50. CHUYỆN NHỮNG KẺ VÔ TRÍ (Tiền thân Dummedha)

Với ngàn kẻ vô trí…

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về các hành vi đem lại lợi ích cho đời. Câu chuyện này được kể ở Chương mười hai, Tiền thân Mahakanha số 469.

*

Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại. Bồ-tát nhập thai vị hoàng hậu của vua ấy. Từ bào thai sanh ra, trong ngày đặt tên, Bồ-tát được gọi là hoàng tử Brahmadatta (Phạm thọ). Khi đến mười sáu tuổi, ngài được khéo giáo dục ở Takkasila, đã học thành thục ba tập Vệ đà, và đã hiểu biết thông suốt mười tám ngành học thuật. Vua cha phong cho hoàng tử chức Phó Vương.

Lúc bấy giờ, các người dân ở Ba-la-nại thường hành lễ ngày lành cúng chư thần, họ đảnh lễ chư thần. Họ giết hại nhiều dê, cừu, gà… và không chỉ làm lễ vật cúng dường với nhiều loại hương hoa, mà cả với thịt tươi đầy máu nữa. Bồ-tát suy nghĩ: “Nay quần chúng thường hành lễ ngày lành cúng chư thần và giết hại nhiều sinh vật. Phần lớn quần chúng theo phi pháp. Sau khi cha mất, ta sẽ được cả quốc độ, ta sẽ tìm một phương tiện không làm phiền não một ai, và chấm dứt sự giết hại các sinh vật”.

Một hôm, Bồ-tát lên xe, từ thành đi ra, thấy một số quần chúng lớn tụ họp tại một cây thần lớn, cầu xin vị thần cây ban cho con trai, con gái, danh vọng, tài sản… muốn gì thì phát nguyện như vậy. Bồ-tát xuống xe, đi đến cây ấy, cúng dường với hương hoa, rưới cây với nước, đi quanh cây ấy về hướng phải, thành kính lễ bái thần cây. Sau đó Bồ-tát leo lên xe, rồi đi vào thành.

Từ đấy trở đi, với phương tiện này, Bồ-tát thỉnh thoảng đi đến cây ấy, đảnh lễ như người tôn thờ thần cây. Sau một thời gian phụ vương qua đời, Bồ-tát được đặt lên ngôi vua. Ngài từ bỏ Bốn con đường ác, thực hành Mười đức tính của một vị vua, và trị vì quốc độ đúng pháp. Ngài suy nghĩ: “Nay ý ta đã đạt được ý định cao tột, và được đặt lên ngôi vua. Trước kia, sở nguyện của ta như thế nào, nay ta phải thực hành cho kỳ được”.

Bồ-tát hội họp các đại thần, các Bà-la-môn, qúy tộc, gia chủ và nói:

– Các khanh có biết ý muốn của ta trước khi ta đạt được vương vị chăng?

– Thưa thiên tử, chúng thần không biết.

– Các khanh có thấy trước đây ta đảnh lễ thần cây ấy với hương hoa và chấp tay cúi lạy cây ấy hay không?

– Thưa thiên tử, có.

– Lúc ấy, ta phát nguyện: “Nếu ta được làm vua, ta sẽ hiến vật cúng cho thần cây ấy. Ta nhờ uy lực thần cây ấy, nên đã được quốc độ. Nay ta sẽ hiến cúng cho thần cây, các khanh chớ làm trở ngại. Hãy mau sửa soạn hiến vật cúng thần.

– Chúng thần lấy gì cúng dường thần cây?

– Này các khanh, ta có nguyện với thần ấy như sau: Tất cả những ai trong quốc độ của tôi chấp nhận và thực hành năm ác giới như sát sanh… và mười hạnh bất thiện, tôi sẽ giết những người ấy, và với nội tạng, thịt và máu của chúng, tôi sẽ hiến vật cúng thần! Lời nguyện của ta là vậy. Các khanh hãy đánh trống bá cáo như sau: Ðại vương của chúng ta, khi còn làm phó vương, có phát nguyện: “Nếu ta đạt được quốc độ, những ai là kẻ theo ác giới trong nước ta, ta sẽ giết tất cả chúng làm vật hiến cúng thần! Vậy nay ta sẵn sàng bảo giết một ngàn người nào chấp nhận và thực hành năm ác giới và mười ác hạnh, cho lấy tim và thịt của chúng để làm vật hiến cúng thần. Như vậy, nay ta tuyên bố cho các thị dân được biết.”

Vua lại tuyên bố như sau:

– Chỉ những ai, bắt đầu từ hôm nay, còn phạm các giới ác hạnh, một ngàn người như vậy sẽ bị giết để làm lễ tế đàn và ta sẽ giải tỏa hạnh nguyện của ta.

Ðể ý nghĩa này được rõ ràng, Bồ-tát đọc bài kệ:

Với ngàn kẻ vô trí,
Ta nguyện giết tế lễ,
Nay ta sẽ làm lễ,
Giết những kẻ phi pháp.

Các bậc đại thần vâng theo lời Bồ-tát, cho đánh trống bá cáo trong thành Ba-la-nại, khắp cả mười hai dặm. Khi nghe lời bá cáo, không có đến một người dám đứng lên làm ác giới ác hạnh.

Suốt thời gian Bồ-tát trị vì quốc độ như vậy, không một ai phạm pháp. Bồ tát không làm phiền não một ai, khiến toàn thể nhân dân trong nước gìn giữ giới luật, tự mình làm các công đức như bố thí… cho đến khi mạng chung, ngài mang theo hội chúng của mình đi đến và tràn ngập cả thành phố chư Thiên.

*

Bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai sống đem lại lợi ích cho đời, thuở trước Như Lai cũng đã làm như vậy.

Sau khi thuyết pháp thoại này xong, và kết hợp hai câu chuyện, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:

– Thời ấy, quần thần là hội chúng đức Phật và vua Ba-la-nại là Ta vậy.

-ooOoo-

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 35

Post Views: 330