Một thời, Thế Tôn trú ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha đi đến đảnh lễ, mời Thế Tôn về nhà thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Uggaha cùng gia quyến bạch Thế Tôn:
Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng, hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc.
Rồi Thế Tôn nói với những người con gái ấy: Này các thiếu nữ, các con hãy học tập như sau:
Đối với người chồng, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, đối với vị ấy, các con hãy thức dậy trước, đi ngủ sau cùng, vui lòng làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương.
Những ai, chồng các con kính trọng như cha, mẹ, Sa môn, Bà la môn thì các con hãy tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường.
Phàm những công việc trong nhà, các con phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.
Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người làm công, các con phải biết công việc của họ đã làm; những thiếu sót của họ với công việc không làm. Phải biết tình trạng sức khỏe của những người đau bệnh; phân chia thực phẩm cho mỗi người.
Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc vàng do người chồng mang về, các con phải phòng hộ và bảo vệ chúng, giữ gìn để khỏi bị ăn trộm, ăn cắp và bị phá hoại.
Này các thiếu nữ, đây là những điều các con cần phải học tập để được hạnh phúc, an vui.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, phẩm Sumana, phần Uggaha – người gia chủ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.358)
LỜI BÀN:
Tri thức là hành trang đi vào cuộc sống. Do vậy, mỗi người phải tự trang bị, cập nhật những tri thức cần thiết để xây dựng hạnh phúc, an vui cho chính mình. Trước thềm hôn nhân, người con gái với những hiểu biết về đời sống, công việc và các mối quan hệ gia đình chồng là điều tối cần thiết.
Trở thành người vợ tốt của chồng, con dâu hiếu thảo của cha mẹ chồng và là người mẹ hiền của con cái là khát vọng, mơ ước của tất cả những người thiếu nữ. Song, để ước mơ cao cả mà giản dị ấy trở thành hiện thực là điều không phải dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực học hỏi, hiểu và thương thật sự, đồng thời phải phấn đấu và khắc phục những sai sót một cách thường xuyên, bền bỉ, liên tục trong cuộc sống.
Mặc dù những chuẩn mực về một người vợ lý tưởng đa phần không giống nhau, tùy thuộc vào thời đại, những nền văn hóa, tập quán, phong tục và quan niệm cá nhân của mỗi người. Mặt khác, vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày nay đã khác xưa. Tuy nhiên, những tiêu chí về người con dâu hiếu thảo, người vợ tốt và người mẹ hiền mà Thế Tôn đã thiết lập để xây dựng hạnh phúc hôn nhân cho hàng Phật tử đến nay vẫn còn nguyên vẹn chân giá trị, có tác dụng tích cực để xây đắp hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, không chỉ riêng tự thân của những người thiếu nữ tự trang bị cho mình kiến thức về hôn nhân mà những bậc cha mẹ phải quan tâm đến tương lai của con cái. Noi gương gia chủ Uggaha, các bậc cha mẹ không nên phó mặc mà phải tham gia tích cực vào việc định hướng, giáo dục con cái. Trong xu thế thực dụng như hiện nay thì việc học tập theo những di huấn của Thế Tôn để xây dựng hạnh phúc gia đình đồng thời giữ gìn những bản sắc cao đẹp của người phụ nữ dân tộc như đoan chính, trung hậu và đảm đang là điều cần làm.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm. Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm đau khổ riêng biệt mà người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ kheo, người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ nhất, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà có kinh nguyệt. Đây là đau khổ riêng biệt thứ hai, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà phải mang thai. Đây là đau khổ riêng biệt thứ ba, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà phải sinh con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ tư, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ kheo, người đàn bà hầu hạ đàn ông. Đây là đau khổ riêng biệt thứ năm, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Này các Tỷ kheo, đây là năm đau khổ riêng biệt, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm Trung lược, phần Đặc thù, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.384)
LỜI BÀN:
Đã mang thân phận con người, tất nhiên ai cũng có khổ đau. Nhưng người phụ nữ, vì nghiệp giới tính phải mang thiên chức làm mẹ nên có cấu trúc tâm sinh lý đặc thù, làm phái yếu và dĩ nhiên có những đau khổ riêng khác biệt với phái mạnh, đàn ông.
Đề cập đến những nỗi đau thầm kín, riêng tư của phụ nữ để hiểu, thông cảm và yêu thương họ là một cử chỉ tôn vinh và trân trọng. Một trong những nhu yếu quan trọng của con người là được hiểu, nhất là đối với phái yếu thì nhu cầu này tối cần. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới trong mọi phương diện. Song, những giới hạn về nghiệp giới tính làm cho người phụ nữ không thể bình đẳng thực sự với nam giới và nam giới dù cho yêu thương phụ nữ đến mấy cũng không chia sẻ được, điển hình trong những bực bội, phiền toái dằng dặc mỗi tháng; sự nặng nề, mệt mỏi lúc mang thai; nỗi đau và hiểm nguy vượt cạn lúc sinh nở.
Ngày nay, xu thế giải phóng phụ nữ, bình đẳng xã hội đạt đến đỉnh cao. Vì thế, đa phần phụ nữ thoát khỏi hai nỗi đau riêng là về nhà chồng khi tuổi còn trẻ, không có người thân và hầu hạ đàn ông. Tuy nhiên, nỗ lực của một vài nhà khoa học và một số chị em ở các nước phát triển muốn giải phóng luôn cả thiên chức của người phụ nữ là một sai lầm lớn. Vì một người phụ nữ nếu không có kinh nguyệt, không mang thai và không sinh con sẽ không còn là phái yếu, phái đẹp mà thậm chí cũng chẳng phải là đàn bà nữa.
Hiểu để thông cảm và yêu thương người bạn đời của mình hơn là nhiệm vụ của người nam cư sĩ sống theo lời Phật dạy. Người phụ nữ cũng cần hiểu mình hơn, đặc biệt là ý thức rõ ràng về nghiệp giới tính của phái nữ để tự hoàn thiện mình, xứng đáng là phái đẹp.L
Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, dạy các Tỷ kheo:
Ví như, này các Tỷ kheo, người vợ trẻ trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng cho đến các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng và cả với chồng: Hãy đi đi, các người có biết được gì.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo, trong đêm hay ngày được xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ cho đến trước cả Sa di và những người làm vườn. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, vị ấy có thể nói với thầy A xà lê, thầy Giáo thọ: Hãy đi đi, các người có thể biết được gì.
Do vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập như sau: Ta sẽ sống với tâm của người vợ trẻ khi mới về nhà chồng. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là điều cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Không hý luận, phần Người vợ trẻ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.702)
LỜI BÀN:
Trong vai trò và phận sự làm vợ, làm dâu, có lẽ đẹp nhất và dễ thương nhất là lúc nàng dâu mới được đưa về nhà chồng. Chuyến đò vu quy đưa nàng dâu về bến lạ với nhiều nỗi buồn vui lẫn lộn. Hiện hữu và hòa nhập trong một gia đình hoàn toàn xa lạ là một thử thách lớn. Vì thế, nàng dâu mới lúc nào cũng rụt rè, e thẹn, khép nép và khiêm cung. Nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ từ hòa, kính trên nhường dưới, siêng năng chăm chỉ cho đến đi thưa về trình, nhất nhất đều lễ phép, hiền thục. Chính mang tâm niệm này, nàng dâu đã thể hiện trọn vẹn nét đẹp đoan trang, thùy mị, thục nữ.
Sau một thời gian chung sống, quen người và quen việc rồi thì nàng dâu hiền thục kia không còn ý tứ và lần lượt xuất hiện những tính cách thô tháo vốn ẩn tàng trong bản chất của mình. Không những thô tháo, thậm chí có lúc hỗn hào với chồng và vô lễ với cha mẹ chồng. Giờ đây, trong mắt mọi người và cả chính nàng, nàng không còn đẹp và dễ thương nữa.
Người xuất gia cũng vậy, sơ tâm thật trong trắng và đẹp đẽ. Những ngày mới xuất gia, nhìn đâu cũng thấy Phật và Bồ tát. Tiếc rằng, ngày tháng thoi đưa, “nhất niên Phật hiện tiền, nhị niên Phật thăng thiên” để rồi ngẩn ngơ tiếc nuối cái sơ tâm ngày ấy. Thực ra, cái tâm ban đầu trinh nguyên ấy không mất, nó vẫn ẩn tàng trong tâm khảm mọi người. Có điều, cuộc sống với bao hiện thực trần trụi đã làm nó chai lì, héo úa và cằn cỗi. Chính điều này đã làm suy giảm niềm tịnh tín, dễ dàng tăng trưởng tự ngã dẫn đến bất kính và thối thất.
Người đệ tử Phật phải luôn chánh niệm để biết rõ tự thân của mình. Sống với đức khiêm hạ, tâm trong sáng, ý hiền thiện và thận trọng trong hành xử cũng như mọi việc làm. Sống với tâm của người vợ trẻ khi mới về nhà chồng là bí quyết để tồn tại và được trưởng dưỡng trong Chánh pháp.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại lâu đài của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên, Thế Tôn nói với Visàkhà:
Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Đời này rơi vào trong tầm tay của nàng. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản.
Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Đời này rơi vào trong tầm tay của nàng.
Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào tay của nàng. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào trong tầm tay của nàng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Ngày trai giới, phần Ở đời này [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.644)
LỜI BÀN:
Một phụ nữ được xem là thành công trong cuộc đời, ngoài hạnh phúc của chính bản thân còn là niềm vui, sự tự hào cho chồng con và cả gia đình. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vô cùng quan trọng, vì thế, hầu như bất cứ người phụ nữ nào cũng phấn đấu để tự hoàn thiện mình, hướng đến sự thành công.
Theo quan điểm của Thế Tôn, một phụ nữ thành công trước hết phải có khả năng khéo làm các công việc. Ngoài công việc nhà, người phụ nữ phải có một nghề nghiệp chuyên môn để cùng với chồng con xây dựng cuộc sống. Không những có nghề nghiệp chuyên môn cao mà còn có khả năng điều hành và quản lý nhân sự (tôi tớ và nhân công). Đối với phụ nữ ngày nay, thành tựu hai tiêu chí trên là chuyện bình thường, song vào thời Thế Tôn, phụ nữ bị xem thường và bị khinh rẻ, thì quan điểm này thực sự cấp tiến.
Tiếp đến, người phụ nữ thành công phải thể hiện nhuần nhuyễn nghệ thuật sống nhằm đưa đến sự hòa hợp trong gia đình. Làm cho chồng con đẹp lòng là điều không đơn giản, đòi hỏi một kinh nghiệm sống phong phú, tình thương, sự chịu đựng và trên hết là sự hy sinh tất cả vì hạnh phúc gia đình. Sau cùng, người phụ nữ thành công phải biết giữ gìn tài sản của gia đình. Của chồng nhưng công vợ, vì thế vai trò nội tướng của người phụ nữ ở trong gia đình cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định sự tồn vong của cả gia đình. Đó là sự điều tiết chi tiêu hợp lý, cân đối và căn bản trong thu chi, giữ vững các thành quả lao động và tài sản của gia đình.
Trên đây là những nhân tố cơ bản giúp một người phụ nữ thành công trong đời này. Tuy vậy, để tiếp tục duy trì thành công trong tương lai, người phụ nữ phải nỗ lực tu học, kiện toàn tự thân, nhất là phải thành tựu về tín, giới, thí và tuệ. Để thành công trong hiện đời là khó nhưng để thành công trong những đời sau lại càng khó hơn, bởi lẽ đi kèm với thành công luôn là sự ngã mạn, xem thường người khác.
Do đó, hàng nữ cư sĩ phải nhận thức sâu sắc và ứng dụng ngay những lời dạy của Đức Thế Tôn vào cuộc sống thực tiễn nếu muốn trở thành người phụ nữ thành công trong đời này và đời sau.L
Một thời, Thế Tôn trú tại Kosambi. Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha đang ngồi thiền tịnh thì rất nhiều Thiên nữ đi đến thưa Tôn giả:
Chúng tôi là những Thiên nữ với thân hình khả ái. Trên cả ba lĩnh vực, chúng tôi có quyền lực và tự tại. Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc, tiếng hay và lạc thọ như thế nào thì ngay lập tức liền được hình sắc, tiếng hay và lạc thọ như thế ấy.
Rồi Tôn giả Anuruddha xuất thiền, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Trong khi con tọa thiền, các Thiên nữ khả ái đi đến nói chúng tôi có quyền lực và tự tại. Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về ở chung với các Thiên nữ khả ái?
Này Anuruddha, phải có đầy đủ tám pháp, thế nào là tám?
Ở đây, nữ nhân đối với chồng ngủ sau, dậy trước, vui vẻ với công việc, xử sự đẹp lòng, nói lời dễ thương. Người chồng kính trọng Sa môn, Bà la môn thì nữ nhân ấy cũng kính trọng, cúng dường. Phàm tất cả việc nhà phải thông thạo, biết phương pháp làm, sắp đặt người làm. Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ, nhân công phải biết quản lý, sắp xếp công việc, quan tâm đến đời sống của họ. Tài sản chồng làm ra phải biết gìn giữ, bảo vệ không để hao phí, mất mát. Nữ nhân quy y Tam bảo. Nữ nhân giữ gìn năm giới. Nữ nhân sống với tâm rộng rãi, ưa thích bố thí.
Thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về ở chung với các Thiên nữ khả ái.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Ngày trai giới, phần Tôn giả Anuruddha, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.638)
LỜI BÀN:
Trong lục đạo thì cõi trời là cảnh giới có phước báo thù thắng nhất. Sống lâu, đẹp đẽ và những điều kiện tối ưu của đời sống luôn hiện ra đầy đủ tùy theo ý muốn là đặc điểm của chư Thiên ở thiên giới. Tu tập các pháp lành để sinh về những cõi trời là mục đích của tất cả các tôn giáo trên thế giới, trong đó có Phật giáo.
Dẫu rằng các cõi trời chưa phải là cứu cánh, Phật giáo chủ trương thành tựu tuệ giác, chấm dứt sinh tử, vượt thoát ba cõi. Song những ai chưa đầy đủ duyên lành đoạn tận phiền não, thành tựu Niết bàn thì nên tu tập phước thiện để tái sinh vào cõi trời, từ thắng duyên ở cõi trời, phát Bồ đề tâm tu tập đến giải thoát.
Muốn được tái sinh thiên giới làm những thiên nữ khả ái có quyền lực và tự tại, đối với phụ nữ phải thành tựu tám pháp. Đó là một người vợ hoàn hảo về tình yêu, lòng chung thủy, đầy đủ phẩm hạnh, có trách nhiệm, biết hy sinh, khéo léo, tận tụy, tháo vát và đảm đang. Mặt khác, phải biết nương tựa Tam bảo, giữ gìn năm giới để thành tựu nhân cách người nữ cư sĩ. Đặc biệt là tu tập bố thí, tâm tính rộng rãi, trải rộng lòng từ, bi mẫn với tha nhân. Đây là những nhân lành cần thiết để thành tựu phước báo sinh về các cõi trời.
Xét về phương diện hiện tại, một phụ nữ thực hành đầy đủ tám pháp trên chắc chắn sẽ đem đến hạnh phúc, an vui cho gia đình và chính bản thân mình. Vì thế, tám pháp này cần được hàng đệ tử Phật tu tập để có đầy đủ phước báo, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm sức mạnh này của người đàn bà. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh có con trai và sức mạnh giới hạnh.
Này các Tỷ kheo, người đàn bà không do nhân nhan sắc, không do nhân tài sản, không do nhân bà con hay không do nhân sinh con trai được sinh thiện thú, thiên giới hay cõi đời này.
Này các Tỷ kheo, người đàn bà do nhân giới hạnh, sau khi thân hoại mạng chung được sinh thiện thú, thiên giới hay cõi đời này.
Này các Tỷ kheo, đây là năm sức mạnh của người đàn bà.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm 3, phần Nhân, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.397)
LỜI BÀN:
Người ta thường nói phụ nữ là phái yếu, có thể vì chân yếu tay mềm và tâm hồn đa cảm nên cần được phái mạnh bảo vệ, yêu thương và che chở. Kỳ thực họ chẳng “yếu” chút nào, nhất là những phụ nữ có nhan sắc, tiền bạc, bà con, con trai và giới hạnh biết vận dụng, phát huy, khai thác hết các thế mạnh sở trường.
Từ xưa đến nay, nhan sắc phụ nữ luôn là một vũ khí lợi hại, có sức mạnh làm “đổ nước, nghiêng thành”. Sự giàu sang cũng làm cho phái yếu thêm sức mạnh, bởi ma lực của đồng tiền có thể sai khiến người khác làm theo ý mình. Có đông đảo bà con, dòng tộc và nhất là có con trai (theo quan niệm xưa) lại càng củng cố vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.
Phụ nữ đẹp tất được nhân loại tôn vinh nhưng sức mạnh tiềm tàng và mạnh mẽ nhất của họ chính là đức hạnh, thước đo vẻ đẹp toàn mỹ của nữ giới. Chính đức hạnh là nhân tố làm nên nét đẹp vĩnh cửu, để lại ấn tượng khó phai và có sức mạnh cảm hóa lòng người. Tuy nhiên, đức hạnh phải do học tập, rèn luyện và trau giồi mới thành tựu. Ngoài công dung ngôn hạnh thì tu tập giữ giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không cờ bạc, rượu chè, ma túy…) là nền tảng căn bản để kiện toàn phẩm hạnh người phụ nữ lý tưởng.
Ở đời, có một trong năm nhân tố kể trên thì phụ nữ đó có sức mạnh. Theo Thế Tôn, bốn sức mạnh nhan sắc, tiền bạc, bà con và con trai không bền vững, không tạo nên bình an và hạnh phúc lâu dài trong hiện tại và tương lai cho phụ nữ bằng sức mạnh giới hạnh. Phụ nữ thì phải đẹp, có đức hạnh lại càng đẹp hơn. Vì thế từ xưa cho đến nay, “cái nết đánh chết cái đẹp” vẫn mang giá trị vĩnh hằng đồng thời là mục tiêu cho hàng nữ lưu Phật tử hướng đến và chứng đạt.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh, một nữ nhân hoàn toàn không khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Không có nhan sắc, không có tài sản, không có giới hạnh, lười biếng, không sinh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn không khả ý đối với người đàn ông.
Và này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, không biếng nhác, có sinh con. Đầy đủ năm đức tánh này, này các Tỷ kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 3, phẩm Trung lược, phần Khả ý, không khả ý, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.383)
LỜI BÀN:
Phái nữ được tôn vinh là phái đẹp. Tuy nhiên, như thế nào là đẹp thì còn tùy thuộc quan niệm của mỗi người, mỗi thời, phong tục tập quán, các định chế xã hội… Vì thế, quan niệm về phái đẹp có muôn màu muôn vẻ khác nhau. Thời Thế Tôn, một phụ nữ lý tưởng phải bao gồm năm yếu tố: có sắc đẹp, có sản nghiệp, có đạo đức, siêng năng lanh lợi và có thể sinh con. Người phụ nữ nào đầy đủ năm đức này là biểu tượng cho nam giới đeo đuổi, chinh phục và kết thân làm bạn đời.
Người phụ nữ lý tưởng trước hết là có ngoại hình đẹp. Kế đến, người phụ nữ ấy phải có sự nghiệp, tài sản. Không chỉ đẹp bên ngoài mà phải có tâm hồn cao thượng, đạo đức sáng ngời và giới hạnh thủy chung. Cần thiết hơn là sự tháo vát, lanh lợi, siêng năng, cần mẫn để đảm nhiệm thành công vai trò nội tướng, ổn định hậu phương gia đình vững chắc. Và yếu tố quan trọng nhất của người phụ nữ lý tưởng là thiên chức sinh con, giúp duy trì nòi giống, nối dõi tông đường, phát triển dòng tộc.
Xem ra, những tiêu chuẩn về một người phụ nữ lý tưởng thời Thế Tôn đến tận bây giờ vẫn là khuôn mẫu cho đàn ông tìm kiếm. Và đây cũng chính là những yếu tố mà các người con gái của Thế Tôn (nữ cư sĩ) hiện nay cần học tập, rèn luyện tự kiện toàn để trở nên đáng yêu hơn trong mắt chồng con. Đừng vội than trách rằng chồng con không thương mình mà hãy nhìn lại chính mình có dễ thương hay không, mình đã hội đủ năm đức tính của người con gái lành của Thế Tôn chưa? Những phụ nữ nào biết tự vấn điều này thì chính họ đã tìm ra đáp án trả lời.L
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, trong trú xứ của Anàthapindika có người nói ồn ào, lớn tiếng. Sau khi hỏi nguyên do, được biết có nàng dâu Sujàtà không vâng lời mẹ, cha chồng; không vâng lời chồng… Rồi Thế Tôn cho gọi Sujàtà:
Này Sujàtà, có bảy hạng vợ trên đời, thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujàtà, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:
Ai tâm bị uế nhiễm, không từ mẫn thương người, thích thú những người khác, bị mua chuộc bằng tiền, hăng say giết hại người, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ sát nhân.
Còn hạng nữ nhân nào, tiêu xài tài sản chồng, do công khó đem lại, do vậy nếu muốn trộm, dầu có ít đi nữa, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ ăn trộm.
Không ưa thích làm việc, biếng nhác nhưng ăn nhiều, ác khẩu và bạo lực, phát ngôn lời khó chịu, đàn áp và chỉ huy, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ chủ nhân.
Ai luôn luôn từ mẫn, có lòng thương xót người, săn sóc giúp đỡ chồng, như mẹ chăm sóc con, tài sản chồng tạo ra, biết hộ trì gìn giữ, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ như mẹ.
Ai như người em gái, biết cung kính tôn trọng, đối với người chồng mình, với tâm biết tàm quý, tùy thuận phục vụ chồng, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ như chị.
Ai ở đời thấy chồng, tâm hoan hỷ vui vẻ, như người bạn tốt lành, đã lâu từ xa về, giữ giới dạ trung thành, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ như bạn.
Không tức giận an tịnh, không sợ các hình phạt, tâm tư không hiềm hận, nhẫn nhịn đối với chồng, không phẫn nộ tức giận, tùy thuận lời chồng dạy, hạng người vợ như vậy, được gọi vợ nữ tỳ.
Những người vợ thuộc hạng sát nhân, ăn trộm, chủ nhân do không giữ giới, ác khẩu và vô lễ nên khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào địa ngục.
Những người vợ thuộc hạng như mẹ, chị, bạn và nữ tỳ do an trú trên giới đức, nên khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú, thiên giới.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Không tuyên bố, phần Các người vợ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.404)
LỜI BÀN:
Vợ chồng tự nguyện gắn bó, chung sống với nhau, đó là duyên mà âu cũng là nợ. Người đàn ông nào cũng mong muốn có được người vợ hiền trong đời. Thế nhưng, do nghiệp lực và duyên nợ của mỗi người nên không phải ai cũng tìm được người vợ như ý.
Về phía phụ nữ, mang trong mình một sứ mạng và thiên chức cao cả, ai mà không muốn mình trở nên hoàn thiện, là người vợ, người mẹ hiền để xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình đem lại an vui cho chồng con. Chỉ ngặt nỗi thực tế của cuộc sống thì mấy khi mong muốn bình thường ấy trở thành hiện thực, bởi mỗi người có nghiệp lực riêng và ít ai vượt qua được nghiệp lực của chính mình.
Vì thế, sự kết hợp vợ chồng có tính tự nguyện ấy, nếu không khéo vun bồi, chuyển hóa và khắc phục lỗi lầm thì đôi khi lại là trói buộc và tự làm khổ cho nhau. Theo quan điểm của Thế Tôn thì có bảy hạng vợ ở trên đời. Tuy nhiên, cách phân loại ấy chỉ có tính biểu trưng, vì rằng trong bất cứ người phụ nữ nào cũng tiềm ẩn và dung chứa tính cách của bảy hạng người ấy. Do vậy, người nữ Phật tử, muốn trở thành người vợ tốt thì hãy vâng lời Phật dạy, siêng năng tu tập để chuyển hóa tự thân. Thường học và hành pháp để chuyển những tâm niệm của các người vợ như sát nhân, ăn trộm, chủ nhân thành tâm niệm của những người vợ như mẹ, chị, bạn và nữ tỳ.
Hạnh phúc hôn nhân do chính hai vợ chồng tạo dựng và xây đắp nên. Hiểu biết nhau để thương yêu nhau thực sự; cùng nhau sẻ chia, cảm thông và tha thứ, bao dung, khắc phục lỗi lầm để vượt qua mọi trở ngại trên cuộc đời nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của những người con Phật.L
Hits: 0