Cuộc đời của Nick là cuộc phiêu lưu liên tục sang những trang mới. Để giờ đây chúng ta nhìn anh và nói với nhau rằng: “Hãy sống như Nick Vujicic”

Từ ngày 22-5, chàng trai không tay chân Nick Vujicic bắt đầu chuyến giao lưu, nói chuyện tại Việt Nam. Cuộc sống không giới hạn, Hãy sống như Nick, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng…Đó là những cụm từ gắn liền với người đã vượt qua số phận nghiệt ngã một cách kỳ diệu này.

Mắc phải hội chứng rối loạn gien cực hiếm tetra-amelia, chàng trai người Úc gốc Serbia Nick Vujicic sinh ra không có chân lẫn tay. Hoàn cảnh nghiệt ngã nhiều lúc tưởng như đã nhấn chìm chàng trai bất hạnh nhưng rồi tình yêu thương của gia đình và nghị lực, khát vọng mãnh liệt đã giúp anh vượt qua tất cả.

 

Sốc, sợ hãi và ác mộng

Đứa con đầu lòng chào đời luôn mang đến niềm hạnh phúc vô biên cho bất kỳ gia đình nào. Song, khoảnh khắc Nick ra đời vào năm 1982 đã khiến cha mẹ anh hết sức đau khổ. Thật ra, Nick vẫn có 2 bàn chân nhưng bé xíu. Trong đó, bàn chân trái chỉ có 2 ngón dính nhau, sau này được phẫu thuật tách ra đã giúp anh vô số việc hữu ích.

Trong tự truyện Cuộc sống không giới hạn, Nick cho biết suốt thời gian mang thai anh, dù thường xuyên tìm đến các bác sĩ giỏi để khám, siêu âm nhưng bà Dushka không nhận được cảnh báo bất thường nào. Thế nên, khi nhìn thấy hình hài dị biệt của Nick lúc mới lọt lòng mẹ, bà Dushka không chịu đựng nổi, thậm chí còn không muốn bế đứa con trai tật nguyền vào lòng. Cha anh, ông Boris, bị sốc đến mức không thể thốt ra được lời nào.

Nick hiểu rằng từ sâu thẳm trong tim, tình yêu thương của cha mẹ dành cho anh vẫn vô bờ bến. Chỉ có điều, phải đột ngột đối mặt với sự thật phũ phàng thật quá khó khăn và tàn nhẫn, nhất là khi cả hai không có thời gian chuẩn bị tâm lý.

Sau này, cha mẹ Nick không hề giấu giếm với con trai nỗi sợ hãi và những cơn ác mộng luôn đè nặng lên cuộc sống của họ sau khi anh chào đời. Mẹ Nick luôn lo sợ không đủ khả năng chăm sóc đứa con tật nguyền, còn cha anh chỉ thấy tương lai mờ mịt đang đợi đứa trẻ và không biết mai này con trai sẽ sống ra sao.

Ông bà Boris đã cẩn thận cân nhắc mọi lựa chọn có thể. Với một đức tin mạnh mẽ, họ quyết tâm nuôi dưỡng cậu con trai tật nguyền trở thành “một người bình thường hết mức có thể”.

Cậu bé Nick Vujicic lớn lên hồn nhiên, vô tư, chưa nhận ra sự khác biệt cơ thể của mình với bạn bè và cũng không ý thức được chặng đường phía trước khó khăn như thế nào. Bác sĩ đã khuyên cha mẹ Nick nên để cậu bé chơi chung với những đứa trẻ khuyết tật. Ông bà Boris không đồng tình, họ luôn giữ một niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng cuộc sống không có giới hạn và không có bất kỳ rào cản nào cho con trai mình.

“Mẹ nói với tôi: “Con cần phải chơi với những đứa trẻ bình thường vì con là một đứa trẻ bình thường. Con chỉ khiếm khuyết về thân thể một chút. Chỉ thế thôi”. Bà không muốn tôi thu mình trong cái kén cô đơn và bất an vì khác biệt hình thể so với mọi người” – Nick kể.

Từ bỏ ý định tự tử

Mọi chuyện không hề suôn sẻ khi Nick đến tuổi đến trường. Cha mẹ cậu phải cố gắng vận động để con trai được học tập tại một ngôi trường tiểu học bình thường, thay vì ở nơi dành cho trẻ đặc biệt. Họ đã thành công khi Nick trở thành một trong những trẻ em khuyết tật đầu tiên ở Úc được hòa nhập hệ thống trường học cho trẻ bình thường.

Tuy nhiên, khuyết tật tứ chi của Nick nhanh chóng khiến cậu trở thành mục tiêu châm chọc của chúng bạn trong trường. Nick rơi vào chuỗi tháng ngày thất vọng triền miên. Những thay đổi suy nghĩ ở tuổi đang lớn khiến cậu không khỏi rơi vào tâm trạng buồn tủi.

“Tôi buồn vì bất lực trước những việc đơn giản như lấy ly soda từ tủ lạnh hay tự ăn cơm – điều quá đơn giản với người khác nhưng tôi lại không thể làm được. Nghĩ về những vấn đề lớn hơn như liệu có tìm được một người vợ thật sự yêu thương mình, làm sao mình có thể cho cô ấy những đứa con… khiến tôi càng chán nản” – Nick hồi tưởng.

Năm gần 11 tuổi, Nick quyết tự tử để chấm dứt mọi đau khổ. Nhờ quá trình học bơi, cậu có thể giữ cơ thể nằm ngửa nổi trên mặt nước bằng cách hít đầy không khí vào phổi. Với những suy nghĩ u ám dồn nén, một hôm, Nick quyết định lật úp người xuống để chết đuối trong bồn tắm. Tuy nhiên, ngay khoảnh khắc đếm ngược để đến với tử thần, hình ảnh những người thân yêu khóc than đau đớn thoáng hiện trong đầu cậu. “Không thể chịu đựng nổi ý nghĩ bỏ lại người thân và nhận ra sự ích kỷ của mình, tôi lại lật ngửa người lên để hít thở” – Nick nhớ lại.

Tuy vậy, ý nghĩ tự tử chưa rời bỏ Nick bởi tổn thương về tinh thần đối với cậu luôn quá sức chịu đựng. Nick thổ lộ với em trai Aaron rằng mình sẽ tự vẫn vào năm 21 tuổi nhưng rồi những lời này nhanh chóng đến tai ông Boris. “Ông đến bên giường tôi, vuốt tóc và quả quyết: “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Cha hứa rằng cha mẹ sẽ luôn bên con, giúp đỡ con. Con sẽ ổn, con trai ạ”. Những lời ấm áp đầy yêu thương ấy đã xoa dịu tâm trí hỗn độn của tôi. Từ đó, tôi không còn ý định  tự vẫn nữa”- Nick thổ lộ.

Cuộc đời của Nick là cuộc phiêu lưu liên tục sang những trang mới. Nếu ngày ấy, anh để mặc cơ thể chìm xuống bồn tắm thì sau này, chúng ta đã không được chứng kiến hình ảnh chàng trai không tay chân vui vẻ lướt sóng, bơi lội với rùa biển hay hăng say đi khắp thế giới chia sẻ chuyện đời, niềm tin, khát vọng và nghị lực vượt qua số phận nghiệt ngã của mình với bao mảnh đời bất hạnh.

Chương trình của Nick Vujicic ở Việt Nam

Việc đưa một nhân vật đặc biệt như Nick Vujicic đến Việt Nam không đơn giản. Tập đoàn Hoa Sen phối hợp với VTV và First News tổ chức sự kiện này, trong đó Hoa Sen là nhà tài trợ chính. Cho đến nay Hoa Sen đã chi gần 32 tỉ đồng cho sự kiện này.

Hành trình cụ thể của Nick Vujicic như sau: 16 giờ ngày 22-5, Nick đến Việt Nam. 19 giờ 30 phút ngày 22-5, Nick giao lưu trong chương trình “Hạt giống tâm hồn” ở TPHCM. Sáng 23-5, Nick giao lưu cùng hơn 4.000 doanh nhân tại White Palace (TPHCM). Tối 23-5, Nick bay ra Hà Nội giao lưu với sinh viên Hà Nội trong chương trình “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” tại Sân vận động Mỹ Đình. Sáng 24-5, Nick giao lưu cùng các doanh nhân Hà Nội tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. 13 giờ cùng ngày Nick gặp gỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em Hà Nội. Sáng 25-5, Nick đá quả bóng khai mạc giải Bóng đá Fusal “Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” do Báo Công An TPHCM tổ chức, sau đó giao lưu với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tối 25-5, Nick giao lưu với hơn 10.000 sinh viên TPHCM tại Sân vận động Thống Nhất. Ngoài ra, Nick còn tham gia một số chương trình truyền hình khác. Sáng 26-5, Nick dạo phố TPHCM. Chiều 26-5, Nick đi Campuchia, kết thúc hành trình ở Việt Nam.

 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Cẩm nang cuộc sống – Tâm học 2022 là cuốn sách Online chia sẻ , tóm lược các bài viết lời dạy , kinh nghiệm đúc kết mà Tâm học cảm thấy cần thiết trong đời sống con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng.

Hits: 21

Post Views: 358