2 đoạn trên được tìm thấy trong Vi diệu pháp nhựt dụng , có nhắc đến qua về làm thế nào để có thể nhiều đời nhiều kiếp sống hạnh phúc với nhau trong luân hồi ( pháp dành cho người muốn cư ngụ trong luân hồi )
039.- Nakulapita và Nakulamata.
Vào thời Đức Phật Thích-ca, có người gia chủ giàu sang tên Nakulapita và vợ của ông là bà Nakulamata. Cả hai đã sống bên nhau trải qua nhiều đời kiếp. Họ đắc quả vị Tu-đà-huờn (Sotapanna), kể từ khi họ đến yết kiến đức Phật lần đầu. Đôi vợ chồng nầy đã từng là bà con, hoặc chú, thiếm hoặc bác của Đức Phật, khi Ngài còn là Bồ-tát. Họ rất mến thương Đức Phật xem như con đẻ; cư xử rất thân tình và thường hỏi han nhiều điều. Một hôm, người chồng nói: “Thưa Tôn giả, tôi đã cưới Nakulamata làm vợ, từ ngày tôi còn trẻ. Từ bấy đến nay, tôi chẳng hề nghĩ đến sự phản bội đối với vợ tôi lần nào, nói chi là có sự ngoại tình. Tôi luôn luôn muốn được có mặt bên Nakulamata trong đời nầy và cả trong các kiếp sống luân hồi (samsara) nữa.”
Khi nghe chồng nói như thế, bà Nakulamata liền thật tình thưa rằng: “Thưa Tôn giả, tôi đến sống chung với chàng trong ngôi nhà nầy của chàng, từ hồi tôi còn trẻ. Từ dạo ấy đến nay, tôi chẳng hề tưởng nghĩ đến ai khác cả. Tôi luôn luôn muốn sống bên cạnh chàng trong đời nầy và cả các đời sau của kiếp luân hồi.”
Đức Phật bảo: “Nếu người đàn ông và người đàn bà sống chung nhau hoà hợp, muốn được ở mãi bên nhau trong nhiều đời kiếp, họ cần phải có chung một niềm tin (saddha), chung một giới đức (sila), chung một lòng nhơn từ bác ái (caga) và một trình độ ngang nhau về trí huệ (panna).
Lời Đức Phật có nghiã là: “Hễ người chồng có niềm tin thanh tịnh, thì người vợ cũng tin như vậy. Hễ người chồng giữ giới hạnh thanh tịnh thì người vợ cũng giữ gìn như thế. Nếu một trong hai người muốn bố thí, thì người kia cũng vui lòng và khuyến khích thêm. Trí huệ và kiến thức của hai người cũng phải ngang nhau.”
Một đoạn trong Pancavudha Pyo, bài cổ thi Miến-điện, diễn lại ý trên, như sau: “Trong cõi người, nếu vợ chồng sống chung hoà hợp nhau và muốn được mãi mãi bên nhau, nếu họ có chung một niềm tin, chung một giới đức, chung một tấm lòng nhơn từ rộng rãi và chung một sự tín nhiệm vào nhau, thì họ sẽ được sống mãi bên nhau trong kiếp Luân hồi, chẳng khác chi với chư Thiên huy hoàng cùng ngự trong cung điện ở cõi Trời trải qua nhiều đời kiếp tái sanh.”
040.- Ghi chú về câu chuyện Nakulapita và vợ.
Truớc hết, ta nên ghi nhận mối tình thấm thiết giữa đôi vợ chồng đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-huờn (Sotapanna) là quả vị đầu tiên trên con đường tu tập theo Chánh pháp. Thành thật thương yêu nhau, họ chẳng hề nghĩ đến việc phản bội, thất tiết cùng nhau. Tâm thức họ thật thanh tịnh, họ rất quí mến nhau nên chẳng hề muốn có lúc phải rời nhau. Họ luôn luôn mong muốn được sống chung bên nhau đời đời kiếp kiếp trong cõi Luân hồi (samsara). Mặc dầu sự ước mong được chung sống bên nhau là một mong muốn, chanda, một tâm sở còn dựa trên các tâm sở ái dục (tanha), tình thân (pema) và tham lam (lobha), nhưng các tâm sở nầy của đôi vợ chồng có đức hạnh cao quí chẳng những chỉ có hiệu lực ràng buộc kết hợp họ lại với nhau mà thôi, lại còn nhờ vào sự tu tập tất cả các hạnh lành, nên đã đưa họ đến bờ an vui.
Vi diệu pháp nhựt dụng
Nakulapita-Sutta
Kinh “Làm thế nào để gặp lại nhau trong các kiếp sống tương lai”
(Anguttara Nikaya, II, 61-62, PTS, 1885-1910)
“Có một lần Đấng Thế Tôn lưu ngụ với những người dân trong vùng Bhagga, gần thị trấn Sumsumaragiri, thuộc khu rừng Lộc Uyển, nơi hang Bhesakala. Một hôm, vào lúc tinh sương, Đấng Thế Tôn khoác thêm tấm y thượng (áo ấm) lên người, cầm bình bát và đi đến nhà một người chủ gia đình tên là Nakulapita. Khi đến nhà người này thì Đấng Thế Tôn ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho Ngài.
Người chủ gia đình Nakulapita và người nội trợ là Nakulamata (tức là vợ của Nakulapita), cả hai cùng tiến đến gần Đấng Thế Tôn vái chào Ngài rồi ngồi sang một bên. Sau khi an tọa Nakulapita cất lời thưa với Đấng Thế Tôn như sau:
“Bạch Thế Tôn, từ ngày con đem người nội trợ Nakulamata, lúc ấy còn trẻ dại, về sống nơi căn nhà này với con, con xin thú nhận rằng cho đến hôm nay con chưa bao giờ lừa dối vợ con dù chỉ trong tư tưởng, huống chi bằng hành động thì lại còn khó để mà xảy ra hơn nữa. Bạch Thế Tôn, chúng con hằng mong ước lúc nào cũng nhìn thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và sẽ còn nhìn thấy nhau trong kiếp sống tương lai”.
Sau đó lại đến lượt người nội trợ Nakulamata cất lời thưa với Đấng Thế Tôn như sau:
“Bạch Thế Tôn, từ khi con còn con gái và được mang về căn nhà này để chung sống với người chồng trẻ tuổi của con là Nakulapita, con xin thú nhận rằng cho đến hôm nay con chưa bao giờ lừa dối chồng con dù chỉ trong tư tưởng, huống chi bằng hành động thì lại còn khó để mà xảy ra hơn nữa. Bạch Thế Tôn, chúng con hằng mong ước lúc nào cũng nhìn thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và sẽ còn nhìn thấy nhau trong kiếp sống tương lai”.
Đấng Thế Tôn bèn cất lời với họ như sau:
“Này cả hai gia chủ, nếu cả vợ lẫn chồng ước mong lúc nào cũng nhìn thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và còn muốn tiếp tục nhìn thấy nhau trong kiếp sống tương, thì phải có cùng một niềm tin, một lòng rộng lượng như nhau, noi theo một nền đạo đức như nhau, thực hiện được một trí tuệ như nhau; [được như thế] thì cả hai sẽ nhìn thấy nhau cho đến hết kiếp sống này và sẽ còn nhìn thấy nhau trong kiếp sống tương lai”.
Nếu Đức Phật đã từng chứng minh cho chúng ta thấy qua hệ thống giáo lý siêu việt và vô cùng sâu sắc các quy luật toàn cầu chi phối sự vận hành của cả vũ trụ này, chẳng hạn quy luật tương liên, hiện tượng vô thường và bản chất trống không của vạn vật…, khiến cho các khoa học gia, triết gia và học giả Tây phương ngày nay phải kinh ngạc và thán phục, thì trong kiếp nhân sinh của Ngài, Ngài cũng đã từng ngồi xuống để lắng nghe những con người thật bình dị, đơn sơ và chất phác thổ lộ những ước mơ thật tự nhiên và chân thật của họ.
Tuy những ước mơ ấy phản ảnh bản chất bám víu và trói buộc đưa họ quay trở lại với thế giới ta-bà, thế nhưng Đức Phật không làm gì khác hơn được và đã chỉ cách cho họ để có thể tiếp tục nhìn thấy nhau, bằng cách hướng họ vào con đường của đạo hạnh, từ bi và trí tuệ. Đấy là con đường giúp cho họ đến một ngày nào đó sẽ tìm thấy sự giải thoát tối hậu. Dù cho con đường ấy có thật dài đi nữa, thế nhưng đấy cũng là những gì có thể giúp họ mang lại một ý nghĩa nào đó cho sự sống này, và nhất là sẽ giúp cho họ không nhìn thấy nhau “giống như hai xác chết” đang sống cạnh nhau trong kiếp nhân sinh này của họ.
https://thuvienhoasen.org/a13485/kinh-veranjaka-sutta-va-kinh-nakulapita-sutta
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 60