Phần 02: Các giai đoạn lịch sử của Phật Giáo Ấn Độ – Lịch sử Phật giáo Ấn Độ
Phần 02: Các giai đoạn lịch sử của Phật Giáo Ấn Độ – Lịch sử Phật giáo Ấn Độ
https://thuvienhoasen.org/p57a22824/phan-2
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Từ thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cho đến thời kỳ tiền Phật giáo Đại Thừa
Hirakawa Akia – Thích Đồng Tâm dịch
Phần 02: Các giai đoạn lịch sử của Phật Giáo Ấn Độ
Khoảng một thế kỷ sau Đức Phật nhập Niết bàn, Tăng đoàn nguyên thủy phân chia thành Mahasanghika và Sthaviravàda. Sau đó, sự phân phái đã diễn ra xa hơn, kết quả là tạo ra nhiều tông phái mới thêm vào.
Phật giáo Ấn Độ có thể được chia thành năm thời kỳ như sau: (1) Phật giáo Nguyên Thủy, (2) Phật giáo Nikàya hay Phật giáo Bộ phái ( thường được gọi là Phật giáo Tiểu thừa) (3) Phật giáo Tiền Đại Thừa, (4) Phật giáo Hậu Đại thừa, (5) Phật giáo Mật Tông. Mặc dù năm thời kỳ này được sắp xếp theo thứ tự niên đại của các truyền thống đã có mặt, các tông phái cũng dựa trên kiểu phân loại Phật giáo theo tiêu chuẩn lịch sử. Quyển sách này trình bày bao gồm ba giai đoạn đầu tiên.
Ở giai đoạn đầu tiên việc thảo luận tập trung xung quanh việc mô tả một cách rõ ràng giáo lý của Đức Phật. Bức chân dung của Phật giáo Nguyên Thủy được hoàn thành với bàn luận về tiểu sử của Đức Phật và các ghi chép về sự thành lập tăng đoàn Phật giáo lúc ban đầu. Tăng đoàn tiếp tục phát triển sau khi Đức Phật nhập diệt. Mặc dù các nguồn sử liệu về giai đoạn này khá sơ sài, lịch sử tăng đoàn dưới thời Asoka đã được ghi chép lại. Quan điểm của Asoka về Phật giáo được trình bày trong phần này vì nó tương tự trong nhiều đường lối của Phật giáo Nguyên Thủy.
Khoảng một thế kỷ sau Đức Phật nhập Niết bàn, Tăng đoàn nguyên thủy phân chia thành Mahasanghika và Sthaviravàda. Sau đó, sự phân phái đã diễn ra xa hơn, kết quả là tạo ra nhiều tông phái mới thêm vào. Phần lịch sử các thời kỳ Phật giáo có liên quan đến sự phát triển của Phật giáo Bộ phái (Phật giáo Nikàya). Học thuyết Phật giáo lúc bấy giờ được định hình bởi sự phát triển triết học a-tỳ-đạt-ma mang nặng tính học thuật. Do các truyền thống khác với Phật giáo Nguyên Thủy trong nhiều hình thức, hầu hết các học giả đều phân biệt rõ sự khác nhau giữa Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Bộ phái. Phật giáo Bộ phái là động lực chính ở Ấn Độ hơn một ngàn năm nhưng hầu hết sự phát triển học thuyết quan trọng của Phật giáo Bộ phái lại diễn ra suốt ba thế kỷ đầu từ 150 TCN và 150 SCN.
Có hơn hai mươi tông phái nhưng chỉ có học thuyết của Sarvastivàda và Theravada được hiểu một cách đầy đủ chi tiết ngày hôm nay. Học thuyết của các tông phái khác ít được hiểu biết hơn vì thiếu thông tin liên quan. Sautràntika và Sammìtiya đã rất hưng thịnh vào giai đoạn đầu kỷ nguyên chung. Mặc dù chắc chắn là cả hai tông phái đều phát triển cao các hệ thống học thuyết nhưng những thông tin chi tiết về hai tông phái trên không còn tồn tại. Khi Nghĩa Tịnh rời Quảng Châu đến Ấn Độ năm 671, Theravada, Sarvastivàda, Sammìtiya và Mahasanghika vẫn còn lớn mạnh. Sau đó, các tông phái dần hòa trộn với Phật giáo Đại thừa. Thêm vào đó, cả Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa đều bị ảnh hưởng bởi Phật giáo Mật Tông. Tiếc là những hiểu biết về các giai đoạn sau của Phật giáo Bộ phái ít được biết.
Kinh điển của Phật giáo Đại thừa đã có mặt từ thế kỷ thứ I, TCN, điều này cho thấy rằng Phật giáo Đại thừa phải được hình thành vào khoảng đầu kỷ nguyên chung trong khi Phật giáo Bộ phái vẫn còn phát triển. Những người theo Phật giáo Tiền Đại thừa đặc biệt quan tâm học thuyết vô bản thể hay tánh không. Mặc dù những đề cập về học thuyết tánh không có thể tìm thấy trong kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy, các nhà Đại thừa nhấn mạnh và phát triển chủ đề này xa hơn các giáo lý khác được tìm thấy trong Phật giáo Nguyên Thủy hay Phật giáo Nikàya.
Phật giáo Đại thừa đã cố gắng trong việc nỗ lực noi gương Đức Phật theo cùng một con đường tu tập và đạt cùng quả vị Phật đạo và cứu độ tất cả chúng sanh như Ngài đạt được. Các nhà Đại thừa chê bai những người theo Phật giáo Bộ phái và cho rằng Phật giáo Bộ phái là những người đệ tử Đức Phật dễ hài long với sự tu tập thay vì nỗ lực đạt được cùng quả vị với Ngài. Những nhà Phật giáo Đại thừa quy cho Phật giáo Bộ phái là “sravakayàna” (tiểu thừa, cổ xe nhỏ hay hàng Thanh văn), một thuật ngữ dành chỉ cho Phật giáo Bộ phái mang tính thụ động và chí nguyện thấp kém hơn các nhà Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Bộ phái bị chỉ trích vì việc tu học của họ là vì lợi ích bản thân trong khi các nhà Phật giáo Đại thừa cố gắng giáo hóa người khác và cứu độ họ. Những nhà Phật giáo Đại thừa tự xem họ là “Bồ tát” (người luôn khát khao đạt được sự giác ngộ cao tột) và giáo lý của họ được gọi là “Bồ tát thừa” (cỗ xe cho các Bồ tát). Mặc dù thuật ngữ “Bồ tát” ban đầu được dùng trong Phật giáo Bộ phái để chỉ cho Đức Phật lịch sử khi ngài vẫn còn trên con đường tu tập đến đến với quả vị giác ngộ. Phật giáo Đại thừa mở rộng cách dùng tên gọi này cho nhiều người khác. Sau này, thuật ngữ “thanh văn thừa” (sravakayàna) và “Bồ tát thừa” (bodhisattvayàna) thường được thay bằng thuật ngữ “Tiểu thừa” (cỗ xe nhỏ) và “Đại thừa” (cỗ xe lớn). Vào khoảng năm 100 TCN đến năm 100 CN, số lượng lớn các kinh điển Đại Thừa đượcc biên tập bởi các Bồ tát ẩn danh.
Hai giai đoạn sau của Phật giáo Ấn Độ không được bàn luận trong quyển sách này nhưng phần tóm tắt ngắn gọn của những sự phát triển sau sẽ giúp đặt những chủ đề thảo luận trên dễ hình dung trong bối cảnh cụ thể. Suốt gia đoạn thứ tư, Phật giáo Đại thừa hậu kỳ, bốn hình thức của tư tưởng được phát triển: (1) Trung quán tông, hình thành vào sau thế kỷ thứ hai CN; (2) Duy thức tông, giáo lý của duy thức xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất sau Trung quán tông; (3) những học thuyết về Phật tánh được phát triển song song với tư tưởng Duy thức tông và thứ (4) là logic Phật giáo xuất hiện sau cả ba truyền thống trên. Trung quán tông sau cùng phân thành hai trường phái tư tưởng: Độc lập tông (Svàtantrika) và Đối pháp tông (Pràsangika). Sau đó, một số nhóm thuộc Trung quán tông và Duy thức tông đã nhập vào nhau và tạo thành những tông phái kết hợp Duy thức và Trung quán. Sau thế kỷ thứ sáu và thế kỷ thứ bảy, Phật giáo Mật Tông xuất hiện và thu hút sự chú ý của những người chủ trương Duy thức tông và Trung quán tông. Tuy nhiên, có nhiều khía cạnh trong mối quan hệ giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Mật Tông còn chưa rõ.
Giai đoạn thứ năm của Phật giáo Ấn Độ liên quan đến Phật giáo Mật Tông. Nghiên cứu học thuật một cách nghiêm túc về trường phái này vẫn còn trong tiến trình đầu tiên của tông phái này vì có nhiều vấn đề khiến việc nghiên cứu trở nên khó khan. Mặc dù có số lượng lớn kinh điển Mật giáo hiện còn nhưng chúng không được đặt trong bất kỳ thứ tự nào. Thêm vào đó, vì Phật giáo Mật Tông bị ảnh hưởng nhiều bởi Ấn Độ giáo, những nghiên cứu xa hơn về Ấn giáo để hiều Phật giáo Mật Tông là cần thiết. Cuối cùng, nghi lễ cũng như học thuyết phải phải được khảo sát nếu Phật giáo Mật Tông được hiểu một cách đầy đủ. Trong các kinh điển Mật tông, giáo lý thỉnh thoảng coi như “mật giáo” và khác với “hiển giáo” của giáo lý Đại thừa, theo cách ấy việc ngụ ý rằng những nhà biên soạn các tác phẩm Mật Tông tin tưởng có những đặc điểm không được tìm thấy trong truyền thống Đại thừa. Vì vậy, Phật giáo Mật Tông được ấn định vào giai đoạn riêng biệt của Phật giáo Ấn Độ.
Trong nghiên cứu này, sự phân loại các giai đoạn dựa trên sự phát triển của Phật giáo Ấn Độ bởi vì mục đích của nó là mô tả sự phát triển của học thuyết Phật giáo Ấn Độ; những nghiên cứu này cũng có thể tập trung vào những kiểu mẫu khác và được sắp xếp theo lịch sử các triều đại Ấn Độ.
Mặc dù Phật giáo là động lực chính ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ năm TCN cho đến cuối thế kỷ thứ mười kỷ nguyên chung, giai đoạn này chỉ bao gồm một nửa lịch sử Ấn Độ. Hầu hết các nhà sử học Ấn Độ xem cuộc xâm lăng của Hồi giáo vốn là tổ tiên của người Thỗ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ mười một đánh dấu sự phân chia giữa lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại. Lịch sử Ấn Độ hiện đại bắt đầu từ thế kỷ thứ mười tám với sự cai trị của Anh lên lục địa Ấn Độ. Vì thế, lịch sử “Phật giáo Ấn Độ” thuộc về lịch sử cổ đại. Suốt giai đoạn này chỉ có một số tôn giáo Ấn Độ. Vì thế, độc giả phải nhớ rằng việc khảo sát Phật giáo Ấn Độ chỉ bao gồm phần lịch sử tư tưởng Ấn Độ mà thôi.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 65