“Pupphāni h’eva pacinantaṃ,
Byāsattamanasaṃ naraṃ;
Atittaṃ yeva kāmesu,
Antako kurute vasaṃ”.“Kẻ đang mãi hái hoa,
Tâm còn vọng tưởng xa.
Tìm hưởng thú dục lạc,
Tử thần nhốt chẳng tha”.
Kệ Pháp Cú nầy Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự gần thành Sāvatthī đề cập đến nàng Patipūjikā (Sự Phụ). Chuyện nầy khởi đầu từ trên cung trời Đao Lợi.
Tương truyền rằng: Thưở ấy trên Tam thập tam thiên có vị Thiên tử (Devaputta) có hiệu là Mālābhārī (Hoa Quang), dắt theo hàng ngàn ngọc nữ ngự du trong vườn thượng uyển. Năm trăm thiên nữ trèo lên cây hái hoa ném xuống, năm trăm ở dưới nhặt hoa đi trang điểm cho Thiên tử. Trong số Thiên nữ leo cây, có một nàng đang ngồi trên nhánh cây vừa hết tuổi thọ, ngọc thể của nàng biến mất cũng như ngọn đèn vụt tắt. Tâm thức nàng thọ sanh vào một gia đình khá giả trong thành Sāvatthī.
Khi ra đời, nàng nhớ được tiền kiếp của mình, biết: “Mình trước là ái thiếp của Thiên tử Mālābhārī trên cung trời Đao Lợi”. Nên vừa lớn khôn nàng đã bắt đầu dâng cúng hương hoa, lễ vật nguyện cầu được siêu sanh trở về đoàn tụ với lang quân.
Lúc mười sáu tuổi, nàng xuất giá, từ đó nàng siêng năng làm phước cúng dường thực phẩm đến Tăng bằng những cách thông thường như để bát chư Tỳ khưu mà nàng rút thẻ bắt thăm được, Trai Tăng mỗi ngày Uposatha (ngày rằm và ngày ba mươi), hoặc hộ Tăng trong ba tháng hạ… và phát nguyện rằng: “Xin cho sự phước thí nầy hãy là món duyên lành, giúp cho con được tái sanh hội hiệp với chồng con”.
Chư Tỳ khưu nghe nàng ước nguyện như thế, sáng chiều hướng tâm đến chồng, nên đã đặt cho nàng biệt hiệu là nàng Patipūjikā (Sự Phụ). Nàng luôn chăm nom ngôi tọa đường (Āsana sālā) cho người, lo việc dâng nước và sắp đặt chỗ ngồi, những thiếu nữ khác khi muốn cúng dường, Trai Tăng cũng thường nhờ cậy nàng cho mượn chỗ và phụ tiếp công nữa, hoặc đưa vật thực đến mượn nàng thay mặt để lo hộ độ chư Tăng nơi ngôi tọa đường, cứ mỗi bước đến ngôi tọa đường, hoặc đi về nhà, là nàng Patipūjikā có được năm mươi sáu thiện pháp đều đều như vậy.
Nàng thọ thai, được mười tháng thì sanh được đứa con trai, khi đứa con đầu long biết đi, nàng sanh thêm được một đứa kế, và cứ thế, nàng hạ sanh được bốn đứa con trai. Thế rồi, một hôm sau khi bố thí, cúng dường, thính pháp, thọ giới, đến cuối ngày không đau bịnh chi hết, làng tự nhiên lìa bỏ cõi đời, siêu sanh về tái hội với chồng.
Khi ấy, các Thiên nữ khác vẫn còn đang trang điểm cho thiên tử Mālābhārī. Thiên tử thấy nàng thì hỏi:
– Từ sáng đế giờ không ai thấy nàng, vậy nàng đi đâu?
– Thưa chàng, thiếp đã mệnh chung.
– Nàng nói thật chứ?
– Vâng, quả đúng như thế, thưa chàng.
– Nàng sanh về đâu?
– Trong một gia đình khá giả nơi thành Sāvatthī.
– Nàng ở đó bao lâu?
– Ở trong bụng mẹ mười tháng thì ra đời, đến năm mười sáu tuổi thì xuất giá, sanh được bốn con trai rồi làm phước cúng dường và ước nguyện được trở về với chàng. Nên giờ đây mới được thọ sanh về đây đó chàng.
– Tuổi thọ nhân loại là bao nhiêu?
– Lối một trăm năm.
– Chỉ có bấy nhiêu ư?
– Vâng, thưa chàng.
– Sanh làm con người chỉ có bao nhiêu tuổi thọ thế, họ lại ăn ngủ buông lung, để mặc thời gian trôi qua hay là họ cúng dường làm phước vậy?
– Thưa chàng, chàng nói chi chuyện làm phước, người đời họ luôn luôn dể duôi, buông tuồng, y như là họ sống đến hết A tăng kỳ kiếp, không già không chết vậy.
Nghe đến đây, một mối kinh cảm phát sanh lên trong lòng Thiên tử Mālābhārī. Nghe nói: “Sanh làm người chỉ sống có một trăm tuổi thọ, thế mà họ vẫn sống buông lung ăn ngủ mãi, thì họ biết bao giờ mới thoát khổ”.
Ở Thiên giới chúng ta, một trăm năm cõi nhân loại chỉ bằng một ngày đêm cõi Đao Lợi nầy. Cứ ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, tuổi thọ nơi Đao Lợi thiên cung là một ngàn tuổi, tính theo tuổi nhân loại là ba mươi sáu triệu năm.
Bởi thế, nàng Thiên nữ khi thác xuống cõi người rồi trở về thiên giới chưa đến một ngày. Coi như mới đi trong chốc lát vậy. Con người có tuổi thọ ít ỏi như thế mà cứ buông lung giải đãi thì thật là không phải cách.
Ngày hôm sau, chư Tỳ khưu vào ngồi trong tọa đường thấy không có người trông nom, chỗ ngồi không ai sắp đặt, nước không ai dâng cúng bèn hỏi: “Nàng Sự Phụ đâu rồi?”.
– Bạch các Ngài! Nàng ấy còn đâu nữa, chỉ vừa mới ngày hôm qua, khi các Ngài thọ thực xong ra đi, thì chiều hôm ấy nàng đã quy thiên. Nghe tin buồn, các Tỳ khưu tưởng nhớ đến công đức của nàng tín nữ quá cố mà
không cầm được giọt lệ, các Thinh Văn Lậu Tận cũng phát sanh kính cảm. Sau bữa cơm, chư Tăng về chùa đảnh lễ Đức Bổn Sư và bạch hỏi rằng:
– Bạch Ngài, nàng cận sự Patipūjikā sáng chiều hằng lo làm phước cúng dường lễ vật, phát nguyện xin được gần chồng, bây giờ nàng đã thác, không biết được thọ sanh về đâu?
– Nầy các Tỳ khưu! Nàng thọ sanh về gần gũi với chồng nàng.
– Bạch Ngài! Nàng chết rồi, đâu còn gần gũi với chồng nàng.
– Nầy chư Tỳ khưu! Nàng không phát nguyện gần gũi với chồng ấy đâu. Chồng nàng là Thiên tử Mālābhārī trên cõi Đao Lợi, khi nàng đang trèo lên cây hái hoa để trang điểm cho chồng thì hết tuổi thọ, hạ sanh về nhân loại, bây giờ thì đã trở về với chồng cũ rồi.
– Bạch Ngài, có thật như thế ư?
– Nầy các Tỳ khưu! Có thật như thế.
– Ôi! Kiếp sống của chúng sanh thật là nhỏ nhen ngắn ngủi bạch Ngài, mới hồi sáng nàng còn hộ độ chúng con, kế buổi chiều nàng phát bệnh chết liền.
Đức Bổn Sư đáp: “Phải đó, các Tỳ khưu, đời sống chúng sanh ngắn ngủi là
thường lệ, những chúng sanh nầy còn đang mải miết hái hoa ngũ trần dục lạc, thì bị tử thần bắt giữ, dầu cho có than van khóc lóc, tử thần cũng bắt đi luôn”.
Rồi Đức Bổn Sư thuyết kệ rằng:
“Pupphāni h’eva pacinantaṃ,
Byāsattamanasaṃ naraṃ;
Atittaṃ yeva kāmesu,
Antako kurute vasaṃ”.
“Kẻ mải hái hoa vô tình,
Tâm còn vọng tưởng chẳng gìn giữ thân.
Trong giờ thọ hưởng ngũ trần,
Lòng còn nô lệ, tử thần chẳng xa”.
CHÚ GIẢI:
Pupphāni h’eva pacinantaṃ: Như người thợ làm tràng hoa vào vườn hoa mải mê hái hoa. Người ham mê ngũ trần mải mê góp nhặt những vật dính liền vào xác thân. Xác thân và các đồ vật dụng khác, gọi là hoa dục lạc.
Byāsattamanasaṃ naraṃ: Tâm lưu luyến đủ mọi cách, chỗ nào chưa đến thì khát khao mong mỏi, chỗ nào đã đến rồi thì nịch ái đắm say.
Atittaṃ yeva kāmesu: không bao giờ thỏa mãn trong sự tìm kiếm, thọ hưởng tích trữ mọi thứ ngũ trần dục lạc. Antako kurute vasaṃ: Bị lọt vào tay của Tử thần là sự chết, dầu cho thở than khóc lóc gì cũng vô ích, thế nào cũng bị nó bắt đem đi.
Bài kệ chấm dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhứt là Thánh quả Tu Đà Hườn, đại chúng thính pháp đều được hưởng nhiều lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Một phút thiên đình lỡ sẩy chân,
Sự Phụ sa đọa xuống hồng trần.
Hái hoa cò nhớ khi đoàn tụ,
Làm phước chưa quên buổi hợp quần.
Sống chỉ nguyện siêu về cảnh cũ,
Thác không lo đoạn mất tình thân.
Giữa thời xuân sắc xinh như mộng,
Giã biệt chồng con dứt nợ trần.
DỨT TÍCH NÀNG SỰ PHỤ
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 59