Nghệ thuật sân khấu (nghệ sĩ , ca sĩ…) không lưu tâm khéo lãnh ác nghiệp lớn
Nghệ thuật sân khấu (nghệ sĩ , ca sĩ…) không lưu tâm khéo lãnh ác nghiệp lớn
Nguồn : https://www.phattuvietnam.net/quan-diem-cua-duc-phat-ve-nghe-thuat-san-khau/
Tiêu đề gốc ” Quan điểm của Đức Phật về nghệ thuật sân khấu” , nhưng Tâm học đặt lại để người đọc chú ý hơn
Chúng ta đều biết, một trong giới cấm quan trọng mà Phật chỉ định cho người tu hành là không được nghe xem múa hát đàn kèn. Múa hát đàn kèn ở đây không phải là nghệ thuật sân khấu điện ảnh, mà là âm nhạc và vũ đạo.
Nghệ thuật sân khấu thường được hiểu là nghệ thuật biểu diễn kịch, còn gọi là kịch nghệ. Nghệ thuật sân khấu bao gồm cả kịch thơ, kịch hát… Đặc điểm của nó là bao giờ cũng có nhân vật. Người đóng vai nhân vật trong sân khấu là diễn viên.
Quan điểm của Đức Phật về nghệ thuật sân khấu được nêu rất rõ trong Kinh Tiểu Bộ: CCLX II Tàlaputta (Thera 97), thuộc chương mười chín, phẩm năm mươi kệ.
Ở đây xin trích phần chính bản Kinh nói trên, nói về câu hỏi của một diễn viên (đại từ “ngài”) đối với Đức Phật:
“Trong thời Đức Phật hiện tại, ngài sinh ra trong một gia đình kịch sĩ, trở thành thiện xảo trong nghề diễn kịch thích hợp với người trong gia tộc và trở thành lừng danh khắp Ấn Độ, như là lãnh đạo một ban hát với năm trăm nữ nhân, với sự huy hoàn của nghề kịch, ngài dự các lễ ở làng, ở thị trấn, ở cung điện vua và rất được sủng ái và danh tiếng.
Khi ngài trình diễn ở Ràjagaha với nhiều thành công, ngài đến yết kiến đức Phật và hỏi có phải một kịch sĩ trên sân khấu giả danh sự thật, làm cho khán giả ưa thích, vui cười, người ấy sau khi chết được sinh vào chư thiên hay cười.
Đức Phật ban đầu không trả lời. Đến khi lần thứ tư, đức Phật trả lời những ai khiến cho con người thiên về tình dục, tiêu cực tâm tư hoang mang khiến người ta mất nhiệt tình, người như vậy sau khi chết sẽ sinh vào địa ngục. Nhưng nếu có tà kiến thời bị sanh vào địa ngục vào súc sanh.
Tàlaputta khóc không phải vì đức Phật nói chỗ tái sinh, chỉ vì bị các kịch sĩ xưa lừa dối nói rằng kịch sĩ sẽ được sinh vào một đời sống hạnh phúc”.
Quan điểm từ chính đức Phật nêu ra như vậy là khá rõ, tuy vắn tắt. Ở đây chúng ta có thể bàn luận, suy ngẫm thêm:
Chúng ta chú ý: “Đức Phật ban đầu không trả lời, đến khi hỏi lần thứ tư, đức Phật trả lời”.
Sau khi được hỏi bốn lần, đức Phật mới trả lời. Đây quả là một trường hợp đặc biệt và hiếm hoi. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, có thể lý do mà đức Phật hành động như vậy là vì tính chất tế nhị của vấn đề.
Câu hỏi của Ngài Tàlaputtta là một lời đề nghị đức Phật xác nhận và ngài vẫn tin điều ngài nghĩ là đúng: “có phải một kịch sĩ trên sân khấu giả danh sự thật, làm cho khán giả ưa thích, vui cười người ấy sau khi chết được sinh vào chư Thiên hay cười?”.
Câu hỏi của ngài Tàlaputta tập trung vào vấn đề nghề nghiệp, hoạt động của nghề nghiệp.
Thế nhưng câu trả lời của đức Phật không đi thẳng vào nghề nghiệp, công việc mà đi vào vấn đề nội dung “…những ai khiến cho con người thiên về tình dục, tiêu cực tâm tư hoang mang khiến người ta mất nhiệt tình, người như vậy sau khi chết sẽ sinh vào địa ngục”.
Sau đó, đức Phật bổ sung: “nếu có tà kiến thời bị sinh vào địa ngục, sinh vào súc sinh”.
Như vậy, không phải là kịch sĩ (tức diễn viên sân khấu, và ngày nay gồm cả diễn viên điện ảnh), thì sinh vào địa ngục, và suy ra không phải nghệ thuật sân khấu (ngày nay gồm cả điện ảnh) là xấu, là nên tránh xa, mà vấn đề là nội dung được chuyển tải qua những tác phẩm nghệ thuật.
Những nội dung xấu mà nếu chuyển tải sẽ đưa người đóng vai trò chuyển tải đến địa ngục được đức Phật liệt kê là:
* Tình dục (ngày nay có thể hiểu là đồi trụy, kích dục)
* Tiêu cực, tâm tư hoang mang, khiến người ta mất nhiệt tình (ngày nay có thể hiểu là nội dung bi quan, ủy mị, lạc hậu đi ngược lại với tinh thần tích cực, tiến bộ…)
* Tà kiến (tức quảng bá những khái niệm sai lầm tà vạy, như hiếu sát, thù hận, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, giai cấp…).
Qua câu trả lời của đức Phật, chúng ta có thể thấy được sự vĩ đại và sáng suốt tuyệt đối.
Trước câu hỏi làm kịch sĩ (đạo diễn, diễn viên nghệ thuật sân khấu, mà ngày nay bao gồm cả điện ảnh) thì tất nhiên được sinh Thiên chăng? Đức Phật không trả lời làm kịch sĩ sẽ đọa địa ngục, mà đức Phật chỉ ra là anh diễn cái gì, anh tạo ra tác động gì với xã hội, và chính cái đó quyết định tương lai của anh.
Mở rộng ra câu nói của đức Phật không chỉ chỉ áp dụng cho sân khấu hay điện ảnh, mà còn có thể áp dụng cho mọi ngành nghệ thuật khác, từ văn học (truyện, thơ), âm nhạc, điêu khắc, nhiếp ảnh, vũ đạo, hội họa.
Đức Phật xác định rõ: “những ai khiến cho con người thiên về tình dục, tiêu cực”, như vậy là nói chung, không riêng gì kịch sĩ.
Xem thế thì, đức Phật chấp nhận nghệ thuật mang nội dung tích cực, trong sáng, cao đẹp, thanh khiết, vị tha, hy sinh, từ ái, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp trong con người.
Ngài Tàlaputta đặt vấn đề “giả danh sự thật”, nhưng trong câu trả lời đức Phật không hề đề cập đến vấn đề giả danh sự thật, mà đức Phật lại đặt sự quan tâm ở nội dung và tác động của nó (chúng ta chú ý đến cụm từ “khiến cho” mà đức Phật dùng).
Cách hiểu riêng của chúng tôi đối với bài kinh này là người kịch sĩ có thể diễn xuất sự thật hoặc giả danh sự thật, điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là nội dung diễn xuất có đồi trụy, ủy mị, lạc hậu, tiêu cực, tà kiến… hay không mà thôi.
Quan điểm của đức Phật về nghệ thuật sân khấu nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, hoàn toàn phù hợp với quan niệm lý luận văn học nghệ thuật tiến bộ hiện nay.
Đức Phật quả là người đi trước thời đại. Ở đây, Người là một nhà lý luận thiên tài.
Minh Thạnh
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 34