BĀVARĪ VỊ THẦY BÀ LA MÔN ( khoảng 20 vị đại trưởng lão của Phật từng là đệ tử vị này)

BĀVARĪ VỊ THẦY BÀ LA MÔN ( khoảng 20 vị đại trưởng lão của Phật từng là đệ tử vị này)

BĀVARĪ VỊ THẦY BÀ LA MÔN ( tiếp theo)

Trong mười sáu đệ tử thân cận của ẩn sĩ Bāvarī, thì người thứ mười lăm là Mogharāja, sau khi nêu ra câu hỏi đến Đức Phật và nhận được những câu trả lời, đã chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với những đệ tử riêng của họ gồm một ngàn người của mỗi vị. Tất cả họ đều được Đức Phật truyền phép xuất gia ‘Thiện lai tỳ khưu.” Pingiya, người đệ tử thân tín thứ mười sáu và cũng là cháu trai của Bāvarī, lúc bấy giờ ông ta được 120 tuổi, đã hỏi Đức Phật câu hỏi này:

Jiṇṇohamasmi abalo vītavaṇṇo, nettā na suddhā savanaṃ na phāsu. Maham nassaṃ momuho antarāva,

ācikkha dhammaṃ yam ahaṃ vijaññaṃ. Jātijarāya idha vippahānaṃ.

(Bạch Thế Tôn,) con đã tiều tụy bởi tuổi già, yếu ốm xanh xao. Mắt tai của con bị suy yếu. Con không muốn chết trong vô minh dày đặc trước khi hưởng được lợi ích trong giáo pháp của Ngài. Bởi vậy xin hãy chỉ cho con thấy, ở đây ngay trước mặt Ngài, pháp siêu thế có thể đoạn trừ sanh và già.

Pingiya rất lo lắng về sự suy yếu tấm thân của vị ấy. Vị ấy đã ái luyến với tấm thân của mình. Để đạt được cái nhìn ly ái về thân, Đức Phật đã dạy vị ấy như vầy:

Disvāna rūpesu vihaññamane, rūppanti rūpesu janā pamattā. Tasmā tuvaṃ Piṅgiya appamatto, jahassu rūpaṃ apunabbhavaya.

(Này Pingiya), đám người dể duôi bị hoại vong do bởi sắc pháp. Sau khi tự mình trông thấy sắc pháp là nguyên nhân của đau khổ như thế nào thì đối với những người dể duôi, hãy chánh niệm và đoạn trừ tham ái đối với sắc pháp để kiếp sống mới không thể sanh khởi.

(Đức Phật giảng giải pháp hành cần thiết (patipatti) đưa chúng sanh đến đạo quả A-la-hán để kiếp sống mới không thể sanh khởi), tuy nhiên Pingiya đã già và tâm chậm chạp. Bởi vậy vị ấy không thể đạt được sự giác ngộ ngay. Vị ấy đặt thêm một câu hỏi nữa trong câu kệ sau đây, để tán dương trí tuệ vô biên của Đức Phật.

Disā catasso vidisā catasso, uddhaṃ adho dasa disā imāyo.

Na tuyhaṃ adiṭṭhaṃ asutaṃ amutaṃ,

atho aviññātaṃ kiñcanaṃ atthi loke.

Ācikkha dhammaṃ yaṃ ahṃ vijaññaṃ,

jātijarāya idha vippahānaṃ.

(Bạch Thế Tôn,) trong tất cả bốn hướng chính, bốn hướng phụ, bên trên, và bên dưới, trong tất cả mười phương, không có cái gì trong thế gian mà Ngài không thấy, không nghe, không biết hay không hiểu. Xin hãy chỉ cho con được thấy, ở đây ngay trước mặt Ngài, pháp siêu thế mà có thể đoạn trừ sanh và già.

Đức Phật lại chỉ ra pháp hành cần thiết dẫn đến Niết bàn như sau:

Taṇhādhipanne manuje pekkhamāno, santāpajāte jarasā parete.

Tasmā tuvaṃ Piṅgiya appamatto,

jahassu taṇhāṃ apunabbhavāya.

(Này Pingiya), phần đông bị khổ bởi ái dục của chính họ. Sau khi tự mình trông thấy họ bị tàn rụi bởi quá trình già lão liên tuc, hãy chánh niệm và đoạn trừ ái dục đối với năm dục, đối với sanh hữu và đối với phi hữu để kiếp sống mới không thể sanh khởi.

Vào lúc kết thúc thời pháp mà đỉnh cao của nó là đạo quả A-la-hán, Pingiya chứng đắc A-na-hàm đạo, tầng đạo thứ ba. Trong khi đang nghe pháp, tâm của Piṅgiya bị phóng dật, vị ấy cảm thấy hối tiếc cho người chú Bāvarī của vị ấy đã đánh mất cơ hội được nghe một bài pháp thâm sâu như vậy. Vì vậy vị ấy đã không thể chứng đắc đạo quả A-la-hán. Một ngàn đệ tử của vị ấy đều trở thành A-la-hán. Trong tất cả họ, Piṅgiya là bậc A-na-hàm và những đệ tử của vị ấy là những bậc A-la-hán, tất cả họ đều được Đức Phật truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu.

(Câu hỏi được mỗi người trong số mười sáu đệ tử của Bāvarī và những câu trả lời của Đức Phật đến họ được biên soạn thành những bài kinh riêng biệt bởi những vị Kiết tập Tạm tạng, như bài kinh Ajita, v.v… Câu chuyện chính và mười sáu bài kinh đã được cho nhan đề là Pārāyana Sutta bởi vì chúng đã vượt qua bờ bên kia (Nibbāna,) của đại dương luân hồi).

Vào lúc kết thúc bài kinh Pārāyana, mười sáu vị đạo sĩ đã chứng đắc đạo quả A-la-hán, tức là tất cả đều trở thành những bậc A-la-hán ngoại trừ Piṅgiya. Mười bốn koṭi thính chúng (140 triệu) cũng chứng đắc các tầng đạo quả khác nhau, sau khi đã liễu ngộ Tứ thánh đế.

Đông đảo thính chúng nghe giảng bài kinh Pārāyana Sutta mà đến từ nhiều nơi khác nhau trở về nhà của họ vào lúc kết thúc thời pháp, nhờ oai lực của Dức Phật. Đức Phật trở về Savatthi có hằng ngàn vị A-la-hán đệ tử tháp tùng (ngoại trừ đại đức Piṅgiya).

Những bài pháp của Piṅgiya đến Bāvarī

Đại đức Piṅgiya không đi theo Đức Phật đến Sāvatthi bởi vì vị ấy đã nhận trách nhiệm tường thuật lại kinh nghiệm của vị ấy đến người chú. Vị ấy xin phép Đức Phật đi về chỗ ngụ của họ và nhận được sự đồng ý. Vị ấy đi đến bờ sông Godhāvarī bằng con đường hư không, và từ đó đi bộ đến chỗ ngụ.

Bāvarī ngồi chờ đứa cháu trai, vị ấy nhìn ra đường và trông thấy đại đức Piṅgiya trong tướng mạo của vị tỳ khưu, thay vì tướng mạo trước kia là ẩn sĩ với đồ dùng thường ngày. Vị ấy đoán ngay ra rằng Đức Phật đã sanh lên trong thế gian. Khi đại đức Piṅgiya đến trước mặt vị ấy thì vị ấy hỏi rằng: “ Thế nào, Đức Phật có sanh lên không?” “ Có thật, thưa Bà-la-môn, Đức Phật đã sanh lên trong thế gian. Đức Phật đã thuyết pháp cho chúng tôi trong khi đang trú ngụ ở điện thờ Pasanaka. Tôi sẽ truyền lại giáo pháp ấy đến ngài.” Khi nghe điều này, Bavari và năm trăm đệ tử của vị ấy sửa soạn một pháp tọa đặc biệt dành cho đại đức Piṅgiya, để bày tỏ sự tôn kính to lớn. Sau đó đại đức Piṅgiya ngồi vào Pháp tọa và thuyết một bài pháp gồm mười lăm câu kệ đến Bāvarī, bài kinh có nhan đề là Pārāyanānugīti. ( Xem bản kinh Pali trong Kinh tập Sutta Nipāta. Một bài văn xuôi dịch từ nó như sau).

Đại đức Piṅgiya thuyết giảng như vầy:

“Tôi sẽ cố gắng làm vang dội giáo pháp của Đức Phật về Pārāyana: Đức Phật, bậc A-la-hán đã hết sạch bụi nhơ (của si mê), có trí tuệ rộng lớn như quả đất, đã thoát khỏi các dục, đã làm trống vắng khu rừng phiền não, đã thuyết giảng giáo pháp mà Ngài đã giác ngộ. Tại sao Đức Phật nên nói một điều gì đó mà không thật?

Nào, bây giờ tôi sẽ tán dương Đức Phật, Bậc đã sạch hết bợn nhơ của si mê (moha), Bậc đã tẩy sạch ngã mạn (mana) và sự vô ơn (makkha).

Thưa Bà-la-môn, Đức Phật đã đoạn trừ bóng tối của phiền não. Ngài có con mắt toàn tri. Ngài đã đến tận cùng của thế giới. Ngài đã vượt qua tất cả mọi hình thức của sanh hữu. Ngài đã thoát khỏi các lậu hoặc. Ngài đã chấm dứt hoàn toàn khổ (dukkha). Ngài có danh hiệu là ‘Bậc Tỉnh Giác’. Thưa Bà-la-môn, đây là bậc mà tôi đã đi đến.

Thưa Bà-la-môn, giống như con chim rời bỏ những bụi cây thấp ít trái cây, và bay đến khu rừng đầy các loại trái, cũng vậy tôi đã

rời khỏi hội chúng của những tâm kém cõi, và giống như con thiên nga vàng, đã đi đến hồ nước lớn chứa trí tuệ thâm sâu.

Thưa Bà-la-môn, trước thời gian thuyết giảng của Đức Phật Gotama, các vị giáo chủ khác đã công bố quan điểm của họ với tôi rằng: ‘ Đây là cách mà nó đã luôn như thế, và đây là cách mà nó sẽ luôn luôn như vậy’. Chúng chỉ là kiến thức đồn đãi căn cứ vào sự truyền khẩu. Chúng chỉ dùng làm những nguồn suy luận bất thiện liên quan đến các dục, v.v…

Thưa Bà-la-môn, Đức Phật Gotama mà tôi đã đi theo là bậc vô song. Ngài đã tinh tấn đoạn trừ bóng tối. Ngài có một vầng hào quang quanh thân và phát ra ánh sáng trí tuệ khắp nơi. Đức Phật Gotama, bậc đạo sư của tôi có trí tuệ gây kinh cảm. Trí tuệ của Ngài vô tận như quả đất.

Thưa Bà-la-môn, Đức Phật đã giảng dạy cho tôi về Pháp mà có thể tự thân chứng ngộ, có kết quả tức thì, dẫn đến sự chấm dứt ái dục, và dẫn đến Niết bàn tịch tịnh. Đức Phật ấy, là đạo sư của tôi, bậc tối thượng.

(8-9) Nhân đó Bavari đã hỏi Pingiya như vầy: “ Này Pingiya, nếu Đức Phật thuyết giảng giáo pháp được tự thân chứng ngộ, có kết quả tức thì, dẫn đến sự chấm dứt ái dục, và dẫn đến sự an tịnh vắng lặng tất cả phiền não, và nếu Đức Phật là bậc tối thượng, có trí tuệ gây kinh hoàng, và trí tuệ vô tận như quả đất, thế thì tại sao ngươi lại ở xa Ngài? (Bāvarī quở trách đứa cháu vì đã không ở gần một bậc vĩ nhân như Đức Phật).

(10-11) Thưa Bà-la-môn, Đức Phật, đạo sư của tôi, đã giảng dạy cho tôi về Pháp mà có thể tự thân chứng ngộ, có kết quả tức thì, dẫn đến sự chấm dứt ái dục, và dẫn đến Niết bàn tịch tịnh. Ngài có trí tuệ gây kinh cảm, và trí vô tận như quả đất. Thật ra, tôi không ở xa Ngài cho dù trong giây lát.

Thưa Bà-la-môn, với chánh niệm tôi đang trông thấy bằng tâm của tôi rõ ràng như bằng đôi mắt của tôi, tôi đang trông thấy Ngài ban ngày hoặc ban đêm. Ban đêm tôi tưởng nhớ tánh chất

vĩ đại của Ngài với sự tôn kính. Đó là lý do tôi không bao giờ tự cho mình ở xa Đức Phật dầu trong giây lát.

Thưa Bà-la-môn, sự tin chắc của tôi, sự hân hoan của tôi, và chánh niệm của tôi, không bao giờ rời xa Giáo pháp của Đức Phật Gotama. Bất cứ chỗ nào mà Đức Phật, bậc có trí tuệ vô biên, đi đến thì bằng tâm của tôi, tôi cúi mình về hướng đó trong sự tôn kính đảnh lễ của tôi.

Thưa Bà-la-môn, chính vì tuổi già của tôi mà tôi không thể dùng thân đến gần Đức Phật được. Nhưng tôi luôn luôn đi đến Ngài bằng tâm của tôi. Tâm của tôi luôn luôn gắn bó với sự hiện diện của Ngài.

Thưa Bà-la-môn, tôi đã từng nằm trong vũng sình của dục lạc, tâm luôn luôn dao động, trong khi trôi dạt từ hải đảo này đến hải đảo khác, tức là trong khi nương trú theo đạo sư này đến đạo sư khác. Giờ đây tôi đã gặp bậc Đạo sư, (tại điện thờ Pāsāṇaka) Bậc đã thoát khỏi các lậu hoặc, đã vượt qua bộc lưu của Saṃsāra.

(Chú ý: Đại đức Pingiya đã trở thành bậc thánh, có thể gọi ông cậu của mình là ‘Brahmin’, chứ không gọi là ‘cậu’. Về phần Bāvarī vị ấy thường gọi đứa cháu trai là ‘Piṅgiya’ và không có ý định bất kính với vị tỳ khưu khi gọi vị ấy bằng tên).

Đức Phật phóng hào quang và thuyết pháp

Vào lúc cuối của câu kệ thứ mười lăm ở trên, Đức Phật biết rằng đại đức Piṅgiya và cậu Bavari của vị ấy đã đủ duyên để thọ lãnh trí tuệ bậc cao, năm căn của họ (tín, tấn, niệm, định, tuệ) đã chín muồi, và Ngài phóng hào quang của một vị Phật đến họ trong khi đang ở tại tịnh xá Jetavana, thuộc kinh thành Sāvatthi. Hào quang kim sắc đã xuất trước mặt họ. Ngay khi đại đức Piṅgiya đang mô tả những ân đức cao quý của Đức Phật đến người cậu thì vị ấy trông thấy một tia sáng màu kim sắc và, khi chú ý cẩn thận đến nó, vị ấy trông thấy sự hiện diện của Đức Phật tựa như Ngài đang đứng ngay trước mặt vị ấy.

“ Xem kìa! Đức Phật đã đến!” Vị ấy thốt lên trong kinh ngạc.

Khi ấy Bavari đứng lên và đảnh lễ Đức Phật với hai tay chấp lại đưa lên trán. Bấy giờ Đức Phật gia tăng hào quang của Ngài và để cho Bavari trông thấy Ngài. Rồi Ngài thuyết một bài pháp thích hợp với Bavari và người cháu trai của vị ấy, nhưng chỉ nói với đại đức Piṅgiya:

Yathā ahū Vakkali muttasaddho,

bhadrāvudho Āḷavi Gotamo ca.

Evaṃ eva tvampi pamuñcassu saddhaṃ, gamissari tvaṃ Piṅgiya maccudheyyassa pāraṃ.

Này Piṅgiya, có những vị tỳ khưu đã chứng đắc đạo quả A-la-hán chỉ do sức mạnh đức tin nơi Tam bảo, đó là: Vakkali, Bhadrāvudha (một trong mười sáu đệ tử thân tín của Bāvarī), Gotama của Āḷavī. Như thế ấy, con nên đặt niềm tin nơi Tam bảo và bằng cách hướng niềm tin ấy đến Niết bàn, sự vượt qua bờ bên kia (tức Niết bàn) của đại dương saṃsāra mà vốn là lãnh địa của tử thần.

Vào lúc kết thúc thời pháp, đại đức Piṅgiya chứng đắc đạo quả A-la-hán. Bāvarī chứng đắc quả thánh A-na-hàm và năm trăm đệ tử của vị ấy chứng đắc quả Thánh Dự lưu.

Đại đức Piṅgiya đáp lại lời giáo giới ở trên của Đức Phật như

sau:

Esa bhiyyo pasīdāmi, sutvāna muninno vaco.

Vivaṭṭacchado Sambuddho, akhilo paṭibhānavā,

Adhideve abhiññāya, sabbaṃ vedi varovaraṃ. Pañhānantakaro Satthā, kaṅkhinaṃ paṭijānataṃ.

Bạch Đức Thế Tôn, những lời của bậc Đại Sa môn (Mahāmuni), của Đức Phật, làm con thỏa mãn sâu sắc. Niềm tin của con nơi

Tam bảo được tăng cường. Đức Phật đã dở bỏ nóc nhà saṃsāra. Ngài đã thoát khỏi những cây tên phiền não. Ngài có trí tuệ phân tích.

Bậc Toàn giác đã hóa giải tất cả mọi vấn đề và là đạo sư của những người đã lầm lạc cho mình đã thoát khỏi hoài nghi, biết những bậc thanh tịnh tối thắng hơn những bậc vĩ đại nhất của chư thiên và nhân loại, sau khi hiểu rõ qua trí tuệ siêu thế của Ngài tất cả những yếu tố dẫn đến thanh tịnh.

Asaṃhīraṃ asaṃkuppaṃ,

yassa n’atthi upamā kvaci.

Addhā gamissāmi na m’ettha kaṅkhā, evaṃ maṃ dhārehi adhimuttacittaṃ.

(Thưa bậc Đại Sa-môn), tự tại, bất động, và vượt ngoài mọi tiêu chuẩn của so sánh là Niết bàn không dấu vết dư sót của kiếp sống. Và con không còn hoài nghi rằng con sẽ đạt đến Niết bàn ấy. Cầu xin Đức Thế Tôn chấp nhận con là người đã hướng niềm tin đến Niết bàn, có tâm thoát khỏi các phiền não.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 17

Post Views: 253