Các bài Lời Phật dạy trong Nikaya đều được Tâm Học lấy nguyên văn từ sách Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya của
Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, ở vườn Nai. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:
Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này và còn muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa.
Nữ gia chủ mẹ Nakulà cũng bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến chồng con, cho đến ý nghĩ cũng không, đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này và còn muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa.
Vậy này các gia chủ, khi cả hai vợ chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này và cũng muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa, cả hai người cùng có niềm tin, cùng giữ giới, cùng bố thí, cùng tu tập trí tuệ thì trong đời hiện tại được thấy mặt nhau, và trong các đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nguồn sanh phước, phần Xứng đôi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.668)
LỜI BÀN:
Tình nghĩa vợ chồng khi đã kết tóc xe duyên thì không chỉ nguyện ước sống mãi bên nhau cho đến đầu bạc răng long mà còn nguyện cùng nhau đi cho đến sơn cùng thủy tận. Đây cũng là mong ước, tâm nguyện chân thành đồng thời cũng là điệp khúc muôn thuở của tất cả những người đang yêu. Tuy nhiên, giữa ước mơ và thực tại là một khoảng cách xa vời. Khi đã thực sự chung sống, chẳng khó khăn gì để mọi người nhận ra một sự thật rằng: hạnh phúc tuy có đấy nhưng quá đỗi mong manh, khó tìm nhưng lại dễ mất.
Tuyệt vời thay cho gia đình Nakulà, sống chung mà chẳng có điều gì xâm phạm lẫn nhau cho dù trong ý nghĩ. Cố nhiên là họ yêu thương nhau nhưng cốt tủy của vấn đề ở chỗ là họ thực sự hiểu nhau. Yêu thương và hiểu biết lẫn nhau là hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chúng hỗ tương, khắng khít và chẳng thể tách rời. Bởi yêu thương mà thiếu hiểu biết thì tình thương ấy sẽ trở thành sự trói buộc. Sẽ không đủ sức mạnh để tin yêu, thông cảm, tôn trọng, tha thứ và bao dung… nếu không thực sự hiểu biết lẫn nhau.
Vun bồi những chất liệu nuôi dưỡng tình yêu nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình, theo quan điểm của Thế Tôn, cả hai người phải nỗ lực tu tập về tín, giới, thí và tuệ. Tin tưởng nơi chính mình và người bạn đời của mình; tự nguyện gìn giữ phẩm hạnh, thủy chung son sắt; hỷ xả và tha thứ những lỗi lầm của nhau; hiểu biết nhau thật sự là bí quyết để nuôi dưỡng tình yêu nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong bối cảnh xã hội phát triển, khi xu thế ly hôn, đổ vỡ hạnh phúc gia đình ngày một gia tăng như hiện nay, thiết nghĩ sự tu tập theo lời Phật dạy như trên để hàn gắn những tổn thương, giữ gìn hạnh phúc gia đình là cẩm nang không thể thiếu đối với mọi người, nhất là những người con Phật.L
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.
Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm về đạo nghĩa vợ chồng:
Này gia chủ, có năm cách người chồng phải đối xử với người vợ: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ.
Này gia chủ, được chồng đối xử như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
Này gia chủ, người vợ được chồng đối xử theo năm cách và người vợ tỏ lòng thương tưởng chồng theo năm cách như vậy gia đình sẽ an ổn và thoát khỏi các sợ hãi.
(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [lược], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.543)
LỜI BÀN:
Trong lễ thành hôn, người ta thường chúc nhau trăm năm hạnh phúc, mong cho đôi vợ chồng trẻ sống với nhau đến ngày đầu bạc răng long. Sở dĩ ai cũng mong cầu hạnh phúc vì điều ấy tuy có đấy nhưng khó đạt được. Mỗi người phải phấn đấu và nỗ lực không ngừng để kiện toàn tự thân thì mới có thể hy vọng tạo dựng hạnh phúc hôn nhân bền vững, lâu dài. Ngoài tình yêu, hiểu nhau đến tận chân tơ kẽ tóc, mỗi người phải làm tròn bổn phận làm vợ, làm chồng của mình.
Theo Thế Tôn, một người chồng tốt, trước hết phải kính trọng người bạn đời của mình. Nguyên tắc này, ngày nay chúng ta thấy bình thường nhưng ở thời đại của Thế Tôn, nhất là trong một xã hội cổ đại trọng nam khinh nữ, khi phụ nữ là “ngọn đuốc sáng soi đường đến địa ngục” thì phải kính trọng vợ là điều hết sức cách mạng. Không chỉ tôn trọng mà người chồng còn phải chung thủy, tin tưởng hoàn toàn nơi người bạn đời; và điều quan trọng là tất cả những tính cách tốt đẹp ấy của người chồng phải được biểu hiện ra bằng hành động cụ thể săn sóc, ân cần.
Cùng với người chồng tốt, người vợ phải thực sự ngoan hiền, chung thủy, đảm đang và tháo vát. Mặc dù phụ nữ thời nay có thể nói bình đẳng hoàn toàn với nam giới trên mọi phương diện song không ai trong gia đình có thể đảm nhiệm tốt vai trò “nội tướng” hơn người vợ, người mẹ. Thực hiện tốt vai trò này, người vợ đã góp phần cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng sự ổn định, phát triển vững chắc cho gia đình.
Thế Tôn đã khẳng định, nếu vợ chồng biết chung sống với đầy đủ trách nhiệm và bổn phận theo năm cách đã nói ở trên thì chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc. Đây cũng là điều mà mỗi người con Phật cần suy gẫm, thực hành trong đời sống hôn nhân để xây dựng gia đình hạnh phúc.L
Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, có một pháp nào có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?
Thưa Đại vương, có một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.
Bạch Thế Tôn, pháp ấy là gì?
Bất phóng dật, thưa Đại vương, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.
Ai ước nguyện tuổi thọ/ Không bệnh, có diệu sắc/ Được sanh lên Thiên giới/ Sanh các nhà quý tộc/ Phải liên tục tăng thượng/ Tinh tấn, không dừng nghĩ/ Người hiền triết tán thán/ Hạnh lành không phóng dật/ Đối với những người lành/ Làm các hạnh công đức/ Người hiền không phóng dật/ Được cả hai lợi ích/ Lợi ích trong đời này/ Lợi ích cả đời sau/ Kẻ anh hùng được gọi/ Là bậc chơn hiền trí/ Nếu biết nắm chụp lấy/ Hạnh phúc cho chính mình.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Không phóng dật [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993,
tr.194)
LỜI BÀN:
Phóng dật là lối sống buông thả, phóng túng theo dục vọng, không có tiết độ, không biết tự giới hạn và kiềm chế bản thân, nói nôm na là sống xả láng, không cần nghĩ đến ngày mai. Theo tuệ giác của Thế Tôn, chính sự phóng túng không biết dừng lại đúng lúc là nguyên nhân của mọi bất hạnh trong đời này và cả những đời sau.
Thì ra, những điều kiện để thiết lập hạnh phúc trong đời sống vốn ở trong tầm tay của mọi người. Đó là sự chuẩn mực, điều độ, biết làm chủ bản thân mình trước những cám dỗ. Chúng ta thừa biết tác hại của việc ăn quá no hoặc ngủ quá nhiều, đam mê tửu sắc vô độ, quá vui hoặc quá buồn, stress v.v… ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần, là nguyên nhân của vô số bệnh tật, dẫn đến thể trạng sa sút và suy giảm tuổi thọ nhưng để làm chủ được bản thân không phải là điều dễ dàng.
Mặt khác, những ai biết dừng lại đúng lúc trước cám dỗ chắc chắn người ấy sẽ không bao giờ phải hối tiếc và ăn năn về những việc đã làm. Không ít người chỉ vì một phút không chế ngự được bản thân để tham sân chi phối mà phải thân bại danh liệt hay ân hận suốt cuộc đời.L
Một thời Thế Tôn du hành ở giữa dân tộc Kosala cùng với đại chúng Tỷ kheo đi đến Nàlandà. Tại đấy, Thế Tôn trú tại rừng Pàvarikamba. Lúc ấy, Nàlandà đang đói kém, khó kiếm được cái ăn, xương trắng đầy tràn.
Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của Nigantha đi đến đảnh lễ, cật vấn Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, bảo vệ các gia đình, từ mẫn đối với các gia đình?
Đúng vậy, này thôn trưởng!
Vậy thì vì sao, bạch Thế Tôn, Ngài cùng đại chúng Tỷ kheo lại du hành tại xứ Nàlandà đang đói kém, khó kiếm được cái ăn, xương trắng đầy tràn? Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình.
Này thôn trưởng, có tám nhân duyên làm tổn hại các gia đình. Do quốc vương, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do trộm cướp, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do lửa, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do nước, các gia đình đi đến tổn hại. Hay họ không tìm được tiền của cất giấu. Hay do biếng nhác, họ bỏ bê công việc. Hay trong gia đình có kẻ phá hoại. Và vô thường là thứ tám. Này thôn trưởng, chính tám nhân duyên này làm tổn hại các gia đình.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, phần Gia tộc, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.505)
LỜI BÀN:
Không phải ngày nay mới có một vài người nhận thức phiến diện cho rằng tu sĩ là một bộ phận không lao động, thụ hưởng, là gánh nặng cho xã hội mà ngay thời Thế Tôn còn tại thế, quan niệm thiển cận này đã có mặt. Tu sĩ nói chung, dù trực tiếp hay không trực tiếp tham gia sản xuất thì vẫn có vai trò rất quan trọng trong xã hội, đóng góp tích cực vào việc thiết lập và xây dựng nền tảng đạo đức, góp phần gìn giữ sự ổn định, thăng hoa đời sống, phát triển xã hội.
Theo tuệ giác Thế Tôn, một gia đình, địa phương, khu vực hay quốc gia rơi vào nghèo khổ, kinh tế kiệt quệ thậm chí bị chết đói không phải vì “gánh nặng” tu sĩ mà bởi: Vua quan bất tài, dốt nát, chỉ biết bóc lột; giặc giã, trộm cướp hoành hành; thiên tai lửa cháy, nước trôi tàn phá; không kế thừa gia sản của cha ông; biếng nhác, bỏ bê công việc; bị chính các thành viên trong gia đình phá hoại; cuối cùng là do vô thường biến hoại, chi phối, thay đổi. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại các gia đình.
Bước đường du hóa hành đạo của Thế Tôn và chư Thánh đệ tử vốn tùy duyên, bình đẳng, vô phân biệt. Không vì nơi giàu có sung túc mà dừng chân quá lâu hay những nơi đói nghèo thì chẳng đặt chân đến. Tinh thần thương kính các gia đình, bảo vệ các gia đình, từ mẫn đối với các gia đình vẫn xuyên suốt trong mọi hành trình của Thế Tôn và tất cả những người con Phật. Ở đâu càng đói nghèo, tăm tối và đau khổ lại càng cần có những bước chân an lạc, từ bi, vô ngã, vị tha. Vì lẽ ấy, nơi nào có đau khổ do chiến tranh, thiên tai, dịch họa… thì nơi ấy có mặt người con Phật với tâm nguyện ban vui, cứu khổ “vì lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người”.L
Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn Kakakrapatta. Rồi Byagghapajja, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng các dục vọng, sống trói buộc với vợ con, dùng hương chiên đàn, đeo vòng hoa, thọ lãnh vàng bạc. Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, để chúng con được hạnh phúc, an lạc trong hiện tại.
Này Byagghapajja, có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc và an lạc trong hiện tại. Thế nào là bốn? Đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng và điều hòa.
Ở đây, này Byagghapajja, phàm làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc làm bất cứ nghề nào. Vị ấy phải thiện xảo với nghề, làm việc không biết mệt, biết suy tư, tìm hiểu vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm. Đây gọi là đầy đủ sự tháo vát.
Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản thu được do sự siêng năng, tháo vát; do bàn tay, mồ hôi và công sức đúng pháp, vị ấy biết giữ gìn, bảo vệ, không để thất thoát. Đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ.
Ở đây, này Byagghapajja, sống tại làng hay thị trấn có những gia đình mà những đứa trẻ được lớn lên trong giới đức, những người lớn trưởng thành trong giới đức; đầy đủ lòng tin, giới hạnh, bố thí và trí tuệ. Vị ấy phải làm quen, nói chuyện và học tập theo. Đây gọi là làm bạn với thiện.
Ở đây, này Byagghapajja, biết rõ tài sản nhập và xuất, sống một cách điều hòa, không quá phung phí và không quá
bỏn sẻn. Đây gọi là sống thăng bằng và điều hòa.
Này Byagghapajja, bốn pháp này đưa đến hạnh phúc và an lạc trong hiện tại.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương VIII, phẩm Gotamì, phần Dìghajànu-Người Koliya, VNCPHVN ấn hành, 1996,
tr.661)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống, mỗi người có một nghề nghiệp riêng. Để có một nghề nghiệp ổn định, dù làm bất cứ công việc nào, thì phải có sự thiện xảo về công việc ấy. Song song với thiện xảo, phải yêu nghề, thiết tha và tận tụy với nghề đồng thời phải thường xuyên học tập, trau giồi để cập nhật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.
Khi có nghề nghiệp vững vàng, tất nhiên thu nhập của người ấy ổn định. Tài sản do sự lao động chân chính, do mồ hôi và công sức của mình tạo ra nên phải biết trân quý thành quả lao động, giữ gìn và bảo vệ tài sản do mình làm ra, tránh hư hao, mất mát và thất thoát.
Mặt khác, người Phật tử muốn xây dựng hạnh phúc phải biết chọn môi trường sống lành mạnh đồng thời nỗ lực xây dựng cộng đồng để mọi người chung sống an hòa, vui vẻ và thân thiện để học tập lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ.
Sau cùng, muốn xây dựng hạnh phúc gia đình, người Phật tử sống thăng bằng tức biết rõ nguồn thu nhập của gia đình đồng thời phải điều hòa, tức sự chi tiêu không quá lãng phí mà cũng không quá keo kiệt.
Thực hành được bốn pháp trên chính là những hành động cụ thể để thiết lập bình an và hạnh phúc trong cuộc sống của người con Phật.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Đại Lâm, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Lúc bấy giờ, khoảng 500 người Licchavì đang ngồi tụ họp tại đền Sàrandada, và câu chuyện về sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời được khởi lên.
Rồi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, các người Licchavì đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con đang ngồi tụ họp, vấn đề này được khởi lên: Sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Và thế nào là năm? Sự hiện hữu của voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu và cư sĩ báu là khó tìm được ở đời.
Đối với các ông, người Licchavì đang thiên nặng về dục, cuộc nói chuyện y cứ trên dục được khởi lên. Này các Licchavì, sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Và thế nào là năm?
Sự hiện hữu của Như Lai, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác; Người có thể thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố; Người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp là Luật do Như Lai tuyên bố; Người đem thực hành các pháp và tùy pháp được hiểu từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố; Người biết ơn và nhớ ơn là khó tìm được ở đời.
Sự hiện hữu của năm châu báu này, này các Licchavì, khó tìm được ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Tikandaki, phần Tại đền Sàrandada [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996,
tr.583)
LỜI BÀN:
Thường những gì quý hiếm thì có giá trị cao, mọi người đều mơ ước chiếm giữ làm tài sản cho riêng mình. Sở hữu nhiều vật quý giá là một trong những thước đo về sự giàu có, thành đạt, đẳng cấp xã hội. Ngày xưa những người Licchavì hay bàn bạc về những vật quý giá như voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu thì cũng giống như chúng ta ngày nay thường bàn về xe hơi, nhà lầu, chứng khoán, ngoại tệ, vợ đẹp, con xinh, ăn ngon, mặc đẹp v.v… Hầu hết mọi người đều quan tâm đến những vấn đề này.
Đành rằng những thứ người ta hay bàn bạc, quan tâm và mơ ước được sở hữu đều quý giá nhưng ít ai lưu tâm đến vấn đề cái gì là thực sự quý giá nhất, có giá trị nhất ở cõi đời này. Và ngay đây sẽ phát xuất nhiều đáp án khác nhau tùy thuộc vào quan niệm sống, nghiệp lực và tuệ giác của mỗi người. Hầu hết những người chín chắn, từng trải đều nhận ra rằng những vật ngoài thân như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… cũng quý nhưng chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Bởi có khá nhiều người sở hữu được nhiều thứ nhưng vẫn khổ đau, không có hạnh phúc.
Theo tuệ giác Thế Tôn thì quý giá nhất ở đời không phải là vàng bạc, châu báu… mà chính là người giác ngộ, người hướng dẫn và thực tập để thành tựu sự giác ngộ, người biết ơn và nhớ ơn. Tâm an lạc thảnh thơi không còn bị tham dục, phiền não khổ đau chi phối mới thật sự quý báu. Do vậy, người con Phật ngoài những công việc làm ăn cần thiết cho cuộc sống, cần phải dốc sức tu dưỡng, chuyển hóa thân tâm để thiết lập đời sống bình an, hạnh phúc.L
Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường cùng với nhiều nam nữ gia chủ giữa Madhurà và Veranja. Rồi Thế Tôn đi đến ngồi dưới một gốc cây đã soạn sẵn, các nam nữ gia chủ cũng đi đến gốc cây. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên, Thế Tôn nói với các nam nữ gia chủ:
Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Đê tiện nam sống chung với thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ và thiên nam sống chung với thiên nữ.
Thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, người chồng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh, nói láo, say rượu, ác giới, tham lam và chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Người vợ cũng sống như vậy.
Và này các gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, người chồng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh, nói láo, say rượu, ác giới, tham lam và chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Người vợ thì sống ngược lại.
Này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, người chồng từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, không sống tà hạnh, từ bỏ nói láo, không say rượu, từ bỏ ác giới, từ bỏ tham lam và không chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Người vợ thì sống ngược lại.
Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, người chồng từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, không sống tà hạnh, từ bỏ nói láo, không say rượu, từ bỏ ác giới, từ bỏ tham lam và không chửi rủa các Sa môn, Bà la môn. Người vợ cũng sống như vậy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nguồn sanh phước, phần Sống chung, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.661)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống, tìm cho mình một người bạn đời phù hợp là mong ước của mọi người. Vẫn biết, nồi nào thì vung ấy là nguyên tắc chung song thực tế hôn nhân thì rất đa dạng, thật nhiêu khê. Phần nhiều nồi và vung chông chênh, nghiêng ngửa và phải nỗ lực thật nhiều từ cả hai phía mới tìm được sự đồng điệu, trọn lành.
Thật bất hạnh thay cho những cặp nồi tròn mà vung lại méo hoặc ngược lại. Trớ trêu là điều ấy lại không xảy ra hoặc ẩn mình trong những năm tháng tìm hiểu, khi chưa thật sự tự nguyện buộc ràng. Lúc ván đã đóng thuyền, lênh đênh trong sóng cả và giông tố cuộc đời mới biến tướng hoặc hiện rõ bản chất để tỏ mặt mười mươi. Nếu bình tâm đừng tự an vào số phận thì dễ dàng biết rằng đó là kết quả của nghiệp lực mà chủ yếu là nghiệp mới, phát sinh từ thực tế cuộc sống của hai người.
May mắn và hạnh phúc cho những cặp vợ chồng thiên nam và thiên nữ. Yếu tố cơ bản để cấu thành hạnh phúc cho những cặp vợ chồng này là giữ giới và hướng thiện. Trừ trường hợp nồi vung đều méo, tức đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ, thì các trường hợp khác đều có thể khắc phục. Hạnh phúc hay đau khổ đều do hai người tạo ra. Nếu biết sống theo lời Phật dạy, chuyển hóa những đê tiện của tự thân, thì có thể xây dựng đời sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững.L
Hits: 12