những ức chế tâm lý đã từng được họ cưu mang thể hiện qua những hành động chống báng nhau, không ai nghe ai! Ai cũng cho mình là nhất, sự ái kính lẫn nhau không còn nữa. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng, “Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.” Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy những cảnh tượng như vậy, họ đều chán nản và lảng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì những điều các đệ tử của Thầy họ nói ra đều là ác pháp luật, không phải là pháp giải thoát, không đưa đến Chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc Thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ, Sa-di Châu-na đã qua ba tháng an cư mùa mưa, sửa vá lại y áo, mang y cất bát đến thôn Xá-di, rồi qua phía bắc thôn Xá-di, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Sa-di Châu-na cùng với Tôn giả A-nan đi đến chỗ Thế Tôn. Sau khi đến nơi, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Sa-di Châu-na đem việc này trình lên đức Đạo sư.
Đức Đạo sư nhân cơ hội này dạy cho các học trò của Người về bảy phương pháp đình chỉ mọi sự tranh cãi và pháp lục hòa, vì muốn học trò của Ngài luôn luôn phải sống trong vô sự, thể hiện qua sự ái kính lẫn nhau trong cuộc sống nên Đức Đạo Sư dạy về sáu pháp hòa kính như trong Trung A-hàm 52, kinh 196 Châu-na (T1n26, tr. 755b21) như sau:
“Này A-nan! Nay ta nói cho ngươi sáu pháp ủy lao, hãy lắng nghe kỹ, hãy khéo suy nghĩ kỹ.”
Tôn giả A Nan bạch rằng:
“Kính vâng, con xin vâng lời lắng nghe.”
Phật nói:
“Thế nào là sáu? Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh, pháp ấy gọi là pháp ủy lao. Đó là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
“Khẩu nghiệp nói năng từ hòa, ý nghiệp từ hòa, cũng vậy.
“Có lợi lộc nào đúng pháp mà nhận được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy, mang chia sẻ cho các vị đồng phạm hạnh, pháp đó gọi là pháp ủy lao, là pháp khả ái, pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
“Nếu có giới nào không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị dơ, không bị đen, vững vàng như mặt đất, được Thánh khen ngợi, đầy đủ khéo thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia sẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
“Nếu có kiến giải của Thánh có sự xuất yếu, được thông suốt bằng tuệ kiến, đưa đến sự chân chánh diệt khổ, với kiến phần như vậy, cùng chia sẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho tương thân, khiến cho tương kính, khiến cho tương trợ, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
“Này A-nan, Ta vừa nói sáu pháp ủy lao, vì vậy mà Ta giảng giải. Này A-nan, nếu các ngươi đối với sáu gốc rễ của tránh sự mà đoạn tuyệt hoàn toàn, và với bảy pháp đình chỉ tránh sự, khi trong Tăng chúng khởi lên tránh sự, thì chấm dứt bằng luật đình chỉ tránh sự như quăng bỏ giẻ rách, rồi lại thực hành sáu pháp ủy lao ấy, thì này A-nan, như vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, sống an lạc như lúc Ta còn tại thế.”
Qua đoạn kinh mà đức Đạo sư đã dạy cho Tôn giả A-nan, về mặt hình thức tuy dụng ngữ có những sai khác và cách sắp xếp vị trí cũng không có sự đồng bộ nhất trí như Sáu pháp hòa kính trong Tổ đình sự uyển, nhưng về mặt nội dung ý nghĩa thì không khác. Tuy những dụng ngữ trong mỗi văn bản có sự khác nhau, nhưng cuối cùng cũng đưa đến sự hòa kính tôn trọng lẫn nhau trong một nếp sống tập thể không thiếu lòng từ cho việc lợi tha về mọi mặt trong cuộc sống: Đó là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho mọi người tương thân với nhau, khiến cho mọi người tương kính với nhau, khiến cho mọi người cùng tương trợ với nhau qua cuộc sống, khiến cho mọi sự tu tập tinh tấn hơn, khiến cho cuộc sống nội bộ cùng chung một tập thể có sự đoàn kết thân ái hơn, cũng là nhân đưa đến sự tác thành cuộc sống Phạm hạnh của một Sa-môn, đưa đến nhất tâm và tinh cần thật sự cho việc hành giả chứng đắc Niết-bàn. Qua sáu pháp hòa kính, mỗi một pháp tự có giá trị cho tự thân chúng tùy theo từng thuộc tính một, nếu hành giả theo đó mà thực hành đúng như lời đức Đạo Sư đã dạy thì việc chứng đắc Niết-bàn trước sau gì cũng sẽ đạt được.
Cũng theo kinh Tăng Nhất A-hàm 29 (Đ.2, Tăng Nhất A-hàm 29, Lục trọng pháp, tr.0708c), đức Đạo sư dạy cho các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy suy niệm sáu trọng pháp, kính trọng, tôn trọng, và ghi nhớ mãi ở trong tâm không cho quên mất. Sao gọi là sáu? Ở đây, Tỳ-kheo thân hành niệm từ, như soi gương thấy hình mình, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
“Lại nữa, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
“Lại nữa, được các thứ lợi lộc đúng pháp thì nên chia đều cho các phạm hạnh cùng hưởng, không tưởng tiếc rẻ; pháp này đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
“Lại nữa, có các giới cấm không hủ, không bại, cực kỳ hoàn hảo, không sứt, không thủng, được bậc trí quí trọng, lại muốn đem giới này phân bố cho người khác cũng đồng một vị; pháp này đáng kính, đáng quý không để quên mất.
“Lại nữa, chánh kiến của Hiền Thánh dẫn đến xuất yếu; có kiến giải như vậy, và muốn các vị phạm hạnh đồng tu cùng đồng pháp này, cũng đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu trọng pháp đáng kính, đáng quý, không để quên mất. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xuyên tu tập các hành vi của thân, miệng, ý; nếu được các thứ lợi dưỡng, cũng nên nghĩ phân đều cho nhau, chớ khởi tưởng tham.” Kinh này tương đồng với Tăng Chi Bộ kinh của Pāli qua sáu pháp ủy lạo Pāli, (M.104 Sāmagāmasutta (R.iii.250): cha sārāṇīya-dhammā).
Giữa hai bản kinh Trung A-hàm và Tăng Nhất A-hàm về vị trí theo thứ tự có sự thống nhất, tuy những dụng ngữ không giống nhau, nhưng về nội dung thì không khác. Sự khác nhau trong dụng ngữ để khế hợp với từng căn cơ chủng loại của trình độ người nghe mà đức Đạo sư phương tiện giảng thuyết. Theo kinh Trung A-hàm thì trước khi Ngài dạy cho Tôn giả A-nan và Sa-di Châu-na về Sáu pháp hòa kính thì Ngài và nhân việc khởi lên tranh cãi nhau, bất hòa nhau trong cuộc sống tập thể của các đệ tử ngoại đạo Ni-kiền Thân Tử về bảy phương pháp để đưa đến việc chấm dứt mọi việc tranh cãi bất hòa nhau trong cuộc sống, đó chỉ là Bảy pháp diệt tránh và sau đó mới dạy về Sáu pháp hòa kính. Qua thời gian, hai bản kinh được đức Đạo sư nói ra là khác nhau, nhưng nội dung ý nghĩa thì đồng nhau trên cương vị đưa hành giả đến chỗ thanh tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đây chính là một phương pháp vừa tự độ và cũng vừa độ tha trong một cộng đồng tập thể sống chung với nhau, qua việc tự hoàn thiện cá nhân mình, thanh tịnh hóa ba nghiệp của mỗi người và qua đó cũng cảm hóa được nhau nhờ sự giúp đỡ lẫn nhau trong việc tấn tu đạo nghiệp, nhưng lệ thuộc vào những hoàn cảnh sống chung quanh với bản thân cá nhân của mỗi một cá thể được cụ thể hóa qua việc hòa đồng cùng đem lại lợi ích cho nhau về vật chất cũng như tinh thần qua giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân. Đó chính là những yếu tố cần thiết trong một tập thể sống nếu muốn trở nên an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại.
Theo A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc luận 15, Sáu pháp hòa kính này là Sáu pháp khả hỷ và được Tôn giả Xá-lợi-phất trình bày như sau: “Sao gọi là sáu? là nếu có Tỳ-kheo nào ở chỗ Đại sư cùng người trí đồng Phạm hạnh, khởi nghiệp thân từ bi thì đó gọi là pháp khả hỷ thứ nhất. Do pháp này nên có thể phát ra đáng yêu (khả ái), có thể phát ra sự tôn trọng, có thể phát ra vừa ý (khả ý), và cũng có khả năng dẫn đạo khả ái, tôn trọng, khả ý, vui ý, nhiếp thọ mọi hoan hỷ không trái, không ngăn, đi về một hướng.
Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào ở chỗ Đại sư cùng người trí đồng phạm hạnh, khởi nghiệp khẩu từ bi thì đó gọi là pháp khả hỷ thứ hai. Do pháp này nên có thể phát khởi khả ái, nói rộng cho đến không ngăn đi về một hướng.
Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào ở chỗ Đại sư cùng người trí đồng phạm hạnh, khởi nghiệp ý từ bi thì đó gọi là pháp khả hỷ thứ ba. Do pháp này nên có thể phát khởi khả ái, nói rộng cho đến không ngăn đi về một hướng.
Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào nhờ pháp thu hoạch được những lợi dưỡng như pháp, thì những thức ăn có được từ những bát thấp nhất cho đến những bát trung; những lợi dưỡng này cùng những người trí đồng phạm hạnh cùng nhau thọ dụng không được phân ra cất giấu, thì đó gọi là pháp khả hỷ thứ tư. Do pháp này nên có thể phát khởi khả ái, nói rộng cho đến không ngăn đi về một hướng.
Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào đã thọ trì giới có được, không khuyết, không rỉ, không tạp, không nhơ, ứng cúng không chấp thiện, cứu cánh thiện, nhận lấy những lời xưng tán không hủy báng những người trí, đối với những giới như vậy cùng người trí đồng phạm hạnh, cùng nhau thọ trì không gì che giấu, thì đó gọi là pháp khả hỷ thứ năm. Do pháp này nên có thể phát khởi khả ái, nói rộng cho đến không ngăn đi về một hướng.
Lại nữa, có Tỳ-kheo nào, những sở kiến có được, về đạo xuất ly của các bậc Thánh mà khéo thông đạt; hoặc khởi công thực hành chúng có thể đạt đến chỗ hết khổ. Đối với những sở kiến như vậy cùng với các bậc trí đồng phạm hạnh, cùng nhau tu tập không che giấu những sở kiến của mình thì đó gọi là pháp khả hỷ thứ sáu. Do pháp này nên có thể phát khởi khả ái, có thể phát khởi tôn trọng, có thể phát khởi khả ý và có khả năng dẫn đạo khả ái, tôn trọng, khả ý cùng nhiếp thọ mọi hoan hỷ không trái không ngăn hành giả đi về một hướng.”
Qua lời trình bày của Tôn giả Xá-lợi-phất trong A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc luận 15; đây là những gì chính Tôn giả đã từng nghe đức Đạo sư dạy, về ý nghĩa không khác với Sáu pháp hòa kính, tuy trên mặt dụng ngữ là có khác về cách sử dụng từ, nhưng nội dung thì giống nhau về việc tu tập ba nghiệp để trở nên thanh tịnh từ vật chất đến tinh thần được kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong việc thể hiện qua cuộc sống tập thể Tăng đoàn, tạo nên an lạc hạnh phúc trong đoàn kết, hòa hợp đưa đến nếp sống vô sự an lạc trong giải thoát cuối cùng. Đó là những văn bản chúng tôi trích ra từ kinh điển đại diện cho quan điểm của Tiểu thừa về sáu pháp hòa kính cho thấy có sự đồng nhất theo thứ tự của Sáu pháp về hình thức kể cả nội dung, tuy có việc sai khác trong cách dụng ngữ của mỗi bản văn, nhưng điều này không ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng. Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra Sáu pháp hòa kính theo kinh điển của các nhà Đại thừa, nội dung tư tưởng và về cả cách thức sắp xếp cùng cách sử dụng dụng ngữ nữa.
Theo Đại Thừa Nghĩa Chương 12 thì ý nghĩa của Lục hòa kính đồng đưa đến an lạc, không tạo nên phiền não, khởi lên tạo tác không trái với an lạc nên gọi là hòa; vì lúc hành giả thực hành hòa hợp đoàn kết trong cuộc sống luôn luôn cần sự hiện hữu tác động của tình cảm lên nếp sinh hoạt của chúng ta mới mong mang lại tình thân quý trọng lẫn nhau. Sự bền vững của hòa hợp luôn phải được thể hiện nơi lòng chí kính, nếu trong giao thiệp mà không có sự tôn trọng chí kính lẫn nhau thì sự kết hợp đó sẽ đưa đến sự tan vỡ. Cho nên thành công để đưa đến an lạc phải có hòa và kính đi đôi với nhau. Vì vậy cho nên được gọi là Sáu pháp hòa kính.
Theo Đại thừa Nghĩa chương thì:
Một, thân nghiệp đồng, có hai: một cùng xa lìa tội lỗi, có nghĩa là hành giả tu tập đồng xa lìa sát, đạo, tà dâm…; hai đồng tạo việc thiện, nghĩa là thực hành tất cả những việc có liên quan đến thiện nghiệp, như lễ bái…
Hai, khẩu nghiệp đồng, cũng có hai: một cùng đồng xa lìa tội lỗi, có nghĩa là tất cả đều xa lìa nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt; hai, cùng đồng làm việc thiện, nghĩa là cùng làm mọi công việc thiện như tán tụng, khuyến thiện…
Ba, ý nghiệp đồng, cũng có hai loại: một, cùng đồng lìa tội lỗi, có nghĩa là cùng nhau lìa khỏi tất cả mọi ý nghĩ về nghiệp phiền não ngay trong ý nghĩ; hai cùng nhau tạo việc thiện qua ý nghĩ, cùng nhau tu tín, tấn, niệm, định, tuệ tất cả mọi pháp thiện.
Bốn, đồng giới, cũng có hai: một, cùng đồng người thô giới như ngũ giới, bát giới, mười giới…; hai, cùng đồng trì giới mà mình đã thọ. Ở đây phân ra làm ba loại giới: một, nhiếp luật nghi giới; hai, nhiếp thiện pháp giới; ba, nhiếp chúng sanh giới.
Năm, đồng bố thí, cũng có hai: một, nội thí hòa đồng gồm những vật nhà mình, tự thân dùng để phụng cấp cho việc tôn kính; hai, ngoại thí hòa đồng, những tư cụ có được ngoài nhà ra. Thí này cũng được phân ra là ba loại: một, tài thí hòa đồng; hai, pháp thí hòa đồng; ba, vô úy thí hòa đồng.
Sáu, đồng kiến, là chỉ có kiến giải có được, cũng hai loại: một, trong thế đế kiến giải đồng nhất không khác; hai, trong chân đế có kiến giải đồng nhất không khác.
Sự sai khác ở đây chỉ có trên mặt sắp xếp theo thứ tự thì có khác với ba pháp hòa kính sau và trên cách dụng ngữ cũng có khác đối với kinh điển Tiểu thừa. Tuy nhiên, về nội dung ý nghĩa thì không khác, chỉ giải thích sâu rộng thêm về mặt ý nghĩa thôi.
Riêng theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn phần cuối của quyển hạ thì về mặt hình thức, ba pháp dưới đổi lên trên và ba pháp trên đổi xuống dưới, trong cách sử dụng dụng ngữ cũng theo đó mà có sự sai khác, nhưng trên mặt ý nghĩa thì đồng nhau. Ở đây chỉ có pháp thứ ba Đồng hành hòa kính, không những khác nhau về dụng ngữ mà còn khác nhau về hiện tượng. Các bản kinh văn khác đều lấy quả để nêu lên ý nghĩa của pháp hòa kính này, nhưng ở đây lấy nhân để làm tiền đề cho pháp này. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn nữa thì giữa nhân và quả không khác nhau trên nghĩa cứu cánh, do đó, chúng cũng không ảnh hưởng trong việc tu tập cho hành giả nếu chúng ta thực hành đúng đường. Theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn thì Sáu pháp hòa kính này theo thứ tự như sau:
Một, Đồng giới hòa kính, Bồ-tát thông đạt thật tướng các pháp biết rằng tội bất khả đắc, vì muốn an vị chúng sanh đối với lý thật tướng nên dùng Giới làm phương tiện thiện xảo đồng với tất cả qua việc thọ trì các giới phẩm mà mình đã thọ, không có nghịch trái và, cũng biết rằng tất cả chúng sanh cùng đồng giới thiện này, không đoạn, không thường, đời vị lai ắt được quả lớn Bồ-đề, Bồ-tát vì kính giới như Phật cho nên nói đồng giới là hòa kính.
Hai, Đồng kiến hòa kính, Bồ-tát thông đạt thật tướng các pháp, đối các pháp không được không biết không thấy, vì muốn an vị chúng sanh, đối với các pháp chánh kiến làm phương tiện thiện xảo hòa đồng với tất cả. Mọi thứ tri kiến không trái nghịch và, cũng nên biết rằng chúng sanh nhân tri kiến này mà phân biệt được chánh kiến tà kiến; tăng tiến giải mở, tất được chủng trí viên minh. Vì kính tri kiến như Phật, cho nên nói đồng kiến là hòa kính.
Ba, Đồng hành hòa kính, Bồ-tát thông đạt thật tướng các pháp, vô niệm, vô hành, vì muốn an vị chúng sanh đối với thật tướng chánh hành nên dùng hành làm phương tiện thiện xảo đồng với tất cả qua việc tu tập các loại hành, không có nghịch trái và, cũng biết rằng tất cả chúng sanh cùng đồng các hành này, không có trái nghịch, cũng nên biết rằng chúng sanh đồng các hành này, dần dần tích tụ công đức, tất cả sẽ thành Phật đạo, Bồ-tát vì kính giới như Phật cho nên nói đồng hành là hòa kính.
Bốn, Thân từ hòa kính, Bồ-tát trụ vào vô duyên đại từ bình đẳng, nhờ tu thân mình, căn lực hiền từ, có khả năng không khởi diệt định, hiện các oai nghi, cùng vui với tất cả, cho nên thân cùng với chín đường hòa đồng; cũng nên biết rằng trước được vui chúng sanh, tất cả có tánh Phật, đời vị lai ắt được thân kim cương. Vì kính thân như Phật, cho nên nói thân từ là hòa kính.
Năm, Khẩu từ hòa kính, Bồ-tát trụ vào vô duyên đại từ bình đẳng, nhờ tu khẩu mình, căn lực hiền từ, có khả năng không khởi diệt định, phát ra khắp tất cả mọi thứ âm thinh ngôn ngữ, cùng vui với tất cả, cho nên miệng cùng với chín đường hòa đồng; cũng nên biết rằng trước được vui chúng sanh, tất cả có tánh Phật, đời vị lai ắt được khẩu nghiệp vô thượng. vì kính khẩu như Phật, cho nên nói khẩu từ là hòa kính.
Sáu, Ý từ hòa kính, Bồ-tát tâm thường trụ vào vô duyên từ tam-muội, nhờ tu tập ý, căn lực hiền từ, có khả năng không khởi diệt định, hiện các tâm ý, cùng vui với chúng sanh, cho nên ý cùng với chín đường hòa đồng; cũng nên biết rằng trước được vui chúng sanh, tất cả có tánh Phật, ý tàng Như Lai, đời vị lai ắt được tâm như tâm Phật, vì kính ý như Phật cho nên nói ý từ là hòa kính.
Qua Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, ngoài thứ tự Sáu pháp hòa kính ra, đặc biệt Sáu pháp này dành cho các hàng Bồ-tát khi hành Bồ-tát hạnh, mục đích là để an vui chúng sanh, tức là sáu pháp này thể hiện nơi chính bản thân các Ngài để làm gương cho mọi người tin theo qua thân giáo cùng chính cuộc sống của quý Ngài trong cùng một cộng đồng vô duyên từ là yếu tố quan trọng đưa đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và khiến mọi chúng sanh cũng đồng tội bất khả đắc, các pháp không được, không biết, không thấy, vô niệm, vô hành. Đây chính là pháp môn bất nhị của Sáu pháp hòa kính dành cho các hàng Bồ-tát. Do vì thuộc tính của đối tượng nên sáu pháp hòa kính theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn ý nghĩa chúng sâu xa và vi diệu hơn nhiều so với Sáu pháp hòa kính dành cho các hàng tại gia và Tiểu thừa; nhưng ý nghĩa sáu pháp hòa kính cứu cánh của chúng vẫn đưa hành giả đến an vui giải thoát.
Tóm lại, về ý nghĩa của pháp Lục hòa như phần đầu chúng tôi đã trình bày, và theo đó chúng tôi đưa ra những bản kinh văn thuộc hai hệ Tiểu và Đại Thừa để chúng ta thấy rõ được những chỗ đồng dị của chúng; nhưng đó chỉ là những đồng dị tùy thuộc vào thuộc tính của từng căn cơ các loài hữu tình mà đức Đạo sư đã phương tiện dạy cho chúng ta về cả hai phương diện khế cơ và khế lý, nên dù có những khác nhau trong dụng ngữ hay kết hợp theo thứ lớp không đồng bộ thì việc này cũng nằm trong việc tùy duyên của Ngài lúc ra hóa đạo mà thôi. Mục đích là giảng dạy cho các hàng đệ tử của Ngài trong nếp sống cộng đồng, sống thế nào để đem lại an vui, hạnh phúc và những điều kiện cần phải nỗ lực thực hành những pháp ấy, cùng sống thế nào để không đưa đến oán đối tan rã, đưa đến đau khổ lẫn nhau. Một tập thể Tăng lữ nếu muốn duy trì cuộc sống vô sự trong một cộng đồng thì trước hết phải vô hiệu hóa bản ngã cá nhân của mỗi người qua việc tự kính trọng mình và kính trọng mọi người chung quanh và phát triển lòng từ đối với chính mình cùng mọi người. Có như vậy mọi sự ái kính mới được phát triển và cuộc sống tập thể mới mong trở nên an lạc và hạnh phúc.
Qua đó, Pháp Lục hòa được đức Đạo sư chỉ dạy cặn kẽ cho các đệ tử của Ngài, từ tại gia đến xuất gia qua việc tịnh hóa ba nghiệp thân – khẩu – ý của mỗi cá nhân và những giải quyết mọi ràng buộc trong sinh hoạt hằng ngày trong từng tập thể qua việc thể hiện lòng từ là nếp sống căn bản trong việc hướng dẫn, dìu dắt nhau tiến về đạo quả giải thoát.
Từ Thư viện hoa sen . org
Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.
Hits: 315