Nguồn http://www.thuongchieu.net/index.php/chuyende/truyenphapcu/1712–trng-lao-nan-a
Nan Đà là người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Phật, trưởng lão là con của vua Tịnh Phạn ( Suddhodana) và kế mẫu Mahabaxabade .. Trong 1 lần về cung , Đức Phật đã độ được 1 số người trong dòng họ đi tu , trong đó có con trai La Hầu La ( khi còn nhỏ) và người em Nan Đà. Dưới là câu chuyện thời Đức Phật và 1 câu chuyện tiền kiếp xa xưa ; khi trưởng lão Nan Đà còn là chú lừa đực, Đức Phật là 1 vị thương gia .. Bài viết chủ yếu nói lên nghiệp có hành vi lập lại theo nhiều kiếp . Trưởng lão Nan Đà khác với trưỡng lão A Nan Đà , A Nan Đà là thị giả của Đức là anh em họ với Đức Phật.
Chi tiết Được đăng ngày Chủ Nhật, 02 Tháng tám 2009 08:49 Viết bởi nguyen
Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào…
Giáo lý này đức Thế Tôn đã dạy cho Đại đức Nan-đà khi Ngài ngụ tại Kỳ Viên.
Sau khi bắt đầu Chuyển pháp luân, Thế Tôn rời Vương Xá và đến ngụ tại Veḷuvana. Ngay sau đó, cha Ngài, Đại vương Tịnh Phạn gởi mười sứ giả đến, người này tiếp người nọ, mỗi người mang theo một ngàn tùy tùng với lời dặn dò:
– Hãy tìm con trai ta và rước mời về trước mặt ta.
Chín sứ giả đã đến nơi, chứng A-la-hán và không trở về; sau cùng Trưởng lão Kāḷa Udāyi đến và cũng chứng A-la-hán. Biết rằng đã đến lúc Đạo sư lên đường, Trưởng lão mô tả những cái hay cái đẹp trong cuộc hành trình và hướng dẫn đức Phật cùng hai mươi ngàn A-la-hán đi Kapilapura. Tại đây, giữa thân tộc vây quanh, đức Đạo sư đã lấy trận mưa rào làm đề tài giảng pháp, và kể chuyện bổn sanh Bồ-tát Vessantara, tiền thân Ngài.
Ngày hôm sau, Ngài vào thành khất thực. Với bài kệ bắt đầu bằng câu: “Nỗ lực chớù phóng dật! Hãy sống theo chánh hạnh,” đức Phật độ vua Tịnh Phạn chứng quả Dự lưu. Và với câu “Hãy khéo sống chánh hạnh…”, Ngài độ Mahā Pājapatī đắc Sơ quả, và vua Tịnh Phạn đắc thêm Nhị quả. Cuối bữa ăn, Phật thuật lại truyện Bổn Sanh Canda Kinnara vì ân nghĩa của mẹ La-hầu-la đối với Ngài.
Ngày hôm sau, trong khi nghi lễ Quán đảnh và đám cưới của hoàng tử Nan-đà đang tiến hành, đức Đạo sư bước vào nhà khất thực, đặt bình bát vào tay Nan-đà và chúc phúc. Rồi từ chỗ ngồi đứng lên, đức Đạo sư ra đi không lấy lại bình bát trong tay Nan-đà. Vì sự cung kính đối với Như Lai, hoàng tử Nan-đà không dám hở môi “Bạch Thế Tôn, xin Ngài lấy lại bình bát”, mà tự an ủi “Thế Tôn sẽ lấy lại bình bát ở đầu thềm”. Nhưng khi đến đầu thềm, Thế Tôn đã không lấy bình bát. Nan-đà lại nuôi hy vọng “Thế Tôn sẽ lấy lại bình bát ở chân thềm”. Nhưng Đạo sư vẫn không lấy bình bát. Nan-đà lại nghĩ “Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở sân cung điện”. Nhưng Đạo sư cũng không lấy bình bát. Hoàng tử Nan-đà tuy rất muốn trở lại với cô dâu nhưng phải bấm bụng đi theo Đạo sư. Vì lòng quý kính Đạo sư quá sâu đậm chàng không dám nói “Thế Tôn hãy nhận bình bát”, mà đành tiếp tục bước theo, trong lòng vẫn chưa tắt hy vọng: “Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở đây, Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở đó, Thế Tôn sẽ lấy bình bát ở kia”.
Lúc ấy người ta nhắn với cô dâu mới “giai nhân của xứ sở” Janapada-Kalyāṇī:
– Thưa công nương, Thế Tôn đã đem hoàng tử Nan-đà đi với Ngài, mục đích của Ngài là chia uyên rẽ thúy.
Lập tức Janapada Kalyāṇī, khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đầu tóc chưa chải xong, tung mình lao theo vị hôn phu khẩn khoản:
– Công tử, xin trở lại ngay!
Lời của nàng làm tim Nan-đà chấn động. Nhưng đấng Đạo sư vẫn không lấy lại bình bát, dẫn chàng về tinh xá và bảo:
– Nan-đà, ông có muốn đi tu không?
Vì lòng tôn kính Phật của Nan-đà quá sâu đậm nên chàng cố nín để đừng thốt: “Con không muốn tu”, thay vào đó chàng thưa:
– Vâng, con muốn đi tu.
Đấng Đạo sư ưng thuận ngay:
– Tốt lắm, hãy xuất gia cho Nan-đà!
Thế là, vào ngày thứ ba sau khi Phật đến Kapilapura, Ngài đã tạo duyên cho Nan-đà thành Tỳ-kheo.
Vào ngày thứ bảy, mẹ của La-hầu-la trang điểm cho cậu hoàng con và gởi đến Thế Tôn, bà dặn dò:
– Con cưng, hãy đến xem vị Sa-môn này, người có hai ngàn tăng sĩ tùy tùng, có một thân hình vàng óng, có một dáng vóc đẹp đẽ của Đại Phạm thiên. Sa-môn này là cha của con. Ngày xưa Ngài đã sở hữu những kho tài sản vĩ đại. Từ lúc Ngài xuất gia, chúng ta không được gặp Ngài. Hãy đòi Ngài gia tài của con, hãy nói: “Cha thân yêu, con là hoàng thái tử, và ngay khi nhận lễ Quán đảnh, con sẽ trở thành Chuyển luân thánh vương. Con cần có tài sản, cha hãy ban của cải cho con, vì một người con có quyền hưởng tài sản của cha để lại”.
Hoàng tử La-hầu-la vâng lời đi đến Thế Tôn. Khi thấy Ngài, cậu ta cảm thấy một tình cảm nồng ấm của cha dành cho mình, trong lòng sanh tâm hoan hỷ nên thỏ thẻ: “Bạch Thầy, dưới bóng mát của Thầy con thật hạnh phúc”. Và cậu còn nói nhiều nữa, với những lời ngây thơ của trẻ con ở lứa tuổi ấy.
Thế Tôn thọ thực xong, hồi hướng công đức và từ chỗ ngồi đứng lên, bước đi. Hoàng tử La-hầu-la nối bước theo Thế Tôn, thưa:
– Bạch Thầy, hãy cho con gia tài mà con được thừa hưởng! Bạch Thầy hãy cho con gia tài mà con được thừa hưởng!
Đức Thế Tôn im lặng, ngay cả chư Tăng cũng để mặc không ngăn cậu bé theo Thế Tôn.
Cứ thế, hoàng tử theo Thế Tôn đến khu rừng. Rồi một tư tưởng nảy sanh trong trí Thế Tôn: “Gia tài của cha mà cậu bé đòi sẽ không tránh khỏi hậu quả là mang đến sự hủy diệt. À, ta sẽ ban cho nó bảy thánh tài mà ta đã nhận được dưới cội Bồ-đề. Ta sẽ khiến La-hầu-la làm chủ một gia tài xuất thế gian”.
Thế rồi, Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Xá-lợi-phất, ông hãy xuất gia cho La-hầu-la.
Nhưng khi hoàng tử La-hầu-la gia nhập Tăng đoàn, vua Tịnh Phạn (ông nội) rất sầu muộn. Không chịu đựng nổi sự buồn rầu, ông bày tỏ với Thế Tôn và thỉnh cầu:
– Bạch Thế Tôn, sẽ phải lẽ hơn nếu chư Tăng đừng nhận những người vị thành niên vào Tăng đoàn khi cha mẹ không cho phép.
Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu này. Lại một hôm, đức Thế Tôn ngồi trong hoàng cung sau bữa ăn sáng, đức vua cung kính ngồi một bên bạch:
– Bạch Thế Tôn, trong khi Ngài đang hành trì khổ hạnh, một vị trời đến và nói với tôi: “Con ông đã chết”. Nhưng tôi không tin và trả lời: “Con tôi sẽ không chết cho đến khi giác ngộ”.
Đức Thế Tôn nói:
– Phụ vương tin chuyện này không? Trong một kiếp trước đây, khi một vị trời chỉ một nắm xương và bảo phụ vương: “Con ông đã chết” phuÏ vương cũng đã không tin.
Và Ngài thuật lại truyện Bổn Sanh Mahā Dhammapāla, liên quan đến câu chuyện. Sau khi câu chuyện chấm dứt, nhà vua đắc quả A-na-hàm.
Thế Tôn độ cho cha Ngài đắc Tam quả xong, Ngài lại trở về Vương Xá cùng với Tăng đoàn. Bấy giờ Ngài đã hứa với ông Cấp Cô Độc đến thăm Xá-vệ, ngay khi đại tinh xá Kỳ Hoàn được hoàn thành. Chẳng bao lâu, Ngài nhận được lời báo: “Tinh xá đã hoàn thành”. Ngài liền đến Kỳ Viên cư ngụ. Đại đức Nan-đà lúc đó trở nên bất mãn, tỏ sự buồn phiền của mình với các Tỳ-kheo:
– Chư huynh, tôi bất mãn. Tôi đang sống đời xuất gia, nhưng tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Tôi dự định xả bỏ những giới luật cao cả và trở về đời sống thấp hơn, đời sống của một cư sĩ thế tục?
Thế Tôn nghe được việc này, cho gọi Tôn giả Nan-đà đến bảo:
– Nan-đà, có phải thật sự ông đã nói với nhiều Tỳ-kheo rằng: “Chư huynh, tôi bất mãn. Tôi đang sống đời xuất gia nhưng tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Tôi dự định xả bỏ những giới luật cao cả và trở về đời sống thấp hơn, đời sống của một cư sĩ thế tục”.
– Bạch Thế Tôn, hoàn toàn đúng thế.
– Nhưng Nan-đà, tại sao ông bất mãn với cuộc sống đạo hạnh mà ông đang sống? Tại sao ông không thể chịu đựng lâu hơn? Tại sao ông định xả bỏ những giới luật cao đẹp và trở về đời sống thấp hơn, đời sống của cư sĩ thế tục?
– Bạch Thế Tôn! Khi con rời nhà vị hôn thê yêu quí Janapada Kalyāṇī của con, với đầu tóc rối bời, từ giã con và khẩn khoản: “Công tử, xin hãy mau trở về!” Bạch Thế Tôn, vì con vẫn nhớ nàng nên con bất mãn đời sống xuất gia hiện con đang sống. Con không thể chịu đựng cuộc sống này lâu hơn, và con dự định xả bỏ những giới luật cao cả để trở về cuộc sống thấp hơn, cuộc sống của cư sĩ thế tục.
Khi ấy, đức Thế Tôn nắm tay Đại đức Nan-đà, dùng thần lực đưa chàng đến cõi trời Ba mươi ba. Trên đường đi, đức Thế Tôn chỉ cho Tôn giả Nan-đà thấy trên một cánh đồng bị lửa rụi, một con khỉ háu ăn đang ngồi trên một gốc cây đã cháy rụi và lửa cũng đã thiêu đốt tai, mũi và đuôi của nó. Đến cõi trời ba mươi ba, Ngài chỉ năm trăm thiên nữ gót son đang hầu hạ Sakka, vua của chư thiên (thiên chủ). Khi Thế Tôn cho thấy hai cảnh tượng đó rồi, Ngài hỏi Nan-đà:
– Nan-đà, ông thấy ai đẹp đẽ, ưa nhìn và duyên dáng hơn? Cô vợ quí Janapada Kalyāṇī của ông hay năm trăm thiên nữ gót son này?
– Bạch Thế Tôn, Nan-đà đáp, thật Janapada Kalyāṇī kém xa, giống như con khỉ háu ăn đã mất tai, mũi và đuôi. Bạch Thế Tôn, cô vợ quí Janapada Kalyāṇī đối với năm trăm thiên nữ này, nàng còn kém xa hơn nhiều. So sánh với những thiên nữ này, vị hôn thê của con chẳng đáng kể, cô ta không bằng một phần nhỏ của họ, không bằng một phần nhỏ của một phần nhỏ của họ. Ngược lại, năm trăm thiên nữ gót son này đẹp đẽ, ưa nhìn và duyên dáng vô cùng.
– Hãy vui lên, Nan-đà! – Đức Thế Tôn trả lời – Ta bảo đảm ông sẽ được năm trăm thiên nữ gót son này.
Đại đức Nan-đà thưa:
– Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn bảo đảm con sẽ được năm trăm thiên nữ gót son này, thì trong trường hợp đó, bạch Thế Tôn, con sẽ sung sướng vô cùng để sống cuộc sống cao thượng của người xuất gia.
Rồi Thế Tôn đem Đại đức Nan-đà theo Ngài, biến mất khỏi cõi trời ba mươi ba và hiện ra tại Kỳ Viên. Không bao lâu, những Tỳ-kheo được nghe kể như sau:
– Vì mong muốn được các thiên nữ mà Đại đức Nan-đà, em đức Thế Tôn, con bà Di mẫu, tiếp tục sống đời tu sĩ. Đức Thế Tôn đã bảo đảm rằng ông ta sẽ được năm trăm thiên nữ gót son.
Kết quả là những Tỳ-kheo huynh đệ của Đại đức Nan-đà đã xem chàng như một người đi tu mướn, như người đã bị mua chuộc và họ nói về Ngài:
– Đại đức Nan-đà là một người đi tu mướn, Tôn giả Nan-đà là một người bị mua chuộc, vì hy vọng được các thiên nữ mà ông ta sống đời tu sĩ, Thế Tôn đã bảo đảm rằng ông ta sẽ được năm trăm thiên nữ gót son.
Đại đức Nan-đà, mặc dù bị các bạn đồng tu xem thường,ï xấu hổ vì chàng và làm khổ chàng khi gọi chàng là “người tu mướn” và “bị mua chuộc”, Đại đức vẫn sống độc cư, xuất ly, chánh niệm, tinh tấn, dõng mãnh. Không bao lâu, ngay trong đời này, chính Nan-đà an trú trong tuệ trí giác ngộ và đạt được đạo quả tối thượng của đời sống tu hành, đạo quả mà vì nó biết bao thanh niên thiện tín đã vĩnh viễn từ bỏ đời sống thế tục sống đời xuất gia. Đại đức đã biết: “Sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, ta không còn trở lại đời này nữa”. Vậy là thêm một Đại đức Trưởng lão nhập vào hàng ngũ A-la-hán.
Bấy giờ, một vị trời đến chỗ Thế Tôn vào ban đêm, chiếu sáng cả Kỳ Viên, cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn! Đại đức Nan-Đà, con trai bà Di mẫu của Phật đã lậu tận; ngay trong đời này, chính Đại đức đã an trụ trong chánh trí, đã được giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thế Tôn cũng đã biết như thế.
Trong đêm ấy, Tôn giả Nan-đà cũng đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ và thưa:
– Bạch Thế Tôn, con xin bãi bỏ lời hứa của Thế Tôn bảo đảm con sẽ được năm trăm thiên nữ gót son.
Thế Tôn trả lời:
– Nan-đà, chính tâm ta đã thấu hiểu tâm ông và thấy do lậu tận, ngay trong đời này, chính ông đã an trú trong chánh trí, được giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Một vị trời cũng đã đến cho ta hay điều đó. Do đó, này Nan-đà, khi ông không còn tham đắm vào ngũ dục thế gian, tâm ông thoát khỏi dục lậu, ngay lúc ấy ta không còn bị ràng buộc bởi lời hứa cũ.
Rồi Thế Tôn, thấu rõ ý nghĩa thâm sâu thực sự của việc này đã tuyên đọc Thánh ngôn sau:
Diệt sạch vọng tưởng nguy hại
Ông sẽ bình thản, an nhiên,
Khi gặp hạnh phúc, đau khổ.
Một hôm, các Tỳ-kheo đến gặp Tôn giả Nan-đà và hỏi Ngài:
– Sư huynh Nan-đà! Lúc trước huynh nói: “Tôi bất mãn”, bây giờ huynh có nói như thế không?
– Chư huynh, tôi chẳng còn ưa thích đời sống thế tục.
Khi các Tỳ-kheo nghe Ngài trả lời, họ nói:
– Tôn giả Nan-đà nói không thật, hoàn toàn nói láo. Ngày trước ông ta nói: “Tôi bất mãn”. Nhưng bây giờ ông ta nói: “Tôi chẳng còn ưa thích đời sống thế tục”.
Và lập tức họ đến và trình lại câu chuyện với Thế Tôn. Thế Tôn đáp:
– Này Tỳ-kheo! Ngày trước nhân cách của Nan-đà như một nhà lợp vụng, nhưng nay giống như một nhà lợp kín. Từ ngày ông ấy thấy những thiên nữ, ông ấy đã cố gắng hành trì để đạt đến cứu cánh của đạo nghiệp và bây giờ ông ta đã đạt được.
Nói xong, Ngài đọc những Pháp Cú sau:
(13) Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.
(14) Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập.
Các Tỳ-kheo bắt đầu bàn tán chuyện trên trong Pháp đường:
– Chư huynh! Chư Phật thật kỳ diệu! Đại đức Nan-đà đã bất mãn đời tu sĩ vì cô Janapada Kalyāṇī, nhưng đấng Đạo sư dùng những thiên nữ làm mồi, khiến ông ta vâng phục hoàn toàn.
Đức Phật đi đến và hỏi họ:
– Các Tỳ-kheo! Các ông ngồi đây bàn tán chuyện gì?
Nghe họ kể xong, Ngài nói:
– Này các Tỳ-kheo! Đây không phải lần đầu tiên Nan-đà đã vâng phục bởi mồi nhử bằng người khác phái, kiếp trước cũng xảy ra tương tự như thế.
Nói xong, Ngài kể như sau:
Ngày xưa, khi Brahmadatta (Phạm-ma-đạt) trị vì Benāres, có một nhà buôn tên Kappaṭa. Có một con lừa chở đồ gốm cho ông và mỗi ngày ông thường đi bảy dặm. Vào một dịp nọ, Kappaṭa chất một lô đồ gốm lên lưng lừa và đi đến Takkasilā (thành Hoa Thị).
Trong khi ông bận sắp xếp hàng hóa, ông cho lừa chạy rong. Chàng lừa ta bèn lang thang dọc theo bờ mương, bỗng thấy một nàng lừa liền chạy thẳng đến. Nàng lừa chào hỏi thân mật và mở đầu câu chuyện:
– Anh từ đâu đến?
– Từ Benārēs.
– Mục đích gì?
– Buôn bán.
– Anh mang hàng gì nhiều thế?
– Một lô đồ gốm thật nhiều.
– Anh đi bao nhiêu dặm mà mang số hàng nhiều thế?
– Bảy dặm.
– Trong những nơi anh đi qua, có ai xoa bóp chân và lưng anh không?
– Không!
– Nếu thế, anh phải chịu đường dài khắc nghiệt kinh khủng!
(Dĩ nhiên loài vật không ai xoa bóp chân và lưng, cô lừa nói chỉ vì để kết mối thân tình với anh lừa).
Lời cô lừa khiến chàng lừa trở nên bất mãn. Sau khi nhà buôn đã xếp đặt hàng hóa xong, ông chạy đến chàng lừa và nói:
– Nào, Jack, chúng ta đi!
– Ông đi đi, tôi không đi!
Nhà buôn cố gắng lặp đi lặp lại với những lời lẽ dịu dàng để thuyết phục nó đi. Mặc dù ông dỗ hết sức, lừa ta vẫn dở chứng, ông bèn trút hết lời chửi rủa nó. Cuối cùng ông nghĩ: Ta sẽ biết cách làm cho nó đi, và nói kệ sau:
Ta sẽ làm cây gậy
Có mũi nhọn thật dài
Sẽ đâm xẻ thân này
Nhớ đó nghe, lừa hỡi!
Lừa đáp:
– Nếu vậy, tôi biết ngay phải làm gì với ông.
Rồi nó đọc kệ:
Ông bảo sẽ làm gậy
Có mũi nhọn thật dài
Tốt thôi! Tôi cũng sẽ
Chân trước bấm chặt sâu
Tung vó hai chân sau
Đá cho răng ông gãy
Nhớ nghe, Kappaka!
Khi nhà buôn nghe thế, ông thắc mắc không biết lý do gì khiến nó nói thế. Ông ta nhìn lại con đường và cuối cùng bắt gặp con lừa cái. À ra thế! Ông hiểu ngay. Cô ả đã dạy chàng lừa nhà ta mấy trò này đây. Ta sẽ hứa mang về nhà một con lừa cái như thế cho nó. Như vậy, dùng con lừa cái làm mồi, ta sẽ khiến nó phải đi.
Ông bèn đọc kệ:
Một lừa cái bốn chân
Mặt như dáng vỏ trai
Đầy đủ muôn vẻ đẹp
Sẽ đi mua cho mày
Nghe ra chưa lừa hỡi?
Nghe thế, tim chàng lừa rộn rã và trả lời:
Một lừa cái bốn chân,
Mặt như dáng vỏ trai,
Đầy đủ muôn vẻ đẹp,
Ông hứa mua cho liền.
Xưa đi ngày bảy dặm
Nay tôi chạy gấp đôi!
Kappaṭa nói:
– Vậy thì tốt, đi!
Và ông dắt lừa lại chỗ để xe.
Vài ngày sau con lừa nói với ông ta:
– Chẳng phải ông đã nói với tôi là sẽ đem cho tôi một cô bạn ư?
Thương gia trả lời:
– Phải, ta đã nói thế, và ta không nuốt lời. Ta sẽ cho mi một cô bạn về nhà. Nhưng ta chỉ cung cấp thức ăn cho mi thôi. Không biết có đủ hay không cho cả mi và cô ả, nhưng việc đó mi giải quyết một mình. Sau khi hai đứa mi sống với nhau, sẽ sinh những chú lừa con. Thức ăn ta sẽ cho mi, không biết có đủ cho mi, bạn mi và những lừa con nữa hay không, việc này mi tự giải quyết lấy.
Thương gia nói rồi, con lừa hết mơ ước hy vọng.
Đạo sư chấm dứt bài học này:
– Lúc đó, các Tỳ-kheo! Con lừa cái là Janapada Kappaṭa, con lừa đực là Nan-đà và người thương gia chính là ta. Khi xưa Nan-đà cũng đã chịu vâng phục vì miếng mồi khác phái.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 101