Cách đây vài năm thì Tâm Học có chia sẻ 2 bai về tình yêu hôn nhân https://tamhoc.org/2022/02/17/tong-hop-nhung-hieu-biet-cua-tamhoc-org-ve-gioi-tinh-tinh-yeu-hon-nhan-p2/… Nay cái thấy , quan điểm của Tâm học có được nâng cấp hoặc khác so với trước.
Bài viết có sử dụng kiến thức đời sống do trải nghiệm , do học từ người khác, do xem phim, đọc báo , truyện … hoặc cả từ những lời dạy của Đức Phật được ghi chép trong kinh điển (Nikaya và A Hàm ) . Tuy nhiên cho dù vậy đó vẫn là quan điểm , người đọc cần cân nhắc , xem xét kỹ đúng sai .
Phần nhiều những bài viết liên quan đến tình yêu nam nữ do Tâm học viết thường có phần trấn cấu , có thể bị gợi dục ( những vị nào cần giữ giới thanh tịnh thì không nên xem.. Hơn nữa ngôn từ có sử dụng nhiều về phần “đời” hơn , phù hợp với người tại gia kể cả theo đạo Phật hoặc không.
Lý do chính vừa là hệ thống lại , vừa chia sẻ quan điểm vì thấy trên mạng internet dạy nhiều cái về tình yêu sai lệch , gây đau khổ hơn ( có thể có đạo lý nhưng k ai áp dụng được gây đau khổ hơn , k đúng với số đông , gây ra 1 cuộc đời nát bét ) . Tâm Học k thuộc tổ chức tôn giáo , k phải chùa, cũng k phải tu sĩ, chỉ là người đi đang đi và trải nghiệm thế gian.
Bài viết đang được hệ thống lại
Những phần copy lại từ lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn không khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Không có nhan sắc, không có tài sản, không có giới hạnh, lười biếng và không có khả năng sinh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn không khả ý đối với nữ nhân.
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, không biếng nhác và có khả năng sinh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm Trung lược, phần Khả ý, không khả ý, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.384)
LỜI BÀN:
Làm người, ai cũng mong muốn tự hoàn thiện mình, nhất là các đấng mày râu, tự cho mình là phái mạnh thì phải luôn phấn đấu giữ gìn “nam nhi chi chí” để xứng đáng là bậc trượng phu. Cũng không khác biệt gì mấy so với đàn bà, đàn ông luôn khát vọng, mơ ước trở thành trung tâm chú ý của chị em, đặc biệt là mong muốn làm đẹp lòng ý trung nhân của mình.
Dù rất cố gắng nhưng không phải ai trong cánh đàn ông cũng biết làm hài lòng phụ nữ, nhất là những người mình rất mực yêu thương. Đó cũng chính là nguyên nhân của những đổ vỡ, mất mát và tang thương của không ít đàn ông phải gánh chịu trong cuộc đời này.
Một người đàn ông lý tưởng, khả ý đối với phụ nữ, theo tuệ giác của Thế Tôn phải hội đủ năm tiêu chuẩn, đó là: Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, không biếng nhác và có khả năng sinh con. Đây là năm điều kiện cần và đủ để trở thành người chồng, người cha tốt. Nếu thiếu một trong năm điều kiện này thì đàn ông trước nên tự trách mình trước những biến cố, tan vỡ, bất hạnh của bản thân và gia đình.
Trong xu thế bình đẳng giữa vợ chồng, nam nữ của xã hội hiện đại, khi mà người vợ có khả năng tự lập cao, không còn phụ thuộc nhiều vào người chồng thì đàn ông hơn lúc nào hết phải thực sự chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình. Nỗ lực hoàn thiện mình nhằm làm đẹp lòng phụ nữ để được họ mãi yêu thương, luôn kính trọng, sắt son chung thủy đồng thời đó cũng là cách thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và sự tôn vinh của đàn ông đối với phụ nữ.
Một trong những đức tính cao đẹp của phụ nữ là sẵn sàng hy sinh tất cả vì chồng con, vì gia đình nếu họ được thương, được hiểu và được đẹp lòng. Vì thế, đàn ông phải luôn phấn đấu, tự kiện toàn để trở thành người đàn ông lý tưởng. Hạnh phúc gia đình do chính các thành viên trong gia đình ấy tự xây dựng nên. Do vậy, làm một người chồng, người cha tốt và luôn được mọi người yêu mến là mục tiêu phấn đấu của những nam cư sĩ.L
Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ kheo, có ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sinh và liệt sanh.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người con trai ưu sanh? Ở đây, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sinh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con trai của họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người con trai tùy sanh? Ở đây, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp. Người con trai của họ cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp. Và người con trai của họ không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sinh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 3, phẩm 3, Nxb TP.HCM, 1999, tr.383)
LỜI BÀN:
Ngày nay, sinh con trai hay con gái không là vấn đề vì nếu có đầy đủ phước duyên thì sinh con nào cũng tốt đẹp cả. Bởi ngay cả khi sinh được con trai thì chưa hẳn người con trai ấy đem đến hạnh phúc, an vui cho gia đình vì con trai có đến ba hạng, nếu sinh con trai là hạng liệt sinh thì chắc chắn sẽ không hạnh phúc.
Khi con cái có những ngỗ nghịch, các bậc cha mẹ thường tự an ủi với quan niệm cha mẹ sinh con nhưng trời sinh tánh. Thực ra, trời không sinh tánh mà chính là biệt nghiệp của cậu trai và cộng nghiệp của gia đình. Duyên nghiệp quá khứ ràng buộc, đưa đẩy để hiện đời làm quyến thuộc của nhau, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt nghiệp báo của cả gia đình.
May mắn và phước đức cho những gia đình nào có con hơn cha, con trai thuộc hạng ưu sanh. Hạnh phúc và bình an cho những gia đình có con bằng cha, con trai của họ thuộc hạng tùy sanh. Bất hạnh và tủi nhục cho những gia đình con thua cha, có con trai thuộc hạng liệt sanh.
Những ai mong muốn sinh con trai thuộc hạng ưu sanh và tùy sanh thì phải nỗ lực chuyển hóa nghiệp lực của chính mình. Tu tập để tạo ra cộng nghiệp tốt đẹp cho cả gia đình nhằm tránh quả báo con trai rơi vào hạng liệt sinh là điều cần làm đối với tất cả những người con Phật.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Vua Pasenadi nước Kosala đi đến, sau khi đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
Rồi một người đi đến vua Pasenadi báo tin kề bên tai nhà vua: Thưa Đại vương, hoàng hậu Mallikà đã hạ sinh được một người con gái.
Khi được nghe như vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.
Sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy Thế Tôn nói lên bài kệ: Này Nhân chủ, ở đời/Có một số thiếu nữ/Có thể tốt đẹp hơn/So sánh với con trai/Có trí tuệ, giới đức/Khiến nhạc mẫu thán phục/ Rồi sinh được con trai/Là anh hùng, quốc chủ/Người con trai như vậy/Của người vợ hiền đức/Thật xứng là Đạo sư/ Giáo giới cho toàn quốc.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Người con gái, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.193)
LỜI BÀN:
“Con nào cũng là con” hoặc “trai hay gái không thành vấn đề” là câu nói gần như cửa miệng của mọi người sống trong xã hội văn minh, dân chủ và bình đẳng ngày nay. Thế nhưng quan niệm ấy được nêu lên cách nay hơn 25 thế kỷ trong xã hội Ấn Độ cổ đại, khi mà nữ giới được xem như “ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục” và “sinh con gái là thêm một trở ngại, một bất hạnh trong gia đình” quả là một tuyên ngôn sấm sét, vĩ đại và tiên phong nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại về cải cách xã hội, quyền bình đẳng nam nữ.
Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài đánh giá nhân cách một con người tốt hay xấu, hữu dụng hay vô dụng hoàn toàn không dựa vào giới tính, địa vị, giai cấp hoặc chủng tộc mà tùy thuộc vào nghiệp lực (nghiệp cũ và mới) của chính cá nhân ấy. Do vậy, dù là con trai hay con gái, nam hoặc nữ nếu mang một nghiệp cũ tốt đồng thời biết tích lũy, trau giồi và phát triển thiện nghiệp của mình trong hiện tại thì chắc chắn sẽ trở thành một người tốt, hữu ích cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Không chỉ ở phương diện xã hội, về khả năng tu tập giải thoát, quan điểm của Thế Tôn đối với nữ giới cực kỳ khoáng đạt và chân xác. Ngài tuyên bố rằng giới tính không phải là trở ngại chính cho việc thanh lọc thân tâm, nếu được tu tập trong Chánh pháp đầy đủ kỷ cương, giới luật thì hàng nữ lưu vẫn chứng đắc Thánh quả. Sự hình thành giáo hội Tỷ kheo ni và các vị Thánh đệ tử Ni đã xác chứng điều ấy.
Sinh một người con gái có trí tuệ và giới đức có thể tốt hơn con trai, lời dạy của Thế Tôn đã làm rúng động xã hội Ấn Độ, vang vọng khắp thế giới, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và tác dụng, nhất là ở những quốc gia còn mang nặng âm hưởng của tàn dư phong kiến, trọng nam khinh nữ. Người Phật tử nhận thức sâu sắc về lời Phật dạy, giáo dưỡng và thương yêu con cái trong tinh thần bình đẳng, quan tâm đến việc tác thành cho con cái giới đức và trí tuệ để trở thành người con ngoan hiền, hiếu thảo là hành động thiết thực của các bậc phụ mẫu, đệ tử Phật.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với tám hình tướng. Thế nào là tám?
Nữ nhân trói buộc nam nhân với nhan sắc; nữ nhân trói buộc nam nhân với tiếng cười; nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói; nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca; nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt; nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần; nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng; nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm.
Này các Tỷ kheo, nam nhân cũng trói buộc nữ nhân với tám hình tướng tương tự như thế.
Với tám hình tướng này, này các Tỷ kheo, nam nữ trói buộc lẫn nhau. Các loài hữu tình bị trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như bị trói buộc bởi bẫy sập.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Sự trói buộc của nữ nhân, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.555)
LỜI BÀN:
Do nghiệp lực, nên mỗi loài chúng sinh đều được phân chia thành hai phái tính, có hấp lực thu hút lẫn nhau để tự sinh tồn. Loài người cũng vậy, luyến ái giữa nam và nữ là bản chất của con người và trở thành một trong những vấn đề trọng đại của cả đời người.
Kinh nghiệm dân gian cho rằng “gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt” hay “gái ham tài, trai ham sắc” nhưng thực tế thì sự luyến ái nam nữ xảy ra không chỉ giới hạn ở đó mà trải rộng trên tám phương diện. Từ nhan sắc cho đến lời nói; từ lời ca, tiếng hát cho đến trang phục; từ quà tặng cho đến xúc chạm thân thể; thậm chí cả tiếng cười và nước mắt, tất cả đều là những tác nhân tạo ra hấp lực hình thành nên sự yêu thương, luyến ái lẫn nhau.
Tất nhiên, căn nguyên sâu xa của sự thương yêu, trói buộc lẫn nhau giữa nam nữ là lòng ái dục. Sự tự nguyện trói buộc, luyến ái lẫn nhau sẽ đạt đến đỉnh cao nếu được hỗ trợ đầy đủ các điều kiện như trên. Nắm vững nguyên tắc này, con người hiện đại biết khai thác và tận dụng triệt để những lợi thế mà mình có, để biến mình luôn luôn là “cạm bẫy” cho bất cứ đối tượng khác phái nào.
Đối với người xuất gia, phát nguyện sống đời phạm hạnh, ly dục thì nhờ nắm vững nhân duyên của sự trói buộc, luyến ái nam nữ nên dễ dàng tránh duyên. Nhờ đó, người khéo tu biết tiềm ẩn những lợi thế của mình và giữ được tự chủ, không bị lung lạc trước lợi thế của người nên viên thành phạm hạnh.
Riêng hàng Phật tử tại gia, vì đã tự nguyện trói buộc lẫn nhau nên cần phát huy hơn nữa mọi lợi thế của mình để gắn bó, thương yêu nhau trong suốt cuộc đời. Tự chăm sóc mình và chăm sóc người bạn đời để mãi mãi “trói buộc” nhau, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc là điều cần làm theo lời Phật dạy.L
Một thời, Thế Tôn ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn, dạy các Tỷ kheo:
Thấy năm điều này, này các Tỷ kheo, mẹ cha muốn con trai sinh trong gia đình. Thế nào là năm? Được giúp đỡ, sẽ giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta; sẽ duy trì lâu dài truyền thống gia đình; sẽ tiếp tục di sản thừa hưởng; sẽ cúng dường hiến vật cho các hương linh bị mệnh chung.
Do thấy năm điểm này, này các Tỷ kheo, mẹ cha muốn con trai sinh trong gia đình.
Do thấy năm sự việc/Bậc trí muốn con trai/Được giúp, giúp ta lại/Sẽ làm việc cho ta/Sẽ duy trì lâu dài/Truyền thống của gia đình/Sẽ tiếp tục gìn giữ/Gia sản được thừa hưởng/Hay đối với hương linh/Hiến dâng các vật cúng/Do thấy sự việc ấy/Bậc trí muốn con trai/Bậc Hiền thiện, Chân nhân/Nhớ ơn, biết trả ơn/Nhớ đến việc làm xưa/Họ hiếu dưỡng mẹ cha/Họ làm mọi công việc/Như trước làm cho họ/Thực hiện lời giảng dạy/Được giúp, hiếu dưỡng lại/Với truyền thống gia đình/Duy trì được lâu dài/Đầy đủ tín và giới/Con trai được tán thán.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Con trai, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.371)
LỜI BÀN:
Người xưa rất coi trọng vấn đề sinh được con trai. Họ quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nghĩa là sinh mười người con gái cũng là số không, vì con gái là con người ta, con trai mới là con của mình.
Đàn ông, con trai được chú trọng vì họ có sức mạnh để có thể lao động, săn bắt, chiến đấu với kẻ thù, giúp đỡ và phụng dưỡng những người thân, giữ gìn truyền thống gia tộc, nối dõi tông đường, kế thừa tài sản và nhất là cúng kính ông bà tổ tiên.
Tuy vậy, không phải người đàn ông, con trai nào cũng gương mẫu, có trách nhiệm, hội đủ các đức tính tốt đẹp kể trên. Nếu không được nuôi dưỡng và giáo dục đến nơi đến chốn đồng thời bản thân người ấy không tự rèn luyện, nỗ lực đoạn trừ những điều xấu ác để thăng hoa đến hoàn thiện thì dù có sinh mười người con trai như vậy cũng chẳng ích gì.
Trong khi có những gia đình sinh con gái nhưng nhờ khéo nuôi dạy trở nên ngoan hiền, hiếu nghĩa. Như vậy, vấn đề không phải là sinh con trai hay con gái mà quan trọng là sự giáo dưỡng thế nào để con cái trở nên hiếu thuận, có ích cho bản thân, gia đình và cuộc đời.
Trong bối cảnh hiện nay, con trai hay con gái đều có thể học tập, lao động, có trách nhiệm với gia đình và cống hiến cho xã hội như nhau nên quan niệm “con nào cũng là con” trở nên phổ biến. Đây là một tuệ giác, bởi phước báo gia đình cùng với sự tận tâm giáo dưỡng của cha mẹ sẽ un đúc nên tinh thần trách nhiệm, đạo đức, ngoan hiền, hiếu thuận cho con, dù cho đó là con trai hay con gái.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha đi đến đảnh lễ, mời Thế Tôn về nhà thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Uggaha cùng gia quyến bạch Thế Tôn:
Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng, hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc.
Rồi Thế Tôn nói với những người con gái ấy: Này các thiếu nữ, các con hãy học tập như sau:
Đối với người chồng, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, đối với vị ấy, các con hãy thức dậy trước, đi ngủ sau cùng, vui lòng làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương.
Những ai, chồng các con kính trọng như cha, mẹ, Sa môn, Bà la môn thì các con hãy tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường.
Phàm những công việc trong nhà, các con phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.
Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người làm công, các con phải biết công việc của họ đã làm; những thiếu sót của họ với công việc không làm. Phải biết tình trạng sức khỏe của những người đau bệnh; phân chia thực phẩm cho mỗi người.
Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc vàng do người chồng mang về, các con phải phòng hộ và bảo vệ chúng, giữ gìn để khỏi bị ăn trộm, ăn cắp và bị phá hoại.
Này các thiếu nữ, đây là những điều các con cần phải học tập để được hạnh phúc, an vui.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, phẩm Sumana, phần Uggaha – người gia chủ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.358)
LỜI BÀN:
Tri thức là hành trang đi vào cuộc sống. Do vậy, mỗi người phải tự trang bị, cập nhật những tri thức cần thiết để xây dựng hạnh phúc, an vui cho chính mình. Trước thềm hôn nhân, người con gái với những hiểu biết về đời sống, công việc và các mối quan hệ gia đình chồng là điều tối cần thiết.
Trở thành người vợ tốt của chồng, con dâu hiếu thảo của cha mẹ chồng và là người mẹ hiền của con cái là khát vọng, mơ ước của tất cả những người thiếu nữ. Song, để ước mơ cao cả mà giản dị ấy trở thành hiện thực là điều không phải dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực học hỏi, hiểu và thương thật sự, đồng thời phải phấn đấu và khắc phục những sai sót một cách thường xuyên, bền bỉ, liên tục trong cuộc sống.
Mặc dù những chuẩn mực về một người vợ lý tưởng đa phần không giống nhau, tùy thuộc vào thời đại, những nền văn hóa, tập quán, phong tục và quan niệm cá nhân của mỗi người. Mặt khác, vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày nay đã khác xưa. Tuy nhiên, những tiêu chí về người con dâu hiếu thảo, người vợ tốt và người mẹ hiền mà Thế Tôn đã thiết lập để xây dựng hạnh phúc hôn nhân cho hàng Phật tử đến nay vẫn còn nguyên vẹn chân giá trị, có tác dụng tích cực để xây đắp hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, không chỉ riêng tự thân của những người thiếu nữ tự trang bị cho mình kiến thức về hôn nhân mà những bậc cha mẹ phải quan tâm đến tương lai của con cái. Noi gương gia chủ Uggaha, các bậc cha mẹ không nên phó mặc mà phải tham gia tích cực vào việc định hướng, giáo dục con cái. Trong xu thế thực dụng như hiện nay thì việc học tập theo những di huấn của Thế Tôn để xây dựng hạnh phúc gia đình đồng thời giữ gìn những bản sắc cao đẹp của người phụ nữ dân tộc như đoan chính, trung hậu và đảm đang là điều cần làm.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm. Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm đau khổ riêng biệt mà người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ kheo, người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ nhất, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà có kinh nguyệt. Đây là đau khổ riêng biệt thứ hai, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà phải mang thai. Đây là đau khổ riêng biệt thứ ba, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà phải sinh con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ tư, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà hầu hạ đàn ông. Đây là đau khổ riêng biệt thứ năm, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Này các Tỷ kheo, đây là năm đau khổ riêng biệt, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm Trung lược, phần Đặc thù, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.384)
LỜI BÀN:
Đã mang thân phận con người, tất nhiên ai cũng có khổ đau. Nhưng người phụ nữ, vì nghiệp giới tính phải mang thiên chức làm mẹ nên có cấu trúc tâm sinh lý đặc thù, làm phái yếu và dĩ nhiên có những đau khổ riêng khác biệt với phái mạnh, đàn ông.
Đề cập đến những nỗi đau thầm kín, riêng tư của phụ nữ để hiểu, thông cảm và yêu thương họ là một cử chỉ tôn vinh và trân trọng. Một trong những nhu yếu quan trọng của con người là được hiểu, nhất là đối với phái yếu thì nhu cầu này tối cần. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới trong mọi phương diện. Song, những giới hạn về nghiệp giới tính làm cho người phụ nữ không thể bình đẳng thực sự với nam giới và nam giới dù cho yêu thương phụ nữ đến mấy cũng không chia sẻ được, điển hình trong những bực bội, phiền toái dằng dặc mỗi tháng; sự nặng nề, mệt mỏi lúc mang thai; nỗi đau và hiểm nguy vượt cạn lúc sinh nở.
Ngày nay, xu thế giải phóng phụ nữ, bình đẳng xã hội đạt đến đỉnh cao. Vì thế, đa phần phụ nữ thoát khỏi hai nỗi đau riêng là về nhà chồng khi tuổi còn trẻ, không có người thân và hầu hạ đàn ông. Tuy nhiên, nỗ lực của một vài nhà khoa học và một số chị em ở các nước phát triển muốn giải phóng luôn cả thiên chức của người phụ nữ là một sai lầm lớn. Vì một người phụ nữ nếu không có kinh nguyệt, không mang thai và không sinh con sẽ không còn là phái yếu, phái đẹp mà thậm chí cũng chẳng phải là đàn bà nữa.
Hiểu để thông cảm và yêu thương người bạn đời của mình hơn là nhiệm vụ của người nam cư sĩ sống theo lời Phật dạy. Người phụ nữ cũng cần hiểu mình hơn, đặc biệt là ý thức rõ ràng về nghiệp giới tính của phái nữ để tự hoàn thiện mình, xứng đáng là phái đẹp.L
Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, dạy các Tỷ kheo:
Ví như, này các Tỷ kheo, người vợ trẻ trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng cho đến các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng và cả với chồng: Hãy đi đi, các người có biết được gì.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo, trong đêm hay ngày được xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ cho đến trước cả Sa di và những người làm vườn. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, vị ấy có thể nói với thầy A xà lê, thầy Giáo thọ: Hãy đi đi, các người có thể biết được gì.
Do vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập như sau: Ta sẽ sống với tâm của người vợ trẻ khi mới về nhà chồng. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là điều cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Không hý luận, phần Người vợ trẻ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.702)
LỜI BÀN:
Trong vai trò và phận sự làm vợ, làm dâu, có lẽ đẹp nhất và dễ thương nhất là lúc nàng dâu mới được đưa về nhà chồng. Chuyến đò vu quy đưa nàng dâu về bến lạ với nhiều nỗi buồn vui lẫn lộn. Hiện hữu và hòa nhập trong một gia đình hoàn toàn xa lạ là một thử thách lớn. Vì thế, nàng dâu mới lúc nào cũng rụt rè, e thẹn, khép nép và khiêm cung. Nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ từ hòa, kính trên nhường dưới, siêng năng chăm chỉ cho đến đi thưa về trình, nhất nhất đều lễ phép, hiền thục. Chính mang tâm niệm này, nàng dâu đã thể hiện trọn vẹn nét đẹp đoan trang, thùy mị, thục nữ.
Sau một thời gian chung sống, quen người và quen việc rồi thì nàng dâu hiền thục kia không còn ý tứ và lần lượt xuất hiện những tính cách thô tháo vốn ẩn tàng trong bản chất của mình. Không những thô tháo, thậm chí có lúc hỗn hào với chồng và vô lễ với cha mẹ chồng. Giờ đây, trong mắt mọi người và cả chính nàng, nàng không còn đẹp và dễ thương nữa.
Người xuất gia cũng vậy, sơ tâm thật trong trắng và đẹp đẽ. Những ngày mới xuất gia, nhìn đâu cũng thấy Phật và Bồ tát. Tiếc rằng, ngày tháng thoi đưa, “nhất niên Phật hiện tiền, nhị niên Phật thăng thiên” để rồi ngẩn ngơ tiếc nuối cái sơ tâm ngày ấy. Thực ra, cái tâm ban đầu trinh nguyên ấy không mất, nó vẫn ẩn tàng trong tâm khảm mọi người. Có điều, cuộc sống với bao hiện thực trần trụi đã làm nó chai lì, héo úa và cằn cỗi. Chính điều này đã làm suy giảm niềm tịnh tín, dễ dàng tăng trưởng tự ngã dẫn đến bất kính và thối thất.
Người đệ tử Phật phải luôn chánh niệm để biết rõ tự thân của mình. Sống với đức khiêm hạ, tâm trong sáng, ý hiền thiện và thận trọng trong hành xử cũng như mọi việc làm. Sống với tâm của người vợ trẻ khi mới về nhà chồng là bí quyết để tồn tại và được trưởng dưỡng trong Chánh pháp.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại lâu đài của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên, Thế Tôn nói với Visàkhà:
Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Đời này rơi vào trong tầm tay của nàng. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản.
Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Đời này rơi vào trong tầm tay của nàng.
Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào tay của nàng. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào trong tầm tay của nàng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Ngày trai giới, phần Ở đời này [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.644)
LỜI BÀN:
Một phụ nữ được xem là thành công trong cuộc đời, ngoài hạnh phúc của chính bản thân còn là niềm vui, sự tự hào cho chồng con và cả gia đình. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vô cùng quan trọng, vì thế, hầu như bất cứ người phụ nữ nào cũng phấn đấu để tự hoàn thiện mình, hướng đến sự thành công.
Theo quan điểm của Thế Tôn, một phụ nữ thành công trước hết phải có khả năng khéo làm các công việc. Ngoài công việc nhà, người phụ nữ phải có một nghề nghiệp chuyên môn để cùng với chồng con xây dựng cuộc sống. Không những có nghề nghiệp chuyên môn cao mà còn có khả năng điều hành và quản lý nhân sự (tôi tớ và nhân công). Đối với phụ nữ ngày nay, thành tựu hai tiêu chí trên là chuyện bình thường, song vào thời Thế Tôn, phụ nữ bị xem thường và bị khinh rẻ, thì quan điểm này thực sự cấp tiến.
Tiếp đến, người phụ nữ thành công phải thể hiện nhuần nhuyễn nghệ thuật sống nhằm đưa đến sự hòa hợp trong gia đình. Làm cho chồng con đẹp lòng là điều không đơn giản, đòi hỏi một kinh nghiệm sống phong phú, tình thương, sự chịu đựng và trên hết là sự hy sinh tất cả vì hạnh phúc gia đình. Sau cùng, người phụ nữ thành công phải biết giữ gìn tài sản của gia đình. Của chồng nhưng công vợ, vì thế vai trò nội tướng của người phụ nữ ở trong gia đình cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định sự tồn vong của cả gia đình. Đó là sự điều tiết chi tiêu hợp lý, cân đối và căn bản trong thu chi, giữ vững các thành quả lao động và tài sản của gia đình.
Trên đây là những nhân tố cơ bản giúp một người phụ nữ thành công trong đời này. Tuy vậy, để tiếp tục duy trì thành công trong tương lai, người phụ nữ phải nỗ lực tu học, kiện toàn tự thân, nhất là phải thành tựu về tín, giới, thí và tuệ. Để thành công trong hiện đời là khó nhưng để thành công trong những đời sau lại càng khó hơn, bởi lẽ đi kèm với thành công luôn là sự ngã mạn, xem thường người khác.
Do đó, hàng nữ cư sĩ phải nhận thức sâu sắc và ứng dụng ngay những lời dạy của Đức Thế Tôn vào cuộc sống thực tiễn nếu muốn trở thành người phụ nữ thành công trong đời này và đời sau.L
Một thời, Thế Tôn trú tại Kosambi. Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha đang ngồi thiền tịnh thì rất nhiều Thiên nữ đi đến thưa Tôn giả:
Chúng tôi là những Thiên nữ với thân hình khả ái. Trên cả ba lĩnh vực, chúng tôi có quyền lực và tự tại. Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc, tiếng hay và lạc thọ như thế nào thì ngay lập tức liền được hình sắc, tiếng hay và lạc thọ như thế ấy.
Rồi Tôn giả Anuruddha xuất thiền, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Trong khi con tọa thiền, các Thiên nữ khả ái đi đến nói chúng tôi có quyền lực và tự tại. Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về ở chung với các Thiên nữ khả ái?
Này Anuruddha, phải có đầy đủ tám pháp, thế nào là tám?
Ở đây, nữ nhân đối với chồng ngủ sau, dậy trước, vui vẻ với công việc, xử sự đẹp lòng, nói lời dễ thương. Người chồng kính trọng Sa môn, Bà la môn thì nữ nhân ấy cũng kính trọng, cúng dường. Phàm tất cả việc nhà phải thông thạo, biết phương pháp làm, sắp đặt người làm. Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ, nhân công phải biết quản lý, sắp xếp công việc, quan tâm đến đời sống của họ. Tài sản chồng làm ra phải biết gìn giữ, bảo vệ không để hao phí, mất mát. Nữ nhân quy y Tam bảo. Nữ nhân giữ gìn năm giới. Nữ nhân sống với tâm rộng rãi, ưa thích bố thí.
Thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về ở chung với các Thiên nữ khả ái.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Ngày trai giới, phần Tôn giả Anuruddha, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.638)
LỜI BÀN:
Trong lục đạo thì cõi trời là cảnh giới có phước báo thù thắng nhất. Sống lâu, đẹp đẽ và những điều kiện tối ưu của đời sống luôn hiện ra đầy đủ tùy theo ý muốn là đặc điểm của chư Thiên ở thiên giới. Tu tập các pháp lành để sinh về những cõi trời là mục đích của tất cả các tôn giáo trên thế giới, trong đó có Phật giáo.
Dẫu rằng các cõi trời chưa phải là cứu cánh, Phật giáo chủ trương thành tựu tuệ giác, chấm dứt sinh tử, vượt thoát ba cõi. Song những ai chưa đầy đủ duyên lành đoạn tận phiền não, thành tựu Niết bàn thì nên tu tập phước thiện để tái sinh vào cõi trời, từ thắng duyên ở cõi trời, phát Bồ đề tâm tu tập đến giải thoát.
Muốn được tái sinh thiên giới làm những thiên nữ khả ái có quyền lực và tự tại, đối với phụ nữ phải thành tựu tám pháp. Đó là một người vợ hoàn hảo về tình yêu, lòng chung thủy, đầy đủ phẩm hạnh, có trách nhiệm, biết hy sinh, khéo léo, tận tụy, tháo vát và đảm đang. Mặt khác, phải biết nương tựa Tam bảo, giữ gìn năm giới để thành tựu nhân cách người nữ cư sĩ. Đặc biệt là tu tập bố thí, tâm tính rộng rãi, trải rộng lòng từ, bi mẫn với tha nhân. Đây là những nhân lành cần thiết để thành tựu phước báo sinh về các cõi trời.
Xét về phương diện hiện tại, một phụ nữ thực hành đầy đủ tám pháp trên chắc chắn sẽ đem đến hạnh phúc, an vui cho gia đình và chính bản thân mình. Vì thế, tám pháp này cần được hàng đệ tử Phật tu tập để có đầy đủ phước báo, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm sức mạnh này của người đàn bà. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh có con trai và sức mạnh giới hạnh.
Này các Tỷ kheo, người đàn bà không do nhân nhan sắc, không do nhân tài sản, không do nhân bà con hay không do nhân sinh con trai được sinh thiện thú, thiên giới hay cõi đời này.
Này các Tỷ kheo, người đàn bà do nhân giới hạnh, sau khi thân hoại mạng chung được sinh thiện thú, thiên giới hay cõi đời này.
Này các Tỷ kheo, đây là năm sức mạnh của người đàn bà.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm 3, phần Nhân, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.397)
LỜI BÀN:
Người ta thường nói phụ nữ là phái yếu, có thể vì chân yếu tay mềm và tâm hồn đa cảm nên cần được phái mạnh bảo vệ, yêu thương và che chở. Kỳ thực họ chẳng “yếu” chút nào, nhất là những phụ nữ có nhan sắc, tiền bạc, bà con, con trai và giới hạnh biết vận dụng, phát huy, khai thác hết các thế mạnh sở trường.
Từ xưa đến nay, nhan sắc phụ nữ luôn là một vũ khí lợi hại, có sức mạnh làm “đổ nước, nghiêng thành”. Sự giàu sang cũng làm cho phái yếu thêm sức mạnh, bởi ma lực của đồng tiền có thể sai khiến người khác làm theo ý mình. Có đông đảo bà con, dòng tộc và nhất là có con trai (theo quan niệm xưa) lại càng củng cố vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.
Phụ nữ đẹp tất được nhân loại tôn vinh nhưng sức mạnh tiềm tàng và mạnh mẽ nhất của họ chính là đức hạnh, thước đo vẻ đẹp toàn mỹ của nữ giới. Chính đức hạnh là nhân tố làm nên nét đẹp vĩnh cửu, để lại ấn tượng khó phai và có sức mạnh cảm hóa lòng người. Tuy nhiên, đức hạnh phải do học tập, rèn luyện và trau giồi mới thành tựu. Ngoài công dung ngôn hạnh thì tu tập giữ giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không cờ bạc, rượu chè, ma túy…) là nền tảng căn bản để kiện toàn phẩm hạnh người phụ nữ lý tưởng.
Ở đời, có một trong năm nhân tố kể trên thì phụ nữ đó có sức mạnh. Theo Thế Tôn, bốn sức mạnh nhan sắc, tiền bạc, bà con và con trai không bền vững, không tạo nên bình an và hạnh phúc lâu dài trong hiện tại và tương lai cho phụ nữ bằng sức mạnh giới hạnh. Phụ nữ thì phải đẹp, có đức hạnh lại càng đẹp hơn. Vì thế từ xưa cho đến nay, “cái nết đánh chết cái đẹp” vẫn mang giá trị vĩnh hằng đồng thời là mục tiêu cho hàng nữ lưu Phật tử hướng đến và chứng đạt.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh, một nữ nhân hoàn toàn không khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Không có nhan sắc, không có tài sản, không có giới hạnh, lười biếng, không sinh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn không khả ý đối với người đàn ông.
Và này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, không biếng nhác, có sinh con. Đầy đủ năm đức tánh này, này các Tỷ kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm Trung lược, phần Khả ý, không khả ý, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.383)
LỜI BÀN:
Phái nữ được tôn vinh là phái đẹp. Tuy nhiên, như thế nào là đẹp thì còn tùy thuộc quan niệm của mỗi người, mỗi thời, phong tục tập quán, các định chế xã hội… Vì thế, quan niệm về phái đẹp có muôn màu muôn vẻ khác nhau. Thời Thế Tôn, một phụ nữ lý tưởng phải bao gồm năm yếu tố: có sắc đẹp, có sản nghiệp, có đạo đức, siêng năng lanh lợi và có thể sinh con. Người phụ nữ nào đầy đủ năm đức này là biểu tượng cho nam giới đeo đuổi, chinh phục và kết thân làm bạn đời.
Người phụ nữ lý tưởng trước hết là có ngoại hình đẹp. Kế đến, người phụ nữ ấy phải có sự nghiệp, tài sản. Không chỉ đẹp bên ngoài mà phải có tâm hồn cao thượng, đạo đức sáng ngời và giới hạnh thủy chung. Cần thiết hơn là sự tháo vát, lanh lợi, siêng năng, cần mẫn để đảm nhiệm thành công vai trò nội tướng, ổn định hậu phương gia đình vững chắc. Và yếu tố quan trọng nhất của người phụ nữ lý tưởng là thiên chức sinh con, giúp duy trì nòi giống, nối dõi tông đường, phát triển dòng tộc.
Xem ra, những tiêu chuẩn về một người phụ nữ lý tưởng thời Thế Tôn đến tận bây giờ vẫn là khuôn mẫu cho đàn ông tìm kiếm. Và đây cũng chính là những yếu tố mà các người con gái của Thế Tôn (nữ cư sĩ) hiện nay cần học tập, rèn luyện tự kiện toàn để trở nên đáng yêu hơn trong mắt chồng con. Đừng vội than trách rằng chồng con không thương mình mà hãy nhìn lại chính mình có dễ thương hay không, mình đã hội đủ năm đức tính của người con gái lành của Thế Tôn chưa? Những phụ nữ nào biết tự vấn điều này thì chính họ đã tìm ra đáp án trả lời.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, trong trú xứ của Anàthapindika có người nói ồn ào, lớn tiếng. Sau khi hỏi nguyên do, được biết có nàng dâu Sujàtà không vâng lời mẹ, cha chồng; không vâng lời chồng… Rồi Thế Tôn cho gọi Sujàtà:
Này Sujàtà, có bảy hạng vợ trên đời, thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujàtà, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:
Ai tâm bị uế nhiễm, không từ mẫn thương người, thích thú những người khác, bị mua chuộc bằng tiền, hăng say giết hại người, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ sát nhân.
Còn hạng nữ nhân nào, tiêu xài tài sản chồng, do công khó đem lại, do vậy nếu muốn trộm, dầu có ít đi nữa, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ ăn trộm.
Không ưa thích làm việc, biếng nhác nhưng ăn nhiều, ác khẩu và bạo lực, phát ngôn lời khó chịu, đàn áp và chỉ huy, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ chủ nhân.
Ai luôn luôn từ mẫn, có lòng thương xót người, săn sóc giúp đỡ chồng, như mẹ chăm sóc con, tài sản chồng tạo ra, biết hộ trì gìn giữ, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ như mẹ.
Ai như người em gái, biết cung kính tôn trọng, đối với người chồng mình, với tâm biết tàm quý, tùy thuận phục vụ chồng, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ như chị.
Ai ở đời thấy chồng, tâm hoan hỷ vui vẻ, như người bạn tốt lành, đã lâu từ xa về, giữ giới dạ trung thành, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ như bạn.
Không tức giận an tịnh, không sợ các hình phạt, tâm tư không hiềm hận, nhẫn nhịn đối với chồng, không phẫn nộ tức giận, tùy thuận lời chồng dạy, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ nữ tỳ.
Những người vợ thuộc hạng sát nhân, ăn trộm, chủ nhân do không giữ giới, ác khẩu và vô lễ nên khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào địa ngục.
Những người vợ thuộc hạng như mẹ, chị, bạn và nữ tỳ do an trú trên giới đức, nên khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú, thiên giới.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Không tuyên bố, phần Các người vợ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.404)
LỜI BÀN:
Vợ chồng tự nguyện gắn bó, chung sống với nhau, đó là duyên mà âu cũng là nợ. Người đàn ông nào cũng mong muốn có được người vợ hiền trong đời. Thế nhưng, do nghiệp lực và duyên nợ của mỗi người nên không phải ai cũng tìm được người vợ như ý.
Về phía phụ nữ, mang trong mình một sứ mạng và thiên chức cao cả, ai mà không muốn mình trở nên hoàn thiện, là người vợ, người mẹ hiền để xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình đem lại an vui cho chồng con. Chỉ ngặt nỗi thực tế của cuộc sống thì mấy khi mong muốn bình thường ấy trở thành hiện thực, bởi mỗi người có nghiệp lực riêng và ít ai vượt qua được nghiệp lực của chính mình.
Vì thế, sự kết hợp vợ chồng có tính tự nguyện ấy, nếu không khéo vun bồi, chuyển hóa và khắc phục lỗi lầm thì đôi khi lại là trói buộc và tự làm khổ cho nhau. Theo quan điểm của Thế Tôn thì có bảy hạng vợ ở trên đời. Tuy nhiên, cách phân loại ấy chỉ có tính biểu trưng, vì rằng trong bất cứ người phụ nữ nào cũng tiềm ẩn và dung chứa tính cách của bảy hạng người ấy. Do vậy, người nữ Phật tử, muốn trở thành người vợ tốt thì hãy vâng lời Phật dạy, siêng năng tu tập để chuyển hóa tự thân. Thường học và hành pháp để chuyển những tâm niệm của các người vợ như sát nhân, ăn trộm, chủ nhân thành tâm niệm của những người vợ như mẹ, chị, bạn và nữ tỳ.
Hạnh phúc hôn nhân do chính hai vợ chồng tạo dựng và xây đắp nên. Hiểu biết nhau để thương yêu nhau thực sự; cùng nhau sẻ chia, cảm thông và tha thứ, bao dung, khắc phục lỗi lầm để vượt qua mọi trở ngại trên cuộc đời nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của những người con Phật.L
Nói về nguồn gốc loài Người, một vấn đề liên quan tới nguồn gốc của chính Tổ-tiên xa xưa lâu đời của chúng ta; nó hết sức khó hiểu cho con người, đã có biết bao người suy nghĩ, nghiên cứu và lý luận để tìm câu trả lời. Ngày nay chúng ta đã có những thuyết trả lời khác nhau như sau:
– Thuyết cho rằng Người đầu tiên trên thế-gian này do một Thượng-Đế sinh ra, được viết trong Thánh Kinh của người Do-Thái giáo (Xin miễn bàn).
– Thuyết cho rằng loài Người do một loài Khỉ-Đột tiến hóa biến hóa mà thành, do một người nước Anh tên Charles-Robert-Darwin (1809-1882) nghiên cứu về loài Khỉ-Đột mà viết ra (Xin miễn bàn).
– Thuyết của Phật-giáo
Ở đây người viết không trình bày hay phê bình chỉ trích hai thuyết trên, mà chỉ trình bày và mô tả thuyết của Phật giáo. Người đọc có toàn quyền suy xét, nhận xét theo quan điểmriêng của mình. Dù sao đi nữa, chân-lý bao giờ cũng là sự thật; dù thời gian có trôi đi, không gian có đổi chỗ, nhưng trải qua nghìn muôn ức tỷ năm sau, hoặc tại châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, hay châu Úc đi nữa, chân-lý vẫn bất di bất dịch không thay đổi, đó mới là chân lý.
Sau đây tôi xin ghi lại thuyết nguồn gốc loài Người của Phật-giáo do đức Phật đã dùng Phật- nhãn (mắt Phật) chiếu soi, nhìn thấu về vô thủy, nghĩa là Ngài nhìn về quá khứ hàng vô số tỷ năm, nên Ngài nói ra những gì đã thấy. Tôi viết như vậy chỉ là lấy ý của một kẻ phàm-phu mà viết, chứ chẳng phải như triết thuyết của Phật-giáo Tối-thượng-thừa; theo Phật-giáo Tối-thượng-thừa thì: “Như-Lai không đến, không đi, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, chỉ như như”. Nghĩa là chân-tánh cùng khắp không gian chỗ nào cũng có, chân-tánh cùng khắp thời gian lúc nào cũng hiện diện; như vậy làm gì có sự phân biệtqúa khứ, hiện tại, tương lai, đâu còn phân biệt chỗ này chỗ kia nữa.
Khi có thế giới (thế gian) hư hoại, hủy diệt bởi đại Hỏa tai, tất cả con người ở đó chết đi, hóa sinh đến cõi Trời Quang-Âm tương ưng với Nhị-thiền Sắc giới. (Khi có thế giới hư hoại hủy diệt bởi đại Thủy tai, tất cả con người chết đi, hóa sinh đến cõi Trời Biến-Tịnh tương ưng với Tam-thiền Sắc-giới. Khi có thế giới hư hoại, hủy diệt bởi đại Phong tai, tất cả con người chết đi hóa sinh đến cõi Trời Qủa-Thật tương ưng với Tứ-thiền Sắc-giới). Các vị Trời ở Quang-Âm Thiên sống rất lâu dài là 8 A-Tăng-Kỳ (1 A-Tăng kỳ = 1 Kiếp = 16,798,000 năm, sẽ giải thích cách tính sau, ở mục các đại tai họa).
Các vị Trời ở cõi Quang-Âm Thiên khi thọ mạng và hành nghiệp đã hết, họ chết đi ở đó, và hóa-sinh đến cõi Trời Không-Phạm (Phạm-Thiên), tức là sinh đến cõi Trời khác thấp hơn (cõi Phạm-Thiên tương ưng với Sơ-thiền Sắc-giới).
Bấy giờ vị Phạm-Thiên (vị Trời ở cõi Không-Phạm) hóa-sinh ra đầu tiên tự nghĩ: “Ta là Đại Phạm-Thiên, tự nhiên mà có, không ai tạo ra ta. Ta có thể thấu suốt được tất cả nghĩa lý, rất được tự-tại, và vi diệu bậc nhất. Ta trước đây chỉ có một mình, và do sức ta mà có chúng-sanh, ta tạo ra chúng-sanh”. Vì trước đây ta nghĩ: “Phải chi có những chúng-sanh khác được ra đời, thì ta vui biết mấy! Và sau đó có những chúng-sanh sinh ra, tuổi thọ của ta sống lâu hơn các chúng-sanh sinh ra sau, do đó ta là bậc nhất, hơn hết tất cả”.
Đồng thời những vị Phạm-Thiên hóa-sinh ra sau tại cõi Trời Không-Phạm cũng tự nghĩ: “Vị ấy là Đại Phạm-Thiên, không do ai sinh ra và tự nhiên có. Vị ấy thấu suốt các nghĩa lý, rất được tự-tại, có thể tạo ra, và có thể hóa ra. Vị ấy vi diệu bậc nhất và đáng tôn kính bậc nhất, vị ấy sống lâu hơn chúng ta; trước chỉ có vị ấy, sau mới có chúng ta, vị ấy đúng là đấng tạo ra chúng ta”.
Tất cả chúng-sanh tại cõi Trời Không-Phạm đều tùy theo phúc nghiệp đã tạo ra trước kia mà được qủa báo là:
– Đại Phạm-Thiên:
Vi diệu, đẹp đẽ, uy nghi, tự tại, hạnh phúc, có ánh sáng cực kỳ rực rỡ; vị Đại Phạm-Thiên ví như vua có các vị Phạm-Thiên thân cận, và Phạm-Chúng-Thiên bao quanh. Tuổi thọ của Đại Phạm-Thiên là một 1 Tiểu kiếp rưỡi = 16,798,000 + 8,399,000 = 25,197,000 năm của trái đất.
– Phạm-Thiên:
Là những vị Trời thân cận Đại Phạm-Thiên, kém vị Đại Phạm-Thiên một chút, ví như các vị quan đại-thần; các vị Phạm-Thiên sống lâu một Tiểu kiếp = 16,798,000 năm của trái đất.
– Phạm-Chúng-Thiên:
Là các vị Trời tùy tùng các vị Phạm-Thiên, cũng có đầy đủ thần thông, nhưng không bằng các vị Phạm-Thiên; Phạm-Chúng-Thiên sống lâu một nửa Tiểu kiếp = 16,798,000 / 2 = 8,399,000 năm của trái đất.
Những chúng-sanh ở cõi Phạm-Thiên tuỳ theo thọ mạng và hành nghiệp hết, qua đời, và sinh đến trái đất (thế-gian) này.
Các chúng-sanh sinh đến thế-gian này khi mặt trời và các hành-tinh được cấu thành và ổn cố rồi, tức là mới thành lập (lập Địa); hoặc được thành lập trở lại sau khi bị hủy hoại (tái lậpĐịa) bởi một trong ba đại tai họa, đó là đại Hỏa tai, đại Thủy tai, hoặc đại Phong tai (sẽ trình bày ở một mục sau). Khởi đầu, các chúng-sanh này đều do hóa-sinh mà ra, không phải là một chúng-sanh được hóa sinh ra đời, mà là nhiều chúng-sanh được hóa sinh ra tùy theothọ mạng hết tại cõi Trời Không-Phạm. Có thể là các chúng-sanh khởi đầu ấy hóa sinh ra không cùng một lúc, và không do chúng-sanh trước sinh ra chúng-sanh sau.
Các chúng-sanh đầu tiên ấy: không cần chúng-sanh khác nuôi nấng dạy bảo trông nom, mà có thể tự lực sinh sống; họ lấy niệm thực để ăn, nghĩa là lấy sự vui vẻ, thanh tao, nhàn tản làm thức ăn. Nói đúng hơn, như thức ăn ngày nay, họ không cần ăn uống mà vẫn sống phây phây, không thấy đói khát, lại luôn luôn mạnh khỏe, thật sung sướng vô cùng.
Trên thân thể họ phát ra ánh sáng, soi chiếu khắp chung quanh. Họ có thể nhìn thấy rõ ban đêm cũng như ban ngày. Họ có thần-túc-thông đi, bay trên hư không chớp nhoáng, nhẹ nhàng, an lạc, tự-tại, vô ngại, suốt ngày đêm vui vẻ bay nhảy đùa rỡn với nhau thỏa thích. Họ không cần ăn uống, không cần làm việc chi cả, cuộc sống vô cùng thanh tao nhàn hạ; họ muốn đi đâu thì đi, muốn nghỉ thì nghỉ, muốn ngủ thì ngủ, luôn luôn thoải mái chẳng có gì là mệt nhọc buồn phiền cả.
Bấy giờ không có nam nữ phân biệt vì hình dạng giống như nhau, mọi chúng-sanh đều đẹp tuyệt vời; không có tôn ty trên dưới, ai cũng như ai, bình đẳng hoàn toàn, không ai động chạm tới ai vì không có gì để tranh giành cả. Không có tuổi tác, không có trẻ già, tất cả chúng-sanhđều tươi trẻ như nhau; không có tên gọi khác nhau, khi nói chuyện thì nói ta, ngươi, chúng-sanh này, chúng-sanh kia, chúng ta, chúng ngươi v.v…
Thế-gian này chỉ có nhiều chúng-sanh (Người) hóa-sinh ra, nên gọi là chúng-sanh; các chúng-sanh sống cuộc sống an nhàn thoải mái, không có sự tham lam, không có sự giận hờn, không có đẹp xấu, hơn thua, phải trái, yêu ghét, đói no v.v.., nghĩa là không có bất cứ một tranh cãi phiền não, dù đó là sự tranh cãi phiền não nhỏ bé của ngày nay.
Các chúng-sanh sống cuộc sống đẹp đẽ như thế một thời gian khá lâu dài, rồi đại Địa (qủa đất lớn) này tự nhiên có nước xuất hiện, nước ngưng tụ trên mặt đất và nước có vị ngon như nước đề hồ; những chúng-sanh ấy thấy nước xuất hiện, thì sinh tâm thắc mắc, bèn hỏi nhau: “Đây là cái gì, đây là vật gì, ta chưa thấy cái lạ này bao giờ, cái này ở đâu ra?””
Những chúng-sanh ấy tự nghĩ: “Không biết cái này ra sao, nó có mùi gì, nó có vị gì?” Nghĩ như thế, họ bèn lấy ngón tay chấm rồi ngửi thì chẳng có mùi gì cả. Họ lại lấy ngón tay chấm nước đề-hồ cho vào miệng nếm thử. Sau khi nếm, họ thấy ngon họ gọi cái ấy là “Nước” và họ khen:
“Cái này ngon, nước này ngon quá!”
Những chúng-sanh khác thấy khen ngon, cũng bắt chước làm theo, họ dùng ngón tay chấm nếm thử. Lúc đầu nếm thử, họ cũng thấy ngon, liền sinh tâm đắm nhiễm, cứ chấm nếm hoài không thôi; dần dần tâm ưa thích càng tăng, họ dùng cả bàn tay bốc để ăn, những chúng-sanh khác trông thấy thế, cũng bắt chước lấy tay bốc ăn. Càng ăn, tâm đắm nhiễm càng nhiều, nên họ bốc ăn mãi liên tiếp, và họ cứ tiếp tục ăn mãi như thế không biết chán.
Trải qua một thời gian không lâu, thân thể của chúng-sanh trở nên nặng nề, thô kệch, không còn mềm mại, và không còn bay trên hư không được nữa, mà phải đi trên đất. Trên thân mình chúng-sanh mất dần ánh sáng, và không còn nhìn rõ trong đêm tối được nữa. Những chúng-sanh ấy bắt đầu than van về việc thân họ mất ánh sáng và mất nhẹ nhàng, nhưng họ vẫn giữ tâm ưa thích vị nước và họ không ngừng dùng tay bốc nước để ăn uống.
Sau một thời gian lâu dài như thế, rồi nước tự nhiên biến mất (vì nước ngấm vào đất, chảy xuống các chỗ thấp xa xôi, và bốc thành hơi), các chúng-sanh dùng ngón tay bới đất tìm nước. Không tìm thấy nước, chúng-sanh nếm (ăn) thử đất có thấm nước, nhão mềm như bùn, và cảm thấy cũng ngon; họ bèn ăn đất nhão mềm ấy, và gọi đó là “Vị đất”. Chúng-sanh khác thấy khen ngon cũng lấy tay bốc vị đất ăn. Những chúng-sanh nào ăn nhiều vị đất thì nhan sắc trở nên xấu xí, những chúng-sanh nào ăn ít vị đất thì nhan sắc còn tươi đẹp; lúc đó chúng-sanh bắt đầu sinh tâm phân biệt về nhan sắc, dung mạo, đẹp xấu. (Trường A-Hàm, Q2, từ504 đến 512)
Có chúng-sanh nói:
– Ta đẹp.
Có chúng-sanh nói:
– Ngươi xấu.
Chúng-sanh sống một thời gian như thế, rồi dần dần đất khô cứng lại, không còn vị đất mềm nữa; bấy giờ chúng-sanh bắt đầu buồn rầu than thở mà nói: “Khổ thay, khổ thay, đây là tai họa, tại sao vị đất bỗng nhiên mất đi như thế?”
Sự kiện ấy cũng giống như ngày nay người ta có đầy đủ thức ăn ngon, thì người ta nói: “Ngon quá, ngon quá!”, nhưng sau đó thức ăn ngon ấy bỗng dưng hết không còn nữa, họ lấy làm nhớ tiếc, buồn rầu; những chúng-sanh nhớ tiếc vị đất, cũng buồn rầu như thế, từ đó chúng-sanh bắt đầu sinh tâm buồn phiền.
Khi đất khô cứng lại, trên mặt hình thành một lớp vỏ mỏng như cái bánh ngày nay (cũng giống như ngày nay mỗi khi có nước lụt lớn, nước đục lẫn đất tràn vào đồng ruộng; sau khi hết lụt lội, nước bốc hơi cạn đi, đất trở nên khô cứng, đồng ruộng nứt nẻ, có một lớp đất mỏng ở trên mặt), không có vị đất, chúng-sanh bèn bóc lấy lớp đất ấy để ăn, và họ gọi là “Vỏ đất”. Dần dần họ cảm thấy ăn vỏ đất cũng có mùi vị và ngon miệng. Trong số đó những chúng-sanh nào ăn nhiều nhan sắc trở nên xấu xí hơn, những chúng-sanh nào ăn ít thì còn giữ được tươi đẹp. Chúng-sanh tranh cãi nhiều hơn về dung mạo nhan sắc, có chúng-sanh nói:
– Ta đẹp hơn ngươi.
Có Chúng-sanh nói:
– Ngươi xấu hơn ta.
Có chúng-sanh nói:
– Chúng-sanh này đẹp hơn chúng-sanh kia.
Về sau có thứ nấm mọc từ đất xuất hiện, nấm có màu sắc đẹp, mềm mại; chúng-sanh thấy vật lạ xuất hiện thì thắc mắc hỏi nhau: “Đây là cái gì, đây là vật gì, cái này trông lạ qúa, ta chưa thấy vật này bao giờ, nó là cái gì? v.v…”
Họ bèn lấy tay sờ thấy mềm, họ bèn cầm cây nấm kéo lên rồi ăn thử, họ thấy ngon ngọt và có mùi thơm vị ngon hơn vỏ đất; họ gọi vật ấy là “Nấm đất”, vì nó mọc từ đất lên. Họ nói cho những chúng-sanh khác biết như thế, chúng-sanh khác nghe nói cũng làm theo.
Từ bấy giờ chúng-sanh thôi ăn vỏ đất và cùng nhau ăn nấm đất. Trong số đó, những chúng-sanh nào ăn nhiều nhan sắc trở nên xấu hơn nữa, những chúng-sanh nào ăn ít nhan sắc còn giữ được tươi đẹp. Các chúng-sanh sinh tâm phân biệt tranh cãi đẹp xấu nhiều hơn, có chúng-sanh nói:
– Sắc đẹp của ngươi kém sắc đẹp của ta.
Có chúng-sanh nói:
– Ta đẹp, ngươi xấu, sắc đẹp của ta hơn sắc đẹp của ngươi.
Có chúng-sanh nói:
– Ngươi xấu hơn ta nhiều, ngươi xấu qúa, tại sao ngươi xấu thế?
Có chúng-sanh nói:
– Chúng-sanh này đẹp, chúng-sanh kia xấu, tại sao thế?
Chúng-sanh sinh tâm hơn kém, ôm lòng cạnh tranh càng ngày càng tăng; họ sống như thế một thời gian khá lâu, rồi tự nhiên nấm đất dần dần ít đi; chúng-sanh thấy nấm đất ít đi, họ tụ tập lại mà than vãn với nhau, một chúng-sanh hỏi:
– Tại sao tôi không thấy có nhiều nấm đất như trước kia?
Các chúng-sanh khác đều trả lời:
– Tôi không biết tại sao.
Có chúng-sanh nói:
– Bây giờ chúng ta phải đi xa để tìm kiếm nấm đất mà ăn.
Nhiều chúng-sanh nói: “Khổ thay, khổ thay, đây là tai họa cho chúng ta, tại sao nấm đất càng ngày càng ít đi như thế?”
Thế là họ rủ nhau đi chỗ xa tìm kiếm nấm đất để ăn, đang khi nấm đất ít dần đi như thế và các chúng-sanh đều lo lắng không có đủ nấm đất để ăn, tự nhiên có một số loại cây có hạt xuất hiện như lúa gạo, lúa mì, lúa mạch v.v…
Các chúng-sanh thấy các cây có hạt xuất hiện nên ngạc nhiên vô cùng, họ không biết những thứ ấy từ đâu mà sinh ra; các loại cây này sinh ra nhiều hạt không có vỏ cứng, chúng-sanh thấy thế thì lấy ăn thử, họ ăn thấy bùi bùi, ngon ngon, lại có mùi thơm. Họ bèn lấy các hạt ấy để ăn và bảo nhau cùng ăn. Do nhân duyên này nên có tên “Hạt gạo, hại mì. hạt mạch, v.v..”. Từ lúc bấy giờ, chúng-sanh cùng nhau lấy hạt để ăn, họ ăn hạt trong một thời gian không lâu, thân hình trở nên thô xấu hơn, phát triển nẩy nở mạnh mẽ.
Bắt đầu từ lúc bấy giờ, các chúng-sanh có hai loại thân hình sai khác nhau, nên mới có danh từ: “Chúng-sanh Nam (đàn ông), chúng-sanh Nữ (đàn bà)”. Con Người bắt đầu thành hình rõ rệt và phát triển từ đấy, các chúng-sanh nam lạ lùng về hình dáng khác biệt của các chúng-sanh nữ, phái nữ lạ lùng về sự sai khác hình dáng của phái nam. Các chúng-sanh phái này thích nhìn chúng-sanh phái kia, họ nhìn nhau, và nhìn nhau không biết chán, họ nhìn nhau mãi không thôi. Rồi chúng-sanh phái này bắt đầu sinh tâm thích thú, lưu luyếnphái kia, và chỉ muốn gần gũi nhau; họ thích nhìn ngắm (vướng mắc về Sắc) vuốt ve(vướng mắc về Xúc chạm) những thứ khác lạ của nhau, và họ bắt đầu thích nói chuyện (vướng mắc về Thanh), khen ngợi lẫn nhau. (Trung A-Hàm, quyển 3, từ 526 đến 532)
Tưởng (ý nghĩ) dục (dâm dục) từ đó phát sinh, chúng-sanh nam và chúng-sanh nữ cùng nhau tìm chỗ kín đáo hay chỗ không có chúng-sanh khác để được tự do nhìn ngắm, nói chuyện, ôm ấp, vuốt ve, và làm điều bất tịnh (làm tình). Những chúng-sanh khác thấy thế, bèn nói: “Than ôi! Đó là việc sai trái, tại sao chúng-sanh nam này cùng với chúng-sanh nữ kia làm việc dâm dục xấu xa như thế?”
Danh từ “Ôm ấp, vuốt ve, dâm dục, làm tình” bắt đầu có từ đó; những chúng-sanh nam làm việc bất tịnh dâm dục ấy thấy chúng-sanh khác quở trách thì ăn năn và nói: “Việc làm của tôi là sai quấy, tôi đã làm việc xấu xa, tôi đáng khiển trách”.
Tức thì chúng-sanh nam ấy gieo mình xuống đất không đứng dậy nữa, chúng-sanh nữ thấy thế thì lo chúng-sanh nam ấy đói, nên bèn đi lấy hạt (thức ăn) đem đến cho ăn, chúng-sanh khác thông thấy hỏi:
– Ngươi mang thức ăn này đi đâu?
– Chúng-sanh nam kia vì ăn năn về việc làm bất tịnh của mình, nên gieo thân xuống đất không chịu đứng dậy, tôi sợ hắn đói nên tôi đem thức ăn đến cho hắn.
Từ đây các chúng-sanh đã có đủ năm dục (Ngũ dục: Sắc, thanh, hương, vị, và xúc). Về sau chúng-sanh càng ngày càng tham đắm làm việc dâm dục nhiều hơn, và muốn che kín để tránh sự nhòm ngó của chúng-sanh khác, nên họ mới tìm đến chỗ kín đáo như nơi hang hốc, gò đống, hoặc tạo ra ngăn che riêng biệt kín đáo. Bởi nhân duyên ấy nên mới có danh từ: “Hang ổ, chỗ kín đáo, chỗ riêng biệt, chỗ ở, túp lều, nhà, v.v…” và gọi chúng-sanh nam, chúng-sanh nữ ở chung làm việc dâm dục là “Nhân tình, chồng vợ”.
Từ lúc đó, những chúng-sanh khác tại cõi Trời Phạm hết mạng sống, hoặc hết hạnh nghiệp, hoặc hết phúc báo nên chết tại đó sinh đến thế gian này, nhưng không còn là hoá-sinh nữa, mà ở trong bào thai của chúng-sanh nữ. Nhân đó mới có danh từ: “Có thai, có chửa, có bầu, bào thai, đẻ con, sinh con, con trai, con gái v.v…”, từ đây bắt đầu đặt tên cho con khi mới sinh đẻ ra, và người nam nữ sống chung có con là một ”gia đình”.
Cũng cần ghi nhận rằng: từ khi các loại cây có hạt vỏ mềm xuất hiện, chúng-sanh lấy hạt để ăn, khi hạt lấy đi rồi, những hạt khác lại sinh ra. Sáng lấy chiều lại có, chiều lấy sáng hôm sau có, vì vậy nên lấy hoài, ăn hoài không hết; họ sống một thời gian như thế khá lâu rất thoải mái.
Bỗng có chúng-sanh tự nghĩ: “Nếu mỗi ngày đều đi lấy hạt thì nhọc công quá, nay ta nên lấy gấp hai để ăn trong hai ngày”. Sau khi nghĩ như vậy rồi, chúng-sanh ấy bèn đi lấy đủ số lượng hạt để ăn trong hai ngày, “Tâm tham” bắt đầu phát sinh từ đây. Khi chúng-sanh nọ đến rủ đi lấy hạt, thì chúng-sanh ấy nói:
– Ta đã lấy hạt đủ để ăn trong hai ngày rồi, không cần đi lấy nữa, ngươi muốn đi tuỳ ý.
Chúng-sanh nọ nghe nói thế, bèn nghĩ: “Chúng-sanh ấy đã lấy hạt để ăn trong hai ngày, sao ta không lấy hạt để ăn trong ba ngày?” Nghĩ như vậy rồi, liền đi lấy hạt đủ dự trữ ăn trong ba ngày.
Cũng như thế ấy, có chúng-sanh kia đến gặp chúng-sanh nọ và nói:
Chúng ta hãy cùng đi lấy thực phẩm (hạt) để ăn,
Chúng-sanh nọ nói:
– Ta đã lấy thực phẩm đủ để ăn trong ba ngày rồi, ngươi tuỳ ý đi lấy.
Chúng-sanh kia nghe xong tự nghĩ: “Ngươi đã lấy dự trữ ăn trong ba ngày, ta sẽ lấy nhiều hơn, ta sẽ lấy dự trữ ăn trong năm ngày”. Chúng-sanh kia bèn đi lấy hạt đủ ăn trong năm ngày, tất cã chúng-sanh đều sinh tâm “tranh đua” nhau tích trữ hạt như thế, và càng ngày càng gia tăng mãi lên.
Sau một thời gian như thế, tự nhiên các loại hạt sinh ra “có vỏ cứng, có trấu” không ăn được ngay mà phải bỏ vỏ đi mới ăn được. Khi hạt lấy đi rồi, những cây ấy không còn sinh ra những hạt khác nữa, đồng thời các loại cỏ: cỏ lăn, cỏ lác, v.v… xuất hiện, mọc đầy cả.
Lúc đó, chúng-sanh gặp nhau kêu than, buồn rầu, họ ôm bụng tự than nói:
“Khổ thay, đây là tai họa, biết làm sao bây giờ? Chúng ta trước kia đều là hóa-sinh, không cần ăn uống gì cả, chỉ lấy sự rong chơi, nhàn tản đó đây làm vui vẻ thỏa thích (được tự tại). Trên thân chúng ta phát ra ánh sáng, nên nhìn khắp tất cả không trở ngại đêm cũng như ngày (Có hào quang). Chúng ta lại bay trên hư không, được an lạc, tự tại, vô ngại (Có thần túc).
Rồi sau nước xuất hiện như nước đề hồ, chúng ta thắc mắc muốn biết là vật gì (khởi ý niệm đầu tiên) nên dùng ngón tay chấm quệt cho vào mũi ngửi (khởi ý niệm thứ hai), rồi cho vào miệng nếm thử (khởi ý niệm thứ ba). Khi nếm thử thấy vị lạ, ngon (dính mắc vào vị), chúng ta liền sinh ra ưa thích, và nếm mãi không ngưng; lòng tham đắm càng ngày càng tăng lên, nên dần dần chúng ta dùng tay bốc để ăn cho được nhiều (tâm tham khởi sinh). Chúng ta bốc ăn mãi như thế không thôi. Rồi thân chúng ta không còn mềm mại nữa, mà trở nên thô kệch, nặng nề (vì có nước trong thân), không còn bay trên hư không được nữa (nặng nề qúa).
Sau một thời gian nước đề hồ dần dần biến mất, chúng ta phải ăn vị đất (vì cần phải có một cái gì trong bụng). Khi vị đất không còn, chúng ta ăn vỏ đất. Rồi nấm đất có mùi thơm và vị ngọt xuất hiện, chúng ta ăn nấm đất (dính mắc hương vị); trải qua mỗi thời kỳ, thân hìnhchúng ta càng ngày càng trở nên thô kệch xấu xí hơn, tâm trí chúng ta càng ngày càng cạnh tranh hơn thua về nhan sắc đẹp xấu (mà sự thực thì nhan sắc càng ngày càng xấu đi).
Từ khi các loại cây có hạt xuất hiện, chúng ta lấy hạt ăn mà không cần làm gì cả, hạt lấy đirồi hạt khác lại sinh ra. Buổi sáng lấy buổi chiều các hạt mới sinh chín, buổi chiều lấy sáng hôm sau các hạt mới sinh chín, sẵn sàng để lấy ăn. Vì sự đua nhau lấy hạt cất giữ của chúng ta (phát sinh lòng tham), nên các loại hạt lấy đi, các hạt mới không sinh ra nữa; tệ hại hơn nữa các hạt sinh ra có vỏ, có trấu, không ăn hạt ngay được, mà phải bỏ vỏ, bỏ trấu đi rồi mới ăn được”.
Chúng-sanh cùng nhau suy nghĩ về các khó khăn ấy, và bảo nhau phải tìm cách bỏ vỏ đi, và tự gieo trồng để có hạt mà ăn; họ thỏa thuận với nhau việc phân chia đất ra từng ô để mỗi người tự trồng trọt trên phần đất của mình, từ đó danh từ “Ruộng rẫy, trồng trọt, v.v…” được nói đến, và có lời nói “Của ta, của ngươi”.
Họ cùng nhau gieo trồng chăm sóc để lấy hạt mà ăn, cuộc sống cũng tạm ổn; sau một thời gian yên lành như thế, có một số người sinh tâm dối trá (khởi tâm dối trá), họ giấu hạt của mình, và đi lấy hạt của người khác; tính gian dối bắt đầu từ đấy, những người bị mất trông thấy người khác lấy hạt của mình nói:
– Ngươi làm sai, ngươi làm quấy, tại sao ngươi giấu hạt của mình, rồi đi lấy vật thực của ta, từ nay ngươi không được lấy trộm nữa.
Từ đó có danh từ “Cất giấu, vật thực, dối trá, trộm, cắp” bắt đầu được nói đến, nhưng những người có tâm dối trá ấy vẫn tiếp tục làm điều xấu như trước, họ lại trộm cắp; khi bắt được kẻ trộm cắp, những người bị mất trách:
– Ngươi làm điều xấu xa, tại sao ngươi không bỏ việc đi trộm cắp?
Họ dùng tay đánh người trộm cắp, rồi cầm tay lôi kéo người ấy đến chỗ có nhiều người mà nói lớn lên rằng:
– Người này giấu vật thực của mình và đã trộm cắp của tôi hai ba lần.
Kẻ trộm thì nói:
– Người này đánh vào lưng tôi nhiều lần bằng tay, người này đánh đau tôi!
Lúc ấy các người khác nghe hai người nói thế, sinh lòng buồn rầu, lắc đầu, nói: “Thế-gian này dần dần trở nên độc ác, có phải đây là ác pháp sinh chăng?”
Từ đó phát sinh ra các danh từ “Lôi kéo, đánh đập, ác độc, v.v…” Con người từ đấy sinh lòng buồn khổ về việc này, rồi tiếp đến việc khác. Từ lòng buồn khổ ấy kết (tạo) thành qủa báo khổ não, các khổ não buồn phiền là nguồn gốc của “sinh già bệnh chết”, và các việc làm bất thiện là nhân để đọa sinh vào các cõi ác.
Từ khi ruộng đất được phân chia, chỗ ở tạo ra riêng biệt, và từ khi có kẻ sinh tâm tham lam, giấu giếm vật thực của mình, trộm cắp, dành giật vật thực của người khác. Con ngườicãi lộn, nói xấu, giằng co, thậm chí đi đến đánh nhau và tìm cách giết nhau, các việc không tốt như thế xảy ra hàng ngày càng nhiều hơn lên, họ không sao tự giải quyết được; họ bèn thảo luận và thỏa thuận với nhau rằng họ cần một người có đủ khả năng để trông coi phân xử mọi việc xảy ra cho họ.
Bấy giờ, trong chúng-sanh có người hình vóc to lớn, khoẻ mạnh, dung mạo đoan chính, nói năng từ tốn phải lẽ, trông rất uy nghi, và có đức độ; mọi người thấy thế bèn đến nói với người ấy:
– Như ông biết ngày nay có nhiều việc không tốt đẹp xảy ra hàng ngày, chúng tôi thấy ông là người tốt, mạnh khoẻ, có đủ khả năng làm người trông coi, và phân xử các việc xảy ra.Chúng tôi muốn tôn ông lên làm người trông coi phân xử công bằng, khen người làm việc tốt, chê bai trừng phạt kẻ làm việc xấu v.v…; vậy ông khéo giúp đỡ mọi người, chúng tôi mỗi người sẽ bớt ra một số vật thực để tặng ông.
Người ấy nghe xong thấy hay, bèn chấp nhận làm người trông coi phân xử; từ đó, mới có danh từ “người trông coi phân xử, người có trách nhiệm giữ trật tự chung, người đại diệndân, v.v…” Về sau các việc giải quyết càng ngày càng nhiều, nên cần có người phụ giúp; những người có trách nhiệm trông coi phân xử ấy được tổchức thành nhiều người có một người đứng đầu chỉ huy, nên từ đó có những danh từ mới được nói đến như “Người trông coi, người đứng đầu, người lãnh đạo, chúa, vua v.v…”.
Tóm lại, những người sinh ra đầu tiên trên trái đất này đều từ cõi Phạm-Thiên sinh đến bằng hóa-sinh, nghĩa là không có ai sinh đẻ ra , hay một vị nào tạo ra cả, mà là chết từ cõi Phạm-Thiên rồi sinh đến cõi này bằng hóa sinh. Những người mới hóa-sinh ra không cần đến người khác nuôi nấng chăm sóc, bế bồng mà vẫn sống được một mình; vì dù mới sinh ra, nhưng họ không cần ăn uống như trẻ mới sinh ngày nay. Cũng không phải là chỉ có một người được hóa sinh ra, mà là nhiều người cùng hóa sinh ra, nhưng cũng có người hóa sinh ra trước, kẻ hóa sinh ra sau, tuỳ theo hạnh nghiêp, phúc báo, và mạng sống ở cõi TrờiKhông-Phạm đã hết chết đi, sinh đến cõi này. Cũng vì mọi người đều được hóa sinh ra như thế, nên không có cha mẹ, không có ai đặt tên cho, nên mọi người đều có cái tên chung gọi là chúng-sanh.
Chúng ta không thấy nói tới hình hài của những người đầu tiên ấy, nhưng chắc là có thân hình trong vắt như pha lê(?), mềm mại, nhẹ nhàng, có ánh sáng phát ra, nên bay đi tới lui dễ dàng. Khi bốc nước ăn uống thì dần dần thân hình trở thành căng phồng lên giống như bơm nước vào bong bóng(?), con người trở thành thô cứng, nặng nề, không còn nhẹ nhàng để bay được nữa, nhưng vẫn còn trong đẹp. Đến khi ăn bùn, ăn đất, cho đến ăn nấm đất, con người trở thành có màu giống màu bùn đất(?) xấu xí. Và khi tới giai đoạn ăn các hạt, con người mới thực sự phát triển, nẩy nở các cấu trúc của cơ thể
Những người đầu tiên ấy sống từ lúc lập Địa, hay tái lập Địa, họ sống từ lúc hóa sinh ra tại trái đất này cho đến khi chết trung bình khoảng 84,000 (tám mươi tư nghìn) năm; họ sống rất lâu, rất thọ như thế, (họ thọ gấp một trăm linh (lẻ) năm lần ông Bành-Tổ mà người ta thường nói đến chỉ sống khoảng 800 năm mà thôi).
Chắc rằng có một số người không tin rằng những con người sinh ra đầu tiên trên trái đất này lại sống lâu như vậy. Người không tin cũng giống như người vừa sinh ra đã bị mù mắt không thấy được các màu sắc khác nhau như thế nào, nên khi có người nói với người mù ấy về sự khác biệt giữa các màu sắc trắng xanh vàng đỏ đen tím nâu v.v., thì người mù ấy không tin, không tưởng tượng nổi sự khác biệt giữa các màu sắc, và nói rằng làm gì có các màu sắc khác nhau như thế.
Vậy những con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất này từ lúc lập Địa hay tái lập Địa đến bây giờ, phải là bao nhiêu triệu năm? Về điểm này sẽ được nói tới ở phần lời bàn nơi cuối đề tài này, trước đây, người ta đã phát giác ra những kiến trúc nhà cửa ở dưới đáy Đại-Tây-Dương rất là lâu đời rồi; mới đây, với sự tiến bộ của con người, các nhà Khoa-học khám phá ra những bộ xương hóa đá chôn vùi dưới đất của loài tương tự cá sấu gọi là SuperCroc mà các nhà cổ sinh vật học Pháp đã đặt cho chúng cái tên khoa học Sacosuchus imparator cách nay vài chục năm. Những con vật này có chân dài ba thước nhưng sống trên cạn, có niên kỷ cách nay 110 triệu năm, chúng sống đồng thời với những con vật Khủng long, và những con Titanosaurus.
Các nhà khoa học còn cho rằng Nam Mỹ-châu đã tách rời khỏi Phi-châu cách nay khoảng 70 triệu năm, vì họ tìm thấy các bộ xương hóa đá của cá sấu cùng loại tại Patagonia thuộc Argentina (Nam Mỹ châu) và Madagasca thuộc Phi-châu.
Nhưng xa hơn thế rất nhiều, các nhà Khoa-học Đức lại khám phá ra vỏ loài Sam biển hóa đá, nó đã xuất hiện trên trái đất với niên kỷ là 330 triệu năm rồi, thành ra sự truy nguyên về qúa khứ của các nhà khoa-học vẫn còn chưa rõ ràng.
Về sau, tuổi thọ của con người giảm xuống, có những thời kỳ tuổi thọ tăng lên, có những thời kỳ tuổi thọ giảm xuống, và bây giờ tuổi thọ trung bình của con người quá ngắn ngủi, khoảng 75 tuổi (Phật lịch: năm 2629, Dương lịch: năm 2006). Tuổi thọ của con người tuỳ thuộc vào ý nghĩ và hành động của con người. Ý nghĩ này không phải là ý nghĩ muốn sống lâu mà được, mà là ý nghĩ những việc thật thà, đạo đức, hay ý nghĩ gian dối lừa đảo, mưu mô độc ác. Ý nghĩ là đầu mối của hành động, ý nghĩ bằng tâm (óc, bộ não), hành động bằng thân (đầu, mình, tay chân và các bộ phận phụ thuộc thân) và khẩu (mồm miệng). Tâm nghĩ, thân làm, miệng nói, miệng cũng thuộc về thân, nên mới nói “Tâm nghĩ thân hành” (thân làm).
Nói chung là tâm thân hành của đa số con người tạo nên cộng nghiệp, cái cộng nghiệp này nó dẫn dắt tuổi thọ trung bình của con người, còn cái biệt nghiệp của mỗi người nó sẽ dẫn dắt chính người đó. Ví như ngày nay có người sống chín mươi tuổi, nhưng cũng có người chỉ sống năm mươi tuổi v.v… mà thôi.
Từ những niệm tham, sân, si dẫn dắt ý khẩu thân hành động, đưa đến qủa báo khổ não là sinh già bệnh chết, và đọa sinh vào sáu cõi; nghiệp báo trói chặt con người trong sáu nẻo phải đi qua, đó là: “Các cõi Trời, cõi Người, cõi A-tu-La (Thần), cõi Ma-Qủy, cõi Súc-sanh, và cõi Địa-ngục”.
Con người cứ thế sinh ra, già đi, bệnh tật, chết đi, trải dài theo thời gian lên bổng xuống chìm, tuỳ theo ý thân hành thiện hay ác của mỗi người, đó là tạo nghiệp; nghiệp dẫn dắt ta như hình với bóng không sao thoát ra khỏi, ngoại trừ những vị tu hành đạt đạo thì mới ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn ấy mà thôi.
Đến đây: chúng ta không thấy nói tới vạn vật cây cỏ bắt đầu xuất hiện trên trái đất này từ lúc nào? Các loại cỏ thì được nói đến ngay khi các loại cây có hạt có vỏ có trấu xuất hiệnthì các loại cỏ đồng thời xuất hiện, và có lẽ các loại cây khác cũng với thời gian sau đó dần dần xuất hiện; riêng về các loài vật thì không thấy đề cập tới, nhưng nhận thấy con ngườitừ khi tạo nghiệp báo, sinh khổ não đi đến già bệnh chết, rồi sinh vào sáu cõi khác nhau tùy theo ý khẩu thân hành việc lành dữ. Do đó các loài súc vật với thời gian sau đó dần dầnxuất hiện trên trái đất này, còn những con vật đầu tiên của mỗi loài được sinh ra bằng cách nào? Người viết chưa được đọc về điểm này, nhưng được biết trong thiên nhiên cả thảy có bốn loại sinh, đó là:
– Hóa sinh:
Chúng-sanh đột nhiên mà có, bỗng nhiên xuất hiện, không qua giai đoạn phôi thai nào cả. Những chúng-sanh thuộc loại hóa sinh thường là vô hình như chư vị Trời, A Tu La, Ngạ-qủy v.v… và những người đầu tiên như đã nói ở trên.
Lại có những loài biến hóa sinh ra từ một loại khác như ve, bướm v.v… Loại này đời trước hay thay đổi lòng dạ, trước sau nói khác nhau, cố làm cố phạm. (Đại Thừa Kim Cang KinhLuận, trang 22)
– Noãn sinh:
Là những chúng-sanh sinh từ trong trứng gồm có: Loài có lông vũ như gà, chim, loài bò sát như rùa, rắn, và loài sống với nước như cá; loại này, đời trước tham lam, mưu mô lừa đảo, kế hoạch cao thì làm chim, kế hoạch sâu thì làm cá. (Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, trang 21)
– Thai sinh:
Là những chúng-sanh sinh từ bào thai như người và các loài thú, đời trước tham đắm dâm dục; tham dục phải đạo thì làm người, tham dâm ngang trái thì làm thú bốn chân đi ngang.
– Thấp sinh:
Là những chúng-sanh sinh từ nơi ẩm ướt như vài loài côn trùng, muỗi mòng, vi khuẩn, vi trùng, gạo ẩm sinh mọt, cỏ mục sinh đom đóm, lúa sinh sâu… Đời trước tham ăn thịt uống rượu, lấy việc đánh đập, gây gỗ, ồn ào làm vui.
Trong quyển Đạo Phật và Khoa Học, trang 167, có thêm chi tiết như sau: “Noãn, Thai, Thấp, Hóa sinh đều lấy cái định nghiệp mà tương cảm nhau, cho nên cái định báo của chúng-sanh cũng tùy theo chỗ cảm mà ứng. Như loài sinh trứng thì ứng theo loạn tưởngmà sinh. Loài sinh thai thì ứng theo tình ái mà sinh. Loài Thấp sinh thì ứng theo hiệp mà sinh, tức là nương phụ với thấp khí. Loài Hóa sinh thì ứng theo Ly mà sinh, tức là bỏ đây tới kia. Xong , tình, tưởng, hiệp, ly trong bốn giới ấy vốn không nhất định, hoặc tình biến làm tưởng, hiệp biến làm ly, hoặc đổi làm tình, hoặc thấp đổi làm hóa. Vậy tùy nghiệp thọ báo, cũng có thứ bay mà trở lại làm thứ lặn, cũng có thứ lặn mà trở thành làm thú bay, như cá hóa rồng; đại để những truyện kỳ quái như vậy rất nhiều, thay hình đổi xác, quay lộn luôn luôn; vì thế, chúng-sanh có hoài không dứt”.
Trong quyển Thiền Đốn Ngộ do Hòa-Thượng Thích-Thanh-Từ dịch năm 1974, phần Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn, trang 146 lại ghi: “Vô minh là noãn sinh, phiền não bao bọc ở trong là thai sinh, nước ái đượm nhuần là thấp sinh, chợt khởi phiền não là hóa sinh (từ loài này hóa sinh loài khác)”.
Ta thấy là con người có mặt trên trái đất này trước các loài thực vật và các loài động vật. Nhưng những con vật đầu tiên thuộc loại noãn sinh và thai sinh trên trái đất này từ đâu mà có? Con gà, con chim, con rùa v.v… có trước hay cái trứng gà, trứng chim, trứng rùa có trước, nếu những cái trứng có trước, cái gì sinh ra những cái trứng đầu tiên ấy? Người viết thiển nghĩ rằng những con vật đầu tiên ấy cũng là do hóa sinh mà ra. Kể cả những loài thai sinh cũng giống như vậy mà thôi.
Về nòi giống: chúng ta không thấy nói tới, đại loại trên thế giới này có mấy trăm nước và có rất nhiều tiếng nói khác nhau, ngay trong một nước cũng có nhiều thứ tiếng nói khác nhau, tại sao thế? Có lẽ rằng những nhóm chúng-sanh đầu tiên khi hóa sinh đến cõi này, ở những vùng cách biệt nhau nên phát sinh ra tiếng nói khác nhau; lại nữa, trên thế-giới này có những người da trắng, những người da vàng, những người da đen, tại sao vậy?
Có người muốn làm vui cho người khác, nên nói: “Thuở khai sinh lập địa, khi Thượng-Đế sinh ra con người bằng cách: Ngài nặn hai con người, một nam một nữ, xong Ngài bỏ hai con người ấy vào lò đốt lửa nung, lúc ấy Ngài ngủ quên nên không lấy ra kịp thời, khi nhớ ra hai người ấy đã bị cháy đen thui. Ngài bèn nặn hai người khác, rồi bỏ vào lò nung, lần này vì sợ cháy đen như lần trước Ngài lấy ra sớm qúa, nên trông còn trắng bệch. Thượng-Đế vẫn chưa vừa ý, nên nặn thêm hai con người nữa, Ngài tự nhủ, lần này Ta phải canh chừng để lấy ra cho đúng cho vừa ý, và qủa thật lần này Ngài nung được hai con người có nước da vàng vàng, không đen cũng không trắng đúng theo ý, Ngài nói: Thế là được rồi.
Bởi lẽ đó chúng ta mới có những người anh cả da đen, những người anh hai da trắng, và những người thứ ba da vàng. Ba cặp nam nữ này đã sinh con đẻ cháu nảy nở ra nhân loạitrên trái đất này từ ngày đó đến ngày nay!”.
Trong những sự giải thích có lẽ lý do địa dư ảnh hưởng đến màu da con người, vì sau thời kỳ khai Thiên lập Địa hay tái lập Địa, trái đất trơ trụi. Những con người đầu tiên chịu biết bao khổ cực với thiên nhiên, phải dầm mưa dãi nắng bỏng cháy khét thân thể đầu tóc đối với con người sống ở vùng Xích-đạo như Phi-Châu, Ấn-Độ, Nam Mỹ. Con người phải chịu cái lạnh thấu xương tại vùng Bắc-Cực, Nam-Cực, mặt trời chiếu tới rất ít. Những khí hậu khác biệt ấy đã tạo nên màu da khác biệt của con người tiền sử và truyền lại nhân loại hiện tại (?)
Mặt khác, nên để ý rằng những chúng-sanh sinh ra đầu tiên không phải được sinh ra tại một nơi hay một vùng, mà đã được sinh ra ở nhiều nơi khác nhau trên mặt địa cầu này; ngoài ra, các chúng-sanh sinh tới cõi Quang âm Thiên trước kia có lẽ đã từ nhiều nơi (nhiều thế-giới) khác nhau hóa sinh tới đó, về sau các chúng-sanh hóa sinh đến cõi Phạm Thiên cũng có thể từ nhiều nơi khác nhau tới và sau khi chết đi đã sinh đến trái đất này; những điều trên đây có thể giải thích những sự khác biệt của các chủng tộc khác nhau tại thế-gian này.
Một điểm nữa được suy ra là trong thời kỳ đầu tiên của con người, chưa có phát minh ra lửa, nên chỉ là ăn sống không có thức ăn nấu nướng chín. Có lẽ sau đó có những vụ cháy rừng do các loại cỏ cây khô, con người mới biết tới lửa. Chưa có các đồ dùng như nồi niêu bát đĩa, chén đũa dao thớt v.v.., mà phải dùng hai bàn tay. Chỗ ở chỉ là hang ổ lều nhỏ thô sơ để trú thân, mà vật liệu là rơm rạ cỏ cây. Cũng không có quần áo che thân, mà phải dùng cỏ lá rơm rạ bó kết lại che thân. Thức ăn chỉ là ăn các loại hạt, lá, hoa qủa v.v… từ thực vật mà thôi.
Được biết, để giúp chúng sanh sống còn và tăng trưởng, ta thấy có bốn cách ăn như sau:
– Đoàn thực:
Ăn từng miếng, từng nắm, từng cục. Đây là cách ăn của loài người và các loài vật.
– Xúc thực:
Ăn bằng tiếp xúc, xúc chạm, như Quỷ Thần tiếp xúc với vật thực thì đủ no; cũng gọi là Cảnh lạc thực, như quần áo, hương hoa, cùng thiên nữ vui vầy khiến vui no đủ.
– Niệm thực:
Cũng gọi là Tư thực, ăn bằng ý suy nghĩ, tư tưởng, các cõi Trời Sắc-giới lấy thiền định, hỷ lạc làm vị ăn.
– Thức thực:
Ăn bằng thức phân biệt, niệm hiểu, ý biết; các tầng Trời vô Sắc-giới và chúng-sanh trong Địa-ngục đều lấy thức duy trì sinh mạng. (Trường A-Hàm, quyển 2, trang 402).
Về sau, sống với hoàn cảnh, cọ sát với thực tế, dần dần trải qua thời gian lâu dài, con người đã khám phá, phát minh và tạo ra rất nhiều thứ để làm cho cuộc sống được tốt đẹphơn về vật chất; còn vấn đề tinh thần đạo đức mà ai cũng biết là cần thiết, nhưng phần lớn chỉ được dàn dựng lên bằng những lớp vỏ bề ngoài hào nhoáng, mà thực ra bên trong có nhiều vụ lợi, thiếu chân thật. Con người càng ngày càng có mưu thâm độc sâu, kế hiểm áccao, nên nghiệp qủa càng ngày càng sâu dày nặng nề vậy. (Tạp A-Hàm, Q 2, trang 70: Bốn cách ăn)
LỜI BÀN: Tuổi thọ tối đa của con người:
“Thế nào là kiếp đao binh? Nghĩa là con người ở thế gian này vốn sống 40,000 (bốn vạn) tuổi, sau đó giảm dần còn sống hai vạn tuổi, và tiếp tục giảm xuống còn một vạn tuổi, một ngàn tuổi, năm trăm tuổi, ba trăm tuổi, hai trăm tuổi. Như ngày nay con người sống trăm tuổi, tăng ít, giảm nhiều; nhưng về sau, tuổi thọ con người giảm dần, chỉ còn 10 (mười) tuổi là dừng lại”.
Quyển Đường Về Bến Giác của Hòa-Thượng Thích-Thanh-Cát, trang 78 ghi: “Theo luận Trí Độ thì người ta thọ từ 10 tuổi, cứ trăm năm lại tăng một tuổi, cứ tăng mãi cho tới khi nào thọ 84,000 tuổi mới thôi…”; theo quyển Nhị Khóa Hiệp Giải thì lại lấy 80,000 năm là tuổi tối đa để tính ra Kiếp và Đại kiếp, như vậy chúng ta không chắc chắn tuổi thọ tối đa của loài người là bao nhiêu.
Tuy nhiên trong sách này người viết cũng phải lấy con số 84,000 năm làm tuổi tối đa (như quyển Đường Về Bến Giác đã ghi) để tính số năm của kiếp, đại kiếp. Nếu sau này có sự khám phá ra số tuổi thọ tối đa của con người có sự khác biệt với con số tối đa 84,000 năm nêu trên, thì số năm trong một kiếp, trung kiếp, đại kiếp, v.v… của sách này phải thay đổi theo.
LỜI BÀN: Tuổi thọ con người có đang giảm xuống không?
Ngày nay khoa học đang tiến bộ, kể cả ngành Y khoa mà ai cũng thấy; vậy mà đạo Phậtlại nói ngày nay đang vào thời kỳ giảm tuổi thọ dần dần cho tới 10 tuổi thọ, vậy liệu có đúng không? Thật là khó trả lời rõ ràng, nhưng chúng ta thấy rằng:
1)- Hồi đức Phật còn tại thế, tuổi thọ trung bình là 100, đến nay đã 25 thế kỷ, 100 năm giảm một tuổi, tức giảm đi 25 tuổi. Chắc mọi người cũng đồng ý là tuổi thọ trung bình của con người bây giờ là 75, vì hồi ấy có người sống 120, 130 và cho đến 140 tuổi mà ngày nay không thể có.
2)- Hiện tại tuổi thọ trung bình là 75 tuổi, nhưng vẫn có người sống 100 tuổi hay hơn nữa, thế thì khi tuổi thọ giảm xuống còn 50 tuổi vẫn có người sống tới 70 hay 80, khi tuổi thọ giảm xuống còn 25 tuổi vẫn có người sống tới 40 hay 50 tuổi v.v…
3)- Mặc dù khoa học tiến bộ, nhưng vì chính những cái tiến bộ đã làm ô nhiễm bầu khí quyển và môi trường sinh sống của con người; chính những hệ thống đông lạnh, máy lạnh đã làm hoại dần vòng o-zone của bầu khí quyển che chở cho trái đất. Chính những nhà máy, xe cộ các loại tỏa khói độc hại buồng phổi con người. Chính những chất hóa học thải ra từ việc làm ra cái này cái nọ đang thải vào các dòng sông và lan dần cùng khắp mặt địa cầu tác hại đến sức khỏe con người và muôn vật. Như các loài vật ăn, loài cây cối hấp thụ, loài cá sống trong các chất hóa học, chất độc, rồi con người ăn thịt loài vật, loài cá hay rau qủa ấy thì sẽ sinh bệnh. Chính các lò nguyên tử là nguồn gốc thải dần những phóng xạ đến khắp mọi nơi v.v…, do đó, phần lớn những việc làm có tính cách tiến bộ để phục vụ con người lại là nguồn gốc của sự hại mạng sống lâu dài của con người. Đó là chưa kể đến các tai nạn xảy ra nhiều hơn lên, các tai họa thiên nhiên xảy ra ngày càng nhiều hơn, các cuộc chiến tranh thường xảy ra trên thế giới tăng lên, nhất là chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra gây chết chóc nhiều hơn cho lớp người trẻ tuổi làm cho tuổi thọ trung bình giảm xuống.
4)- Đồng ý rằng y khoa tiến bộ rất nhiều, nhưng thử hỏi ngành y tế có thể đương đầu với những tai hại do tiến bộ khoa học kể trên không? Bởi vì mỗi ngày sinh ra bệnh mới có thể do những thứ nêu trên gây ra, mà chúng ta không thể tiên đoán trước được.
5)- Con người càng ngày càng bôi bác gian dối, mưu trí tệ hại, giết người vui thích, huà với nhau bắt nạt kẻ yếu, hại người ngay trong vui thích. Tỉ như muốn có quyền lợi, thương lượng không được, bèn dùng mưu kế dàn dựng nên tội, rủ kẻ khác cùng nhau hiệp lựcthanh toán, mặc cho máu có đổ, xương có chất thành núi đi nữa vẫn vui vẻ v.v…; như vậy thì làm sao mà tuổi thọ không giảm?
LỜI BÀN: Khi nào Phật Di-Lặc ra đời?
Một số người đang chuẩn bị đón Phật Di-Lặc ra đời, thật là tức cười, họ chính là người đang mò trăng đáy nước; quyển Nhị Khóa Hiệp Giải ghi: “Trong Hiền kiếp này, tức trong Trung kiếp Trụ này, hiện nay đang ở kiếp thứ 9, tới kiếp thứ 10 , khi mà giảm xuống đến thuở con người còn sống được 8 vạn tuổi là đức Phật Di Lặc ra đời”. Nguyên tắc tính số năm là thời kỳ đang giảm tuổi thọ (ở kiếp thứ 9 này) từ thời Phật Thích-Ca, con người sống trung bình 100 tuổi. Bây giờ, sau 2550 năm (tính từ khi Phật nhập Niết-Bàn), con ngườitrung bình sống 75 tuổi thọ, cứ 100 năm giảm một tuổi. Như vậy số năm cần thiết để giảm xuống tới 10 tuổi thọ là: (75 – 10) x 100 = 6500 năm. Số năm cần thiết để tăng tuổi thọ con người (cũng ở kiếp thứ 9) từ 10 tuổi lên 84,000 là: (84,000 – 10) x 100 = 8,399,000 năm. Số năm cần thiết để giảm tuổi thọ từ 84,000 xuống còn 80,000 (ở kiếp thứ 10) là lúc Phật Di-Lặc ra đời là: (84,000 – 80,000) x 100 = 400,000 năm. Cộng ba con số năm trên, chúng tacó thể biết đức Phật Di-Lạc sẽ ra đời vào khoảng : 6500 + 8,399,000 + 400,000 = 8,805,500 (tám triệu tám trăm linh (lẻ) năm nghìn năm trăm) năm nữa.
LỜI BÀN: Khi nào tận thế?
Không khó khăn để biết ngày tận thế mà nhiều người đã qúa lo lắng, nhất là những người ngoại đạo, không biết họ nghe lời tiên đoán từ đâu mà họ cho rằng năm 2000 Dương lịch vừa rồi là tận thế; tội nghiệp! Họ đã lo lắng cùng cực, cầu nguyện ngày đêm, cho đến khi chẳng thấy gì xảy ra cả! Để biết rõ ngày tận thế, chúng ta thử làm con toán:
– Trước hết chúng ta đã có con số năm từ nay đến hết kiếp thứ 9 này là 6500 + 8,399,000 = 8,405,500 năm như trên đã tính.
– Từ kiếp thứ 10 đến hết kiếp thứ 20 của Trung kiếp Trụ này là 11 kiếp nữa thì bắt đầu vào thời kỳ Hoại của trái đất, chứ không phải hoại của mặt trời, mỗi kiếp là (84,000 – 10) x 100 x 2 = 16,798,000 năm; như vậy số năm trong 11 kiếp là 16,798,000 x 11 = 184,778,000. Do đó số năm để trái đất này sẽ chết (tạm thời, vì sẽ tái lập địa) là vào khoảng: 8,405,500 +184,778,000 = 193,183,500 (một trăm chín mươi ba triệu một trăm tám mươi tư nghìn năm trăm) năm, vì đại tai sẽ trình bày ở một mục sau.
LỜI BÀN: Các Cụ Tổ loài người có từ lúc nào?
Như vậy, thời gian từ lúc tái lập địa tới nay là bao lâu? Chúng ta có thể tính như sau: Trung kiếp Trụ có 20 kiếp, cho đến nay ta đang ở kiếp thứ 9 giảm tuổi, như vậy, trong 8 kiếp trướcta có: một kiếp x 8 = 16,798,000 x 8 = 134,384,000 năm, cộng với số năm từ đầu kiếp thứ 9đến nay là (84,000 – 75) x 100 = 8,392,500 năm, thì ta có: 134,384,000 + 8,392,000 = 142,776,500 năm; đó là thời gian từ lúc tái lập địa đến giờ, và cũng là lúc mà các ông Tổ các bà Tổ loài người xuất hiện vậy.
Về khoa học thì sao?
1)- Trong quyển Những Nguồn Gốc (Origins), trang 236 ghi: “Hệ thống mặt trời và trái đất được thành lập khoảng 4.6 tỉ năm, sau 600 triệu năm thì ổn cố và xuất hiện đời sống trên trái đất”; lại có nhà khoa học nói đời sống khởi thủy ít ra cũng vài chục triệu năm rồi.
2)- Quyển Đạo Phật và Khoa Học,trang 270, ghi:
– Các nhà khoa học cho rằng vào thời kỳ xuất hiện đột nhiên (Cambrian Explosion) là thời kỳ mà các chủng loại khác nhau có mặt bất ngờ. Thời kỳ các lớp đá xuất hiện từ động vậthóa thạch cổ xưa cách nay 545 triệu năm, các nhà khảo cổ còn cho rằng đã có nhiều sinh vật khác nhau đã được sinh ra từ cả tỉ năm phần lớn sống trên đại dương và các vùng thấp, những sinh vật đầu tiên này có cơ thể mềm yếu không tồn tại lâu dài và không hóa đá được.
3)- Theo tài liệu cổ của nhân chủng học trong quyển Đạo Phật và Khoa Học, trang 325 ghi:
Về động vật: Sự sống cách đây 4 tỉ năm, loài có vú đàu tiên cách đây 50 triệu năm.
Lại có khoa học gia tìm thấy trong lớp địa tầng ở Phần-Lan có bằng chứng về sự sống cách nay 3 tỉ 850 triệu năm từ những hạt khoáng chất do vi sinh vật tạo nên.
Về thực vật: Trước kia các nhà khoa học nghiên cứu về hóa thạch cho rằng loài thực vậtcó trên trái đất vào khoảng 425 triệu năm.
Nhưng mới đây Tiến sĩ Blair Hedges trưởng nhóm nghiên cứu của trường đại họcPensylvania Hoa-Kỳ nói là loài nấm đất có từ 1.3 tỉ năm, loài rêu có từ 700 triệu năm; ông nói rằng thuở ấy trái đất còn bao phủ bởi băng hà, và sự có mặt của thực vật đã làm tăng lượng oxy và giảm lượng carbon dioxides trong khí quyển. Hiện tượng này kéo dài hơn 100 triệu năm, cho đến cách đây 530 triệu năm là thời kỳ băng hà chấm dứt; những loại động vật đầu tiên xuất hiện, được gọi là thời đột xuất Cambri Explosion; chính sự phong phú hiện diện của thực vật đã làm lượng oxy tăng lên đủ để động vật phát triển xương và có thân hình to lớn.
4)- Các nhà Nhân chủng học ngành huyết thống (đạo Phật và Khoa Học trang 262) cho rằng có hai chủng loại khác nhau:
– Chủng loại Lucy có 4 loại khác nhau cách đây từ 1 tới 4 triệu năm. Chủng loại Lucy đã tìm thấy bộ xương sọ ở Hadar, Phi châu.
– Chủng loại Homo cũng có 4 loại khác nhau cách đây từ 1 tới 3 triệu năm.
Năm 1980, Allan Wilson, Rebecca Cann, và Mark Stoneking đưa ra bằng chứng về Vi Năng tử DNA để nói rằng bà Tổ loài người xuất phát từ Phi-Châu cách đây 200,000 năm, rồi một số di cư tới Âu-Châu (Đạo Phật và Khoa Học, trang 265).
Nhưng giả thuyết này bị chống đối, nhà khoa học gia Ayala cho rằng người đàn bà Phi-Châu không thể coi là thủy tổ của tất cả nhân loại, mà di tử được truyền thừa từ nhiều tổ tiên chứ không phải một hay một số ít tổ tiên.
5)- Ông Robert L Drit thuộc đại học Yale Hoa-Kỳ tìm nguồn gốc tổ tiên bằng cách hoán chuyển Di-tử (Gene Mutual) trong những đoạn đặc biệt của dây nhiễm sắc (Chromosome Y), là những dây di truyền từ cha đến con. Bằng cách hoán chuyển với một tỉ lệ ngược thời gian nhiều thế hệ đến một điểm mà nhân loại có một ông tổ chung; ông tính ra là 270,000 năm (Đạo Phật và Khoa Học, trang 267).
Nhưng ông Mike Hammer nói rằng ông Dorit chỉ nghiên cứu 38 người trên thế giới chưa đủ, cần nghiên cứu nhiều người khác nữa trên thế giới.
6)- Christ Turner 2, Giáo sư Nhân chủng học đại học Arizona Hoa-Kỳ nghiên cứu 250,000 chiếc răng cho rằng người tiền sử, nói rằng nếu con người hiện đại chỉ xuất hiện ở một nơi, thì nơi đó phải là vùng Đông Nam Á châu, vì những yếu tố ông thâu thập được chứng minhnhư thế (Đạo Phật và Khoa Học trang 269).
Nhưng Chris Stringer, trưởng toán nghiên cứu nguồn gốc loài người tại Viện Bảo TàngLịch-sử thiên nhiên ở Luân-Đôn không đồng ý và cho rằng yếu tố thâu thập về răng chỉ chứng tỏ rằng Á-Châu là nơi di cư tản mát của loài người sau khi xuất phát từ Phi-Châu.
LỜI BÀN VÊ KHOA HỌC:
Xem vậy, lâu lâu các nhà khoa học lại khám phá ra một điều mới lạ có liên quan đến nguồn gốc loài người, loài vật và thực vật; nhưng xem ra chưa phải là kết quả cuối cùng, thậm chí điều khám phá ra sau lại trái với điều khám phá ra trước, nhất là các con số đưa ra, làm cho người đọc lẫn lộn, bối rối, vì chưa rõ ràng. Có người bảo các nhà khoa học như những người mù sờ voi chỉ trúng một phần thôi chứ không trúng hết, nói vậy cũng là qúa khe khắt, dù sao, họ cũng đang chứng minh bằng khoa học thực nghiệm được một phần nào mà đức Phật đã dạy trước kia như có những sinh vật nhỏ bé trong nước, vũ trụ vô biên, thế giới vô số nhiều hơn cát sông Hằng v.v….,.
Phần này chủ yếu nói về những chuyện tiền thân khi Phật là nhân vật chính : hôn nhân, quan hệ bạn bè
Phần này nói về những câu chuyện tiền kiếp hoặc trong thời Phật tại thế : các vị tỳ kheo ,tỳ kheo ni , thánh cư sĩ…
Chuyện này được nghe giảng từ khá nhiều thầy Bắc Tông cách đây cả chục năm ; search trên mạng thấy ngay
Thấy nồi canh đang nấu, Ngài lại nói tiếp: “Quyến thuộc nấu trong nồi.” Nguyên là các con heo con dê bị người ta làm thịt trước kia nay đều đầu thai trở lại làm người, và ăn thịt những kẻ đã từng giết chúng để bồi thường túc báo. Những lục thân quyến thuộc xưa kia chuyên ăn thịt heo thịt dê, thì bây giờ trở ngược lại bị làm heo làm dê và bị người ta bằm chặt, đem nấu trong nồi để đền nợ.
Thời vua Lương Võ Đế có Hòa Thượng Chí Công, vốn là một vị cao tăng đã đắc Ngũ nhãn Lục thông, tiền nhân hậu quả nhất nhất đều biết rõ ràng. Lần nọ, có một gia đình hào phú tổ chức tiệc cưới cho con và thỉnh Hòa Thượng Chí Công đến tụng kinh. Bấy giờ, Hòa Thượng vừa đặt chân đến ngạch cửa đã than rằng:
“Lạ lạ thay! Quái quái kỳ!
Đứa cháu cưới bà nội,
Heo dê ngồi bàn tiệc,
Quyến thuộc nấu trong nồi.
Con gái ăn thịt mẹ,
Con trai đánh da cha.
Khách khứa đến chúc mừng,
Ta thấy thật là khổ!”
Như thế là ý nghĩa sao đây? “Đứa cháu cưới bà nội,” quý vị thấy có lạ đời không? Nguyên bà cụ này lúc lâm chung cầm tay đứa cháu nội mà trong lòng quyến luyến, không nỡ xa lìa, bà than: “Các con ta ai nấy đều thành gia lập nghiệp cả rồi, chỉ tội cho đứa cháu nội độc nhất của ta không người chăm sóc. Ôi! Biết làm sao đây?” Than xong thì bà tắt thở.
Khi hồn bà cụ đến địa phủ, Diêm Vương phán bảo: “Ngươi đã yêu thương đứa cháu nội như thế, thì hãy trở về làm vợ nó mà chăm sóc cho nó đi!” Thế là bà cụ đầu thai trở lại làm vợ đứa cháu nội. Cho nên, việc tiền nhân hậu quả trên thế gian có khi cũng thật đáng sợ lắm thay!
Rồi Hòa Thượng Chí Công lại ngó quanh và nói: “Heo dê ngồi bàn tiệc.”
Thấy nồi canh đang nấu, Ngài lại nói tiếp: “Quyến thuộc nấu trong nồi.” Nguyên là các con heo con dê bị người ta làm thịt trước kia nay đều đầu thai trở lại làm người, và ăn thịt những kẻ đã từng giết chúng để bồi thường túc báo. Những lục thân quyến thuộc xưa kia chuyên ăn thịt heo thịt dê, thì bây giờ trở ngược lại bị làm heo làm dê và bị người ta bằm chặt, đem nấu trong nồi để đền nợ.
“Con gái ăn thịt mẹ.” Bấy giờ ở ngoài sân có một bé gái đang gặm một cái giò heo rất ngon lành, mà không biết rằng con heo này kiếp trước vốn là mẹ của mình.
“Con trai đánh da cha.” Hòa Thượng Chí Công lại nhìn về phía ban nhạc hòa tấu, người đánh cồng khua chiêng, kẻ thổi kèn thổi sáo, rất tưng bừng náo nhiệt! Trong đó có một người đang hăng say đánh trống—cái trống này được bịt bằng da lừa, mà con lừa ấy kiếp trước chính là cha của anh chàng đánh trống!
Thế mà “khách khứa đến chúc mừng.” Mọi người đều hớn hở cho rằng đó là ngày vui, nhưng Hòa Thượng Chí Công chỉ than thở: “Ta thấy thật là khổ!” Kỳ thật, người đời thường lấy khổ làm vui!
Quý vị nghe qua câu chuyện này rồi thì nên biết việc sát sanh, ăn thịt thật đáng sợ! Sau đây chúng ta hãy nghiên cứu chữ “nhục” (thịt) theo Hán tự:
Bên trong chữ “nhục” có hai người,
Người ở trong dòm người ở ngoài,
Chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh,
Suy nghĩ kỹ là người ăn người!
Vì vậy, ăn chay là tốt nhất. Nhưng khi nấu đồ chay, quý vị không nên đặt những cái tên như gà chay, vịt chay, bào ngư chay… cho các món ăn! Đã ăn chay rồi thì tại sao hãy còn không bỏ được những đồ mặn đó? Dù chỉ là thịt cá trên danh nghĩa hoặc hình thức, nhưng bên trong có hàm chứa những chủng tử nhiễm ô, không tốt. Cho nên, từ nay về sau không nên dùng tên của đồ mặn để gọi các món chay nữa!
Hits: 21