Nguồn gốc của lễ tắm Phật – tích Phật đản sanh
Nguồn gốc của lễ tắm Phật – tích Phật đản sanh
https://chuabavang.com/nguon-goc-va-y-nghia-le-tam-phat-d1176.html
Hàng năm, cứ mỗi mùa Phật đản, những người con Phật trên khắp năm châu lại tổ chức nghi lễ dâng nước cúng dường tắm Phật. Nghi lễ không chỉ là dịp để các Phật tử bày tỏ tâm tri ân tới sự xuất hiện của Đức Thế Tôn trên thế gian; mà còn là cơ hội để những người con Phật gội sạch những cấu uế nơi tâm, phát nguyện diệt trừ tham, sân, si, từ đó làm thanh tịnh quốc độ lòng mình.
Vậy nghi thức tắm Phật có từ khi nào? Và ý nghĩa của lễ tắm Phật có gì đặc biệt? Kính mời quý Phật tử và bạn đọc cùng tìm hiểu về lễ tắm Phật qua bài giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh với bài viết dưới đây.
Lễ tắm Phật là nghi thức truyền thống trong ngày lễ Phật đản (mùng 08 tháng 4 âm lịch). Lễ tắm Phật bắt nguồn từ câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh. Trong kinh Đại Bổn (thuộc Trung Bộ kinh – Đại Tạng kinh Việt Nam) có ghi lại rằng: Khi Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử, bỗng nhiên trên hư không xuất hiện hai dòng nước, một nóng và một lạnh của chư Thiên tưới xuống để tắm cho Thái tử và Hoàng hậu. Còn trong kinh Phổ Diệu nói rằng: Trên hư không lúc ấy có chín con rồng phun nước tắm cho Thái tử.
Tuy ở mỗi kinh điển ghi chép lại có phần khác nhau nhưng câu chuyện Thái tử khi đản sinh được tắm bởi dòng nước kỳ diệu trên hư không là sự kiện có thật. Đây là sự màu nhiệm của bậc vĩ nhân, bậc thánh nhân khi xuất thế. Như vậy, chúng ta thấy rằng nghi thức tắm Phật trong ngày lễ Phật đản xuất phát từ sự kiện dòng nước tắm cho Thái tử khi Ngài đản sinh.
Lễ tắm Phật là nghi thức thiêng liêng, long trọng trong ngày lễ Phật đản đối với hàng triệu tín đồ Phật giáo. Nghi lễ tắm Phật mang lại nhiều công đức phước báu to lớn: Một là thể hiện lòng cung kính, vui mừng khi một bậc Đại nhân ra đời; hai là tắm rửa, gột rửa chính tâm hồn mình làm sao cho tâm hồn mình được trong sạch, để Đức Phật sơ sinh ở trong tâm mình được xuất hiện.
Đức Phật là người đã tu ba A-tăng-kỳ kiếp, rèn luyện thân tâm, trau dồi đức hạnh. Ngài có đầy đủ tất cả các công đức, viên mãn và trở thành Phật. Ngài còn được gọi là bậc Lưỡng Túc Tôn, nghĩa là phúc đức, trí tuệ đầy đủ. Đức Phật là bậc Tối Tôn Vô Thượng như vậy, nên khi chúng ta thành kính thực hiện nghi thức tắm thân Như Lai cũng sinh ra vô lượng công đức, phước báu.
Trong bài kệ Tán Phật có câu: “Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn; Thân của Ngài vô tận phước lành”. Quả thật, thân của Đức Thế Tôn là vô tận phước lành, mỗi sợi lông chân của Phật còn hơn công đức phước báu của cả tam thiên, đại thiên thế giới chúng sinh gộp lại. Cùng với đó, trong bài kinh Công Đức Tắm Phật cũng nói rằng tắm Phật được rất nhiều công đức phước báu. Vì thế mà khi chúng ta dâng nước tắm Phật với đầy đủ tấm lòng thành kính, tịnh tín thì công đức phước báu sinh ra vô cùng lớn.
(Chắp tay vái và khấn bạch)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! đệ tử con tên là…ở tại địa chỉ… Hôm nay đệ tử con về chùa Ba Vàng tham quan lễ bái (tu tập), duyên lành con được chiêm ngưỡng bảo tướng đức Phật sơ sinh, con được nghe biết Đức Phật là bậc được trời người tôn quý, là bậc cứu khổ cho muôn loài. Con xin được thành kính hoan hỷ tung hoa, cùng rưới nước cúng dường lên kim tượng Phật đản sinh, nguyện cầu cho con cùng vô lượng chúng sinh được hoan hỷ, được duyên giác ngộ chân lý giải thoát. Với công đức này, con xin hồi hướng cho các thiện cầu của con(đọc mong cầu)….
Và hồi hướng nguyện cho con và cả gia đình được Tam Bảo che trở dẫn dắt đi đến chỗ hạnh phúc an lành.
Nam mô Lâm Tỳ Ni viên Vô ưu thọ hạ, thị hiện đản sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (1 vái )
Hy vọng qua lời chỉ dạy trên Sư Phụ về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ tắm Phật, quý Phật tử có những tri kiến đúng đắn về nghi lễ đặc biệt quan trọng này. Mong rằng những hoạt động ý nghĩa tốt đẹp trong ngày lễ Phật đản sẽ được giữ gìn và ngày càng được lan rộng hơn nữa!
Năm nay, hòa chung không khi hân hoan kính mừng Đức Phật đản sinh, được sự cho phép trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng sẽ tiếp tục tổ chức lễ tắm Phật để các Phật tử được tỏ lòng thành kính, tri ân tới Đấng Từ Phụ Thích Ca. Chương trình sẽ diễn ra vào sáng mùng 08 tháng 4 năm Nhâm Dần. Kính mời quý vị hướng tâm theo dõi.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 72