CHUYỆN BẢY BƯỚC CHÂN PHẬT TRONG DÒNG CHẢY NHÂN GIAN

CHUYỆN BẢY BƯỚC CHÂN PHẬT TRONG DÒNG CHẢY NHÂN GIAN

CHUYỆN BẢY BƯỚC CHÂN PHẬT
TRONG DÒNG CHẢY NHÂN GIAN
Dương Kinh Thành

Bảy bước chân Phật, cắt từ phim Vị Tiểu Phật 1993(Little Buddha)
của Đạo diễn Bernardo Bertolucci

Khi còn độ tuổi Oanh Vũ, hồn nhiên trong cuộc đời, tung tăng bay nhảy giữa bầu trời Phật pháp, thích nghe những chuyện về lịch sử đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật qua lăng kính huyền sử, để rồi suy tư non nớt và dệt thành bao ước vọng bay bổng.

Khi lớn lên, trải qua nhiều lần kiến lập, định hình tư tưởng thì những ước vọng đó lại chính là tiền đề hữu dụng cho chúng ta bước tiếp qua nhiều cánh cửa kiến thức, mở rộng và thực tiễn, trong muôn vàn sự việc xảy ra trước mắt. Chúng ta đã biết phân định và xếp những chi tiết giả sử, huyền sử hay trừu tượng vào một góc nhỏ của kiến thức, bên cạnh vầng hào quang sáng rực, chính thống của lịch sử. Vì cuộc đời của đức Phật Bổn Sư Thích Ca chúng ta là một nhân vật có thật, rất thật trong dòng lịch sử nhân loại nói chung không riêng gì của đất nước Ấn Độ.

Khi kỷ niệm còn thì tuổi thơ, ký ức vẫn hằng tồn tại. Một thế chân đứng vững chắc trong đời mỗi con người để bước tiếp, nối kết với những chuỗi thành tựu cho hôm nay và cả mai sau. Phải thế chăng ông bà ta xưa khi kể chuyện cổ tích cho con cháu nghe thường bắt đầu câu “ngày xưa”? Ngày xưa vốn đã xa xưa mà còn nhẹ tênh trong tâm trí tuổi thơ hồn nhiên, bay bổng và bay rất xa.

Vì vậy, ngày nay, người ta vẫn thường nghe kể “Khi vừa Đản sinh, Thái tử Tất Đạt Đa bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân ấy nở một đóa hoa sen và thốt lên câu Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn”! Vào cuộc đời, mở rộng kiến thức, vạch lối tìm đường và nhìn xa trông rộng hơn một chút, tôi mới hiểu được phần nào những chi tiết huyền thoại ấy sao vẫn còn tồn tại bên cạnh dòng sử chính thống của Đức Phật Thích Ca.

Bảy bước chân trong con số tròn hàm tàng nhiều ý nghĩa

Trước hết, chúng ta hẳn đều đã biết, con số 7 trong tư tưởng triết học Đông phương luôn là con số chủ nét nhất vì nó tròn nhất. Trong Phật giáo con số này còn tràn ngập trong hầu hết các luận lý thiết lập nền tảng Phật học. Điển hình các con số 7 trong tư tưởng Kinh Hoa Nghiêm như:

Thất Chúng (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xa, Thức Xoa Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di).

Thất Đại (địa, thủy, hỏa, phong, kiến, thức),

Thất Thánh (Tài, Tín, Tấn, Giới, Tàm quý, Văn, Xả, Huệ)

Thất Phật (Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật).

Theo Trường Bộ kinh (Trường A Hàm), trong bảy vị Thất Phật này còn được chia ra hai Trang Nghiêm kiếp và Hiền Kiếp. Cụ thể:

Bảy vị Phật quá khứ – Thất Cổ Phật

Trang Nghiêm Kiếp gồm các vị Phật:

Tỳ Bà Thi Phật (Vipasyin),

Thi Khí Phật (Sikhin),

Tỳ Xá Phù Phật (Visvabhu).

Hiền Kiếp, gồm các vị Phật:

Câu Lưu Tôn Phật (Kakucchanda),

Câu Na Hàm Mâu Ni Phật (Kanakamuni),

Ca Diếp Phật (Kasyapa).

(Và Đức Phật Bổn Sư Thích ca Mâu Ni hiện tại).

Chi tiết Thất Phật này chính là ẩn dụ bảy đóa hoa sen bừng nở theo bảy bước chân của Phật Thích Ca khi vừa đản sanh.

Trong Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi và Kinh Ưu Bà Di Tịnh hạnh Diệu Pháp Môn (Phẩm Thụy Ứng), có nói rằng bảy bước chân của Thái Tử lúc chào đời còn có ý nghĩa mỗi bước đều có ý nghĩa Thái tử nhìn về mỗi hướng với lời nguyện thị hiện cứu độ quần sanh (Phương Đông, Phương Nam, Phương Tây, Phương Bắc, Hướng Trên, Hương Dưới (nhìn xuống), Hướng giữa và tuyên bố câu “Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngả Độc Tôn”). Bên cạnh đó, rất nhiều bài giảng, kinh sách mô tả cũng như giảng giải chung quanh bảy bước chân này của Thái tử. Không rõ đó có phải là cách thuyết lý theo phương pháp Vị Tằng Hữu hay không, nhưng khi đã nói đến bảy bước chân, bảy đóa hoa sen nở theo đó thì cũng đồng nghĩa đang lý giảng hoặc nương thừa duyên nghiệp chúng sanh, chấp nhận hình ảnh theo hướng huyền sử! Điều đó không sao cả, vì như chúng ta đã thấy, còn biết bao nhiêu duyên trần, định nghiệp trong thế gian này vẫn còn đang rất cần ánh sáng giáo pháp Phật Đà soi sáng để bớt đi phần nào bao cảnh khổ của chúng sanh. Phần nhiều chúng sanh còn mê mờ, để được tiếp cận với ánh sáng Phật pháp cũng còn tùy theo từng duyên nghiệp ở mỗi cá nhân. Một bước đệm đầu tiên, êm ái, nhẹ nhàng lồng vào cuộc đời chính sử của Đức Phật sẽ làm người cảm thấy niềm tin được chắp cánh, âu đó cũng là điều cần thiết.

Đã có lần, tôi viết: Bảy bước chân của Thái Tử Tất Đạt Đa khi ấy, từ trong huyền sử đã bước ra giữa cuộc đời, vượt không gian, thời gian mà mãi đến hôm nay con người vẫn chưa theo kịp và chưa bao giờ đếm được hết! Nói một cách khác, chân lý mà Đức Phật đã giác ngộ dưới cội Bồ Đề từ hơn hai ngàn năm trước, đến nay vẫn còn chưa đến được với tha nhân, với từng quốc độ. Vì thế mà chiến tranh, kỳ thị, bất công vẫn còn ngự trị nơi này nơi khác. Hình ảnh Từ Bi – Trí Tuệ – Hùng Lực của giáo pháp Phật vẫn còn là điều lạ lẫm, xa vời với những vùng tối đó. Nền tảng Từ Bi của Phật giáo ở những nơi đó bị nhấn chìm trong cực đoan, đố kỵ.

Nghiệp trần hoằng hóa gian nan

Ngay trên đất nước Ấn Độ, quê hương đức Phật, Phật giáo cũng đã phải ngậm ngùi ra đi, bỏ lại sau lưng một xã hội còn quá nhiều đau khổ, chiến tranh, thù hận tôn giáo. Rất có nhiều phân tích, kiến giải về việc này. Từ việc đối lập nguyên lý giữa các tín ngưỡng trước đó ở Ấn Độ, cho đến đi sâu vào tận những xung đột, ỷ lại, tha hóa của chính thành phần tăng lữ trong Phật giáo Ấn Độ, còn lại là rất nhiều nguyên do khách quan, tác động từ bên ngoài. Theo Tiến sĩ Bimrao Ramji Ambedkar (1891-1956), sau khi phân tích và so sánh nhiều mặt nguyên nhân, đã viết trong Thanh gươm Hồi giáo như sau: “Bằng cách giết hại chư Tăng, người Hồi giáo coi như đã giết Phật giáo. Thanh kiếm của người Hồi giáo đã giáng mạnh xuống tầng lớp tu sĩ, làm cho hoặc chết hoặc trốn ra nước ngoài, không còn ai giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp”.

Đã có tiếng thở dài tự thán: Phật giáo Ấn Độ đã khóc!

Trong bài nghiên cứu Nguyên nhân và sự suy thoái của Phật giáo Ấn Độ của tác giả Thích Trung Hữu, có một đoạn dưới đây khiến người đọc qua sẽ rất chạnh lòng, đau xót: Vua Sasanka (603-620) đối với Phật giáo còn nặng tay hơn nữa (từ Vua Pusyamitra). Theo ghi chép của Huyền Trang (602-664) thì Vua Sasanka, ngoài việc phá các chùa chiền, còn quẳng phiến đá có dấu chân Phật xuống sông Hằng, chặt cây bồ-đề ở Bồ Đề Đạo tràng, thay tượng Phật ở đây bằng tượng thần Siva.

Nếu như sự thù hằn của Bà-la-môn giáo làm cho Phật giáo Ấn Độ bị suy yếu thì sự tấn công của người Hồi giáo đã bứng Phật giáo ra khỏi xứ sở này. Người Hồi giáo Ả Rập bắt đầu xâm lược Ấn Độ vào thế kỷ thứ VII. Đến thế kỷ thứ XI là người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ… Theo Amitabha Chatterjee viết trong “Ai Hủy diệt Đại học Nalanda thì có đến hàng ngàn Tăng sĩ đã bị quăng vào lửa hoặc bị chặt đầu. Những người sống sót thì tìm cách chạy trốn đến các nước lân cận như Trung Hoa, Nepan, Tây Tạng trong khi hàng triệu tín đồ bị bắt buộc cải đạo sang Hồi giáo.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tấn công và tàn sát của người Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ thật sự là một cơn ác mộng đối với Phật giáo, là nắm đấm quyết định vận mệnh Phật giáo làm cho tôn giáo của Đức Phật không thể nào trụ lại được trên đất nước Ấn Độ. Theo nhà Phật học Ahir, “… Những gì mà đạo Hindu chưa làm xong (trong việc tiêu diệt Phật giáo) thì được hoàn tất bởi những người Hồi giáo cuồng tín”.

Tác giả bài viết trên còn trích dẫn câu nói cảm khái của nhà Phật học người Ấn, Giáo sư Ahir: “Phật giáo sau lần cuối cùng bị khủng bố bởi quân Hồi giáo đã hạ màn trên sân khấu Ấn Độ để rồi sau đó chìm vào im lặng, sự im lặng của lãng quên. Các thánh tích bị đổ nát và che phủ trong những cánh rừng âm u. Các tự viện và đền tháp bị chuyển đổi sang các tôn giáo khác. Và Đức Phật thì hầu như bị lãng quên trong ký ức mọi người từ khi Ngài bị đồng hóa vào trong hệ thống khổng lồ của các vị thần Bà La Môn giáo”.

Về mặt chủ quan, nhiều học giả trong và ngoài Phật giáo đều cho rằng một phần không nhỏ do sự ỷ lại nền tảng tự tại, phó mặc, vô tình tự biến tinh thần Bi-Trí-Dũng của Phật giáo trở nên hình thái thụ động, góp phần giúp rút ngắn tiến trình của ngoại lực đẩy Phật giáo ra ngoài xã hội Ấn Độ. Trong bài viết “How India Is Squandering Its Top Export: The Buddha” của Dzongsar Jamyang Khyentse (The Huffington Post), rằng: “Ấn Độ và Nepan đã ban tặng cho thế giới một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất – Đức Phật. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều không thực sự coi trọng di sản đặc biệt này, chứ chưa nói đến việc tự hào về nó. Tại nơi sinh và quê hương Đức Phật, giáo lý của Ngài bị gạt ra ngoài lề, trí tuệ của Ngài không được đánh giá cao, và di sản của Ngài là vô hình trong xã hội…”. Tàn tích Nalanda – một Viện Đại học tầm cỡ đầu tiên không chỉ của riêng Ấn Độ mà còn của cả thế giới, đã bị người Hồi giáo phá hủy vào năm 1193 vì lý do tôn giáo. Bài viết còn thẳng thắn chỉ ra quan niệm chưa thực sự công tâm của các giới chính trị Ấn Độ lâu nay; thí dụ ngay cổng vào tàn tích Nalanda, người ta chỉ ghi đơn giản tên người đàn ông hủy diệt là Bakhtiyar Khilji. Trong sân bay Delhi (Indira Gandhi) có một nhà ga đặc biệt dành cho những người hành hương Hajj, thì không có sự hỗ trợ nào có thể so sánh được đối với các điểm hành hương Phật giáo ở Ấn Độ.

Vài năm trước đây, khi xem video quay lại cuộc hành hương chiêm bái các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ (Tứ Động Tâm) của Tu viện Quảng Đức (Melbourne – Australia), khi màn hình hiện lên khung cảnh huy hoàng, tráng lệ của ngôi đền Taj Mahal, vị thầy hướng dẫn Thích Nguyên Tạng nói rằng lẽ ra trong chương trình không có cuộc ghé đến ngôi đền này, vì e ngại các Phật tử sẽ chạnh lòng khi hầu hết các thánh tích của Phật giáo chỉ toàn là phế tích, hoang tàn, đổ nát và nằm rải rác khắp xa xôi! Chi tiết này khiến không ít người có cảm giác rất đau lòng!

Ý nghĩa bảy bước chân ngàn xưa trở về nơi đã ra đi

Thời đại thực dụng ngày nay, lòng tham con người đã tàn phá chính sự sống của chính mình trên trái đất này, thì chân lý Phật giáo lại trở nên cứu cánh cần thiết và cấp bách, khiến mọi người phải nghĩ đến, ngay cả trên đất nước Ấn Độ cũng đang giật mình thức giấc về viên minh châu đã có sẵn từ bao giờ trong lai áo của mình. Tiến trình đưa Phật giáo trở lại nơi này thật ra đã được khởi bước từ những năm đầu thế kỷ 20 bởi các vị Sư Tăng, các nhà nghiên cứu và những vị có kiến thức sâu rộng, luôn tôn trọng giá trị sống và lịch sử phát triển. Đó là những bước đi đầu tiên theo tinh thần của phong trào Phật giáo Dalit do Bhimrao Ambedkar (1891-1956) chủ xướng và đứng đầu. Bên cạnh đó còn có nhà văn, nhà sư, nhà chấn hưng Phật giáo người Sri Lanka Anagarika Dharmapala (1864-1933) rất tích cực, dùng hết tài năng và trí tuệ của mình dấn thân vào bất công để mong tìm lại chỗ đứng đáng có của Phật giáo ngay trên mảnh đất Ấn Độ này. Lần đầu tiên sang chiêm bái các thánh tích Phật giáo khi mới 29 tuổi, trước sự tàn phế nhưng tiềm ẩn hình bóng nguy nga, từ trong sâu thẳm của cõi lòng mình, ông đã phải thốt lên những lời khẳng khái và chọn ngày 21.11.1891, ngày mà ông đang đứng trước di tích Đức Phật ngàn xưa, làm ngày phục hưng Phật giáo. Năm sau đó nữa, bằng sự cố gắng không mệt mỏi, sau các buổi giảng “Sự quan hệ giữa Phật giáo và Ấn Độ” tại Calcutta, ông đã thành lập Bồ Đề Tạp Chí (Bodhi Journal). Kính trọng Đức Phật, thương cảm cho người dân Ấn Độ, trước mỗi buổi giảng ông thường trịnh trọng tuyên bố: “Phật giáo đồ Ấn Độ đã bị truy phóng một thời gian dài 800 năm, ngày nay họ đã và đang tiếp tục quay trở về cố quốc. Tất cả chúng ta hãy thức tỉnh, siêu vượt chế độ giai cấp và tín điều, với mục đích duy nhất của hội đại Bồ Đề là đem giáo lý của đấng Phật Đà tặng mọi người dân Ấn Độ” (Trích “Lược sử Phật giáo Ấn Độ” – H.T Thích Thanh Kiềm – NXB TP.HCM 1995).

Liên Hiệp Quốc luôn ủng hộ tính đa dạng văn hóa, bản sắc của mỗi quốc gia. Phật giáo trong mỗi quốc độ cũng thế, tùy thuận và hòa nhập mà không áp đặt Phật giáo các nước phải như mình. Hình ảnh các ngôi chùa mang sắc thái của từng quốc gia chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ cho chúng ta thấy một bức tranh rất đẹp; tất cả vừa như mang ý nghĩa quy tụ về bên Đức Phật lại như vừa đùm bọc chở che nhau trong một giềng mối quyến thuộc Bồ Đề.

Chúng ta tin vào một viễn cảnh tốt đẹp hơn như thế bởi hạt giống lành, tích cực đang được gieo trồng trên mảnh đất hồi sinh mầu mỡ, đó còn là kiến thức của trách nhiệm.

Chúng ta luôn tin vào điều đó như một tất yếu nhân quả, khi mà chân lý Phật giáo không những đã bước bảy bước đi trên mảnh đất con người, mà còn là bước đi những bước xa rộng, khắp cả Đông Tây, được tính bằng từng độ sáng rực của chân lý Phật đà. Những cơn Pháp nạn đã xảy ra trên đất nước Ấn Độ, hay ở các quốc độ khác, đó cũng chỉ là một biến động thoáng qua trong cuộc đời, như những sát-na sinh diệt phải mất và để rồi lại hồi sinh một cách mạnh mẽ hơn nhiều. Nước mắt, khổ đau càng điểm tô và soi sáng thêm chân lý Vô Thường -Vô Ngã của Phật giáo, góp dày thêm cho từng trang sử hàng hậu tấn thêm nhiều bài học quý giá, tựa vào đó để vươn mình phát triển.

https://thuvienhoasen.org/p19393a21580/tap-chi-tu-quang 

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 30

Post Views: 298