Ái luyến là tiêu đề bài viết này được sao chép từ http://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-ai-luyen-5153/

Cập nhật: 27/05/2020“Vấn thế gian tình thị hạ vật, trực giao sinh tử tương hứa?”. (Hỡi thế gian tình là gì, mà khiến con người ta sống chết với nhau?). 

Ái luyến

Câu hỏi huyền thoại của Lý Mạc Sầu, ai trong chúng ta cũng biết, cũng hiểu, cũng trải qua nhưng thật khó để có câu trả lời thích đáng.

Trong Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn có viết:

“Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu”
.

Hai câu kinh miêu tả hai trạng thái cảm xúc đối lập của một người khi đối diện trước cảnh sinh ly tử biệt giữa hai đối tượng: một là người thân thuộc của mình, hai là người dưng nước lã bên ngoài. Hai câu kinh này thật đáng để chúng ta suy nghĩ. Giả sử chúng ta đi ra đường, gặp một vụ tai nạn giao thông chết người, chúng ta không tệ đến mức “nước mắt ráo khô” nhưng cũng không đến chỗ phải “đầm đìa lệ máu”. Đặt trường hợp nếu như người bị tai nạn đó là người thân chúng ta đi, thì chúng ta sẽ ra sao? Chắc có lẽ lúc đó chúng ta cũng không còn bình tĩnh, nháo nhào, bất an, lo sợ. Hoặc là khi đi đám tang, cũng đều là buồn, là tiếc nuối nhưng rõ ràng đám tang của một người thân thương chúng ta khác với đám tang một ông hàng xóm chứ. Do đâu có sự khác biệt như vây?

Trong kinh Pháp Cú, phẩm Hỷ Ái, bài kệ số 213, bản dịch HT. Minh Châu viết như sau:

“Ái luyến sinh sầu ưu
Ái luyến sinh sợ hãi
Ai giải thoát ái luyến
Không sầu, đâu sợ hãi?”
.

Theo Chú Giải Kinh Pháp Cú của dịch giả Pháp Minh, chữ “ái luyến” trong bài kệ này được hiểu là sự ái luyến, tiếc thương con cái đã mất. Nó được dịch từ nguyên bản Pali là pematoPháp Cú này được đức Phật thuyết tại Jetavana, câu chuyện có tên là Tín Nữ Visakha Khóc Cháu Gái. Bà Visakha có một đứa cháu nội tên là Sudatti, đức hạnh đoan trang và lòng thành tín kiên cố. Bà rất yêu thương cô bé. Ngặt nỗi có ai ngăn được tiếng gọi của tử thần. Cô bé ra đi đột ngột, để lại cho bà một nỗi buồn khôn xiết. Sau khi an táng cháu bé, trong bộ dạng sầu thảm, nước mắt giàn giụa, bà đến gặp đức Thế Tôn tỏ thật tâm tình, nói rằng:

– Bạch Thế Tôn! Đứa cháu gái thân thương của con đã chết. Con sẽ không còn được gặp đứa cháu gái này nữa đâu.

– Này Visakha! Trong thành Jetavana này có được bao nhiêu người?

– Bạch Thế Tôn! Trong thành Jetavana có bảy mươi triệu người.

– Nếu tất cả số này đều đáng được bà yêu như cháu gái của bà, bà có đồng ý chăng?

– Bạch Thế Tôn! Con đồng ý.

– Hằng ngày, trong thành Jetavana này có bao nhiêu người chết?

– Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm.

– Nếu vậy, bà phải khóc than suốt cả ngày lẫn đêm, chứ không có lúc nào vơi khổ được chăng?

– Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu ý Ngài rồi.

Đức Thế Tôn khuyên nhủ bà đừng phiền muộn nữa. Sự ưu tư hoặc sự sợ hãi đều từ luyến ái mà sinh ra. Rồi Ngài nói lên bài kệ như đã nêu ở trên.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ ràng một điều, bà Visakha vì thương cháu nội nên mới đau khổ như vậy. Giả sử nếu như người chết đó không phải là thân quyến của bà, chắc có lẽ cũng không có nhân duyên để đức Phật nói bài kệ trên. Trong cuộc sống, chúng ta thấy những bậc cha mẹ sinh ra con cái, niềm vui thì ít mà lo lắng, đau buồn thì nhiều. Họ đâu có “ở không” để mà lo lắng cho thằng A hay con B ở hàng xóm, chỉ vì đơn giản tụi nó đâu phải là con của họ. Cũng vì thương con nên mới mong muốn cho con được thế này, được thế nọ; rồi con không nghe lời thì buồn, thì giận. Bản thân chúng ta thấy rất rõ điều này. Mình giận hay đau khổ vì ai là cũng do mình thương người đó, không có ai rảnh đến nỗi mà đi giận người dưng nước lã cả. Giận hờn, lo lắng, đau buồn tất cả đều là biểu hiện của cái ái. Mà phải nói cho rõ là cái ái ích kỷ, cái tình thương chỉ muốn cho riêng mình.

Biết là như vậy nhưng để thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái luyến này không phải dễ. Người xuất gia tu học Phật pháp thì phải cắt ái từ thân. Đôi khi chúng ta cắt ái ngoài đời, vào chùa lại bị dính cái ái khác thì cũng đau khổ như thường. Nhưng nói như vậy không lẽ mình gỗ đá hay sao mà không biết yêu thương? Cái quan trọng là tình thương đó như thế nào, có bị vướng mắc vào đó hay không. Nếu là tình thương bao la đại hải của chư Phật, chư Bồ-tát thì còn gì bằng nữa. Nhưng mấy ai làm được chuyện đó. Hằng ngày, dù thô tháo hay vi tế, mỗi chúng ta đều bị ái luyến chi phối. Thiết nghĩ, quay lại chăm sóc chính bản thân mình nhiều hơn là cách tốt nhất để khi ngoại cảnh bên ngoài có đổi thay, thì ta vẫn có có đủ bản lĩnh vượt qua. Không ai có thể giúp mình được gì, hạnh phúc hay khổ đau cũng do nơi mình mà thôi. Giải thoát ái luyến chưa xong thì thôi đành chung sống với nó, nhưng cố gắng ở mức nào đó để không bị nó chi phối, không bị những tình cảm chi li níu kéo. Được như vậy cũng đã là tự tại lắm rồi.

Tâm Duyên

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 64

Post Views: 564