CN0004. Tiết độ ăn uống – Già chậm, tuổi thọ dài

CN0004. Tiết độ ăn uống – Già chậm, tuổi thọ dài
Tiết độ ăn uống – Già chậm, tuổi thọ dài

Ăn nhiều không tốt cho sức khỏe

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn những bữa ăn thịnh soạn.

Rồi vua Pasenadi sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy liền nói bài kệ:

Con người thường chánh niệm

Được ăn, biết phải chăng

Chừng mực, cảm thọ mạnh Già chậm, tuổi thọ dài.

Lúc ấy, vua Pasenadi liền gọi thanh niên Bà la môn Sudassana đang đứng hầu sau lưng:

– Này bạn, hãy học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn, và trong khi dọn ăn cho ta hãy đọc lên bài kệ ấy, ta sẽ cấp thường nhật cho bạn một trăm đồng tiền vàng.

Thanh niên Sudassana vâng lời vua, học thuộc lòng bài kệ và mỗi khi dọn cơm cho nhà vua thường đọc lên bài kệ này.

Rồi vua Pasenadi tuần tự ăn uống hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika. Sau một thời gian, thân thể nhà vua trở nên khỏe mạnh, tự xoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng như sau: “Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”.

(ĐTKVN (*), Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Đại thực, VNCPHVN (**) ấn hành, 1993, tr.186)

Lời bàn:

Ăn uống hàng ngày là cách tốt nhất để chuyển các dưỡng chất từ bên ngoài vào nuôi dưỡng và  phát triển cơ thể, phục hồi sức lực. Tuy nhiên, nếu không biết tiết độ và chọn lựa thực phẩm phù hợp thì ăn uống lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Vì thế, từ rất xa xưa “bệnh tùng khẩu nhập” là một kinh nghiệm, kiến thức phổ thông về ăn uống cho mọi người.

Ngày nay, những bệnh tật có liên quan mật thiết đến việc ăn uống thiếu tiết độ như bệnh béo phì đang trở thành chứng nan y, là nguy cơ về sức khỏe và tuổi thọ cho xã hội, nhất là tại những quốc gia phát triển. Ăn uống quá nhiều cộng với việc ít vận động làm cho cơ thể tăng cân nhanh chóng đồng thời phát sinh nhiều tật bệnh rất khó chữa trị.

Vì thế, với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài chỉ cho phép hàng đệ tử xuất gia ăn mỗi ngày một bữa đồng thời rèn luyện thân thể bằng cách đi bộ khất thực hàng ngày. Với chế độ ăn uống và thể dục hợp lý cộng với việc nỗ lực rèn luyện tinh thần bằng thiền định, những người đệ tử Phật dễ dàng phát triển trí tuệ, đạt được Thánh quả.

Truyền thống ăn chay của Phật giáo, ngoài việc nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi còn là liệu pháp dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe, nhất là phương diện bổ dưỡng và tinh khiết. Khoa học về dinh dưỡng và trị liệu đã chứng minh cụ thể điều ấy. Ứng dụng và thực hành theo lời dạy của Thế Tôn, hiện nay vấn đề ăn chay và đi bộ đang trở thành thời thượng, được áp dụng rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ và các nước Tây phương.

Ở nước ta, tuy bệnh béo phì do ăn uống quá độ chưa trở thành vấn nạn của xã hội nhưng dấu hiệu của vấn đề đã xuất hiện ở các đô thị, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, thiếu nhi và một bộ phận nam giới (uống nhiều rượu bia). Noi gương vua Pasenadi, những người con Phật phải biết kham nhẫn, tiết độ và chừng mực trong ăn uống, thực hành ăn chay để thân thể được gọn gàng, tráng kiện đồng thời giúp cho tinh thần sáng suốt, minh mẫn. Đó cũng là cách tốt nhất để phát triển từ tâm, nâng cao tuổi thọ, giảm thiểu bệnh tật và là phương châm sống theo lời Phật dạy.

____________ (*) Đại tạng kinh Việt Nam (**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Trích “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya” HT. Thích Quảng Tánh Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo) Nguồn : Source link

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 38

Post Views: 585