Dhamma Nanda638 Views 0 CommentsSự Tích Tám Phật Lực
SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ TÁM
ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG PHẠM THIÊN BAKA
Ðức Phật cảm thắng Phạm thiên Baka chấp thủ thường kiến mê lầm, do nhờ trí tuệ.
(Bộ Samyuttanikàya, phần Sagàthavagga, kinh Bakabrahmasutta. Bộ Chú giải Jàtaka…)
Tóm lược bài kinh Bakabrahmasutta và Chú giải Jàtaka.
-ooOoo-
Thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana của ông trưởng giả Anàthapindika gần thành Sàvatthi; lúc ấy, ở cõi trời sắc giới Abhassarà (Quang âm thiên), Phạm thiên Baka phát sanh thường kiến mê lầm rằng: “Chư thiên ở cõi trời sắc giới Phạm thiên này là thường tồn, vĩnh hằng, thường hữu, bền vững mãi mãi, không có sự hủy hoại, không sanh, không già, không chết, không chuyển kiếp, bất sanh, bất diệt…. Ngoài cõi sắc giới Phạm thiên này ra, không có một cảnh giới nào khác có được những tính chất thù thắng như thế này”.
Khi ấy, Ðức Thế Tôn dùng tha tâm thông, biết rõ thường kiến mê lầm của Phạm thiên Baka, biết rõ ông có duyên lành có thể hoá độ được, với thời gian ngắn, như lực sĩ duỗi cánh tay ra, Ngài biến kim thân từ chùa Jetavana, hiện ra ở cõi trời sắc giới phạm thiên Abhassanà ấy.
Phạm thiên Baka nhìn thấy Ðức Thế Tôn ngự lên đến đây, tỏ vẽ vô cùng hoan hỷ bạch Ngài rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, tôi rất hân hạnh đón tiếp Ngài, chiêm ngưỡng Ngài.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, “chư thiên ở cõi trời sắc giới phạm thiên này là thường tồn, vĩnh hằng, thường hữu, bền vững mãi mãi, không có sự hủy hoại, không sanh, không già, không chết, không chuyển kiếp, bất sanh, bất diệt…. Ngoài cõi sắc giới Phạm thiên này ra, không có một cảnh giới nào khác có được những tính chất thù thắng như thế này”.
Nghe xong, Ðức Thế Tôn liền thông báo rằng:
– Này chư Phạm thiên! Phạm thiên Baka này đã sa vào thường kiến mê lầm rồi! Thường kiến mê lầm như thế nào: “Chư thiên ở cõi trời sắc giới phạm thiên này là vô thường mà Phạm thiên Baka cho là thường tồn; không vĩnh hằng cho là vĩnh hằng; không thường hữu cho là thường hữu; không bền vững cho là bền vững; bị hủy hoại cho là không bị hủy hoại; có sự sanh, sự già, sự chết, chuyển kiếp hoá kiếp, sanh diệt là thường, thế mà Phạm thiên Baka cho là không sanh, không già, không chết, không chuyển kiếp, không hoá kiếp, bất sanh, bất diệt…”, và còn dám nói rằng: “Ngoài cõi sắc giới phạm thiên này ra, không có một cảnh giới nào khác có được những tính chất thù thắng như thế này”.
Phạm thiên Baka bị Ðức Phật quở trách nặng nề cảm thấy khó chịu, kinh ngạc, bèn tìm cách chạy tội, nên y đem nhóm 72 bạn hữu cùng sanh ở cõi trời sắc giới Phạm thiên này bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng tôi có 72 vị đã từng tạo sắc giới thiện nghiệp, cho quả tái sanh lên cõi sắc giới Phạm thiên này.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng tôi tái sanh lên cõi sắc giới Phạm thiên này là kiếp chót, không còn sanh, già nữa, chúng tôi đã chứng đắc đến tột đỉnh, đến cứu cánh cuối cùng của phạm hạnh. Trên thế gian, có nhiều chúng sinh khác, họ ngưỡng mộ chúng tôi, mong ước ở địa vị chúng tôi, họ tán dương rằng: “Chư Phạm thiên ở cõi trời sắc giới này là Ðại Phạm thiên, không một ai có thể khống chế được, chư Ðại Phạm thiên là những bậc có đại quyền lực, là Ðấng Tạo Hoá vạn vật, là Tối Thượng Tôn, là Tổ Phụ của muôn loài đã sanh và đang sanh”.
Phạm thiên Baka có tà kiến mê lầm, lại còn được một số chúng sinh khác tán dương, do đó, y càng thêm ngã mạn và tự phụ vì si mê, không còn biết mình là ai nữa.
ĐỨC PHẬT NHẮC LẠI TIỀN KIẾP CỦA PHẠM THIÊN BAKA
Với tâm đại bi, Ðức Phật chỉ cho Phạm thiên Baka nhớ rõ lại tiền kiếp của mình rằng:
– Này Phạm thiên Baka, sở dĩ con phát sanh tà kiến mê lầm như vậy, là vì con không còn nhớ đến tiền kiếp của mình.
Khi Ðức Phật nói như vậy, Phạm thiên Baka muốn biết những tiền kiếp của mình nên kính thỉnh Ðức Phật:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài nhắc lại những tiền kiếp của con.
– Này Phạm thiên Baka, những tiền kiếp của con đã sanh làm người vào thời đại không có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, con từ bỏ nhà xuất gia làm đạo sĩ, tiến hành thiền định đã chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc, sau khi chết, được hoá sanh lên cõi trời sắc giới Vehapphala (Quảng quả thiên) có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất [*]. Trong thời gian ở cõi trời sắc giới này, tiền kiếp con đã tiến hành thiền định, đã chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc,khi hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới Vehapphala, sau khi chết, được hoá sanh xuống cõi trời sắc giới Subhakinha (Biến tịnh thiên) có tuổi thọ 64 đại kiếp trái đất. Trong thời gian ở cõi trời sắc giới này, tiền kiếp con đã tiến hành thiền định, đã chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc, khi hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới Subhakinha, sau khi chết, được hoá sanh xuống cõi trời sắc giới Abhassarà (Quang âm thiên) có tuổi thọ 8 đại kiếp trái đất. Kiếp hiện tại này con là Phạm thiên Baka đang ở cõi trời sắc giới Abhassarà này, đã trải qua thời gian quá lâu, nên con phát sanh thường kiến mê lầm, bởi do vô minh, làm quên mất hẳn những tiền kiếp của mình.
[*] Đại kiếp trái đất trải qua 4 thời kỳ: thành-trụ-hoại-không, mỗi thời kỳ khoảng 1 a-tăng kỳ. Như vậy 1 đại kiếp gồm 4 a-tăng kỳ.
Ðức Thế Tôn nhắc nhở Phạm thiên Baka:
– Này Baka, con quan niệm tuổi thọ nào nhiều, tuổi thọ nào ít? Con chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu! Như Lai biết rõ tuổi thọ của con chỉ còn trăm ngàn nirabbuda mà thôi (1 nirabbhuda là số 1 theo sau là 63 số không = 10 lũy thừa 63 năm).
Lắng nghe Ðức Phật tường thuật lại những tiền kiếp của mình, Phạm thiên Baka vô cùng kính phục và tri ân Ðức Thế Tôn, đối với mình cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, như vừa tỉnh lại, sau khi trải qua một cơn mê triền miên.
Bây giờ, Phạm thiên Baka có đức tin hoàn toàn nơi Ðức Thế Tôn, muốn biết thêm pháp hành của mình ở tiền kiếp, nên thỉnh cầu Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, “Ngài thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự tử của tất cả chúng sinh không cùng tận, những căn duyên phiền não ngấm ngầm của mỗi chúng sinh…”.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ngài chỉ dạy rõ những pháp hành thiện của con ở tiền kiếp như thế nào? Bạch Ngài.
Ðức Thế Tôn nhắc lại cho Phạm thiên Baka biết rõ những pháp hành thiện của y ở tiền kiếp như sau:
– Này Phạm thiên Baka, tiền kiếp của con đã sanh làm người trong gia đình giàu có, thọ hưởng đầy đủ ngũ trần, nhưng con đã sớm thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, muốn xa lánh ngũ trần, nên từ bỏ nhà xuất gia làm đạo sĩ trong rừng núi, tiến hành thiền định, đã chứng đắc đệ tứ thi?n hữu sắc và chứng đắc thần thông. Sau đó, con làm một cốc lá ở bên bờ sông Gangà, sống và thọ hưởng sự an lạc trong thiền định.
Lúc ấy, có một đoàn thương buôn với 500 cỗ xe bò đang vượt qua một bãi sa mạc vào ban đêm, vì ban ngày trời nắng nóng như thiêu như đốt không thể đi được, họ phải nghĩ. Ðoàn xe bò cứ đi mãi trong đêm tối, tất cả chỉ trông cậy vào con bò đầu đàn. Người trưởng đoàn nghĩ rằng chỉ còn một đêm nay, đoàn xe bò sẽ vượt qua khỏi bãi sa mạc đầy nguy hiểm, họ sắp đến làng mạc dân cư đông đúc, cho nên ông ra lệnh bỏ hết củi, nước cho xe nhẹ.
Trời hừng sáng, người trưởng đoàn chợt phát hiện ra đoàn xe đang quay lùi trở lại lối cũ, không phải tiến về phía trước. Như vậy, họ vẫn còn ở giữa xa mạc mênh mông. Mọi người đều kinh hoàng thất sắc. Gần trưa, trời nắng nóng như thiêu như đốt, cả đoàn thương buôn người và vật, vừa khát nước, vừa đói, ai cũng mệt lả, nằm núp dưới lườn xe để chờ đợi thần chết đến dần dần, chẳng có phương nào cứu nguy được nữa.
Sáng sớm hôm ấy, đạo sĩ ra khỏi cốc lá, ngồi nhìn giòng sông Gangà nước cuồn cuộn chảy dài, một ý nghĩ chợt phát sanh trong tâm đạo sĩ: “có chúng sinh nào đang đau khổ vì khát hay không?”. Ðạo sĩ dùng thiên nhãn thông thấy rõ đoàn thương buôn với 500 cỗ xe bò đang nằm chờ chết khát, chết đói ở bãi sa mạc. Khởi tâm bi mẫn, đạo sĩ nghĩ là phải cứu họ thoát chết. Ðạo sĩ nhập định, luyện thần thông rồi phát nguyện rằng: “Xin cho đường nước chảy qua bãi sa mạc đến chỗ đoàn người thương buôn cùng 500 con bò để có nước uống, nước dùng khỏi chết khát”.
Ðạo sĩ vừa phát nguyện xong, những người lái buôn nghe tiếng nước và nhìn thấy dòng nước trong trẻo đang cuồn cuộn chảy đến. Quả là một phép lạ nhiệm mầu, họ chấp tay tạ ơn trời đất, vô cùng mừng rỡ reo cười, uống no, tắm mát cả người lẫn thú. Ðoàn thương buôn thế là thoát chết, cùng 500 cổ xe vượt sa mạc an toàn, chở hàng đến kinh thành như ý.
Ðức Thế Tôn nhắc lại việc hành thiện của tiền kiếp Phạm thiên Baka xong, tóm tắt bằng bài kệ:
“Này Phạm thiên Baka,
Tiền kiếp con, đạo sĩ,
Dùng năng lực thần thông,
Dẫn dòng nước mát mẽ,
Cứu sống đoàn thương buôn,
Cùng đoàn bò đang khát,
Giữa sa mạc mênh mông,
Trong mùa hạ nóng bỏng,
Ðó là pháp hành thiện,
Của con trong tiền kiếp.
Trường hợp khác, vị đạo sĩ ấy đang ở cốc lá bên bờ sông Gangà, gần xóm làng. Một hôm có một bọn cướp kéo vào xóm làng, chúng cướp đoạt tất cả tài sản, lùa bắt đi những đoàn gia súc trâu, bò, dê, lợn… còn bắt người làm nô lệ để khuân vác, tập trung nghỉ ở bên bờ sông Gangà. Dân làng bị hành hạ, kêu la than khóc. Với thiên nhĩ thông, đạo sĩ nghe rõ được tiếng than khóc kêu la ấy, đạo sĩ quán xét biết rõ,những dân làng và đàn súc vật bị bọn cướp chiếm đoạt và bị hành hạ, nên phát sanh tâm bi mẫn cứu dân làng thoát nạn.
Ðạo sĩ nhập định rồi luyện thần thông hoá ra một đội quân tinh nhuệ rầm rộ kéo đến. Bọn cướp vừa thoáng thấy tưởng rằng quân triều đình, chúng kinh hoàng khiếp đảm bỏ chạy thoát thân, không kịp mang theo cả binh khí. Ðạo sĩ thu hồi lại thần thông, dân làng vô cùng ngạc nhiên, khi vừa chứng kiến một phép lạ chưa từng có bao giờ. Mọi sự việc đều trở lại bình thường, họ vô cùng vui mừng khôn xiết, tất cả của cải súc vật… của người nào hoàn trả lại cho người ấy, họ được an toàn, an vui và hạnh phúc.
Ðức Phật nhắc lại việc hành thiện của tiền kiếp Phạm thiên Baka xong, tóm tắt bằng bài kệ:
“Này Phạm thiên Baka,
Tiền kiếp con, đạo sĩ,
Dùng năng lực thần thông,
Ðã giải phóng dân làng,
Thoát khỏi tay bọn cướp,
Hung ác và dã man,
Ðó là pháp hành thiện,
Của con trong tiền kiếp”.
Một trường hợp khác, hai gia đình sống bằng thuyền trên dòng sông Gangà, một chiếc ở mé sông phía bắc và một chiếc ở mé sông phía nam, cả hai gia đình kết bạn thân thiết với nhau. Một hôm, hai gia đình kết hai chiếc thuyền lại với nhau để mở tiệc ăn mừng thả thuyền trôi trên dòng sông Gangà, mọi người ăn mặc điểm trang đẹp đẽ, đờn ca múa hát, ăn uống linh đình thâu đêm.
Long vương Gangeyyaka nổi giận nghĩ rằng: “nhóm người này không vì nể ta, ta sẽ nhận chìm chúng xuống dòng sông Gangà này”. Nghĩ xong, Long vương hung ác bèn hóa thân hình to lớn tạo nên những cơn sóng thần làm cho hai chiếc thuyền mỏng manh tròng trành trên sóng dữ, đồng thời lại còn phồng mang phì hơi để nhận chìm hai chiếc thuyền. Mọi người trên thuyền hốt hoảng kêu la cầu cứu.
Ðạo sĩ ở cốc lá nghe tiếng kêu cứu nghĩ rằng: “nhóm người trên thuyền vừa mới đờn ca múa hát vui chơi, nay lại kêu la cầu cứu, do nguyên nhân nào vậy?”. Ðạo sĩ nhìn thấy Long vương Gangeyyaka có ác tâm muốn hại những người này. Với tâm bi mẫn, cứu người trong hoạn nạn, đạo sĩ nhập định rồi luyện thần thông biến hoá thành Ðiểu vương Garuda to lớn, hiện ra tại chỗ hai chiếc thuyền bị nạn. Long vương Gangeyyaka vừa nhìn thấy Ðiểu vương liền kinh hoàng bạt vía lặn trốn xuống nước sâu.
Thế là mọi người trên hai chiếc thuyền đột nhiên thấy sóng lặng, dòng sông trở lại bình thường, tất cả mọi người được an toàn tính mạng, họ vui mừng khôn xiết.
Ðức Phật nhắc lại việc hành thiện trên của Phạm thiên Baka xong, tóm tắt bằng bài kệ:
Này Phạm thiên Baka,
Tiền kiếp con, đạo sĩ,
Dùng oai lực thần thông,
Biến hoá thành Ðiểu vương,
Khống chế được Long vương,
Cứu mọi người trên thuyền,
Trên dòng sông Gangà,
Thoát khỏi bị đắm thuyền.
Ðó là pháp hành thiện,
Của con trong tiền kiếp.
Một trường hợp khác, tiền kiếp của con xuất gia làm đạo sĩ tên là Kesava, tu hành rất chơn chánh và tiền kiếp của Như Lai thuở ấy, là học trò của đạo sĩ, tên là Kappa. Cậu học trò không những hộ độ thầy rất chu đáo và tín cẩn, mà còn rất thông minh, có trí tuệ sắc bén, có tài năng xuất chúng, đặc biệt có tài đức vẹn toàn, cho nên được thầy yêu mến, thật sự, vị thầy nương nhờ ở người học trò, thầy và trò luôn luôn sống bên nhau an lạc.
Ðức Phật nhắc lại tiền kiếp của Phạm thiên Baka xong, tóm tắt bằng bài kệ:
“Này Phạm thiên Ba-ka,
Tiền kiếp của Như Lai,
Từng là đệ tử ngươi,
Tên gọi là Kap-pa,
Ðược ngươi yêu thương nhất,
Tín cẩn và nương nhờ.
Như Lai hiểu rõ ngươi,
Vốn là người chánh kiến,
Có nhiều pháp hành thiện,
Tiền kiếp ngươi như vậy”.
Khi Ðức Thế Tôn nhắc lại những tiền kiếp và pháp hành thiện của Phạm thiên Baka một cách rõ ràng minh bạch. Phạm thiên Baka vô cùng hoan hỷ, tán dương ca tụng Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài không những biết rõ tuổi thọ còn lại của con, mà còn biết rõ những tiền kiếp và mọi pháp hành thiện của con một cách rõ ràng minh bạch. Bởi vì Ngài là Bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Toàn Tri Diệu Giác, là Ðức Phật….
Ðức Thế Tôn ngự đến cõi sắc giới Phạm thiên này để tế độ con và chư Phạm thiên và làm cho cõi phạm thiên này thêm xán lạn.
-ooOoo-
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 57