137. “Yo daṇḍena adaṇḍesu,
Appaduṭṭhesu dussati;
Dasannamaññataraṃ ṭhānaṃ,
Khippameva nigacchati”.
138. “Vedanaṃ pharusaṃ jāniṃ,
Sarīrassa ca bhedanaṃ;
Garukaṃ vāpi ābādhaṃ,
Cittakkhepaṃ va pāpuṇe”.
“Dùng trượng phạt không trượng,
Làm ác người không ác,
Trong mười loại khổ đau,
Chịu gấp một loại khổ”.
“Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm”.
139. “Rājato vā upasaggaṃ,
Abbhakkhānaṃ va dāruṇaṃ;
Parikkhayaṃ va ñātīnaṃ,
Bhogānaṃ va pabhaṅgunaṃ”.
140. “Atha vāssa agārāni,
Aggi ḍahati pāvako;
Kāyassa bhedā duppañño,
Nirayaṃ so upapajjati”.
“Hoặc tai họa từ vua,
Hay bị vu trọng tội,
Bà con phải ly tán,
Tài sản bị nát tan”.
“Hoặc phòng ốc nhà cửa,
Bị hỏa tai thiêu đốt,
Khi thân hoại mạng chung,
Ác tuệ sanh Địa ngục”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Trúc Lâm, đề cập đến Trưởng lão Mahā Moggallāna (Ma Ha Mục Kiền Liên). Một thuở nọ, các tu sĩ ngoại đạo họp bàn luận với nhau, có người hỏi: “Nầy các đạo hữu có biết vì lẽ gì mà Sa môn Cồ Đàm được nhiều lễ lộc, còn chúng ta lại mất hết chăng?”.
– Chúng tôi không biết, đạo hữu biết phải không?
– Vâng, chúng tôi biết. Đó là một người tên là Mahā Moggallāna. Ông lên cõi Trời hỏi về phước nghiệp của chư thiên rồi về cõi nhân gian thuyết giảng rằng: “Ai làm như vầy, ắt sẽ được phước báu như vậy”, ông lại xuống Địa ngục hỏi về tội nghiệp của các chúng sanh dưới đó, rồi về cõi nhân gian thuyết giảng rằng: “Ai làm như vầy, ắt sẽ bị tội khổ như vậy đó”. Mọi người nghe pháp ông ta thuyết mới mang đến dâng cúng rất nhiều lễ lộc. Nếu chúng ta có thể giết chết được ông ta thì phần lễ lộc của ông ta sẽ trở về với chúng ta.
Sau khi thảo luận tìm ra một giải pháp, tất cả nhóm ngoại đạo đều đồng ý rằng:
“Dầu bằng cách nào chúng ta cũng phải giết chết ông ta”. Thế rồi họ xúi tín đồ của họ phải đóng góp một ngàn đồng vàng, cho gọi những tên trộm cướp quen thói cướp của giết người đến mướn chúng với giá một ngàn đồng đó:
– Ông Mahā Moggallāna hiện tại ở Hắc Nham (Kāḷasilāya) các anh hãy đến đó, giết chết ông ta đi.
Bọn cướp vì tham của liền chấp nhận: “Chúng tôi sẽ giết ông Trưởng lão đó”.
Chúng liền đến bao vây đạo trường nơi chỗ ngụ của Trưởng lão.
Biết bọn cướp bao vây quanh cốc, Trưởng lão thoát ra theo lỗ khóa mà bay đi mất. Ngày ấy không gặp Trưởng lão, qua ngày sau, bọn cướp lại đến bao vây cốc Trưởng lão nữa. Trưởng lão biết vậy, bèn trổ nóc nhà, bay đi. Cứ thế hết một tháng đầu, rồi hết một tháng giữa nữa mà bọn cướp chưa có thể
bắt được Trưởng lão. Đến tháng cuối là quả tiền nghiệp đã chín muồi, không thể né tránh, Trưởng lão biết vậy nên không lánh mặt nữa.
Bọn cướp đến bắt Trưởng lão, đập xương Trưởng lão nát như tấm cám. Khi thấy Trưởng lão đã chết, chúng vứt xác Trưởng lão vào sau một bụi cây rậm rồi bỏ đi.
Trưởng lão nghĩ: “Ta phải yết kiến Đức Bổn Sư rồi Níp Bàn”, nên dùng Thiền định hoàn xác lại như còn sống, bay về chỗ Đức Thế Tôn đang ngự, đảnh lễ Ngài rồi bạch rằng:
– Bạch Ngài, con sẽ Níp bàn!
– Nầy Moggallāna! Thầy sẽ Níp bàn ư?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Thầy Níp bàn tại đâu?
– Bạch Ngài, tại xứ Hắc Nham.
– Nếu vậy, nầy Moggallāna, thầy hãy thuyết pháp của Ta trước khi Níp bàn. Bậc Thượng Thinh Văn của Ta mà được như thầy, bây giờ Như Lai không còn trông thấy nữa.
– Bạch Ngài! Con sẽ làm như vậy!
Trưởng lão đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi bay lên hư không thuyết lên Pháp thoại. Đến ngày Ngài Đại Níp Bàn cũng giống như Trưởng lão Sāriputta (Xá Lợi Phất), Trưởng lão dùng thần thông sắp xếp mọi công việc, thuyết pháp xong, Trưởng lão đảnh lễ Đức Thế Tôn đi trở về rừng trong xứ Hắc Nham mà Vô Dư Níp Bàn. Tin trưởng lão bị bọn cướp ám sát được khẩu truyền đi khắp cõi Diêm Phú Đề. Đức vua A Xà Thế ra lịnh cho mật thám truy lùng bọn cướp sát nhân. Trong bọn chúng có những đứa đang nhậu rượu trong quán rượu, khi say sưa tên này thoi vào lưng tên kia ngã xuống. Tên bị đánh đứng lên sừng sộ nói:
– Đồ mất dạy, tại sao mầy đấm vào lưng tao?
– Đồ ác ôn hèn mạt, có phải mầy đã ra tay đánh đập Trưởng lão Mahā Moggallāna trước nhất đâu?
– Vậy chớ mầy không biết chính tay tao đã hạ sát ông ta à!
– Nhờ nghe các tên đồng đảng tranh nhau tự xưng là thủ phạm, các mật thám tóm hết tất cả bọn cướp về phục lịnh Đức vua.
Đức vua cho giải bọn cướp tới và phán hỏi:
– Phải chúng bây đã ám sát Trưởng lão chăng?
– Tâu Đại vương, phải.
– Ai xúi biểu chúng bây?
– Tâu Đại vương, các Sa môn lõa thể.
Đức vua truyền lịnh bắt luôn cả trăm Sa môn đạo lõa thể chôn chung với năm trăm tên cướp trước sân chầu dưới những hố cá nhân tới rún, bên trên phủ rơm kín rồi châm lửa đốt. Khi biết các tội nhân đã bị thiêu. Đức vua lại sai lấy cày sắt cày qua cày lại cho nát thây họ ra từng mảnh lớn có, nhỏ có. Đức vua đã ủy thác việc nầy cho bốn tên cướp thi hành.
Các Tỳ khưu câu hội trong giảng đường đề khởi chuyện rằng:
– Than ôi! Trưởng lão Mahā Moggallāna tự mình đã chịu một cái chết không xứng đáng.
Đức Bổn Sư đến hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các thầy ngồi đây luận bàn về chuyện gì?”.
– Bạch Ngài, chuyện nầy…
Nghe vậy, Đức Bổn Sư giải thích rằng:
– Nầy Tỳ khưu, trong kiếp nầy, Moggallāna đã chết một cách không xứng đáng như vậy là do tiền nghiệp của Thầy đã tạo trong quá khứ, khiến cho người chết một cách không xứng đáng.
– Bạch Ngài, kiếp trước Trưởng lão đã tạo nghiệp gì?
Đức Bổn Sư thuật lại tích xưa rằng:
Tương truyền: Thời quá khứ, có một thanh niên con nhà gia giáo, cư ngụ trong thành Bārāṇasī (Ba La Nại), hằng ngày chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, nhất là giã gạo nấu cơm…
Một hôm, cha mẹ bảo cậu rằng:
– Con à, một mình con mà làm hai công việc, vừa làm việc nhà, vừa làm việc ở rừng thì mệt nhọc lắm, để cha mẹ cưới vợ cho con!
Thanh niên từ chối, đáp rằng:
– Thưa cha mẹ, con thấy con không cần có đôi bạn. Hễ cha mẹ còn sống đến chừng nào, thì con sẽ ở vậy, tự tay con săn sóc phụng dưỡng cha mẹ.
Hai ông bà theo nói mãi và cưới một cô gái đem về làm dâu. Mấy ngày đầu, cô dâu hầu hạ cha mẹ chồng đàng hoàng tử tế. Sau đó, cô không muốn gặp ông bà nữa, bèn than thở với chồng:
– Em không thể sống chung một nhà với cha mẹ của anh được.
Thấy chồng gác bỏ lời nói của mình, cô chờ chồng đi vắng, lấy thứ (chỉ) gai quét với bột cháo trây trét đầy nhà.
Chồng về hỏi: “Cái gì đây?”.
– Hai ông bà lú lẫn đã làm chuyện đó, cứ đi lang thang trây trét làm dơ cả nhà. Em không thể nào ở chung với hai ông bà được nữa!
Nghe vợ cứ lặp đi lặp lại mãi như thế, một chúng sanh dầu bổ túc rất đầy đủ Pháp Thập Độ (Ba La Mật – Pāramī) như thế cũng trở lòng đoạn tuyệt tình thân phụ mẫu. Thanh niên nói:
– Anh sẽ có cách đối xử với ông bà!
Sau khi hầu cơm cha mẹ, thanh niên nói dối với ông bà cụ rằng:
– Thưa cha mẹ, những thân quyến của cha mẹ ở xứ đó, mời cha mẹ đến chơi, chúng ta sẽ đi đến nơi đó!
Đỡ cha mẹ lên một cỗ xe nhỏ, thanh niên đánh xe đưa ông bà đi, khi đến giữa khu rừng rậm, thanh niên lại gạt cha mẹ rằng:
– Xin cha mẹ hãy cầm cương cho bò đi thủng thẳng, chỗ nầy có bọn cướp ở, để con xuống đi bộ.
Trao dây cương qua tay cha rồi, thanh niên xuống xe đi bộ một đỗi, quay lại đổi giọng nói giả làm tiếng la của bọn cướp. Ông bà mù nghe tiếng la tưởng thật là bọn cướp xông ra đón đường, bèn bảo con rằng:
– Con ơi! Cha mẹ già rồi, con hãy lo tự vệ lấy mình con!
Dầu nghe cha mẹ la lớn như vậy, nhưng thanh niên vẫn giả làm bọn cướp hét lại và đánh chết hai ông bà, vứt xác giữa rừng rồi bỏ ra về.
Đức Bổn Sư chấm dứt câu chuyện về tiền nghiệp của Trưởng lão Moggallāna, rồi giảng tiếp: “Nầy các Tỳ khưu, sau khi tạo bấy nhiêu nghiệp, Moggallāna đã bị thiêu đốt vô số trăm ngàn năm dưới địa ngục, rồi do quả dư sót sanh lên làm người còn bị giết chết và đập nát thây như vậy hàng trăm kiếp. Thế thì Moggallāna sở dĩ chết như vậy là do tiền nghiệp của mình mà thôi. Còn năm trăm tên cướp và năm trăm tu sĩ ngoại đạo đã hại đến bậc Vô hại là con trai Như Lai, nên mới chịu chết một cách không thuận an như thế. Quả thật, kẻ làm hại người vô hại tất phải gặp một trong mười điều bất hạnh, tai họa chẳng sai! Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết thúc bằng kệ rằng:
137. “Yo daṇḍena adaṇḍesu,
Appaduṭṭhesu dussati;
Dasannamaññataraṃ ṭhānaṃ,
Khippameva nigacchati”.
138. “Vedanaṃ pharusaṃ jāniṃ,
Sarīrassa ca bhedanaṃ;
Garukaṃ vāpi ābādhaṃ,
Cittakkhepaṃ va pāpuṇe”.
139. “Rājato vā upasaggaṃ,
Abbhakkhānaṃ va dāruṇaṃ;
Parikkhayaṃ va ñātīnaṃ,
Bhogānaṃ va pabhaṅgunaṃ”.
140. “Atha vāssa agārāni,
Aggi ḍahati pāvako;
Kāyassa bhedā duppañño,
Nirayaṃ so upapajjati”.
Nếu lấy đao gậy hại người toàn thiện, toàn nhân(1) lập tức kẻ kia phải thọ lấy đau khổ trong mười điều nầy: tiền tài bị tiêu mất, thân thể bị bại hoại, hoặc bị trọng bịnh bức bách, hoặc bị tán tâm loạn ý, hoặc bị vua quan áp bách, hoặc bị vu trọng tội, hoặc bị quyến thuộc ly tán, hoặc bị tài sản tan nát, hoặc phòng ốc nhà cửa bị giặc thiêu đốt và sau khi chết bị đọa vào Địa ngục.
CHÚ GIẢI:
Adaṇḍesu: những bậc Vô Lậu đã xa lìa những việc làm hại, nhất là những hình phạt thân xác (Kāyadaṇḍādivirahitesu).
Appaduṭṭhesu: những người vô hại là không tự hại mình hoặc người khác.
Dasannamaññataraṃ ṭhānaṃ: một trong mười hai nguyên do gây ra sự khổ não.
Vedanaṃ: cảm thọ khốc liệt như bịnh nhức đầu.
Jāniṃ: sự mất mát của cải đã kiếm được một cách hết sức khó khăn.
Bhedanaṃ: thân thể bị phân tách, như bị chặt tay chẳng hạn.
Garukaṃ: thọ bịnh trầm trọng đến nỗi què chân, chột mắt, bại liệt, tật nguyền, cùi phong, lở lói chẳng hạn.
Cittakkhepaṃ: mất trí, điên cuồng.
Upasaggaṃ: sự nguy hiểm từ Đức vua chẳng hạn, như bị tước hết danh giá, cách chức tướng lãnh…
Abbhakkhānaṃ: sự vu cáo tội dữ dằn như người chưa thấy, chưa nghe, chưa nghĩ gì cả mà bị vu cáo là phạm tội đào tường, khoét vách, phạm tội đối với nhà vua v.v.
Parikkhayaṃ va ñātīnaṃ: sự mất những người thân thuộc mà mình có thể nương cậy.
Pabhaṅgunaṃ: sự tan vỡ, sự thối nát. Như trong nhà người ấy có lúa thì lúa bị thối nát, có vàng thì vàng bị biến thành than, có trân châu thì trân châu trở thành hột bông gòn, những đồng tiền vàng (Kahāpaṇā) hóa ra những mảnh chén vụn giá đáng hai đến bốn đồng bạt (Pāda).
Aggi ḍahati: cứ hằng năm bị hỏa hoạn hai, ba lần ở một nơi nào đó. Bằng không thì bị lửa thiên lôi giáng xuống, hoặc tự mình gây nên hỏa hoạn.
Nirayaṃ: trong kiếp hiện tại bị một trong mười điều khổ nầy rồi, qua những kiếp sau, mỗi kiếp còn phải chịu khổ thêm nữa, nên mới nói là sanh ở địa ngục. Cuối thời pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả nhất là quả Tu Đà Hườn quả
Dịch giả Cẩn Đề
Ngoại đạo xuất ra số lớn tiền,
Mướn người theo giết Mục Kiền Liên,
Quả muồi, Trưởng lão cam lòng chịu,
Để cướp bằm mình trả nghiệp duyên.
Vì xưa lỡ giết mẹ cha già,
Nghe vợ thành gây nghiệp xấu xa!
Nay có Thần thông hoàn xác cũ,
Bay về cáo biệt Đức Phật Đà.
Giết người vô tội, bậc Vô sanh,
Nghiệp sát trổ liền quả rất nhanh!
Bọn cướp chết chùm cùng ngoại đạo,
Lửa hồng thiêu xác rã từng manh.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO MỤC KIỀN LIÊN NÍP BÀN
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 25