Dhamma Nanda874 Views  0 CommentsTRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

Nguyên Nhân Đức-Bồ-Tát Đi Xuất Gia

Những sự kiện xảy ra theo tuần tự thời gian, khiến Đức-vua Bồ-tát quyết định đi xuất gia.

* Lần đầu tiên, vào ngày rằm tháng 6, Đức-vua Bồ- tát Siddhattha ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, bỗng nhiên Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy một người già, do chư-thiên hóa ra, để làm cho Đức-vua Bồ- tát phát sinh động-tâm (saṃvega).

Thật vậy, Đức-vua Bồ-tát chưa từng nhìn thấy người già như thế bao giờ, cho nên Đức-vua Bồ-tát suy tư:

“Chắn chắn ta sẽ có sự già như thế, không thể tránh khỏi sự già được.”

Nỗi ưu tư tràn ngập trong lòng, không còn muốn đi du lãm nữa, Đức-vua Bồ-tát truyền bảo quan đánh xe đưa Đức-vua hồi cung.

* Lần thứ nhì, cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 10, Đức-vua Bồ-tát lại ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, lần này Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy một người bệnh, cũng do chư-thiên hóa ra.

Như lần trước, Đức-vua Bồ-tát suy tư:

“Chắc chắn ta cũng có sự bệnh như thế, không thể tránh khỏi sự bệnh được.”

Tâm trạng u buồn, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh bảo quan đánh xe đưa Đức-vua hồi cung.

* Lần thứ ba, cũng cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 2, để vơi bớt nỗi buồn, Đức-vua Bồ-tát lại ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, bất chợt Đức- vua Bồ-tát nhìn thấy một người chết, cũng do chư-thiên hoá ra.

Cũng như hai lần trước, Đức-vua Bồ-tát suy tư:

“Chắc chắn ta cũng có sự chết như thế, không thể tránh khỏi sự chết được”.

Nỗi lo sợ phát sinh trong lòng, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh bảo quan đánh xe đưa Đức-vua hồi cung.

Từ đó, Đức-vua Bồ-tát lúc nào cũng suy tư về sự già, sự bệnh, sự chết. Đức-vua Bồ-tát tự hỏi, có con đường nào giải thoát khỏi sự già, sự bệnh, sự chết hay không? Sở dĩ có sự già, sự bệnh, sự chết là vì có sự tái-sinh.

“Ôi! Sự tái-sinh đáng kinh sợ thật!”

* Lần thứ tư, 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 6, để khuây khỏa nỗi u buồn, lo sợ trong lòng, một lần nữa, Đức-vua Bồ-tát ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Trên đường đi, Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy một bậc xuất-gia đang tĩnh tọa dưới cội cây, tỏ vẻ an nhiên tự tại, cũng do chư-thiên hóa ra, để làm cho Đức-vua Bồ-tát nghĩ đến việc xuất-gia.

Thật vậy, khi Đức-vua Bồ-tát nhìn thấy bậc xuất-gia, Ngài liền trút bỏ được mọi nỗi ưu tư nặng trĩu trong lòng về sự già, sự bệnh, sự chết. Đức-vua Bồ-tát quyết định xuất gia ngay đêm ấy, để tìm con đường giải thoát khỏi sự tái-sinh là giải thoát khỏi khổ già, khổ bệnh, khổ chết.

Hôm ấy, Đức-Bồ-tát cảm thấy vô cùng hoan hỷ, nên Đức-Bồ-tát vẫn tiếp tục ngự đi du lãm vườn thượng uyển.

Khi Đức-vua Bồ-tát hồi cung, ngay trong đêm ấy Đức-vua Bồ-tát nghe tin Chánh-cung Hoàng-hậu Yasodharā đã sinh hạ Hoàng-tử, tình thương con phát sinh trong tâm, Đức-vua Bồ-tát than rằng:

“Sự ràng buộc lớn!”

Do đó, Hoàng-tử được đặt tên là “Rāhula.”

Mặc dù vậy, chí nguyện xuất-gia của Đức-vua Bồ-tát vẫn không thay đổi.

Đêm ấy, Đức-vua Bồ-tát đến tìm gặp Channa, quan giữ ngựa thân tín rồi bảo:

– Này Channa! Đêm nay, Trẫm sẽ rời khỏi hoàng cung, đi xuất gia, khanh hãy sửa soạn cho Trẫm con ngựa Kaṇḍaka ngay bây giờ, và nhớ không để cho một ai hay biết cả.

Như vậy, Đức-vua Bồ-tát Siddhattha lên ngôi vua, trị vì đất nước được 13 năm.

Trích từ cuốn Tam Bảo trong bộ Nền Tảng Phật Giáo do Tỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 19

Post Views: 307