Da Du Đà La – Người vợ nhiều đời nhiều kiếp của Đức Phật Thích Ca
Da Du Đà La – Người vợ nhiều đời nhiều kiếp của Đức Phật Thích Ca
Nguồn : nguyenuoc.com
Công chúa Da Du Đà La được gả cho thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca) nhằm níu giữ chân ngài ở nơi phồn hoa. Nhưng mọi thứ đã được an bài từ trước…
Công chúa Da Du Đà La (Yaśodharā) cùng tuổi với thái tử Tất Đạt Đa – con của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Nàng là con gái của vua Thiện Giác và hoàng hậu Cam Lộ (Amita), trị vì vương quốc Câu Lị.
Hai nhà vua từ lâu đã có quan hệ thân thiết và từng có giao hẹn sẽ làm thông gia của nhau. Vào năm 14 tuổi, công chúa Yaśodharā đã gặp thái tử Tất Đạt Đa trong một cuộc thi võ nghệ; và thái tử đã đoạt giải nhất trong cuộc thi này.
Giải thưởng cho người chiến thắng là một con voi trắng quý báu của triều đình. Công chúa là người được chỉ định để trao phần thưởng cho người đạt giải nhất. Hai người gặp nhau và cũng cảm mến từ dạo đó.
Một tháng sau, khi hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (mẹ kế của thái tử Tất Đạt Đa) tổ chức một cuộc thi sắc đẹp trình diễn quốc phục, thái tử được chọn làm người phát thưởng cho các cô gái đoạt giải. Nhưng khi tới người cuối cùng thì lại hết phần thưởng, người đó chính là công chúa Yaśodharā. Sau một chút bối rối, thái tử đã cởi chính xâu chuỗi trên cổ mình và đeo vào cổ công chúa.
Lại nói về thái tử Tất Đạt Đa, khi vừa đản sinh đã hiển lộ rất nhiều điều kỳ diệu. Có lời tiên tri rằng: “Sau này nếu Thái tử ở trong hoàng cung thì sẽ trở thành một vị Đại đế lỗi lạc; nếu như Thái tử bỏ nhà đi tu thì Ngài sẽ trở thành một bậc Đại giác”.
Vua Tịnh Phạn lo sợ thái tử xuất gia sẽ khiến cho ngai vàng không có người kế vị; vì vậy đã cho xây dựng lâu đài cung điện nguy nga, tuyển chọn mỹ nữ; và quyết định cưới công chúa Yaśodharā cho thái tử; những mong thái tử có thể vui thú với hạnh phúc nơi nhân gian và không nghĩ đến chuyện đi tu nữa.
Hơn nữa, công chúa Yaśodharā là người xinh đẹp, dịu dàng, thông minh và đức hạnh; nàng có mái tóc đen bóng mượt buông dài tới chân. Vua Tịnh Phạn rất hài lòng, và tin rằng công chúa sẽ làm cho thái tử say đắm và không thể nào rời bỏ hoàng cung.
Sau khi thành thân, công chúa Yaśodharā hạ sinh hoàng nam La Hầu La; trong hoàng cung lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười; chỉ riêng thái tử thì thường cảm thấy không vui. Ngài luôn suy tư về sinh lão bệnh tử; suy nghĩ về việc con người phải tranh giành nhau để sinh tồn trong cõi giả tạm. Ngài muốn đi tìm đạo giải thoát để cứu rỗi nỗi đau khổ cho mọi người.
Công chúa thấu hiểu tâm trạng của thái tử. Nàng biết thế nào thái tử cũng đi tìm kiếm con đường giải thoát. Việc đó làm nàng rất đau buồn nhưng nàng không làm điều gì để ngăn cản; lại còn ngấm ngầm trợ giúp cho quyết tâm của thái tử.
Vào một đêm trăng sáng, sau khi công chúa sinh con được 7 ngày thì thái tử âm thầm từ giã hoàng cung. Nằm bên con thơ, nàng biết thái tử sẽ ra đi trong đêm đó nhưng cố gắng nằm im ngủ say; tạo cơ hội dễ dàng cho thái tử ra đi.
Đọc thêm “Con đường thành Đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”
Kể từ đó, nàng gánh lấy trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục con thơ. Cũng từ đó, nàng tuy ở trong cung vàng điện ngọc nhưng sống một cuộc đời giản dị; không vui theo dục lạc trần thế.
Nàng rất mực trung thành với chồng. Có nhiều người đến mai mối nhưng nàng đều bỏ qua. Biết chồng tu đời khổ hạnh, nàng cũng bỏ hết vàng ngọc châu báu, chỉ khoác tấm áo vàng đơn sơ; ăn uống đạm bạc, không nằm giường cao sang.
Sau khi biết tin thái tử Tất Đạt Đa con mình đã thành Đạo, vua Tịnh Phạn phái hết người này đến người khác thỉnh Đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ. Đức Phật chấp thuận, và khi ngài về tới nơi, tất cả mọi người đều ùa ra nghênh đón ngài. Chỉ có công chúa Yaśodharā vẫn ở lại trong phòng của mình và thầm nghĩ rằng: “Nếu ta còn chút đức hạnh nào thì chính Đức Phật sẽ tới nơi đây”.
Khi Đức Phật thọ thực xong, ngài đi vào phòng công chúa như nàng mong ước với hai đại đệ tử đi theo. Ngài ngồi trên ghế và nói: “Hãy để công chúa đảnh lễ ta theo như ý nàng muốn”.
Công chúa tiến gần đến, chụm hai chân, quỳ xuống đặt đầu lên chân ngài mà khóc. Sau đó vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ba Xà Ba Đề đã kể hết đức hạnh của công chúa cho Đức Phật nghe:
“Khi nàng hay tin Thế Tôn đã mặc áo vải vàng, nàng cũng mặc áo vải vàng; Thế Tôn bỏ hết các vòng hoa và đồ trang sức, nàng cũng bỏ hết mọi thứ và chỉ nằm ngồi dưới đất. Khi Thế Tôn xuất gia, nàng liền trở thành cô phụ và từ chối hết các tặng phẩm mà các vương tử khác gửi đến. Lòng nàng lúc nào cũng trung thành với Thế Tôn”.
Sau khi công chúa đảnh lễ xong, Đức Phật đã thuyết giảng chuyện bản sinh Chandakinnara Jathakaya để nói về mối liên hệ giữa Ngài và công chúa trong tiền kiếp. Ngài đã khen ngợi công chúa:
“Này Da Du Đà La! Không phải chỉ trong kiếp sống cuối cùng của Như Lai, mà trong tiền kiếp, nàng đã bảo vệ, kính mộ và trung thành với Như Lai. Như Lai biết nàng đã rất vất vả. Sự Hy sinh cao quý của nàng, Như Lai thấu hiểu; vậy nên nàng cũng nên hoan hỷ vì tất cả chúng sinh”.
Trong một kiếp sống, Đức Phật Thích Ca từng là một vị Bà La Môn tên là Thiện Huệ. Năm 16 tuổi, trong một lần đi qua Liên Hoa Thành, biết được Phật Nhiên Đăng sắp đến đây thuyết Pháp giáo hóa. Thiện Huệ nghĩ: “Chư Phật không cần đồ cúng dường tiền tài, mà vui nhất là cúng dường bằng Pháp; mình chưa đắc Pháp, vậy thì mua hoa dâng Phật”.
Nhưng Thiện Huệ đi khắp nơi cũng không tìm đâu ra hoa để mua. Cuối cùng anh thấy một thiếu nữ áo xanh (đây chính là công chúa Da Du Đà La) đang ôm 7 bông hoa sen xanh. Thiện Huệ rất vui mừng và muốn mua lại những bông hoa này.
Thiếu nữ áo xanh nói: “Tôi muốn dùng những bông hoa này cúng dường Phật Đà”.
Thiện Huệ hỏi: “Vậy cô có thể bán cho tôi 5 bông, cô giữ 2 bông được không?”
Thiếu nữ hỏi: “Anh mua hoa làm gì?”
Thiện Huệ đáp: “Tôi muốn mua hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng; để cầu tương lai thành tựu Phật quả”.
Thiếu nữ ngắm nhìn kỹ cậu, sau đó nói: “Tôi thấy anh phát tâm dũng mãnh, cầu Pháp tinh tấn; tương lai sẽ thành đại quả vị. Nếu anh đáp ứng với tôi rằng, trước khi anh đắc Đạo thì sẽ đời đời lấy tôi làm vợ; sau khi đắc Đạo thì cho phép tôi xuất gia làm đệ tử của anh; thế thì tôi sẽ tặng hoa cho anh”.
Thiện Huệ nói: “Để đắc Đạo, tôi sẽ buông bỏ hết thảy phú quý vinh hoa, bao gồm cả vợ con; cô có nguyện ý không? Hơn nữa, nếu vì tình yêu của cô mà trở ngại tôi tu Đạo, tội nghiệp của cô sẽ rất lớn. Nếu cô có thể phát nguyện, tương lai tuyệt đối không cản trở hết thảy việc bố thí của tôi thì tôi sẽ đáp ứng với cô đời sau sẽ lấy cô làm vợ”.
Vậy là Thiện Huệ đã có được hoa để dâng lên Phật Nhiên Đăng; đồng thời cũng tạo thành mối nhân duyên vợ chồng với thiếu nữ áo xanh trong kiếp sau.
Trong thời gian Đức Phật ở Ca Tỳ La Vệ, nàng đã nhiều lần được nghe giáo Pháp và cũng thấm nhuần ít nhiều. Ngay trong lần đó, tuy rất thương nhớ con nhưng nàng đã cho La Hầu La xuất gia theo Phật.
Về sau, nàng cũng được toại nguyện khi Đức Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới xuất gia theo sự khẩn cầu tha thiết của di mẫu Kiều Đàm Di. Trong hàng tín nữ, Da Du Đà La đứng đầu những vị đã chứng đắc đại thần thông (Maha Abhinna).
Khi Đức Phật được thỉnh về an cư hàng năm tại tu viện Kỳ Viên, ni sư Da Du Đà La cũng thường về an cư tại các ni viện ở thành Xá Vệ để được Đức Phật giáo huấn. Bà trụ thế 78 năm và đắc quả A La Hán ngay trong một đời.
Nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp và lời thệ ước trong tiền kiếp đã giúp công chúa Da Du Đà La có cơ duyên gặp được Đức Phật và tu thành chính quả.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 156