Dhamma Nanda703 Views  0 CommentsTRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

TÍCH ĐẠI CỘI BỒ ĐỀ KALIṄGABODHIJĀTAKA

Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông Phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh thành Sāvatthi, Ngài thuyết giảng tích tiền kiếp Kaliṅgabodhi (theo Bộ chú giải Jātaka) trong đoạn đầu được tóm lược như sau:

Khi Đức Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana cùng với chư Đại đức Tỳ khưu Tăng đông đảo, đến khi Đức Phật du hành đến nơi khác, thì chư Đại đức Tỳ khưu Tăng cùng đi theo Ngài. Lúc ấy, ngôi chùa Jetavana trở nên trống vắng, không còn một vị nào ở trong chùa cả. Những người cận sự nam, cận sự nữ mang những phẩm vật đến chùa, không thấy Đức Phật và cũng không thấy một Đại đức Tỳ khưu nào cả. Họ không biết dâng lễ cúng dường đến nơi nào, nên họ phải đành đem đến đặt trước cốc Gandhakuṭi của Đức Phật, rồi họ thui thủi trở về nhà, mà không phát sinh tâm hoan hỷ.

Được biết như vậy, ông phú hộ Anāthapiṇḍika chờ đợi khi Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng ngự trở lại ngôi chùa Jetavana. Ông phú hộ liền đến gặp đảnh lễ Ngài Ānanda và bạch cho Ngài biết rằng:

– Kính bạch Ngài, mỗi khi Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng ngự đi du hành đến nơi khác, tại ngôi chùa này trở nên trống vắng. Các người cận sự nam, cận sự nữ đem những phẩm vật đến dâng lễ cúng dường mà không thấy vị nào cả. Họ đành phải đem những phẩm vật đặt trước cửa cốc Gandhakuṭi của Đức Phật, rồi thui thủi trở về nhà, mà không phát sinh tâm hoan hỷ.

Kính bạch Ngài, con kính nhờ Ngài bạch lại với Đức Phật rằng: “Đối với các hàng Phật tử còn có nơi nào khác, để dâng lễ cúng dường nữa hay không?”.

Nhận lời thỉnh cầu của ông phú hộ, Ngài Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, bèn bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, Cetiya là nơi dâng lễ cúng dường có bao nhiêu nơi? Bạch Ngài.

– Này Ānanda, Cetiya nơi dâng lễ cúng dường có ba nơi.

– Kính bạch Đức Thế Tôn, ba nơi ấy là những nơi nào? Bạch Ngài.

– Này Ānanda: Ba nơi ấy là:

Sāriraka Cetiya: Cetiya nơi tôn thờ Xá lợi của Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Paribhoga Cetiya: Cetiya nơi mà Đức Phật đã sử dụng như Đại cội Bồ đề, những thứ vật dụng của Đức Phật đã dùng.

Uddissaka Cetiya: Cetiya nơi mà người Phật tử tạo nên tượng Đức Phật, ngôi Bảo tháp v.v… để tôn thờ.

Ngài Ānanda bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn còn tại thế gian, ba nơi Cetiya ấy, các hàng Phật tử có thể dâng lễ cúng dường được hay không? Bạch Ngài.

– Này Ānanda, Sāriraka Cetiya: Cetiya nơi tôn thờ Xá lợi của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì khi nào Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, khi ấy, các hàng Phật tử mới có thể dâng lễ cúng dường Cetiya, nơi tôn thờ Xá lợi Đức Phật.

Này Ānanda, còn Paribhoga Cetiya và Uddissaka Cetiya, thì ngay khi Như Lai còn tại thế, các hàng Phật tử cũng có thể dâng lễ cúng dường đến hai nơi Cetiya ấy.

Này Ānanda, Đại cội Bồ đề được gọi là Paribhoga Cetiya, nơi mà Chư Phật sử dụng làm nơi ngồi ngự dưới Đại cội Bồ đề, để chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Lắng nghe Đức Phật dạy như vậy, Ngài Ānanda bèn bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn du hành ngự đến nơi khác, chư Tỳ khưu Tăng cũng đi theo Ngài, tại ngôi chùa Jetavana này trở nên trống vắng. Các người cận sự nam, cận sự nữ mang những phẩm vật đến ngôi chùa này, họ không thấy một ai cả, nên không có nơi nào, để họ dâng lễ cúng dường.

Kính bạch Đức Thế Tôn, như vậy, con có thể thỉnh hạt giống Bồ đề từ Đại cội Bồ đề ở khu rừng Uruvela, đem về gieo trồng tại ngôi chùa Jetavana này, để cho các hàng Phật tử làm cetiya nơi dâng lễ cúng dường, có nên hay không? Bạch Ngài.

Đức Phật truyền dạy rằng:

– Sādhu! Ānanda ropehi.
– Này Ānanda, tốt lắm! Con hãy nên gieo trồng cây Bồ đề tại ngôi chùa này.
Evaṃ sante Jetavane mama nibaddhavāso viya bhavissati (theo Bộ chú giải Jātaka)
Như vậy, khi có cây Bồ đề trong ngôi chùa Jetavana, cũng như là sự thường trú của Như Lai.

Sau khi lắng nghe Đức Phật truyền dạy như vậy, Ngài Ānanda loan báo cho ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā, Đức vua Pasenadi Kosala, cùng toàn thể các cận sự nam, cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi rằng sẽ trồng cây Bồ đề tại ngôi chùa Jetavana, xin cho người đào lỗ để trồng cây Bồ đề.

Khi ấy, Ngài Ānanda đến gặp Ngài Mahāmoggallāna và bạch rằng:

– Kính bạch Pháp huynh, đệ muốn trồng một cây Bồ đề tại ngôi chùa Jetavana, kính thỉnh pháp huynh đến Đại cội Bồ đề tại khu rừng Uruvela, thỉnh một hạt giống Bồ đề đem về cho đệ.

Ngài Mahāmoggallāna nhận lời, liền dùng phép thần thông bay đến khu rừng Uruvela, bay xung quanh Đại cội Bồ đề, để tìm hạt Bồ đề nào già chín, sắp lìa khỏi cành. Ngài dùng tấm y hứng hạt giống Bồ đề, không để rơi xuống mặt đất, thỉnh đem về trao cho Ngài Ānanda. Ngài Ānanda đón nhận hạt giống Bồ đề bằng cái đĩa vàng một cách cung kính.

Tiếp đến, Ngài Ānanda loan báo cho Đức vua Pasenadi Kosala, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā, cùng toàn thể các cận sự nam, cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi tụ hội để làm lễ trồng cây Bồ đề. Khi mọi người đã tụ hội đông đủ tại ngôi chùa Jetavana; đầu tiên, Ngài Ānanda thỉnh cái đĩa vàng có đựng hạt giống Bồ đề trao cho Đức vua Pasenadi Kosala, để gieo trồng cây Bồ đề. Đức vua cung kính đón nhận từ tay của Ngài Ānanda và suy nghĩ rằng: Ta tuy là Vua, nhưng người xứng đáng để gieo trồng cây Bồ đề này phải là ông phú hộ Anāthapiṇḍika. Nghĩ vậy, Đức vua liền trao cái đĩa đựng hạt giống Bồ đề lại cho ông phú hộ; ông phú hộ cung kính đón nhận từ tay của Đức vua. Tiếp theo, ông phú hộ rải phân bón xuống lỗ, rồi hai tay cung kính bưng cái đĩa vàng đựng hạt giống Bồ đề gieo xuống lỗ và phủ một lớp đất lên mặt.

Lúc ấy, mọi người đông đảo đều nhìn thấy, một điều thật là phi thường, chưa từng có bao giờ! Ngay khi vừa gieo xong, liền mọc lên một cây Bồ đề cao 50 hắc tay (cùi tay), có 5 nhánh, mỗi nhánh tỏa dài 50 hắc tay, trở thành một Đại cội Bồ đề to lớn, mà tất cả bốn phương, tám hướng đều nhìn thấy rõ.

Đức vua Pasenadi Kosala liền dâng cúng dường 18 đóa hoa sen, tưới nước trong sạch vào gốc cây, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā, cùng toàn thể các cận sự nam, cận sự nữ đều vô cùng hoan hỷ, lần lượt dâng lễ cúng dường đến Đại cội Bồ đề một cách cung kính.

Xung quanh Đại cội Bồ đề được xây bốn bức thành hàng rào và cổng ra vào bằng các loại đá rất quý; phần nền gần gốc cây Bồ đề được lót bằng một loại đá quý, để làm nơi dâng lễ cúng dường của các hàng Phật tử.

Ngài Ānanda vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã trồng Đại cội Bồ đề xong, kính thỉnh Đức Thế Tôn ngự đến sử dụng Đại cội Bồ đề. Khi Đức Thế Tôn sử dụng Đại cội Bồ đề, để cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Theo sự thỉnh cầu của Ngài Ānanda, Đức Thế Tôn ngự đến sử dụng Đại cội Bồ đề nhập Arahán quả suốt đêm.

Ngài Ānanda loan báo cho Đức vua Pasenadi Kosala, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā, cùng toàn thể các cận sự nam, cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi tụ hội tại Đại cội Bồ đề, để làm đại lễ cúng dường đến Đại cội Bồ đề. Do đó, Đại cội Bồ đề có tên gọi là “Ānanda bodhi” (Đại cội Bồ đề của Ngài Ānanda)

Đại cội Bồ đề của Ngài Ānanda vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, tại nền ngôi chùa cổ Jetavana, tỉnh Sāvatthi, xứ Ấn Độ.

Đối với các hàng Phật tử là bậc xuất gia, cũng như hàng tại gia là cận sự nam, cận sự nữ phải hết lòng tôn kính cây Bồ đề, bởi vì, khi chúng ta tôn kính cây Bồ đề là như tôn kính Đức Phật vậy. Cho nên, tại mỗi Đại cội Bồ đề là một nơi tôn nghiêm, mà mỗi người Phật tử phải có bổn phận chăm sóc bảo tồn, thường xuyên quét dọn lau chùi sạch sẽ và thường đến lễ bái, dâng lễ cúng dường Đại cội Bồ đề như lễ bái dâng lễ cúng dường Đức Phật vậy.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 13

Post Views: 873