“Assaddho akataññū ca,
Sandhicchedho ca yo naro;
Hatāvakāso vantāso,
Sa ve uttamaporiso”.
“Không tin”, hiểu Vô vi,
Người cắt mọi hệ lụy.
Cơ hội tận, xả ly,
Vị ấy thật tối thượng”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Sāriputta (Xá Lợi Phất). Một ngày nọ, có ba mươi vị Tỳ khưu tu hành hạnh Đầu Đà ngụ ở rừng (araññakā), về yết kiến Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài rồi ngồi nép qua một bên. Đức Bổn Sư biết rõ những vị nầy có căn lành đắc A La Hán quả với Tuệ Phân tích, nên Ngài gọi Trưởng lão Sāriputta mà hỏi về Ngũ quyền (Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ) nhất là Tín quyền, là những yếu tố thành tựu Pháp Bất tử.
– Nầy Sāriputta, thầy có đức tin chăng?
(Tín quyền là yếu tố phát triển gia tăng thành tựu Pháp Bất tử là Níp Bàn).
– Bạch Ngài, nói về Tín quyền thì con không đặt niềm tin nơi Đức Thế Tôn v.v…
Thật vậy, bạch Ngài! Về Tín quyền thì những ai chưa biết, chưa nghe, chưa thấy, chưa làm cho thấu rõ, chưa tiếp xúc pháp Bất tử trọn vẹn bằng Trí Tuệ, thì người đó phải đặt niềm tin nơi tha nhân, v.v…
Trưởng lão đã giải đáp năm câu hỏi về Ngũ quyền là những yếu tố để thành tựu Pháp Bất tử như thế.
Nghe lời giải của Trưởng lão, các Tỳ khưu hợp nhau bàn tán: “Trưởng lão Sāriputta đã giải đáp bằng những luận điệu sai lầm như thế, là hôm nay Trưởng lão đã hết tin nơi Đức Chánh Biến Tri nữa rồi”. Nghe vậy, Đức Bổn Sư hỏi:
– Nầy các Tỳ khưu, sao các thầy lại nói như thế? Chính Ta đã không làm phát triển Ngũ quyền, không tăng tiến pháp Chỉ Quán (Samathavipassanā) mà đã có thể làm cho thấu rõ các Đạo quả. Đáp lại câu hỏi: “Nầy Sāriputta thầy có đức tin chăng?”.
Thầy ấy cũng làm cho thấu rõ Đạo quả như thế, nên mới nói : “Bạch Ngài, con không có đức tin (nơi tha nhân), thầy ấy không có đức tin nơi Đạo quả hiện tại hoặc tương lai (Phalavipāka) của ai cho, hoặc của ai làm giùm. Thầy ấy cũng không có đức tin nơi cái chi, nhất là nơi hồng ân của chư Phật.
Thầy ấy tự mình chứng đắc các pháp Thiền Quán, Đạo quả, chứ không đặt niềm tin nơi những người khác, bởi thế cho nên thầy ấy là người không thể chê trách”.
Nói rồi Đức Bổn Sư thuyết pháp giải thêm và tóm tắt bằng bài kệ nầy:
“Assaddho akataññū ca,
Sandhicchedho ca yo naro;
Hatāvakāso vantāso,
Sa ve uttamaporiso.”
“La Hán chẳng cần tin ai,
Vì đã chứng Đạo không hai thoát trần.
Dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân,
Cùng quả ràng buộc tự thân luân hồi.
Lòng tham dục cũng lìa rồi,
Bực vô thượng sĩ cao ngôi, chính người.”
CHÚ GIẢI:
Assaddho: vô tín hay bất tín, là tự mình chứng biết, không tin lời nói của người khác (một cách mù quáng).
Akataññū: hiểu là Vô vi, đây là làm cho thấu rõ Níp Bàn là Pháp không có nhân tạo ra.
(Akataññū cũng có nghĩa là vô ơn).
Sandhicchedho: người đã cắt đứt mọi ràng buộc là cắt đứt những kiết sử trói buộc trong vòng Luân hồi.
Hatāvakāso: người đã đoạn tuyệt cả phước và tội, là người đã tận trừ những cơ hội để tạo nghiệp thiện và bất thiện.
Vantāso: người đã dứt hết sự tham muốn, vì đã làm xong phận sự bằng bốn Thánh đạo.
Người đủ tư cách như vậy, quả thật là người cao thượng, đắc Pháp cao thượng nhất trong số những người giác ngộ Pháp siêu thế.
Cuối bài kệ, ba mươi vị Tỳ khưu ấy đắc quả A La hán với Tuệ Phân tích. Kỳ dư đại chúng thính pháp của Đức Bổn Sư thảy đều hưởng được lợi ích lớn
Dịch Giả Cẩn Đề
Muốn độ người cao, Phật hỏi cao,
Phàm phu nghe ngóng tựa chiêm bao,
Nghĩ rằng: Pháp Chủ theo tà kiến,
Dám nói: Không tin Phật chút nào!…
Dưới thấp cần tin tưởng Phật Đà,
Lên cao, La hán: “Chỉ tin ta!”.
Tự mình thấu triệt luân hồi khổ,
Cởi bỏ mười dây kiết sử ra.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO XÁ LỢI PHẤT TỰ TIN
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 17