Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Đao Trượng: Tích Ngạ Quỷ Mình Trăn

Atha pāpāni kammāni,
Karaṃ bālo na bujjhati;
Sehi kammehi dummedho,
Aggidaḍḍhova tappati”.

“Người ngu làm điều ác,
Không ý thức việc làm,
Do tự nghiệp, người ngu,
Bị nung nấu như lửa”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Trúc Lâm, đề cập đến ngạ quỷ mình Trăn (Ajagara). Một thuở nọ, trong khi đang đi với Trưởng lão Lakkhaṇa (Lắc Khá Ná) từ núi Kỳ Xà Quật (Gijjhakūṭa) xuống, Trưởng lão Moggallāna (Mục Kiền Liên) đã thấy bằng Thiên nhãn, một con Ngạ quỷ mình trăn dài đến hai mươi lăm do tuần. Từ đầu nó ngọn lửa bốc lên đến đuôi, từ đuôi nó ngọn lửa bốc lên đi đến đầu, từ đầu và đuôi nó hai phía ngọn lửa bốc lên đi vào khoảng giữa mình nó. Trưởng lão thấy vậy mỉm miệng cười, Trưởng lão Lakkhaṇa hỏi về lý do cái cười đó, Trưởng lão đáp: “Nầy
đạo hữu, không phải thời giải đáp câu hỏi nầy, chừng nào đến trước Đức Thế Tôn, đạo hữu hãy hỏi lại tôi”.

Nói rồi, hai Trưởng lão bước vào thành Sāvatthī (Vương Xá) khất thực. Khi về đến trước Đức Bổn Sư rồi, Trưởng lão Lakkhaṇa liền hỏi lại và Trưởng lão
Moggallāna đáp rằng:

– Nầy đạo hữu, lúc ấy tôi đã thấy một Ngạ quỷ, vì thân hình nó kỳ dị tôi chưa từng thấy như thế bao giờ, cho nên tôi mỉm cười.

Đức Bổn Sư xác nhận lời nói của Trưởng lão rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Quả thật các Thinh Văn của Ta đều có Chánh kiến như thế cả.

Rồi Ngài nói tiếp rằng: “Nầy các Tỳ khưu, Ngạ quỷ ấy chính Ta đã từng nhìn thấy sau khi chứng Đạo Quả dưới cội Bồ Đề, nhưng Ta không nói ra vì e rằng những người không tin lời Ta, ắt không được lợi ích. Bây giờ có Moggallāna làm chứng, nên ta mới nói”. Chư Tăng hỏi về tiền nghiệp của con Ngạ quỷ ấy, Đức Bổn Sư bèn giải rằng:

Tương truyền: Trong thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa), có Bá hộ tên là Sumaṅgala (Xú Măng Gá Lá) đã lót gạch bằng vàng một khoảng đất rộng hai mươi
usabha(1), đã xuất ra một số tiền của nhiều như thế nữa để kiến tạo một ngôi chùa và xuất thêm một số tiền tương đương như thế để khánh thành ngôi chùa ấy.

Một Usabha khoảng một trăm bốn mươi cubit, một cubit lối hai mươi ngón tay.

Một hôm, Bá hộ đi viếng Đức Bổn Sư từ sáng sớm, đi đến cổng thành thấy một kẻ trộm nằm trong cái trại (sālā) đầu trùm bằng một chiếc y vàng, hai chân dính đầy bùn, Bá hộ nói rằng:

– Người có chân dính đầy bùn nầy, chắc đã đi rong ban đêm, mới về nằm đây.

Tên trộm giở y chường mặt ra, thấy Bá hộ liền buộc oan trái với ông rằng:

– Rồi đây, ta sẽ tìm cách đối phó với ông.

Anh ta đã lén đốt ruộng và đốt nhà của ông Bá hộ bảy lần nữa. Làm bấy nhiêu chuyện ác để trả thù cũng chưa nguôi giận, tên trộm còn tìm đến làm quen kết bạn với người hầu riêng của Bá hộ, rồi lựa dịp hỏi: “Ông Bá hộ ưa thích cái gì?”.

Khi nghe đáp: “Ngoài hương thất ra, ông Bá hộ không còn ưa thích cái gì hơn nữa cả”. Nghe vậy, tên trộm quyết tâm: “Ta sẽ đốt rụi hương thất mới hả lòng căm giận của ta”.

Chờ khi Đức Phật vào thành khất thực, tên trộm lẻn vào đập bể tan những vò nước uống, nước xài rồi châm lửa đốt hương thất.

Hay tin cấp báo hương thất bị đốt, Bá hộ đến ngay trong lúc lửa còn cháy, nhìn hương thất đang cháy đã không mảy may chút buồn phiền ông còn vỗ tay cười lớn. Khi ấy, dân chúng đứng gần ông ta thấy lạ, liền hỏi:

– Thưa chủ, tại sao ông đã bỏ ra nhiều tiền để tạo hương thất, mà ông lại vỗ tay cười khi nó đang cháy như vậy?

– Nầy bà con! Bao nhiêu công trình của ta làm đó là của chôn trong chỗ đặc biệt là Phật giáo, không có sự tai hại nào, nhất là lửa có thể lấy mất được. Vả lại, ta sẽ có dịp xuất ra một số tiền của như vậy nữa để tái tạo hương thất dâng cúng Đức Bổn Sư, nên ta thỏa thích vỗ tay cười.

Sau khi xuất ra một số tiền của nhiều như trước, cho cất xong hương thất, Bá hộ làm phước Trai Tăng đến Đức Bổn Sư với hai mươi ngàn Tỳ khưu tùy tùng. Thấy Bá hộ làm như thế, tên trộm nghĩ thầm: “Ta mà không giết chết được ông nầy thì ta không thể nào rửa được cái nhục nầy. Ta phải giết ông mới được”. Thế rồi, anh ta cột dao găm giấu trong thắt lưng, đi vơ vẩn trong chùa suốt cả bảy ngày mà không gặp được cơ hội thuận tiện.

Riêng ông Đại Bá hộ, sau bảy ngày Trai Tăng đến Tăng chúng có Đức Phật dẫn đầu, mới đảnh lễ Đức Giáo Chủ và nói:

– Nhờ một người đốt ruộng con, chặt chân bò trong chuồng con bảy lần, bây giờ đây cũng nhờ người ấy đốt hương thất con mới có dịp làm phước. Vậy trong cuộc phước thí nầy, phần phước thứ nhất con xin chia cho người ấy.

Nghe ông Bá hộ nói như thế, tên trộm tự nghĩ: “Ôi! Nặng thay là nghiệp của ta đã tạo. Ta đã xúc phạm đến ông như vậy mà ông chẳng có chút gì giận ta, lại còn chia cho ta phần phước thứ nhất trong cuộc thí nầy. Ta là một kẻ phản bội, nếu ta không xin xám hối một người như thế, hình phạt của chư thiên sẽ giáng xuống đầu ta.

Tên trộm đến quỳ mọp trước chân ông Bá hộ và nói:

– Thưa ông chủ, xin ông chủ xá tội cho con.

– Việc chi đây?

Nghe vậy, tên trộm đáp:

– Thưa chủ, bao nhiêu việc ông vừa kể ra đó, chính con đã làm. Xin ông hãy tha tội ấy cho con.

Ông Bá hộ hỏi lại tên trộm về tất cả mọi hành vi của anh ta: “Bao nhiêu việc nầy việc nọ chính con đã làm ra cho ta phải không?”

– Thưa phải, chính con đã làm.

Nghe vậy, Bá hộ hỏi:

– Con chưa từng gặp ta, tại sao lại căm thù ta mà làm như vậy?

Tên trộm bèn nhắc lại mấy lời ông đã nói, ngày mà ông Bá hộ đi ra cổng thành, thấy anh ta nằm ngủ, rồi nói tiếp rằng:

– Vì lẽ đó mà con đã giận ghét ông chủ.

Ông Bá hộ nhớ lại mình đã có mấy lời ấy, bèn nhận lỗi: “Ồ, ta có nói như vậy, thôi con hãy miễn lỗi cho ta”.

Xin lỗi tên trộm xong rồi, ông nói:

– Thôi con hãy đứng dậy, ta tha tội cho con, con hãy đi đi.

– Thưa ông chủ, nếu ông chủ đã tha tội cho con, xin ông chủ nhận cho con đưa cả vợ con đến làm tôi tớ trong nhà ông chủ.

– À, bấy nhiêu việc con làm đối với ta, là đã dứt khoát rồi. Ta không thể bàn đến chuyện ở chung trong một nhà. Con không có phận sự chi ở trong nhà ta cả. Ta tha tội cho con, thôi con hãy đi.

Vì tạo nghiệp ấy, khi hết tuổi thọ, tên trộm bị sa xuống địa ngục A Tỳ, bị thiêu đốt rất lâu nơi đó. Do quả dư sót, bây giờ tái sanh làm Ngạ quỷ mình trăn ở trên đỉnh núi Gijjhakūṭa, hằng bị lửa thiêu đốt.

Sau khi giải rõ tiền nghiệp của Ngạ quỉ đó, Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, hạng người ngu khi làm các nghiệp ác thì không tự biết, nhưng về sau chính những nghiệp của họ đã tạo thiêu đốt họ, chẳng khác nào lửa rừng tự nhiên bốc cháy lấy mình vậy.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và ngâm kệ rằng:

Atha pāpāni kammāni,
Karaṃ bālo na bujjhati;
Sehi kammehi dummedho,
Aggidaḍḍhova tappati”.

Kẻ ngu tạo các ác nghiệp vẫn không tự biết có quả báo gì chăng? Người ngu tự tạo ra nghiệp để chịu khổ, chẳng khác nào tự lấy lửa đốt mình.

CHÚ GIẢI:
Atha pāpāni: Không phải hoàn toàn do sân hận mà người ngu làm việc ác, chính trong lúc làm ác họ cũng không biết mình tạo ác nghiệp. Không có người nào trong lúc làm ác mà không biết “Ta làm ác”. Đây chỉ nói là người làm ác không biết đến hậu quả của cái nghiệp nầy sẽ thế nào thôi.

Sehi: Do những nghiệp là của riêng họ.

Dummedho: Người vô trí bị sa Địa ngục, bị lửa thiêu đốt. Cuối thời pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả nhất là quả Tu Đà Hườn quả

Dịch giả Cẩn Đề
Vì câu nói trống bị căm thù,
Bá hộ không hờn giận kẻ ngu,
Đốt ruộng, đốt nhà, mong báo oán,
Đốt luôn hương thất bậc chân tu.
Lại đem hồi hướng phước đầu tiên,
Cho kẻ giúp mình tạo phước duyên,
Rốt cuộc kẻ gian ra sám hối,
Dứt ngay oan trái kiếp hiện tiền.
Kẻ trộm về sau đọa A Tỳ,
Rồi làm ngạ quỷ, bởi ngu si
Không lường hậu quả hành vi ác,
Thậm thượt mình tran, kéo lết đi.
DỨT TÍCH NGẠ QUỈ MÌNH TRĂN

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 27

Post Views: 366