Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Tự Ngã: Tích Bồ Đề Vương Tử

“Attānañce piyaṃ jaññā,
Rakkheyya naṃ surakkhitaṃ,
Tiṇṇam aññataraṃ yāmaṃ,
Paṭijaggeyya paṇḍito”.

“Nếu biết yêu tự ngã,
Phải khéo bảo vệ mình,
Người trí trong ba canh,
Phải luôn luôn tỉnh thức”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Thế Tôn thuyết, khi ngự tại Bhesakaḷāvana, đề cập đến đề cập đến Hoàng Tử Bodhi (Bồ Đề). Tương truyển rằng: Hoàng tử Bodhi cho xây toà Phi lâu có tên là Kokanada (Hồng Liên), lâu đài này không giống như các lâu đài khác, nó dường như nổi trên hư không.

Khi mới khởi công, Hoàng tử Bodhi hỏi ông thợ mộc kỳ tài rằng:

– Ngươi có từng xây dựng toàn Phi lâu nầy cho ai chưa hay đây là công trình đầu tiên của ngươi vậy?

– Tâu Bệ hạ! Đây là công trình đầu tiên của hạ thần!

Hoàng tử suy nghĩ: “Nếu người thợ mộc này xây dựng toà Phi lâu xong, ta sẽ hạ sát hắn ngay, nếu không y sẽ xây dựng toà Phi lâu khác cho nhiều người, thì lâu đài của ta sẽ chẳng có gì là độc đáo cả. Ta sẽ cho móc mắt y, hay sẽ cho chặt cả tay chân y. Như thế gã sẽ chẳng có dịp xây dựng Phi lâu cho bất cứ ai khác”.

Hoàng tử Bodhi tỏ thật ý mình cho Công tử con Đại thần Sañjīvaka (Xanh Chi Vá Ká) là bạn tâm đắc của mình. Công tử suy nghĩ: “Chắc chắn Hoàng tử sẽ hạ sát người thợ mộc kỳ tài này, người có tài nghệ như thế thật hiếm, ta không nên để cho y bị chết oan uổng như thế được. Ta sẽ báo cho y biết”.

Công Tử đến thăm người thợ mộc và hỏi:

– Công việc xây dựng toà Phi lâu của ông đã xong chưa?

– Thưa đã xong cả rồi!

– Nếu thế, ông hãy lo bảo vệ lấy mình đi! Hoàng tử Bodhi sẽ sát hại ông khi toà Phi lâu hoàn tất đấy!

Người thợ mộc vô cùng kinh hãi, nghĩ thầm: “May thật! Ta được tin này thật may mắn”. Ông tạ ơn vị Công tử rằng:

– Mang ơn Công tử đã có lòng tốt báo tin cho tôi được biết, tôi sẽ có cách làm điều lợi ích nên làm!

Khi Hoàng tử Bodhi đến hỏi người thợ mộc rằng:

– Này khanh, Phi lâu của Trẫm khanh xây dựng đã xong chưa?

– Thưa Bệ hạ, chưa xong, còn dở dang nhiều chuyện lắm!

– Còn công việc gì dở dang đâu?

– Tâu Bệ hạ, sau đây, hạ thần sẽ chỉ ra bây giờ. Xin Bệ hạ truyền lệnh cho đem thêm những gỗ súc.

– Gỗ súc gì?

– Tâu Bệ hạ, những gỗ tầm bộng (không có lõi) thật khô.

Hoàng tử Bodhi cho người mang gỗ đến theo yêu cầu của người thợ. Bấy giờ người thợ mộc nói với Hoàng tử Bodhi rằng:

– Tâu Bệ hạ! Từ hôm nay trở đi, Ngài không nên đến gần hạ thần. Bởi vì công việc này phức tạp, rắc rối lắm sợ e có người ở một bên quấy rầy thì khó xong. Vậy nên, hạ thần xin Bệ hạ cho phép vợ hạ thần đến giờ sẽ mang cơm đến mà thôi.

Ông Hoàng chấp nhận ngay:

– Lành thay!

Ông thợ mộc vào trong một gian phòng, ngồi xuống, đẽo những gỗ súc, đóng thành cỗ xe, hình nhân điểu (chim linh) có đủ chỗ ngồi cho cả mình và vợ con. Khi hoàn tất công trình, ông bảo vợ ông:

– Bà hãy bán hết đồ đạc trong nhà, rồi thâu vàng bạc để dành sẵn đi.

Bên ngoài khu biệt ốc, Hoàng tử Bodhi cho quân canh gác thật nghiêm ngặt, canh phòng người thợ mộc bỏ trốn. Tuy nhiên, khi hoàn tất con chim máy rồi, người thợ mộc bảo vợ rằng:

– Hôm nay, bà hãy về dắt hết mấy đứa trẻ lại đây!

Sau khi độ điểm tâm sáng, ông thợ mộc bảo vợ con vào ngồi trong bụng con chim linh rồi theo lỗ trống cửa sổ mà thoát ra ngoài, bay đi lánh nạn.
Mặc kệ những tiếng kêu khóc của đám lính gác: “Tâu Bệ hạ, ông thợ mộc chạy trốn”. Ông ta lái máy bay thẳng đến Tuyết Sơn, tìm nơi tốt đẹp hạ cánh. Người thợ mộc đã kiến thiết một thành phố tại đó và được mệnh danh là Vua Chở Gỗ (Kaṭṭhavāhana).

Về phần ông Hoàng, sau khi ông thợ mộc biệt tích, một mặt cho người thỉnh Đức Bổn Sư đến dự lẽ khánh thành toà Phi lâu do mình kiến tạo, một mặt cho rải bốn loại hương thơm như nghệ, hoa lài,v.v.. khắp toàn Phi lâu. Từ cổng ngõ bước vào, Đức vua cho trải vải trắng mới tinh.

Người ta nói: Đức vua không có con cho nên đã trải tấm vải lót đường với ý nghĩ: “Nếu số Trẫm có con trai hoặc con gái, chớ không đến nỗi tuyệt tự, thì xin cho Đức Bổn Sư sẽ bước đi trên vải trải này!”.

Khi Bậc Đạo Sư ngự đến, Hoàng tử Bodhi đảnh lễ Ngài bằng cách ngũ thể đầu địa, rước lấy cái bát Ngài và bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Kính thỉnh Ngài vào cung.

Đức Bổn Sư không tiến bước dầu Hoàng tử Bodhi có thỉnh cầu đôi ba lượt, Đức Thế Tôn vẫn đứng lặng yên, Ngài đưa mắt nhìn Trưởng lão Ānanda, hiểu ý Đức Thế Tôn, Trưởng lão Ānanda bảo Hoàng tử Bodhi rằng:

– Tâu Bệ hạ, xin Ngài hãy cho cuốn tấm vải trắng ấy đi. Đức Thế Tôn không muốn bước lên tấm vải trắng ấy, vì Đức Như Lai nhìn thấy được những gì sẽ phát sanh!

Đức vua y lời, cho người cuốn tấm vải lại, xong rồi lại thỉnh Đức Thế Tôn ngự vào cung, cúng dường cháo và bánh ngọt cho Ngài điểm tâm, đoạn ngồi xuống một nơi phải lẽ, đảnh lễ Ngài và bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Trẫm là người hộ độ Ngài, Trẫm là người Thiện nam đã có Quy y Ngài ba lần rồi. Nghe nói lần thứ nhất khi con còn trong thai bào của mẫu thân, lần thứ hai vào thời thanh thiếu niên và lần thứ ba khi Trẫm đến tuổi lớn khôn. Thế mà, tại sao Ngài chẳng niệm tình bước đi trên tấm vải trắng tinh của Trẫm lót đường nơi Phi lâu này?

– Tâu bệ hạ! Người đã suy nghĩ thế nào, khi người cho trải tấm vải trắng ấy?

– Bạch Thế Tôn! Con suy nghĩ rằng: “Nếu Trẫm được có con trai hoặc con gái thì Bậc Đạo Sư sẽ ngự đi trên tấm vải của Trẫm lót đường”.

– Tâu bệ hạ! Hãy hiểu rằng vì sao Như Lai không bước lên tấm vải trắng ấy đi?

– Bạch Thế Tôn! Sao thế? Trẫm sẽ không bao giờ có con trai, con gái gì chăng?

– Thật như vậy, tâu Bệ hạ!

– Bạch Thế Tôn! Tại nguyên nhân nào vậy?

– Vì ngươi cùng vợ ngươi đã dễ duôi trong quá khứ.

– Bạch Thế Tôn! Trong thời nào vậy?

Tiếp đến, Đức Thế Tôn thuyết lên Túc Sanh về tiền nghiệp của Hoàng tử Bodhi như sau:

Thuở quá khứ, có đoàn thương buôn hàng trăm người đi trên một thuyền buôn ra biển. Khi chiếc thương thuyền ra giữa biển thì một cơn bão lớn nổi lên, đánh đắm con thuyền, có hai vợ chồng người thương buôn nọ nhờ bám vào một tấm ván tàu, sóng đánh tạt họ vào một đảo hoang nhỏ giữa biển nên được sống sót, kỳ dư đều chết dưới lòng đại dương. Hoang đảo ấy có rất nhiều chim trú ngụ, khi hai vợ chồng đói thì họ dùng trứng chim để ăn, khi trứng chim hết thì họ lại bắt lấy những con chim non mà dùng, rồi đến các chim lớn. Cả hai vợ chồng đèu dùng trứng, chim non và chim lớn suốt cả ba thời kỳ:

Thiếu niên, trung niên và lão niên, cả ba thời kỳ ấy, hai vợ chồng thương buôn ấy đều dễ duôi như thế. Sự không dễ duôi dù chỉ là một thời kỳ thôi cũng
không có. Lại nữa, trong hai người, nếu chỉ một người không dễ duôi, sự kiện này lại không hề có.

Sau khi giải rõ tiền nghiệp của Đức vua, Bậc Đạo Sư kết luận rằng:

– Tâu Bệ hạ! Nếu như lúc bấy giờ, Bệ Hạ cùng với nương nương đã giữ mình không dễ duôi, dù chỉ trong một thời kỳ, thì ắt hoàng nam hay công nữ sẽ sanh ra trong một thời kỳ. Nếu như một trong hai người không buông lung thì tuỳ theo người đó mà con trai hay con gái sẽ sanh lên. Tâu bệ hạ! Những ai biết nghĩ thương mình thì trong ba thời kỳ phải lo giữ mình một cách chuyên cần. Bằng không được vậy thì cũng phải ráng lo giữ mình cho được một thời kỳ.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Attānañce piyaṃ jaññā,
Rakkheyya naṃ surakkhitaṃ,
Tiṇṇam aññataraṃ yāmaṃ,
Paṭijaggeyya paṇḍito”.

Nếu tự biết thương mình, phải gắng tự bảo hộ, trong ba thời có một, người có Trí nên tỉnh ngộ, chớ mê man!

CHÚ GIẢI

Yāmaṃ: Đức Bổn Sư là bậc Pháp Vương, Ngài thuyết pháp rất thiện xảo. Ở đây, Ngài dùng danh từ yāmaṃ là (ba) canh (trong một đêm) để ám chỉ luôn ba thời kỳ (thanh, trung, lão) của một đời người, hoặc trong ba thời đó. Bởi vậy, ở đây, ta nên giải thích rằng: Nếu ai biết tự thương và tự giữ mình, thì đó là người khéo giữ lấy mình. Người ấy khéo giữ mình thế nào, ta nên khéo giữ mình như thế ấy”. Ví như có người cư sĩ suy nghĩ rằng: “Ta sẽ giữ mình cho bình thản”, rồi vào trong căn phòng riêng được thu thúc kỹ lưỡng, trên tầng thượng của toà lâu đài, sau khi có đầy đủ sự giữ gìn, rồi ở trong đó; hoặc bậc đã xuất gia an cư trong động đá, được thu thúc kỹ lưỡng là các cửa lớn và cửa sổ đều đóng kín đi nữa, hai người làm như thế chưa hẳn là tự giữ mình đúng cách. Còn người cư sĩ có tâm bình thản tuỳ sức mình mà tạo phước đức như Bố thí, Trì giới v.v.., hoặc bậc Xuất gia mà ráng chú tâm học hỏi các phận sự lớn nhỏ của mình, cả hai người mới đáng gọi là đang bảo vệ mình.

Như vậy, trong ba thời kỳ, người thường không thể làm, còn bậc trượng phu, Hiền trí thì dầu sao cũng tự chăm sóc lấy mình được trong một thời kỳ nào đó. Thật vậy, nếu người cư sĩ trong thời thanh niên đã lỡ mải miết vui chơi không chuyên cần lo làm điều thiện, nếu như trong thời trung niên mắc bận nuôi vợ con mà không thể hành thiện thì đến thời kỳ lão niên cũng phải ráng lo thực hành. Được như vậy mới là người tự bảo vệ, săn sóc lấy mình. Nhược bằng ai không làm như vậy, tức là không có sự thương mình, ắt là tự mình khiến cho mình kiếp sau sa vào khổ cảnh chẳng sai. Còn bậc Xuất gia mà trong thời kỳ đầu tiên lỡ không lo tập dượt, ôn thuần, học thuộc làu pháp Hành, lại dễ duôi không làm các phận sự của mình thì đến thời kỳ giữa phải ráng chuyên cần hành Sa môn Pháp. Nếu trong thời kỳ giữa đã lỡ dễ duôi, không lo học hỏi Kinh Luật và Chú giải, thì đến thời kỳ chót cũng phải lo chuyên cần hành Sa môn Pháp. Như thế mới là người chăm lo gìn giữ tự kỷ. Bằng ai không làm như vậy, tức là người ấy không có lòng thương mình. Về sau, người ấy cũng bị lửa phiền não theo thiêu đốt họ. Cuối thời Pháp, ông Hoàng Bodhi đắc quả Tu Đà Hườn. Kỳ dư hội chúng đều hưởng lợi ích do nhờ thời pháp của Đức Bổn Sư.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bồ Đề Vương muốn có con trai,
Thỉnh Phật đi trên tấm vải dài,
Phật chẳng ưng đi, Vương mới hỏi,
Phật rằng: “Vương chớ khá van nài!
Kiếp trước, hai người trên đào hoang,
Trứng chim ăn hết, mạng châu toàn,
Suốt đời, chẳng tuổi nào tu niệm,
Nay tuyệt tự thì cũng chẳng oan…”.
Phật ngôn: Một đêm có ba canh,
Phải có canh nào lo Pháp hành,
Người Trí thương mình, nên Tỉnh giác.
DỨT TÍCH BỒ ĐỀ VƯƠNG TỬ

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 28

Post Views: 286