Những cư sĩ đầu tiên

Có một buổi sáng kia, ánh sáng bình minh đầu tiên vừa mới trải dài trên mặt đất, đức Phật đã một mình đi tản bộ trên bờ sông. Bỗng nhiên từ xa, có một thanh niên chạy đến với dáng vẻ điên cuồng, miệng không ngớt la thất thanh:

– Khổ quá! Tôi khổ quá!

Người thanh niên chạy đến gần chỗ đức Phật đang đứng, đức Phật dùng ánh mắt từ bi nhìn anh ta, anh ta cũng ngờ ngợ nhìn lại đức Phật. Tướng hảo trang nghiêm của đức Phật lập tức thâu nhiếp được tâm điên cuồng của anh ta, nên anh ta quỳ xuống trước mặt Ngài:

– Ngài có phải là vị mà người ta thường gọi là đức Phật đại từ đại bi không? Xin Ngài từ bi cứu con với! Con tên là Già Xá ở thành Ca Thi, con đang sống trong một tình trạng khổ sở và bất an. Hằng ngày, từ khi mặt trời vừa mới mọc con đã bị những chuyện thanh sắc tài lợi quấy nhiễu không ngừng. Hoàng hôn vừa phủ xuống và ánh đèn vừa thắp lên, thì các cô gái đẹp tập họp lại múa hát trong những buổi yến tiệc huy hoàng. Ban đầu con cũng đã từng một thời đắm say mê mẩn, nhưng ngày qua ngày, con thật tình không tìm được chút lạc thú nào trong đó nữa. Hôm qua khi tiệc vừa tan, con kéo lết cái thân mệt mỏi kiệt quệ này về nhà ngủ. Trong cơn hôn trầm mông lung ấy, con bị một cơn ác mộng khủng khiếp đánh thức và không ngủ lại được nữa. Con bèn ngồi dậy bước xuống giường và ra khỏi phòng ngủ, thì thấy cô đào hát tình nhân của con đang bỡn cợt với một anh kép hát. Lúc ấy con không dằn được, lửa giận hừng hực bừng cháy trong lồng ngực, thần kinh con đâm ra hỗn loạn, do đó con phát điên lên, nửa đêm bỏ nhà đi. Suốt quãng đường con như một người mù, chạy một cách điên cuồng, dường như có một sức mạnh nào đó thúc đẩy con. Trong ánh bình minh con chạy đến ven bờ sông Phược La Ca này và thấy hình như Ngài chính là người được xưng tán là bậc Đại Giác, là Phật. Xin Ngài cứu vớt con, tâm con đang hết sức phiền não.

Đức Phật từ bi đưa tay vỗ về Già Xá:

– Thiện nam tử! Ta chính là Phật mà ngươi nói đó. Ngươi không còn gì để phiền não bất an nữa, gặp ta rồi thì sẽ được an ổn tự tại. Bây giờ ngươi hãy tĩnh tâm lại suy nghĩ. Thế gian có buổi tiệc nào kéo dài mãi mà không tàn chăng? Người ta có thể nào thân mật ở chung với nhau hoài? Ngươi không nên buồn sầu, thế giới này căn bổn chỉ là hư ngụy. Trên thế giới này tất cả đều là vô thường, ngay thân thể của ta mà ta còn không thể nương tựa vào được, thì làm sao mà ta muốn có một người khác thuộc về ta? Cơ hội được độ của ngươi đã đến, ngươi nên xả bỏ hết mọi thứ đi!

Già Xá nghe được pháp âm của đức Phật, lửa oán giận trong lòng như được nước cam lồ tưới nhuần. Gã nhìn lên tướng hảo hiền từ của đức Phật, cảm động rơi nước mắt, vội quỳ xuống đất thống thiết cầu xin đức Phật cho phép mình xuất gia.

Đức Phật lại dùng ánh mắt từ bi lân mẫn chiếu tới Già Xá mà nói rằng:

– Già Xá, bây giờ ngươi nên lập tức trở về nhà, cha mẹ ngươi hiện đang sốt ruột lo lắng cho ngươi đó. Không phải cứ hễ bỏ gia đình thì gọi là xuất gia, vì tuy trên thân khoác áo xuất gia nhưng tâm vẫn nhiễm dục tình thế gian. Một người có thể ở trong chốn rừng sâu núi thẳm nhưng vẫn thường nhớ nghĩ đến những chuyện danh lợi, người ấy không thể gọi là xuất gia được. Còn một người khác thân đeo chuỗi ngọc quý đẹp, sống trong thế tục, nhưng tâm thì quang minh thanh tịnh, hàng phục được kẻ thù phiền não, đối với người khác không phân biệt kẻ oán người thân, và còn biết lấy chân lý mà giáo hóa họ thì đó gọi là người xuất gia chân chính. Vậy ngươi muốn làm hạng người xuất gia nào?

– Thế Tôn, Ngài khai thị ý nghĩa của việc xuất gia khiến con đã hiểu rõ ràng và có thể tiếp nhận được. Con thỉnh cầu Thế Tôn từ bi cho con xuất gia theo lối đoạn lìa phiền não, làm một kẻ đi gieo rắc chân lý, làm đệ tử của Ngài, của đức Phật cao cả.

Đức Phật bèn chấp thuận lời thỉnh cầu của Già Xá. Và từ đó chúng đệ tử của Phật ngày một thêm đông đảo.

Phụ thân của Già Xá là trưởng lão Câu Lê Ca, sáng sớm hôm sau thức dậy nghe gia nhân thưa lại nửa đêm Già Xá vô cớ bỏ nhà ra đi, không biết đâu mà tìm. Ông nghe xong kinh hoàng, lập tức ra lệnh cho gia nhân chia nhau đi bốn phương tám hướng mà tìm kiếm, chính ông cũng tự mình lên đường đi dò hỏi khắp nơi, nhờ thế mà ông lần mò ra tới bờ sông Phược La Ca. Trưởng lão Câu Lê Ca băng qua sông và đi đến chỗ đức Phật. Đức Phật bảo Già Xá lánh mặt, rồi tự thân ra tiếp trưởng lão Câu Lê Ca. Trưởng lão nói:

– Ông có phải là một vị sa-môn không? Tôi chưa từng thấy một vị sa-môn nào tướng hảo uy nghi như ông. Ông có thấy thằng con trai của tôi tên là Già Xá không?

– Xin mời ông ngồi xuống. Chắc chắn là chúng ta sẽ tìm ra được con trai của ông.

– Thật thế sao? Tôi thấy ông là một người cao quý, chắc chắn là không nói dối!

Trưởng lão Câu Lê Ca bèn ngồi xuống đối diện với đức Phật. Đức Phật bèn nói rõ cho ông nghe những chân lý như: con người cần những lợi lạc của công đức bố thí, trì giới như thế nào, rồi lại nói đến những phiền não đau khổ mà loài người thường phải chịu, và phú quý như bọt bèo trên mặt nước, không thể dựa nhờ được. Trưởng lão Câu Lê Ca nghe đức Phật khai thị như thế, vô cùng cảm động. Đến khi biết được Ngài chính là thái tử Tất Đạt Đa của nước Ca Tỳ La đã xuất gia thành đạo, vừa cảm kích vừa phấn chấn tinh thần, ông bất giác quỳ xuống trước đức Phật mà đảnh lễ. Lúc ấy đức Phật mới gọi Già Xá ra gặp mặt cha.

Thật ra trưởng lão vốn nghi rằng Già Xá đã tự sát rồi, nay thấy con mình vẫn còn sống mạnh khoẻ như thường lại còn quy y với đức Phật nữa, ông mừng rỡ không bút nào tả xiết, và rất tán thành việc Già Xá xuất gia. Chính ông cũng xin quy y, làm một vị đệ tử tại gia của Ngài. Đó là vị đệ tử ưu-bà-tắc đầu tiên của đức Phật.

Câu Lê Ca lại khẩn khoản xin cầu đức Phật đến nhà mình hôm sau để được cúng dường. Hôm sau, đức Phật đưa sáu người đệ tử đến thọ cúng xong, mẹ của Già Xá cũng xin quy y dưới tòa Như Lai, làm người tín nữ tại gia, sống một đời sống gia đình thấm nhuần Phật pháp. Đó là vị đệ tử ưu-bà-di thứ nhất của đức Phật.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 46

Post Views: 576