CN0109.Những câu chuyện loài vật vãng sinh ( sáo niệm Phật đời Đường )

CN0109.Những câu chuyện loài vật vãng sinh ( sáo niệm Phật đời Đường )

Những câu chuyện loài vật vãng sinh

http://daibaothapmandalataythien.org/nhung-cau-chuyen-loai-vat-niem-phat-vang-sinh

Khi còn là một vị Bồ tát, Đức Phật A Di Đà đã phát 48 lời thệ nguyện, đại ý rằng: “Nguyện khi con thành Phật có thể cứu độ tất cả các chúng sinh đau khổ, đặc biệt tiếp dẫn các hương linh được sinh về cõi Tịnh độ của con và không còn phải chịu một chút khổ đau nào. Các hương linh nếu chí thành phát nguyện sẽ được đới nghiệp vãng sinh, không cần trải qua các ngôi vị tu chứng. Chỉ cần nhớ và niệm danh hiệu của con với tâm chí thành tha thiết cầu vãng sinh Tịnh độ thì tất cả đều có thể giải thoát về cõi Tây phương Cực lạc”. Nay Ngài đã thành Phật, bốn mươi tám đại nguyện của Ngài đã thành sự thật, cõi Tịnh độ của Ngài đã thực sự thành tựu ở Tây phương. Cõi Tịnh độ của Ngài thực sự dành cho tất cả chúng sinh không phân biệt, những kẻ lầm đường, lạc lối.

Rồng vãng sinh

Kinh Bồ Tát xử thai chép rằng: “Có một con rồng nói với chim kim sí rằng: ‘Ta từ khi thọ sinh làm thân rồng, chưa từng giết hại, quấy nhiễu các loài sống trong nước. Sau khi ta mạng chung, sẽ sinh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà”.

Chim vẹt vãng sinh

Vào đời Đường, trong khoảng niên hiệu Trinh Nguyên, nhà họ Bùi ở Hà Đông có nuôi một con chim vẹt, dạy cho biết nói, thường niệm Phật, quá giờ ngọ không chịu ăn. Khi lâm chung, chim niệm Phật đủ mười niệm thì tắt hơi. Lúc hỏa thiêu tìm thấy hơn chục viên xá-lợi, ánh sáng rực rỡ chói mắt.

Đại sư Tuệ Quán liền xây tháp cho chim, Doãn Vi Cao ở kinh thành viết bài bia ký.

Chim sáo vãng sinh

Vào đời Tống, Quán Công nơi chùa Chánh Đẳng ở Hoàng Nham nuôi một con chim sáo, dạy nói được tiếng người. Chim thường niệm Phật không thôi.

Một hôm, chim đứng chết trong lồng. Quán Công đào huyệt mai táng. Không lâu sau, từ đầu lưỡi chim mọc lên một đóa hoa sen màu đỏ tía.

Đàm Châu cũng có người nuôi một con sáo, biết nói, thường niệm Phật. Sau khi sáo chết, người ấy cũng đóng quan tài mai táng như người. Bỗng thấy nơi mộ phần mọc lên một đóa hoa sen, tìm xuống tận gốc thì thấy hoa sen ấy mọc ra từ miệng chim.

Đại sư Liên Trì nói rằng: “Chim vẹt, chim sáo, người dạy cho biết niệm Phật cũng là chuyện thường tình. Sao ngày nay không thấy chim vãng sinh nữa? Than ôi, cũng giống như người đời, cùng được nghe lời dạy niệm Phật, nhưng có người niệm với tâm thành tín, có người niệm với tâm dể duôi, xem thường. Vì thế nên người niệm Phật thì nhiều, người vãng sinh rất ít. Đối với chim vẹt, chim sáo, nào có khác gì đâu?”.

Nên biết rằng sáo chỉ là loài cầm thú, nhân học theo lời Tăng, niệm Phật còn được vãng sinh, lưỡi sinh hoa sen, đó đủ để chứng minh. Và chúng ta là con người, là vật tối linh của vạn vật, nếu không phát tâm niệm Phật thì chưa khỏi trên phụ ân Phật, dưới phụ tánh linh của mình. Cho nên La trạng nguyên nói: “Muôn vật trên đời đều mộng huyễn, chi bằng hãy sớm niệm Di Ðà”.

(Lược trích: “Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ”)

Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ

Chu An Sỹ – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

NXB Tôn giáo, 2016)

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 64

Post Views: 424