“Ko nu hāso kimānando,
Niccaṃ pajjalite sati;
Andhakārena onaddhā,
Padīpaṃ na gavesatha”.
“Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu?
Bị tối tăm bao trùm,
Sao không tìm ngọn đèn?”.
Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư đã thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến những người bạn của bà Visākhā (Thiện Chi). Tương truyền rằng: Có năm trăm thanh niên con nhà lễ giáo, mỗi người tự giao vợ mình đến nhà bà Visākhā bảo hộ, mong rằng các cô vì thế mà trở nên người có nết
hạnh không dễ duôi. Nếu các cô đi công viên hoặc đi chùa thì phải cùng đi với bà, chớ không được đi một mình.
Một thời gian nọ, các cô rủ nhau bày tiệc rượu suốt bảy ngày. Giữa cuộc lễ tưng bừng huyên náo, mỗi cô tự chiêu đãi hầu rượu chồng mình. Các thanh niên vui chơi cuộc lễ rượu suốt bảy ngày. Đến ngày thứ tám, họ phải xuất hành, ra đi làm công việc nọ, tuỳ theo nghề nghiệp. Các phụ nữ ở nhà rủ nhau: “Trước mặt chồng chúng ta không được uống rượu. Số rượu còn dư đây chúng ta sẽ uống lén, đừng cho các ông biết!”.
Các cô cũng đến yêu cầu bà Visākhā:
– Thưa bà, chúng con muốn đi ngoạn cảnh công viên.
– Lành thay! Vậy các cô hãy lo sắp xếp mọi việc rồi khởi hành!
Nghe vậy, các cô vầy đoàn cùng đi, lén cho người mang rượu theo đến công viên, uống cho say rồi đi lang thang.
Bà Visākhā suy nghĩ: “ Việc các cô này đã làm thật không thích đáng! Rồi đây hàng phụ nữ sẽ chê trách rằng: “Bây giờ các Nữ Thinh văn, đệ tử của Sa môn Gotama đã uống rượu và đi lang thang!”.
Nghĩ rồi bà kêu các cô mà bảo rằng:
– Này các cô! Việc các cô đã làm thật không thích đáng! Chính ta cũng bị mang tiếng xấu lây. Chồng các cô sẽ nổi giận. Bây giờ, các cô liệu sao đây?
– Thưa cô! Chúng con sẽ giả đò làm như mình có bệnh vây!
– Nếu vậy, các cô hãy ý thức rõ rệt cái nghiệp tự các cô làm nhé! Những phụ nữ ấy về nhà, giả đò có bịnh. Các ông chồng của họ thấy vắng vợ,
hỏi thăm người khác, nghe nói vợ mình bịnh, suy nghĩ rồi liền nghi: “Chắc chắn mấy cô này đã uống số rượu còn dư”. Sau khi đánh đập vợ, các thanh niên cảm thấy buồn khổ vì mình bất hạnh.
Thế nhưng, một thời gian sau, các cô lại tổ chức lễ tiệc như trước, để rồi lại thèm uống rượu, họ rủ nhau đến yêu cầu bà Visākhā:
– Thưa bà, xin bà dắt chúng con đi dạo công viên!
Bà Visakha từ chối, nói:
– Lần trước, các cô đã làm ta mang tiếng xấu lây. Thôi các cô hãy đi, ta không dắt các cô đâu!
Các phụ nữ đấu dịu rằng:
– Bây giờ chúng con không làm vậy nữa đâu. – Và họ theo năn nỉ rằng.
– Thưa bà! Chúng con có ý muốn cúng dường đến Đức Phật, xin bà hoan hỷ dắt chúng con đến chùa!
– Bây giờ các cô hãy sắp xếp chuẩn bị rồi đi nhé!
Các phụ nữ cho người mang theo lễ vật, nhất là hương và tràng hoa đựng trong những cái tráp, còn mình thì mang những nhạo rượu đầy lên vai, bên ngoài mặc y rộng che khuất, đồng đi đến chỗ bà Visākhā để cùng đi với bà vào chùa, ngồi yên chỗ rồi mới lấy nhạo rượu ra uống, uống xong ném bỏ cái nhạo rồi mới vào giảng đường, ngồi ngay Đức Bổn Sư. Bà Visākhā bèn mở lời:
– Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hoan hỷ thuyết pháp cho các cô đây nghe!
Các phụ nữ đã uống say, thân hình lắc lư, khởi tâm muốn nhảy múa và ca hát.
Nhân đó Chư Thiên Ma Vương nghĩ rằng: “Bây giờ chúng ta sẽ nhập xác các cô này và sẽ biểu diễn những trò lố lăng trước mặt Sa môn Gotama!”.
Nghĩ rồi, Chư Thiên Ma nhập vào xác các phụ nữ say rượu. Một số các cô đứng ngay trước Đức Bổn Sư vỗ tay rồi cười. Một số nữa thì nhảy múa như khiêu vũ.
Đức Bổn Sư tự hỏi: “Cái chi đây?”. Khi quán biết rõ lý do, Ngài tự nói: “Bây giờ, ta sẽ không để cho Chư Thiên Ma Vương được phép xuống đây làm nhăng. Quả thật, suốt thời gian ta bổ túc pháp Thập Độ Ba La Mật, Chư Thiên Ma Vương chưa hề có dịp xuống đây làm nhăng”. Thế rồi, Đức Bổn Sư từ những lông chân mày (Uṇṇo – Bạch hào mi), phóng một tia sáng để làm cho Chư Thiên kinh cảm. Ngay lúc ấy, trời đất bỗng trở nên tối đen như mực.
Các phụ nữ hoảng hốt, đâm ra sợ chết. Do đó, chất rượu trong bụng các cô tiêu tan.
Bậc Đạo Sư biến mất từ trên bảo toạ, hiện ra đứng trên đỉnh núi Tu Di, phóng ra một hào quang từ chùm lông trắng giữa hai chân mày. Ngay lúc ấy, trời đất sáng rực như được hàng ngàn mặt trăng chiếu rọi vậy.
Bấy giờ, Bậc Đạo Sư mới gọi những phụ nữ ấy mà dạy rằng:
– Các cô khi đến với ta, đã đến với tâm dễ duôi. Đúng ra, các cô không nên dễ duôi như vậy! Vì một khi Chư Thiên Ma Vương có dịp nhập xác các cô rồi, họ đã khiến các cô cười ở chỗ không đáng cười, vỗ tay ở chỗ không đáng vỗ tay v.v… Giờ đây, các cô phải ráng tinh tấn, lo dập tắt các ngọn lửa, nhất là lửa tham ái…
Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
“Ko nu hāso kimānando,
Niccaṃ pajjalite sati;
Andhakārena onaddhā,
Padīpaṃ na gavesatha”.
Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt? Ở trong chỗ tối tăm, bưng bít, sao không tìm ánh sáng quang minh?
CHÚ GIẢI:
Ý nghĩa của kệ ngôn này là:
Ānando = Tuṭṭhi: vui thích (khánh hỷ). Như Đức Phật đã thuyết, nơi thế gian mà chúng sanh chung sống có mười một thứ lửa(1), nhất là lửa tham ái hằng thiêu đốt. Có chi mà các ngươi cười hoặc vui thích? Đừng nên hành động như thế há chẳng tốt hơn sao? Cõi đời quả thật đang bị sự tối tăm vô minh bao trùm, các ngươi đáng lẽ phải lo phá huỷ sự tối tăm. Tại sao không đi tìm ngọn đèn Trí Tuệ? Cuối thời pháp, năm trăm phụ ấy chứng quả Dự Lưu. Khi biết các phụ nữ ấy an trú trong đức tin bất động, Bậc Đạo Sư từ đỉnh núi Tu Di biến mất, hiện lên ngự tọa trên Phật Bảo Toạ.
Khi ấy, bà Visākhā thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, chất rượu quả thật là ác hại. Nó đã khiến phụ nữ này đang ngồi ngay trước mặt một vị Phật như Ngài mà không thể kềm giữ được oai nghi tế hạnh, đã phải đứng dậy vỗ tay cười cợt, ca hát, nhảy múa lố lăng như thế!…
Đức Bổn Sư xác nhận:
– Phải đó! Này Visākhā, các chất say có tên là rượu đó, đều ác hại như thế cả. Vì chúng mà người ghiền phải sa đoạ, sống đời sống bất hạnh hàng trăm ngàn kiếp.
Nghe đến đây bà Visākhā vội hỏi:
– Bạch Ngài, những người ấy thọ sanh vào thời nào?
Nghe hỏi, Đức Thế Tôn đã đem câu chuyện quá khứ kể lại để giảng rộng cái hại của sự uống rượu, như đã ghi trong Bổn Sanh Cái Bình Nước (Kumbha).
Dịch Giả Cẩn Đề
Mượn cớ đi chùa, uống rượu say,
Bị Ma nhập xác, múa chân tay,
Năm trăm phụ nữ đang cười cợt,
Bị tối bao trùm, tỉnh rượu ngay!
Phật hiện ngồi trên núi Tu Di,
Phóng quang thuyết pháp, phá hoài nghi,
Chỉ rành tai hại của men rượu,
Độ hết các bà bạn Thiện Chi.
DỨT TÍCH BẠN BÀ THIỆN CHI SAY
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 34