Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ác: Tích Vua Thiện Giác Bị Đất Rút

“Na antalikkhe na samuddamajjhe,
Na pabbatānaṃ viraraṃ pavissa;
Na vijjate(1) so jagatippadeso,
Yatraṭṭhitaṃ(1) nappasaheyya maccu”.

“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn khỏi tay thần chết”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại chùa Nigrodha (Ni Câu Luật Đà), đề cập đến Đức vua Thiện Giác (Suppabuddhasakka).

Tương truyền rằng: Đức vua Thiện Giác vì hai lý do sau đây mà đã buộc oan trái với Đức Phật: một là Ngài đã bỏ con gái Đức vua là công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) mà ra đi xuất gia, hai là Ngài đã cho con trai Đức vua là Hoàng tử Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) xuất gia, cho nên Đức vua căm thù Ngài lắm.

Một ngày nọ, Đức vua có ý nghĩ: “Bây giờ Trẫm nhất định không cho Cồ Đàm đi đến chỗ thỉnh bát để thọ thực”. Đức vua truyền lịnh cho đóng cửa chận đường đi của Đức Thế Tôn, rồi ngồi giữa đường mà uống rượu.

Khi Đức Bổn Sư cùng chư Tăng tùy tùng sắp đến chỗ Đức vua gác, có tin báo trước cho vua Thiện Giác hay rằng “Đức Bổn Sư sắp đến”.

Đức vua phán: “Hãy đi đón đường nói cho Cô Đàm biết: Cồ Đàm không phải lớn hơn Trẫm! Trẫm sẽ không cho nó đi qua lối nầy!”. Rồi Đức vua cứ ngồi nguyên một chỗ mà lặp đi lặp lại như thế mãi.

Đức Bổn Sư thấy những người đến xin cậu mình cho phép đi qua đều không được chấp thuận, nên Ngài quay trở về.

Đức vua lại phái một mật thám theo dõi Đức Bổn Sư: “Hãy đi, nghe ngóng lời nói của Sĩ Đạt Ta, rồi trở về phục lịnh”.

Lúc quay trở về, Đức Bổn Sư mỉm cười. Trưởng lão Ānanda thấy lạ bèn hỏi:

– Bạch Ngài, do nhân duyên nào mà Ngài đã mỉm cười?

Đức Bổn Sư hỏi lại:

– Nầy Ānanda! Thầy đã thấy vua Thiện Giác rồi chứ?

– Bạch Ngài, con đã thấy.

– Đức vua đã tạo nghiệp rất nặng là dám cản đường một vị Phật như Ta. Từ đây đến bảy ngày, tại chân cầu thang của đền vua, Đức vua Thiện Giác sẽ bị đất rút.

Nghe được lời tiên tri nầy, mật thám về báo cáo lại với vua Thiện Giác. Đức vua hỏi:

– Lúc quay trở về, cháu Trẫm đã nói những gì? – Mật thám nghe sao thì thuật lại y như vậy.

Nghe dứt những lời báo cáo, Đức vua nghĩ thầm: “Quả thật, cháu của ta chưa hề nói sai trật, hễ nói điều gì là có y điều đó xảy ra. Tuy nhiên, bây giờ đây ta sẽ quở trách Sĩ Đạt Ta về tội nói láo. Quả nhiên, cháu ta đã tiên tri bảy ngày nữa ta sẽ bị đất rút, nó không nói bằng cách mơ hồ mà lại xác quyết rằng ta sẽ bị đất rút ngay chân cầu thang của vương cung. Kể từ bây giờ trở đi, ta sẽ không đặt chân đến đó, và sau khi khỏi bị đất rút tại nơi đó, ta sẽ quở nó về tội nói láo!”.

Đức vua cho mang tất cả đồ vật nhu dụng của mình lên tầng lầu thứ bảy, khiến dẹp cầu thang rồi đóng cửa cái lại. Tại mỗi cửa của mỗi tầng lầu, Đức vua bố trí hai người lực sĩ đứng canh và dặn họ: “Nếu thấy Trẫm dễ duôi muốn đi xuống lầu, hai người hãy ngăn cản lại!”. Nói rồi, Đức vua ngự tọa trong tư phòng trên chót tầng lầu thứ bảy.

Đức Bổn Sư nghe được câu chuyện nầy thì phán rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, dầu Đức vua Thiện Giác không ngồi trên đỉnh thượng của tòa lầu bảy tầng mà lên ngồi giữa hư không, hoặc đáp thuyền ra giữa biển lớn, hoặc là vào ngồi trong hang núi cũng mặc. Lời Chư Phật không bao giờ lưỡng ước, y như lời của Ta đã tiên tri, Đức vua sẽ bị đất rút ngay tại chỗ mà Ta đã nói.

Nói rồi Đức Thế Tôn thuyết pháp và ngâm kệ rằng:
“Na antalikkhe na samuddamajjhe,
Na pabbatānaṃ vivaraṃ pavissa;
Na vijjate so jagatippadeso,
Yatraṭṭhitaṃ nappasaheyya maccu”.

“Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể sâu, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian nay, chẳng có nơi nào trốn khỏi Tử thần”.

CHÚ GIẢI

Nappasaheyya maccu: Khắp trên mặt địa cầu, không có một chỗ nào, dầu nhỏ bằng sợi tóc mà ta có thể nói: “Đứng tại đây tử thần sẽ không áp đảo mình được”. Ba câu trên đồng nghĩa với các câu ở bài kệ trước. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là quả Tu Đà Hườn. Đến ngày thứ bảy, thời hạn ngăn cấm con đường đi bát của Đức Bổn Sư đã mãn. Bên dưới tòa lầu, con ngựa báu mang tên Maṅgala (Hạnh Phúc) của vua Thiện Giác
sanh chứng bất kham, cứ đá mãi vào tường vách. Đức vua ngồi trên lầu, nghe tiếng động, hỏi quan hầu:

– Cái gì thế?
– Tâu hoàng thượng, con ngựa Maṅgala sanh chứng!

Con ngựa nầy không ai chế ngự nổi, chỉ có thấy mặt Đức vua Thiện Giác thì nó mới chịu đứng yên. Khi ấy, Đức vua muốn xuống lầu để bắt con ngựa, liền từ chổ ngồi đứng dậy, đi ra đến ngạch cửa, hai cánh cửa tự động mở hoác ra, nên Đức vua lại đứng ngay đầu cầu thang. Hai lực sĩ đứng gác liền nắm cổ Đức vua ném xuống tầng dưới. Cùng một cách như thế, cả bảy tầng cửa đều tự động mở rа, các đầu cầu thang cũng lần lượt hiện ra trước mặt Đức vua và ở mỗi tầng, hai người lực sĩ đều nắm cổ Đức vua mà ném xuống phía dưới. Thế rồi, khi Đức vua tuột xuống đến chân cầu thang ở dưới tòa vương cung, mặt đất liền nứt ra một khoảng lớn thâu hút Đức vua. Đức vua băng hà sanh vào Địa ngục A tỳ.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đức vua giận Phật bỏ con mình,
Bắt ghế ra ngồi giữa lộ trình,
Cản Phật không cho qua lấy bát,
Phật cười, quay lại, chỉ làm thinh!
Trưởng lão A Nan Đa bạch rằng:
“Ngài cười có ý nghĩa chi chăng?”
“Đến ngày thứ bảy thì vua chết,
Đất sụp, chôn Ngài dưới cuối thang”.
Quả nhiên Đức Phật nói không sai!
Tránh được tử thần chẳng có ai,
Dưới biển, trên trời, trong động đá,
Không nơi ẩn nấp sống dằng dai.
DỨT TÍCH VUA THIỆN GIÁC BI ĐẤT RÚT

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 203

Post Views: 563