Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn không khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Không có nhan sắc, không có tài sản, không có giới hạnh, lười biếng và không có khả năng sinh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn không khả ý đối với nữ nhân.
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, không biếng nhác và có khả năng sinh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm Trung lược, phần Khả ý, không khả ý, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.384)
LỜI BÀN:
Làm người, ai cũng mong muốn tự hoàn thiện mình, nhất là các đấng mày râu, tự cho mình là phái mạnh thì phải luôn phấn đấu giữ gìn “nam nhi chi chí” để xứng đáng là bậc trượng phu. Cũng không khác biệt gì mấy so với đàn bà, đàn ông luôn khát vọng, mơ ước trở thành trung tâm chú ý của chị em, đặc biệt là mong muốn làm đẹp lòng ý trung nhân của mình.
Dù rất cố gắng nhưng không phải ai trong cánh đàn ông cũng biết làm hài lòng phụ nữ, nhất là những người mình rất mực yêu thương. Đó cũng chính là nguyên nhân của những đổ vỡ, mất mát và tang thương của không ít đàn ông phải gánh chịu trong cuộc đời này.
Một người đàn ông lý tưởng, khả ý đối với phụ nữ, theo tuệ giác của Thế Tôn phải hội đủ năm tiêu chuẩn, đó là: Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, không biếng nhác và có khả năng sinh con. Đây là năm điều kiện cần và đủ để trở thành người chồng, người cha tốt. Nếu thiếu một trong năm điều kiện này thì đàn ông trước nên tự trách mình trước những biến cố, tan vỡ, bất hạnh của bản thân và gia đình.
Trong xu thế bình đẳng giữa vợ chồng, nam nữ của xã hội hiện đại, khi mà người vợ có khả năng tự lập cao, không còn phụ thuộc nhiều vào người chồng thì đàn ông hơn lúc nào hết phải thực sự chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình. Nỗ lực hoàn thiện mình nhằm làm đẹp lòng phụ nữ để được họ mãi yêu thương, luôn kính trọng, sắt son chung thủy đồng thời đó cũng là cách thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và sự tôn vinh của đàn ông đối với phụ nữ.
Một trong những đức tính cao đẹp của phụ nữ là sẵn sàng hy sinh tất cả vì chồng con, vì gia đình nếu họ được thương, được hiểu và được đẹp lòng. Vì thế, đàn ông phải luôn phấn đấu, tự kiện toàn để trở thành người đàn ông lý tưởng. Hạnh phúc gia đình do chính các thành viên trong gia đình ấy tự xây dựng nên. Do vậy, làm một người chồng, người cha tốt và luôn được mọi người yêu mến là mục tiêu phấn đấu của những nam cư sĩ.L
Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ kheo, có ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sinh và liệt sanh.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người con trai ưu sanh? Ở đây, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sinh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con trai của họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người con trai tùy sanh? Ở đây, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp. Người con trai của họ cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới theo thiện pháp. Và người con trai của họ không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sinh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 3, phẩm 3, Nxb TP.HCM, 1999, tr.383)
LỜI BÀN:
Ngày nay, sinh con trai hay con gái không là vấn đề vì nếu có đầy đủ phước duyên thì sinh con nào cũng tốt đẹp cả. Bởi ngay cả khi sinh được con trai thì chưa hẳn người con trai ấy đem đến hạnh phúc, an vui cho gia đình vì con trai có đến ba hạng, nếu sinh con trai là hạng liệt sinh thì chắc chắn sẽ không hạnh phúc.
Khi con cái có những ngỗ nghịch, các bậc cha mẹ thường tự an ủi với quan niệm cha mẹ sinh con nhưng trời sinh tánh. Thực ra, trời không sinh tánh mà chính là biệt nghiệp của cậu trai và cộng nghiệp của gia đình. Duyên nghiệp quá khứ ràng buộc, đưa đẩy để hiện đời làm quyến thuộc của nhau, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt nghiệp báo của cả gia đình.
May mắn và phước đức cho những gia đình nào có con hơn cha, con trai thuộc hạng ưu sanh. Hạnh phúc và bình an cho những gia đình có con bằng cha, con trai của họ thuộc hạng tùy sanh. Bất hạnh và tủi nhục cho những gia đình con thua cha, có con trai thuộc hạng liệt sanh.
Những ai mong muốn sinh con trai thuộc hạng ưu sanh và tùy sanh thì phải nỗ lực chuyển hóa nghiệp lực của chính mình. Tu tập để tạo ra cộng nghiệp tốt đẹp cho cả gia đình nhằm tránh quả báo con trai rơi vào hạng liệt sinh là điều cần làm đối với tất cả những người con Phật.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Vua Pasenadi nước Kosala đi đến, sau khi đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
Rồi một người đi đến vua Pasenadi báo tin kề bên tai nhà vua: Thưa Đại vương, hoàng hậu Mallikà đã hạ sinh được một người con gái.
Khi được nghe như vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.
Sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy Thế Tôn nói lên bài kệ: Này Nhân chủ, ở đời/Có một số thiếu nữ/Có thể tốt đẹp hơn/So sánh với con trai/Có trí tuệ, giới đức/Khiến nhạc mẫu thán phục/ Rồi sinh được con trai/Là anh hùng, quốc chủ/Người con trai như vậy/Của người vợ hiền đức/Thật xứng là Đạo sư/ Giáo giới cho toàn quốc.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Người con gái, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.193)
LỜI BÀN:
“Con nào cũng là con” hoặc “trai hay gái không thành vấn đề” là câu nói gần như cửa miệng của mọi người sống trong xã hội văn minh, dân chủ và bình đẳng ngày nay. Thế nhưng quan niệm ấy được nêu lên cách nay hơn 25 thế kỷ trong xã hội Ấn Độ cổ đại, khi mà nữ giới được xem như “ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục” và “sinh con gái là thêm một trở ngại, một bất hạnh trong gia đình” quả là một tuyên ngôn sấm sét, vĩ đại và tiên phong nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại về cải cách xã hội, quyền bình đẳng nam nữ.
Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài đánh giá nhân cách một con người tốt hay xấu, hữu dụng hay vô dụng hoàn toàn không dựa vào giới tính, địa vị, giai cấp hoặc chủng tộc mà tùy thuộc vào nghiệp lực (nghiệp cũ và mới) của chính cá nhân ấy. Do vậy, dù là con trai hay con gái, nam hoặc nữ nếu mang một nghiệp cũ tốt đồng thời biết tích lũy, trau giồi và phát triển thiện nghiệp của mình trong hiện tại thì chắc chắn sẽ trở thành một người tốt, hữu ích cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Không chỉ ở phương diện xã hội, về khả năng tu tập giải thoát, quan điểm của Thế Tôn đối với nữ giới cực kỳ khoáng đạt và chân xác. Ngài tuyên bố rằng giới tính không phải là trở ngại chính cho việc thanh lọc thân tâm, nếu được tu tập trong Chánh pháp đầy đủ kỷ cương, giới luật thì hàng nữ lưu vẫn chứng đắc Thánh quả. Sự hình thành giáo hội Tỷ kheo ni và các vị Thánh đệ tử Ni đã xác chứng điều ấy.
Sinh một người con gái có trí tuệ và giới đức có thể tốt hơn con trai, lời dạy của Thế Tôn đã làm rúng động xã hội Ấn Độ, vang vọng khắp thế giới, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và tác dụng, nhất là ở những quốc gia còn mang nặng âm hưởng của tàn dư phong kiến, trọng nam khinh nữ. Người Phật tử nhận thức sâu sắc về lời Phật dạy, giáo dưỡng và thương yêu con cái trong tinh thần bình đẳng, quan tâm đến việc tác thành cho con cái giới đức và trí tuệ để trở thành người con ngoan hiền, hiếu thảo là hành động thiết thực của các bậc phụ mẫu, đệ tử Phật.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với tám hình tướng. Thế nào là tám?
Nữ nhân trói buộc nam nhân với nhan sắc; nữ nhân trói buộc nam nhân với tiếng cười; nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói; nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca; nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt; nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần; nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng; nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm.
Này các Tỷ kheo, nam nhân cũng trói buộc nữ nhân với tám hình tướng tương tự như thế.
Với tám hình tướng này, này các Tỷ kheo, nam nữ trói buộc lẫn nhau. Các loài hữu tình bị trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như bị trói buộc bởi bẫy sập.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Sự trói buộc của nữ nhân, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.555)
LỜI BÀN:
Do nghiệp lực, nên mỗi loài chúng sinh đều được phân chia thành hai phái tính, có hấp lực thu hút lẫn nhau để tự sinh tồn. Loài người cũng vậy, luyến ái giữa nam và nữ là bản chất của con người và trở thành một trong những vấn đề trọng đại của cả đời người.
Kinh nghiệm dân gian cho rằng “gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt” hay “gái ham tài, trai ham sắc” nhưng thực tế thì sự luyến ái nam nữ xảy ra không chỉ giới hạn ở đó mà trải rộng trên tám phương diện. Từ nhan sắc cho đến lời nói; từ lời ca, tiếng hát cho đến trang phục; từ quà tặng cho đến xúc chạm thân thể; thậm chí cả tiếng cười và nước mắt, tất cả đều là những tác nhân tạo ra hấp lực hình thành nên sự yêu thương, luyến ái lẫn nhau.
Tất nhiên, căn nguyên sâu xa của sự thương yêu, trói buộc lẫn nhau giữa nam nữ là lòng ái dục. Sự tự nguyện trói buộc, luyến ái lẫn nhau sẽ đạt đến đỉnh cao nếu được hỗ trợ đầy đủ các điều kiện như trên. Nắm vững nguyên tắc này, con người hiện đại biết khai thác và tận dụng triệt để những lợi thế mà mình có, để biến mình luôn luôn là “cạm bẫy” cho bất cứ đối tượng khác phái nào.
Đối với người xuất gia, phát nguyện sống đời phạm hạnh, ly dục thì nhờ nắm vững nhân duyên của sự trói buộc, luyến ái nam nữ nên dễ dàng tránh duyên. Nhờ đó, người khéo tu biết tiềm ẩn những lợi thế của mình và giữ được tự chủ, không bị lung lạc trước lợi thế của người nên viên thành phạm hạnh.
Riêng hàng Phật tử tại gia, vì đã tự nguyện trói buộc lẫn nhau nên cần phát huy hơn nữa mọi lợi thế của mình để gắn bó, thương yêu nhau trong suốt cuộc đời. Tự chăm sóc mình và chăm sóc người bạn đời để mãi mãi “trói buộc” nhau, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc là điều cần làm theo lời Phật dạy.L
Một thời, Thế Tôn ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn, dạy các Tỷ kheo:
Thấy năm điều này, này các Tỷ kheo, mẹ cha muốn con trai sinh trong gia đình. Thế nào là năm? Được giúp đỡ, sẽ giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta; sẽ duy trì lâu dài truyền thống gia đình; sẽ tiếp tục di sản thừa hưởng; sẽ cúng dường hiến vật cho các hương linh bị mệnh chung.
Do thấy năm điểm này, này các Tỷ kheo, mẹ cha muốn con trai sinh trong gia đình.
Do thấy năm sự việc/Bậc trí muốn con trai/Được giúp, giúp ta lại/Sẽ làm việc cho ta/Sẽ duy trì lâu dài/Truyền thống của gia đình/Sẽ tiếp tục gìn giữ/Gia sản được thừa hưởng/Hay đối với hương linh/Hiến dâng các vật cúng/Do thấy sự việc ấy/Bậc trí muốn con trai/Bậc Hiền thiện, Chân nhân/Nhớ ơn, biết trả ơn/Nhớ đến việc làm xưa/Họ hiếu dưỡng mẹ cha/Họ làm mọi công việc/Như trước làm cho họ/Thực hiện lời giảng dạy/Được giúp, hiếu dưỡng lại/Với truyền thống gia đình/Duy trì được lâu dài/Đầy đủ tín và giới/Con trai được tán thán.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Con trai, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.371)
LỜI BÀN:
Người xưa rất coi trọng vấn đề sinh được con trai. Họ quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nghĩa là sinh mười người con gái cũng là số không, vì con gái là con người ta, con trai mới là con của mình.
Đàn ông, con trai được chú trọng vì họ có sức mạnh để có thể lao động, săn bắt, chiến đấu với kẻ thù, giúp đỡ và phụng dưỡng những người thân, giữ gìn truyền thống gia tộc, nối dõi tông đường, kế thừa tài sản và nhất là cúng kính ông bà tổ tiên.
Tuy vậy, không phải người đàn ông, con trai nào cũng gương mẫu, có trách nhiệm, hội đủ các đức tính tốt đẹp kể trên. Nếu không được nuôi dưỡng và giáo dục đến nơi đến chốn đồng thời bản thân người ấy không tự rèn luyện, nỗ lực đoạn trừ những điều xấu ác để thăng hoa đến hoàn thiện thì dù có sinh mười người con trai như vậy cũng chẳng ích gì.
Trong khi có những gia đình sinh con gái nhưng nhờ khéo nuôi dạy trở nên ngoan hiền, hiếu nghĩa. Như vậy, vấn đề không phải là sinh con trai hay con gái mà quan trọng là sự giáo dưỡng thế nào để con cái trở nên hiếu thuận, có ích cho bản thân, gia đình và cuộc đời.
Trong bối cảnh hiện nay, con trai hay con gái đều có thể học tập, lao động, có trách nhiệm với gia đình và cống hiến cho xã hội như nhau nên quan niệm “con nào cũng là con” trở nên phổ biến. Đây là một tuệ giác, bởi phước báo gia đình cùng với sự tận tâm giáo dưỡng của cha mẹ sẽ un đúc nên tinh thần trách nhiệm, đạo đức, ngoan hiền, hiếu thuận cho con, dù cho đó là con trai hay con gái.L
Hits: 28