Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Đao Trượng: Tích Đại Thần San Tá Tí

“Alaṅkato cepi samañ careyya(1),
Santo danto niyato brahmacārī;
Sabbesu bhūtesu nidhāya daṇḍaṃ,

“Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh, nhiếp phục,
Sống kiên trì, Phạm hạnh,

So brāhmaṇo so samaṇo sa bhikkhu”. Không hại mọi sinh linh, Vị ấy là Phạm chí, Hay Sa môn, Khất sĩ”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên tự) đề cập đến quan đại thần Santati (San Tá Tí). Một thời nọ, quan đại thần nầy trở về kinh đô, sau khi vâng lịnh vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala (Kiều Tát La) đi tiêu trừ phiến loạn và bình định biên cương. Đức vua rất hài lòng, ban cho ông làm Quốc vương trong bảy ngày và thưởng cho ông một cô vũ nữ danh ca tuyệt sắc. Trong bảy ngày, ông ăn uống say sưa. Đến ngày chót, ông đeo tất cả đồ trang sức lên mình, cỡi lên lưng con tượng Báu của Vua đi ra bến tắm, bỗng gặp Đức Bổn Sư vào trong cổng thành khất thực, ông ngồi trên lưng thớt tượng gật đầu vái Ngài, Đức Bổn Sư mỉm cười, Trưởng lão Ānanda hỏi:

– Bạch Ngài, do nhân gì, duyên gì mà Ngài mỉm cười?

Đức Bổn Sư giải thích lý do nụ cười nầy rằng:

– Nầy Ānanda! Hãy để ý xem: Hôm nay, quan đại thần Santati mình đeo tất cả vật trang điểm sẽ đến gặp Ta, rồi nhờ kệ ngôn tứ cú mà đắc quả A La Hán, sẽ ngồi trên không trung cao độ khoảng bảy cây thốt nốt mà Vô Dư Níp Bàn.

Đại chúng đều nghe rõ lời tiên tri của Đức Bổn Sư đã nói với Trưởng lão Ānanda. Lúc bấy giờ, những người Tà kiến nghĩ rằng: “Bà con hãy coi hành động của Sa môn Gotama (Cồ Đàm)! Ông ta tự mình dám mở miệng nói rằng: Hôm nay, một ông say rượu như vậy, trang điểm xuê xang bậc ấy mà đến gần nghe ông ta thuyết pháp rồi sẽ Níp bàn. Hôm nay, chúng ta sẽ khiển trách ông ta về tội nói dối”.

Nhóm người Chánh kiến thì bảo nhau: “Ôi to lớn thay là oai thần của Chư Phật! Hôm nay chúng ta sẽ được trông thấy tướng hấp dẫn của Đức Phật và tướng hấp dẫn của quan đại thần Santati”.

Quan đại thần Santati cả ngày đùa giỡn nước tại bến tắm, rồi đi đến vườn Ngự Uyển, ngồi trong ngôi nhà đãi khách. Cô vũ nữ bước vào giữa sân khấu để biểu diễn tài nghệ ca vũ của mình. Vì đã nhịn ăn suốt bảy ngày để bảo vệ thân hình duyên dáng của mình để trình diễn, nên ngày ấy khi đang ca vũ cho quan đại thần xem, trong bụng cô, gió độc bén như những dao nhỏ khởi lên, cắt xén thịt của quả tim cô. Bỗng nhiên, cô vũ nữ ngã xuống chết ngay, miệng há hốc, mắt mở trao tráo.

Quan đại thần bảo thủ hạ:

– Hãy xem coi nàng ra sao?

Thủ hạ bèn đáp:

– Thưa chủ, nàng đã tắt thở!

Nghe nói vậy, quan đại thần Santati cảm thấy khổ sầu không thể tả. Mặc dầu đã uống rượu suốt cả bảy ngày, giờ phút ấy rượu tiêu mất hết, hầu như trong đầu ông không còn lấy một giọt.

Ông than rằng: “Mối sầu nầy, không ai khác có thể làm cho ta nguôi ngoai được ngoại trừ Đức Như Lai”.

Xế chiều hôm ấy, cùng đoàn quân hộ giá, quan đại thần Santati đến bái yết Đức Bổn Sư và bạch rằng:

– Bạch Ngài, lòng con mang nặng mối sầu dường ấy, chỉ có Ngài có thể giải khổ được cho con mà thôi, nên con đến đây, xin Ngài từ bi làm chỗ nương nhờ cho con!

Đức Bổn Sư khuyên giải quan đại thần rằng:

– Hôm nay ông đến đây vì nghĩ rằng: Đức Bổn Sư có thể dập tắt lửa sầu của ta được. Quả thật, vì phụ nữ nầy, cũng vì cái chết của cô ta mà ông đã đổ bao dòng suối lệ, nếu dồn chúng lại thì còn nhiều hơn nước trong bốn đại trùng dương.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Yaṃ pubbe taṃ visosehi,
Pacchā te māhu kiñcanaṃ;
Majjhe ce no gahessasi,
Upasanto carisasīti”.

“Dĩ vãng từ trước quên đi,
Hậu lai chưa đến, can chi mà hòng?
Hiện tại cứ để Tâm không,
Vô cầu, Vô chấp, bền lòng an vui”.

Cuối bài kệ, quan đại thần Santati đắc quả A La Hán, tự quán xét thấy tuổi thọ của mình đã hết bèn xin với Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài, xin phép Ngài cho con được Níp Bàn.

Mặc dù biết quan đại thần Santati đã tạo thiện nghiệp gì, nhưng Đức Bổn Sư tự suy xét: “Những người Tà kiến đã tụ tập nơi đây để bắt quả tang Ta nói dối, sẽ không gặp được dịp may. Những người Chánh kiến cũng tụ tập nơi đây để được mục kích tướng hảo quang minh của quan đại thần Santati. Sau khi nghe tiền nghiệp của ông ta sẽ hoan hỷ trong các việc làm phước”.

Đức Bổn Sư bảo:

– Vậy thì, ông hãy bày tỏ tiền nghiệp của ông cho Ta nghe trước đã! Ông đừng đứng dưới đất mà kể chuyện, hãy đứng trên hư không cao độ bảy cây thốt nốt mà kể chuyện cho Ta nghe!

Quan đại thần đáp:

– Lành thay, bạch Ngài!

Đảnh lễ Đức Bổn Sư xong rồi, ông bay lên cao độ một cây thốt nốt, lại đảnh lễ Ngài, rồi lần lượt bay lên cao độ bảy cây thốt nốt, ngồi kiết già giữa hư không, nói rằng:

– Bạch Ngài, xin Ngài hãy nghe câu chuyện tiền nghiệp của con!

“Cách đây chín mươi mốt kiếp trái đất, vào thời Đức Phật Vipassī (Tỳ Bà Thi), con được sanh trong một gia đình lễ giáo cư nghụ trong thành Bandhumatī (Ban Thú Má Ti). Con có ý nghĩ: “Làm thế nào để đừng tạo nghiệp gì chia rẽ hoặc là áp bức kẻ khác?”.

Suy nghĩ tiếp nữa, con thấy, “Chỉ có đi cổ động (Ghosanakammaṃ) kêu gọi người ta làm phước là hơn hết!”. Kể từ đó về sau, con chuyển môn làm có một việc ấy là đi đốc xúi đại chúng: “Hãy làm phước, hãy thọ trì Bát giới vào những ngày Bát quan trai, hãy bố thí Trai Tăng, hãy nghe thuyết pháp. Không có chi sánh bằng Tam Bảo, nhất là Phật bảo, hãy tôn kính Tam bảo!”.

Lúc con đang đi lớn tiếng kêu gọi đại chúng như thế, Phụ vương của Đức Phật, là Đức vua trong thành Bandhumatī nghe tiếng truyền rao của con, bèn cho gọi con vào cung phán hỏi:

– Nầy khanh, khanh đi rao truyền tin chi vậy?

– Tâu bệ hạ! Hạ thần đi truyền bá ân đức Tam Bảo, đốc thúc đại chúng tạo phước nghiệp.

Nghe vậy, Đức vua phán hỏi: “Khanh đi bằng phương tiện gì?”.

– Tâu Bệ hạ! Hạ thần đi bộ.

– Nầy khanh, khanh đi bộ như vậy coi không được. Khanh hãy trang điểm với vòng hoa nầy và cưỡi trên lưng ngựa mà đi!

Đức vua đã ban cho con một vòng hoa quý như xâu chuỗi ngọc và một con ngựa thuần hóa. Khi con gìn giữ những lộc vua ban mà đi cổ động như thế, rồi Đức vua lại cho gọi con vào cung phán hỏi: “Khanh có đi cổ động chăng?”. Và khi biết việc con làm, Đức vua phán rằng:

– Nầy khanh, khanh cưỡi ngựa đi cũng chưa xứng đáng, hãy ngồi lên xe nầy mà đi!

Rồi Đức vua ban cho con một cỗ xe kéo bằng bốn con tuấn mã. Lần thứ ba, Đức vua lại nghe tiếng con cổ động, cho gọi con vào và phán hỏi: “Khanh đi làm công tác chi vậy?”.

Con đáp xong, Đức vua phán rằng:

– Nầy khanh, cỗ xe tứ mã cũng chưa xứng đáng với khanh.

Đức vua ân tứ cho con một huy chương lớn với nhiều tài sản và ban thêm cho một thớt tượng. Từ đó, con mang đầy mình những đồ trang sức và ngồi trên lưng tượng mà đi cổ động cho Chánh Pháp suốt tám muôn năm. Trong thời gian đó, từ thân con xông ra mùi thơm của hoa sen. Đây là nghiệp của con đã tạo vậy”.

Sau khi kể hết tiền nghiệp của mình, quan đại thần vẫn ngồi yên trên hư không, nhập vào đề mục lửa mà viên tịch. Trong thân Ngài, một ngọn lửa bốc lên thiêu hết máu thịt chỉ còn lại những viên Ngọc Xá Lợi trắng muốt như những hoa lài. Đức Bổn Sư trải vải sạch ra hứng, những Ngọc Xá Lợi rơi xuống đó. Những Xá Lợi nầy, tôn trí vào những thánh tháp xây dựng ở những ngã tư đường, đại chúng đến lễ bái ắt sẽ được hưởng phước báo.

Các Tỳ khưu trong giảng đường, đề khởi câu chuyện nầy:

– Nầy các đạo hữu, đại thần Santati chỉ nghe có một bài kệ tứ cú mà đắc quả A La Hán, mình vẫn còn trang điểm xuê xang, ngồi giữa hư không mà tịch diệt. Thử hỏi, chúng ta nên gọi ông là một Sa môn, như một vị Tỳ khưu, hoặc là chỉ gọi ông là một Bà la môn thôi?

Đức Bổn Sư ngự đến hỏi:

– Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các người ngồi chúng bàn chuyện chi đây?

– Bạch Ngài, chuyện nầy…

Nghe vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, con trai của Ta đáng gọi là Sa môn mà cũng đáng gọi là Bà la môn nữa!

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và ngâm bài kệ sau đây:

“Alaṅkato cepi samañ careyya,
Santo danto niyato brahmacārī;
Sabbesu bhūtesu nidhāya daṇḍaṃ,
So brāhmaṇo so samaṇo sa bhikkhu”.

Người nào nghiêm giữ thân tâm, chế ngự khắc phục ráo riết, thường tu Phạm hạnh, không dùng dao gậy gia hại sinh linh, thì chính người ấy là Bà la môn, là Sa môn, là Tỳ khưu vậy.

CHÚ GIẢI:
Alaṅkato: Người mặc y phục tốt đẹp và đeo đồ trang sức lộng lẫy. Theo lý nầy thì một người phục sức, trang điểm lộng lẫy, nhưng nếu có nếp sống bình thản, an tịnh dục vọng, nhiếp phục Lục căn, Đạo quả kiên cố, Phạm hạnh tròn đủ (Saṭṭhacariyāya), đã buông bỏ đao trượng (dao, gậy), không còn làm hại một chúng sanh nào khác nữa, người như thế gọi là Bà La môn cũng phải vì đã xa lìa ác pháp, gọi là Sa môn cũng phải vì đã bình định các ác pháp, mà gọi là Tỳ khưu cũng phải vì đã đoạn tuyệt với các phiền não. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch giả Cẩn Đề
Ân sủng Vua ban đủ bảy ngày,
Ngũ trần toại hưởng mặc vui say,
Bỗng nhiên nhận thấy Vô thường, Khổ,
Giấc mộng kê vàng, thức tỉnh ngay!
Tình yêu vũ nữ quá đậm đà,
Nàng chết, lòng ông thật xót xa,
Phật dạy: Vì nàng, ông đổ lệ,
Nước trong bốn biển chẳng nhiều qua!
Chư Tăng thắc mắc hỏi nhau rằng:
La Hán đại thần mặc xuê xang,
Tịch diệt giữa trời, ta phải gọi:
Bà la môn, Khất sĩ hay chăng?
Phật dạy: Người ăn mặc rất sang,
Nhưng tâm an tịnh, chế ngự căn,
Kiên trì sống cuộc đời Phạm hạnh,
Đáng gọi Bà la môn, Thánh Tăng.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC THẦN SAN TÁ TÍ

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 40

Post Views: 471