Nguồn gốc Ba y – Ca sa trong Phật giáo.

https://chuahoiphuoc.net/nguon-goc-ba-y-ca-sa-trong-phat-giao/

Thích Thiện Phước

Ba y (三衣(梵文trinl civaran)là vật dụng cơ bản cần phải có đối với người xuất gia trong nhà Phật, là hình dáng tiêu biểu đối với người xuất gia. Không luận là 18 vật của Tỳ kheo đại thừa, hoặc 6 vật của Tỳ kheo tiểu thừa, ba y đều là pháp vật rất cần thiết. Ba y là tên gọi chung trong các loại phục sức của Tăng Ni, tùy theo thời đại mà phát triển, ngoài ba y ra còn có nội y, y che ghẻ, y che vai,…

Ba y còn gọi là ca sa Trung văn 袈裟 (casa); phiên âm latinh từ tiếng Phạn: Kasāya.

Ca sa (ngũ điều y, thất điều y, đại y, phấn tảo y, kim lâu y, man y).

Ca sa còn gọi là Ca Sa Dã hoặc Ca La Sa Duệ, dịch nghĩa là: Trược, hoại sắc, bất chánh sắc, xích sắc, nhiễm sắc.

Ca sa là pháp y của Tăng Ni, được đặt tên theo màu y, cho nên còn gọi là y hoại sắc, y nhiễm ô. Nhân vì phương pháp để cắt may ca sa, cần phải đem vải cắt thành từng miếng vụn. Sau đó mới may lại cho nên gọi là tạp toái y, cát tiệt y.

* Nguyên do Phật chế ra ba y:

Khi Phật thành đạo vài năm, việc sử dụng y phục trong Tăng rất tùy duyên, do vì không có sự chế định. Có lần Phật cùng các đệ tử đi khất thực, người thí chủ cúng rất nhiều vải, các đệ tử tùy ý thọ nhận quấn lên thân, đã không tao nhã lại mất oai nghi, do đó Phật mới tư duy việc chế định những luật nghi có liên quan đến y.

Vào một đêm mùa Đông, đầu hôm Phật đắp một chiếc y, đến giữa đêm thì cảm giác hơi lạnh, Ngài lại đắp thêm một chiếc y nữa, đến cuối đêm cũng cảm thấy còn lạnh Ngài lại đắp thêm một y nữa. Sau khi thử nghiệm Phật cho rằng Tỳ kheo chỉ cần ba y là đủ, đó chính là duyên khởi của ba y.

Theo quyển 40, Luật Tứ Phần và Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Sớ chép: Ca sa là do Tôn giả A Nan vâng theo lời Phật dạy, mô phỏng theo bờ ruộng và thửa ruộng mà may thành, ruộng ở thế gian là để nuôi thân mạng, còn ruộng của pháp y là nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng, có thể làm ruộng phước cho thế gian cho nên còn gọi là vô tướng, áo ruộng phước.

– Vì cắt thành từng mảnh nên không thể sử dụng việc gì khác, do đó mà giặc cướp cũng không chiếm đoạt, hàng Tỳ kheo ít bị tổn thương.

* Cách thức may và màu sắc: 

– Ấn Độ là xứ nhiệt đới mọi người đều mặc áo màu trắng  tức bạch y, vì để phân biệt Tăng tục cho nên trong luật mới quy định về màu y.

– Màu trắng là màu mà thế tục trang sức, vì nó rực rỡ, còn Pháp y hoại sắc không yêu cầu phải lòe loẹt.

– Cắt rọc may thành nên không thể buôn bán làm chuyện khác được.

– Lượm từ những vải vụn vặt mai thành nhằm để trừ bỏ lòng tham ái.

– Cắt rọc nhuộm màu, nhằm để dứt trừ ý niệm trộm cướp của kẻ giặc.

Ca sa tùy theo màu mà đặt tên, sau đây xin nêu ra những điều căn bản quan trọng:

Quyển 16, Luật Tứ Phần chép: Có 3 màu hoại sắc, hoặc xanh, đen, vỏ cây mộc lan nên tùy ý mà nhuộm.

Quyển 15, Luật Thập Tụng chép: Hoặc xanh, hoặc màu đất bùn, hoặc màu vỏ cây mộc lan.

Theo quyển 9, Luật Ngũ Phần; Quyển 18, Luật Ma Ha Tăng Kỳ; Quyển 8, Tỳ Ni Mẫu Kinh; Quyển 8, Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa; Quyển 39, Hữu Bộ Tỳ Nại Da; Quyển 9, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma,… đều nói rõ về 3 loại sắc:

– Xanh, đen – màu bùn, bồ kết, vỏ cây mộc lan. Sử dụng  ba loại màu nầy may y thì đúng như pháp.

Sở dĩ gọi là hoại sắc là vì có thuyết giải thích là: Phải đem ba màu xanh, đen, vỏ cây mộc lan đều thuộc về hoại sắc để may, Tỳ kheo mặc bất kỳ màu gì đều phải đúng như pháp như luật.

Lại có Thuyết giải thích: Phải đem ba màu xanh, đen, vỏ cây mộc lan trộn lộn với nhau, mới có thể gọi là gọi sắc.

Lại có Thuyết nói: Phải đem 5 màu chánh: xanh, đen,… pha trộn vào nhau thì mới gọi là hoại sắc.

Trong Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Sớ của Pháp Tạng Đại sư chép: Ca sa dịch là bất chánh sắc, nghĩa là đem 5 màu: Xanh… pha trộn vào nhau để nhuộm thành bất chánh sắc, vì thế gọi là hoại sắc.

Theo quyển 8, Tỳ Ni Mẫu Kinh chép: Phật cho các Tỳ kheo dùng 10 loại màu: Đất bùn, da cây đà bà, da cây bà đà, phi thảo, càn đà, rễ cây hồ đào, trái a ma lặc, da cây pháp đà, da cây thi thiết bà, màu hỗn hợp.

Vấn đề có liên quan đến màu sắc ca sa có nhiều, ở đây xin nói tóm như sau: Phật chế nhuộm màu ca sa hoại sắc, chủ yếu là để cho tâm xả bỏ hình tốt đẹp, không còn đắm nhiễm quá nhiều vào hình chất, đồng thời phân biệt Tăng tục có khác. Như quyển hạ, kinh Phạm Võng chép: Không luận là ở đâu, phục sức của Tỳ kheo cần phải khác với người thế tục.

 

Chất liệu cắt rọc để làm ca sa Phật cũng có một vài qui định. Theo quyển 14, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa có 6 loại: “Khu ma, cổ cụ, cú thừ da, khâm bà la, bà na, bà già”.

Trong quyển 16, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận có nêu 6 loại: Kiếp bối, sô ma, kiều hi da, thuế, xích ma, bạch ma.

Quyển 28, Luật Ma Ha Tăng Kỳ có nêu ra 7 loại: Khâm bà la, kiếp bói, sô ma, câu xá da, xá na, ma, mâu đề.

Theo quyển 39, Luật Tứ Phần nêu ra 10 loại: Câu xá, kiếp bối, khâm bạt la, sô ma, xoa ma, xá miện, ma, xí di la, câu nhiếp la, thấn la bát ni.

Quyển 16, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận; Quyển 39, Tứ Phần Luật cũng từng đề cập đến Y Phấn Tảo, loại y này trong kinh bộ A Hàm chép: Nhặt những mảnh vải dùng để bó tử thi của người ta bỏ, vải bị cũ rách người khác không dùng, đem về giặt sạch rồi may lại thành.

* Ca sa có ba loại: Y năm điều, bảy điều và đại y:

Y năm điều: Tiếng Phạn là An Đà Hội, dịch nghĩa là Trung trước y. May y này thành năm điều tướng, mỗi điều là 1 đường dài 1 đường ngắn, tổng cộng có 10 khoảng.

Y bảy điều: Tiếng Phạn là Uất Đa La Tăng dịch nghĩa là Thượng y. May y này thành bảy điều tướng, mỗi điều là 2 đường dài 1 đường ngắn, tổng cộng có 21 khoảng.

– Đại y: Tiếng Phạn là Tăng Già Lê, dịch nghĩa là Chúng Tụ Thời Y, hoặc Đại Y, y này chia làm ba bậc phẩm:

           – Hạ hạ phẩm 9 điều.

          – Hạ trung phẩm 11 điều.

          – Hạ thượng phẩm 13 điều.

Ba phẩm này mỗi điều có 2 đường dài 1 đường ngắn.

        – Trung hạ phẩm 15 điều.

       – Trung trung phẩm 17 điều.

       – Trung thượng phẩm 19 điều.

Ba phẩm này mỗi điều 3 đường dài 1 đường ngắn.

          – Thượng hạ phẩm 21 điều.

          – Thượng trung phẩm 23 điều.

          – Thượng thượng phẩm 25 điều.

Ba phẩm này mỗi điều 4 đường dài 1 đường ngắn.

Chín phẩm đại y này, hạ hạ phẩm có 9 điều, mỗi điều có 3 khoảng, tổng công có 27 khoảng, cho đến thượng thượng phẩm 25 điều, mỗi điều 4 đường dài 1 đường ngắn, tổng cộng có 125 khoảng.

* Công dụng của y:

Y năm điều dùng để mặc lúc làm việc nên gọi là Tác Vụ Y. Tại Trung Quốc, Tăng Ni lúc làm việc, đều mặc quần áo chứ không có đắp y năm điều; y bảy điều dùng để mặc lúc nghe giảng kinh thính pháp, tụng kinh lễ sám, dùng trong lúc vào đại chúng, cho nên còn gọi là Nhập Chúng Y; Đại y là mặc lúc thuyết pháp, biện luận yết ma, hoặc là mặc để diện kiến  Quốc vương đại thần.

Phương pháp cắt may 3 y, theo quyển 28, Luật Ma Ha Tăng Kỳ và quyển 7, Luật Tứ Phần chép: Nếu chất liệu vải may y mỏng thì được dùng 2 lớp, 3 lớp, 4 lớp họp lại may thành.

Ca sa xưa nay vốn không có móc, theo quyển 40, Luật Tứ Phần chép: Xá Lợi Phất vào trong nhà bạch y, sợ gió thổi làm ca sa tuột khỏi thân. Do nhân duyên này mà Phật mới cho các Tỳ kheo may một miếng vải trên viền bên vai trái, kết khuy nút vào, nhằm để buộc ca sa lại. Sau này mới diễn biến rộng thành hình thức móc y, khoen y như ngày nay.

Cách đắp mặc 3 y thì phải quấn 3 lớp vào thân, nhưng cũng có thể tùy theo khí hậu lạnh nóng mà mặc 1 chiếc, 2 chiếc, 3 chiếc. Nếu như quá lạnh thì có thể mặc thêm Đại y che trùm thân.

Luật Ngũ Phần đức Phật dạy: Nếu ra vào thôn xóm, hoặc sợ cây cỏ móc làm rách y, hoặc sợ bị gió bụi bay vào trong lá y mà bị dơ, hoặc sợ trời oi bức làm phai màu y. Phật cho giữ gìn y bằng cách khi vào trong làng xóm thành ấp, thì lộn ngược ca sa lại. Nếu loại vải  dễ hư thì cho lộn ngược ca sa mà đắp, nhưng trên dưới đều phải kết khuy nút.

Ngoài 3 y ra còn có Kim Lan ca sa hoặc là Kim Lũ y, loại ca sa này trên thực tế là một loại Đại y, vì được làm bằng chất liệu quý báu dệt thành. Về nguồn gốc của loại y này cũng bất nhất.

Theo Phục Chương Môn sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên dẫn kinh A Hàm chép: Kim Lũ y là do Di mẫu của Phật tức bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề dâng cúng Ngài.

Những việc như: Đắp y, giải y, cầm y, xếp y cũng có qui định, đồng thời phải tụng kệ chú.

Những vấn đề đã lược thuật trên, đều có liên quan đến qui định truyền thống về ca sa.

Sau khi Phật giáo truyền sang Phương Đông, do sự biến đổi của không gian và thời gian, nên hình dáng và cách thức may ca sa cũng đã thay đổi rất nhiều.

Sau đây nói về công đức của ca sa. Theo Giới Đàn Kinh chép: “Y năm điều, là tiêu biểu cho đoạn trừ tham, tịnh hóa thân nghiệp; Y bảy điều tiêu biểu cho đoạn trừ sân, tịnh hóa khẩu nghiệp; Đại y, đường dài nhiều đường ngắn ít, tiêu biểu cho Thánh quả tăng phàm tình giảm, và tiêu biểu cho đoạn trừ si, tịnh hóa ý nghiệp”.

Kinh Bi Hoa chép: Khi Phật còn tu hạnh Bồ tát Ngài ở trước đức Bảo Tạng Như Lai, phát nguyện lúc thành Phật thì ca sa sẽ có 5 loại công đức:

1/ Người vào trong pháp của con, phạm trọng tội tà kiến, ở trong khoảng một niệm sanh lòng kính tin tôn trọng, thì sẽ được thọ ký quả tam thừa.

2/ Trời rồng quỷ thần nếu kính trọng ca sa này dù chỉ ít phần thôi, thì liền được quả tam thừa bất thoái.

3/ Nếu có các quỷ thần được ít phần ca sa này nhẫn đến chừng 4 tấc, thì sẽ được đầy đủ các món ăn uống.

4/ Nếu chúng sanh trái nghịch nhau mà biết nương nhờ năng lực của ca sa này, thì thoát khỏi sự đau buồn.

5/ Nếu giữ được ít phần ca ca này cung kính tôn trọng, thì thường được hơn người khác.

Theo kinh Đại Niết Bàn chép: Rồng được ca sa này mà khỏi bị nạn Kim xí điểu ăn thịt.

Địa Tạng Thập Luân Kinh chép: “Nếu có người phạm tội, bị trói buộc bỏ ngoài đồng trống, trên đảnh đầu nếu đội ca sa một miếng nhỏ chừng bằng một lóng tay thôi, thì sẽ thoát khỏi nạn quỷ mị”.

Kinh lại chép: Có một con khỉ, thừa lúc chư Tăng không có mặt, vui đùa lấy ca sa đắp vào thân, trong lúc hí hửng nhảy đùa, bị trợt chân té xuống hang chết, nhờ công đức ấy mà được sanh về cõi trời, 90 kiếp sau được đạo giải thoát xuất thế.

Kinh A Hàm chép: Vải ca sa cũ rách, không thể sử dụng được, nên đem treo ở núi rừng đồng trống, loài người súc sanh cầm thú nếu trông thấy thì được nhiều phước thiện.

* Chất liệu để may thành ba y:

Vải để may thành ba y có 2 nguồn gốc:

Thứ nhất: Vải tín đồ Phật giáo cúng cho tự viện hoặc Tăng chúng thí xả, tức là “đàn việc cúng y”, phân là sấn thí đơn thí.

Sấn thí là nói thí chủ cúng vải khổ lớn nhỏ dài ngắn không đồng, rồi chứa nhiều mảnh cho đủ sau mới may thành một chiếc y.

Đơn thí là nói thí chủ cúng một lần thì may đủ chiếc y. Thế nhưng cơ  duyên  thì không nhiều.

Thứ hai: Là lượm  những y cũ rách mà người khác bỏ rồi giặt nhuộm may thành y, tức là y phấn tảo. Y phấn tảo là 1 trong 4 điều cần phải nương của Tỳ kheo:

– Suốt đời khất thực.

– Suốt đời mặc y phấn tảo.

– Suốt đời ngồi dưới gốc cây.

– Suốt đời dùng thuốc hủ lạn.

Y phấn tảo, thật ra là những y chằm vá, chúng ta thường thấy Tỳ kheo mặc y phấn tảo nầy biểu thị không nhận đàn việt thí xả.

Trong Đại Thừa Nghĩa Chương chép: “Y phấn tảo là do lửa cháy nám, trâu gặm chuột cắn, y của người đã chết, người ta thường đem y phục rách bỏ ở đống rác hoặc gò mả, Tỳ kheo lượm về may thành y. Phật dạy: Người xuất gia không nên mặc y tốt lòe loẹt, nếu cầu y tốt thì sanh phiền não mắc tội, phí công bỏ đạo, sanh tâm tham đắm. Hơn nữa y phục tốt hay dẫn đến trường hợp cướp giật, tổn hại tánh mạng, vì thế nên mặc y chằm vá bớt việc, tăng thêm đạo lực, lìa lỗi lầm.

Đức Phật thường khen ngợi công đức mặc y phấn tảo, có 10 điều lợi ích:

1. Có hổ thẹn.

2. Ngăn nóng lạnh độc trùng.

3. Nêu bày dáng dấp Sa môn.

4. Trời người thấy Pháp y đều tôn kính như kính tháp Phật.

5. Chẳng sanh tâm tham lam.

6. Tùy thuận tịch diệt chẳng bị lửa phiền não thiêu đốt.

7. Có dơ dễ thấy.

8. Không cần dùng những vật khác để trang nghiêm.

9. Tùy thuận 8 thánh đạo.

10. Tinh tấn hành đạo, không tham tâm nhiễm ô.

Tuy là như thế nhưng đức Phật lúc chế định tăng phục thì từ nơi thực tế mà ra, đối với Tỳ kheo lớn tuổi sức yếu hoặc người nữ xuất gia thì phương diện y phục có nhiều điều dung thông. Ví như đối với Tỳ kheo ni, đức Phật còn cho mặc y che vai, bệnh y… Trên đã giới thiệu về các loại ba y, đều là pháp y của Chư Tăng Ni thọ trì. Ngày nay y của Tỳ kheo thuộc hệ Bắc truyền trở thành một lễ phục, chỉ đắp trong lúc cử hành những buổi lễ tiết Phật sự mà thôi.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 46

Post Views: 315