Vua Lưu Ly – tích về tạo đại ác nghiệp và lãnh báo (Virudhaka)
Vua Lưu Ly – tích về tạo đại ác nghiệp và lãnh báo (Virudhaka)
Tỳ Lưu Ly là con trai của vua Ba Tư Nặc ( Pasenadi) và hoàng phi họ Thích ( thân phận thấp kém là con của vua MaHaNam và người phụ nữ giai cấp thấp). Do 1 lần về quê ngoại chơi Tỳ Lưu Ly vô tình phát hình ra mình là con của phụ nữ giai cấp nô lệ. Hơn thế khi về nước ,vua Ba Tư Nặc cũng cắt giảm rất nhiều ưu đãi với 2 mẹ con Tỳ Lưu Ly. Nhờ Đức Phật khuyên ngăn vua Ba Tư Nặc , thân phận của họ đã khôi phục. Tỳ Lưu Ly nuôi dưỡng sự thù hận từ đó, kết hợp với viên thân cận cũng có mối thù với vua Ba Tư Nặc ; nhân 1 lúc vua Ba Tư Nặc đi đỉnh lễ Đức Phật , hắn đã cướp ngôi giết thái tử Kỳ Đà, bức vua cha phải chạy đến Ma Kiệt Đà ( chết trên đường). Ngay sau đó thì đem quân sát hại dòng họ Thích…
Sinh ra thân phận tỳ nữ, một bước lên ngôi hoàng hậu, thật là một điều không phải dễ. Thế mà điều ấy đã thật sự xảy ra cho phu nhân Mạt Lợi. Bà sinh ra làm tỳ nữ, sau được làm vợ vua Ba Tư Nặc và trở thành hoàng hậu của nước Kiều Tát Di La. Chuyện gì đã xảy ra khiến cho cuộc đời bà có sự thay đổi to lớn ấy? Đó là do nhân duyên sau đây:
Thời ấy nước Ấn Độ cũng giống như dưới thời Chiến Quốc ở Trung Hoa, phân thành rất nhiều nước nhỏ, mà giàu mạnh nhất phải nói là nước Kiều Tát Di La.
Có một hôm, vua của nước Kiều Tát Di La là Ba Tư Nặc xin cầu thân với nước lân bang là Ca Tỳ La Vệ, vì ở Ấn Độ lúc ấy, Ca Tỳ La Vệ nổi tiếng là nước có nhiều mỹ nhân. Nước Ca Tỳ La Vệ tuy nhỏ bé nhưng không muốn đưa nàng công chúa xinh đẹp tuyệt vời của họ về làm vương phi nước Kiều Tát Di La, vì thế trưởng giả Ma Ha Nam trong thành mơi nghĩ ra một kế, đó là đưa cô tỳ nữ Mạt Lợi trong nhà cải trang làm công chúa, gả về làm hoàng hậu của vua Ba Tư Nặc.
Cả nước Kiều Tát Di La đã bị mắc lừa, và đây cũng là nguyên nhân đưa nước Ca Tỳ La Vệ đến chỗ diệt vong sau này.
Phu nhân Mạt Lợi tiến cung rồi, được tất cả mọi người tán thán nhan sắc kiều diễm cùng đức tính phúc hậu hiền lành, nên không một ai nghi ngờ hay đặt câu hỏi về thân thế của bà.
Được làm hoàng hậu, mặc thì chỉ mặc lụa là gấm vóc, ăn thì chỉ ăn sơn hào hải vị, lại được quốc vương sủng ái, cuộc sống của phu nhân Mạt Lợi thật là sung sướng.
Chẳng bao lâu sau, bà sinh hạ cho vua Ba Tư Nặc một vị thái tử. Vị thái tử này không ai xa lạ, chính là người sở hữu khu vườn xinh đẹp nhất được ông trưởng giả Cấp Cô Độc mua bằng vàng để dâng cúng cho đức Phật, tức là thái tử Kỳ-đà. Nhưng về sau thái tử không được lên làm vua vì bị người em là thái tử Lưu Ly giết chết.
Lưu Ly là hoàng tử thứ hai của phu nhân Mạt Lợi, không những giết anh mà còn giết luôn vua cha, đồng thời cũng đã tiêu diệt cả nước Ca Tỳ La Vệ, quê hương của mẫu hậu. Tại sao thái tử Lưu Ly tạo ra tội ác tày trời này? Đó cũng là do nhân duyên sau đây:
Lúc thái tử Lưu Ly còn bé đã cùng công tử Khổ Mẫu, con của một vị đại thần, sang nước Ca Tỳ La Vệ học bắn cung. Kỹ thuật bắn cung của dân nước Ca Tỳ La Vệ rất điêu luyện nên có rất nhiều vương tôn công tử từ các nước khác đến xin theo học.
Một hôm trong nước Ca Tỳ La Vệ, trên đường đi đến trường, thái tử Lưu Ly cùng công tử Khổ Mẫu đi ngang một ngôi nhà nguy nga tráng lệ, trong đó có một tòa giảng đường rất trang nghiêm. Thái tử Lưu Ly bèn trèo lên bảo tòa sư tử ngồi chơi. Lúc ấy có một đoàn người bước vào, thấy thái tử Lưu Ly trên tòa báu, nổi giận mắng rằng:
– Mi là con của một đứa nữ tỳ hạ tiện, làm sao cả gan bước vào tòa giảng đường linh thiêng của ta và làm ô uế bảo toà sư tử này? Mi có biết là bọn ta xây ngôi giảng đường này để tiếp rước bậc đại thánh là đức Phật Thích-ca về quê không? Làm sao một đứa ti tiện như mi lại có thể đặt chân đến một chỗ thanh tịnh như thế này, có mau mau cút đi cho ta không?
Tuy thái tử Lưu Ly còn rất trẻ nhưng tự ái đã bị tổn thương trước những lời sỉ nhục như thế, khuôn mặt đỏ bừng xấu hổ. Chàng lặng lẽ rời ngôi giảng đường đi thẳng một mạch về nước Kiều Tát Di La, cắn răng nghiến lợi nói với Khổ Mẫu rằng:
– Khổ Mẫu! Chuyện ngày hôm nay huynh hãy nhớ giùm tôi! Ngày nào tôi lên ngôi vua, thì việc thứ nhất là báo thù rửa cái nhục hôm nay!
Khổ Mẫu bản tính vốn hiếu chiến, nên nghe thái tử nói thế, khen ngợi rằng:
– Thái tử thật là dũng cảm! Tôi quyết sẽ giúp thái tử báo cừu, chỉ cần thái tử giữ vững chí khí ngày hôm nay!
Từ ngày hôm đó trở đi, thái tử ghi khắc trong lòng chuyện mình đã bị nhục mạ, lúc nào câu chuyện ấy cũng như đang diễn ra trước mắt, cho đến trong giấc ngủ, trong giấc mơ cũng không quên được. Vì thế mà chàng canh cánh lo nghĩ đến chuyện lên ngôi kế vị. Chàng thường thất vọng trước sức khoẻ tráng kiện của vua cha, và còn phiền não hơn nữa là sau vua cha còn có người anh là thái tử Kỳ-đà.
Ý muốn sớm rửa hận đã che mờ lương tâm lý trí của thái tử Lưu Ly, chàng hãm hại anh rồi giết chết vua cha, lập tức lên ngôi và phong Khổ Mẫu làm đại thần. Khổ Mẫu vô cùng kiêu ngạo, tâu rằng:
– Đại vương! Ngài có nhớ đã bị dòng họ Thích-ca sỉ nhục không? Chúng ta phải báo thù!
Vua Lưu Ly ngày đêm nhớ nghĩ chuyện cũ trong đầu, làm sao mà quên cho được. Ông nói một cách sôi nổi:
– Từ ngày hôm ấy trở đi, mối thù này đã khắc ghi sâu đậm trong lòng ta, vĩnh viễn không thể nào quên, chỉ hận là không được lên ngôi sớm! Khổ Mẫu, bây giờ đã đến thời rửa hận, ta không thể nhẫn nại được nữa. Khanh hãy mau triệu tập ba quân, chuẩn bị mọi sự!
Lệnh vua đưa ra ai dám không tuân, Khổ Mẫu bèn chọn lựa một cách nghiêm khắc những vị tướng sĩ tinh nhuệ nhất, và vua Lưu Ly thân hành kiểm duyệt. Xong đâu đó, họ kéo quân đến nước Ca Tỳ La Vệ.
Nước Ca Tỳ La Vệ giáp giới với nước Kiều Tát Di La, từ xưa đến nay hai nước vốn giữ tình lân bang tốt đẹp, quen sống hoà bình, dân chúng hai bên thường qua lại buôn bán với nhau, nên ngày vua Lưu Ly bất thần khởi binh vấn tội, khi quân lính giữ thành biết là tình thế không ổn thì đã quá trễ, đoàn quân của vua Lưu Ly đã rầm rộ tiến vào thành như nước triều dâng, bao vây cung điện của vua như một vòng vây sắt.
Chỉ trong vòng nửa ngày, trọn thành Ca Tỳ La Vệ bị họ tàn sát, và bất cứ người nào của dòng họ Thích-ca, dầu nam hay nữ cũng bị giết sạch. Tử thi ngổn ngang đầy đường, thật là một cảnh thảm thương không thể chịu thấu. Hôm ấy, dòng họ Thích-ca đã bị vua Lưu Ly diệt tận.
Lúc ấy, đức Phật đang thuyết pháp ở tinh xá Kỳ Viên trong thành Xá Vệ. Ngài biết chuyện, chỉ thở dài mà nói:
– Kẻ tội nhân vô đạo đại nghịch ấy chỉ trong bảy ngày là sẽ bị chết cháy trong lửa dữ, và chết rồi sẽ đọa xuống địa ngục Vô gián chịu khổ!
Đức Phật là bậc đại thánh, nói ra lời nào đều là lời chân thật, không thể không tin. Vì thế, khi các vị đại thần đương triều đem tin này trình lên vua Lưu Ly, thì ông vua này mặt xanh mày xám, tóc tai dựng đứng! Làm tội ác tày trời thì làm, nhưng làm người trên thế gian, ai là người không sợ chết, ai là người muốn chịu khổ? Đằng này đã chết mà còn phải chịu khổ, sức người nào kham nổi! Do đó vua Lưu Ly rất phiền não và sợ hãi. Khổ Mẫu đứng bên cạnh thấy thế tâu rằng:
– Đại vương! Xin ngài đừng sợ, đó chỉ là những lời dối trá bịp bợm. Đại vương thử suy nghĩ cũng biết, khi một người Bà-la-môn tới đây cầu xin chuyện gì mà không được, họ bèn nguyền rủa ngài, cầu cho ngài gặp đủ chuyện xui xẻo. Hôm nay ngài đã giết sạch dòng họ Thích-ca của Phật, thì làm sao ông ấy không thốt lời oán than? Phật và Bà-la-môn có điểm khác nhau là ông Phật hiện đang buồn rầu. Kệ, cho ông ấy cứ việc nguyền rủa. Đại vương, xin ngài hãy an tâm.
Tuy Khổ Mẫu nói những lời bùi tai như thế nhưng vua Lưu Ly không thể nào an tâm nổi, Khổ Mẫu bèn nghĩ ra một giải pháp:
– Đại vương, nếu thật sự ngài không an tâm được, thì thần có một giải pháp này bảo đảm chắc chắn thoát nạn. Chúng ta có thể lên một con tàu bơi ra ngoài khơi, chờ bảy ngày sau tai nạn qua rồi thì lại bơi về. Đó không phải là một giải pháp hoàn hảo hay sao?
Vua Lưu Ly quá phiền não nên đâm ra mê muội, chỉ còn biết nghe theo lời bày vẽ của Khổ Mẫu và ra lệnh chuẩn bị tàu bè. Ngay chiều ngày hôm ấy, vua Lưu Ly, Khổ Mẫu và một đoàn rất nhiều cung nữ mang theo những thứ cần dùng lên tàu, vội vàng nhổ neo ra khơi.
Những người này bình thường có bao giờ đi biển, nên đời sống trên biển đối với họ rất khổ sở. Tuy được bao nhiêu mỹ nữ bao quanh, được ăn những món ăn tuyệt diệu, nhưng vua Lưu Ly tâm vẫn bất an và sống thì không thoải mái, cảm thấy khó chịu vô cùng, một ngày dài dằng dặc tưởng bằng ba năm! Nhưng cứ qua đi một đêm là Khổ Mẫu lại lớn tiếng cổ võ:
– Qua được mấy ngày rồi, chỉ còn mấy ngày nữa thôi là chúng ta có thể trở về thành!
Tuy Khổ Mẫu hô hào như thế nhưng tai nạn vẫn không thể tránh khỏi.
Buổi sáng sớm ngày thứ bảy, Khổ Mẫu oang oang nói:
– Chỉ một đêm nữa thôi, ngày mai chúng ta sẽ về thành!
Đoàn cung nữ chịu hết nổi đời sống tù túng vô nghĩa trên tàu, cô nào cũng phiền trách Khổ Mẫu, nhưng nghe nói ngày mai sẽ về thành, ai nấy đều vui mừng tột độ.
Đêm về khuya, đèn đuốc trên tàu được đốt sáng choang huy hoàng, mọi người ca xang múa hát vô cùng huyên náo, họ trầm mình trong cuộc vui, quên hẳn mình đang ở trên biển để lánh nạn.
Có lẽ phúc báo của vua Lưu Ly đã đến thời kiệt tận, hay trời không dung dưỡng tội ác của ông nữa, nên đương lúc mọi người đang ăn chơi thích thú thì mặt trăng đang chiếu sáng trên không trung bỗng bị mây đen giăng phủ che kín và một trận cuồng phong nổi dậy.
Con tàu của vua Lưu Ly to lớn như thế mà cũng theo sóng biển lắc lư dao động không ngừng. Những tấm phướng, tấm màn treo trên cao bị gió thổi bay phần phật, chạm phải các ngọn đèn, lập tức bén lửa. Ngọn lửa bắt qua các tấm vách bằng gỗ và trong khoảnh khắc, giống như những con rắn lửa bay lượn khắp nơi.
Mọi người kinh hoàng, tuy trước mặt không có đường thoát nhưng ai nấy cũng luống cuống chạy loạn xạ. Cuối cùng vua Lưu Ly, Khổ Mẫu và đoàn cung nữ không một người nào trốn thoát, tất cả đều cùng con tàu to lớn chịu chung một số phận, là bị chết cháy ngay trên mặt biển, để rồi tất cả đều chìm xuống dưới đáy biển sâu.
Quả báo nhãn tiền mà vua Lưu Ly phải chịu là một tấm gương cho dân chúng Ấn Độ đương thời, đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ ràng rằng nhân quả báo ứng không sai một đường tơ kẽ tóc.
Trước đây, trong khi khảo cứu về sự kiện này[3], chúng tôi đã từng trăn trở trước phát ngôn được cho là của Đức Phật, khi nói với vua Tỳ Lưu Ly: Bóng cây của thân tộc Ta khiến cho Ta mát mẻ[4]. Nguyên gốc bản Hán: 親族之廕故勝外人[5]; kinh văn Pāli cũng ghi nhận: ñātakānam chāyā nāma sītala[6]. Liên hệ đến những quan điểm cơ bản của Đức Phật như vô ngã, bình đẳng, vị tha…thì dường như lập ngôn nêu trên chưa phản ánh đúng tầm mức một bậc vĩ nhân như Đức Phật.
Trong khi trầm tư về điều này, chúng tôi gặp được sự đồng cảm qua nhận định mang tính suy đoán của Giáo sư Hajime Nakamura: Điều hợp lý là cuộc tàn sát như vậy đã xảy ra sau khi Đức Phật diệt độ[7]. Cơ sở để nêu lên đoán định này của Giáo sư Hajime Nakamura là: Không có một tư liệu nào trong các tiểu sử Đức Phật, trong kinh điển và Luật tạng của Nikāya đề cập, mà duy nhất chỉ có một bản kinh Hán dịch[8]. Giáo sư Hajime Nakamura chỉ dừng lại ở đó mà không dẫn thêm tư liệu nào để cũng cố cho quan điểm của mình. Theo ông: Có thể người đời sau tưởng tượng những gì Đức Phật đáng lẽ đã làm nếu cuộc tàn sát như vậy đã thực sự xảy ra trong cuộc đời Ngài và vì thế huyền thoại phát sinh[9].
Từ những trăn trở của riêng bản thân cũng như những gợi mở mang tính đoán định của Giáo sư Hajime Nakamura, đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực làm sáng tỏ tồn nghi này.
Tỳ Lưu Ly là con trai của vua Pasenadi và bà Vāsabha Khattiyā[10]. Cuộc thảm sát vương tộc Sākya không thể diễn ra khi vua Pasenadi còn tại vị. Khảo cứu về cuộc đời và sự nghiệp vua Pasenadi đã chứng tỏ điều này.
1. Vương nạn Tỳ Lưu Ly không thể diễn ra khi vua Pasenadi còn tại vị
Quan điểm này được xây dựng trên cơ sở truyền thống đạo đức của vương triều Kolala nói chung và của vua Pasenadi nói riêng, cũng như sự hùng mạnh của quốc gia Kosala về nhiều phương diện.
blankTrước hết, vua Pasenadi là một trong những vị vua ở Ấn Độ được kinh điển Phật giáo, cụ thể là kinh Tương ưng dành nguyên một chương để ghi lại. Từ những sự kiện giản đơn trong đời sống, cho đến những ưu tư trong lãnh vực trị nước an dân, và cả những trao đổi Phật pháp giữa vua Pasenadi với Đức Phật… đều được kết tập lại, gọi là Tương ưng Kosala[11]. Phần lớn những nội dung tương tự như Tương ưng Kosala cũng được phát hiện trong kinh Tạp A-hàm, quyển 46, thuộc Hán tạng[12]. Ở đây, nếu như con trai mình là Tỳ Lưu Ly gây ra thảm họa cho vương tộc Sākya, thì ít nhất phải có một vài dấu hiệu liên quan đến sự kiện ấy xuất hiện trong chương này. Vương nạn Tỳ Lưu Ly không xuất hiện trong Tương ưng Kosala và bản kinh chữ Hán tương đương, điều đó cho thấy sự kiện này có khả năng xuất hiện về sau.
Thứ hai, vua Pasenadi thương mẹ, thương dân, quần thần, ngay cả kẻ thù và nghiêm minh trong phép nước. Sở dĩ như vậy có lẽ do Đức Phật đã từng dạy Thập vương pháp cho vua Pasenadi[13]. Đầu tiên, khi hay tin mẹ già quá vãng, vua Pasenadi rất đau khổ, ông ước như có thể thay thế cái chết của mẹ bằng một con voi báu, một thôn ấp hay một quốc độ… ông cũng nguyện làm[14]. Với dân chúng, khi trả lời câu hỏi của hoàng hậu Malikā, đã chứng tỏ lòng thương dân của ông chất ngất: Nếu có một sự biến dịch đổi khác xảy đến cho dân chúng nước Kāsi và Kosala, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu não?[15] Chuyện tiền thân số 195 ghi rằng, vua Pasenadi tha chết cho một trọng thần, vì đã lỡ phạm tội thông dâm với nữ nhân trong cung nội[16]. Và ngay sau khi đánh bại, bắt sống Ajātasattu, vua Pasenadi không những tha chết, mà còn gã con gái duy nhất Vajirī Kumārī cho vua Ajātasattu[17], nhằm đem lại hạnh phúc và bình yên cho muôn dân trăm họ[18]. Đối với pháp luật, ông rất cẩn trọng và cân nhắc[19], không để ai phạm phải án oan và cực kỳ sáng suốt trong phân xử[20]. Đối với những kẻ phạm trọng tội, vua Pasenadi đã dành cho họ những hình phạt nghiêm khắc và nặng nề[21]. Tất cả những điều đó của vua Pasenadi đã làm nên sự hùng mạnh của vương quốc Kosala.
Thứ ba, vương tộc Kosala có truyền thống kính tín Tam bảo, từ người chị ruột, con ruột của vua Pasenadi, thậm chí cả nghịch tử Tỳ Lưu Ly. Theo Trưởng lão Tăng kệ và Trưởng lão Ni kệ, vua Pasenadi có một người chị gái, tên là Sumanā, nguyện chăm nom mẹ già. Sau khi mẹ vua Pasenadi quá vãng vào tuổi 120, Sumanā phát tâm xuất gia và đã chứng đắc Thánh quả, dù tuổi đã già[22]. Tương tự, vua Pasenadi còn cho phép con trai Brahmadatta xuất gia và Tôn giả này đã chứng đắc quả vị A-la-hán[23]. Không những vậy, nhằm giúp cho chị mình là Sumanā và chư Ni ở kinh đô nói chung có chỗ lưu trú, vua Pasenadi đã phát tâm xây một tinh xá gọi là Rājakārāma[24] (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là Vương Tự, hay Vương Lâm, người viết gọi là Chùa Vua). blankTinh xá này cũng xuất hiện trong kinh Giáo giới Nadaka, thuộc kinh Trung bộ, số 146. Trong một vài lần tham vấn Đức Phật, vua Pasenadi cũng dẫn theo Tỳ Lưu Ly, căn cứ vào những đối thoại Phật pháp giữa Tôn giả Ānanda và tướng quân Tỳ Lưu Ly trong kinh Kaṇṇakatthala đã cho thấy, Tỳ Lưu Ly cũng am hiểu Phật pháp phần nào[25].
Như vậy, với truyền thống mộ Phật của gia đình, cùng với sự anh minh tài trí của vua Pasenadi, đã làm cho Tỳ Lưu Ly khó có thể làm một điều gì đó trái đạo trong khi vua Pasenadi còn nắm vương quyền.
2. Tỳ Lưu Ly chưa soán ngôi khi Đức Phật và vua Pasenadi đã 80 tuổi
Giữa vua Pasenadi và Đức Phật có nhiều cuộc hội kiến, tuy nhiên cuộc hội kiến tại thị trấn Medatalumpa dường như là một hội kiến cuối cùng giữa hai người.
Theo kinh Pháp trang nghiêm[26], số 89 thuộc Trung bộ, trong một dịp tuần du tại thị trấn Nagaraka, được biết Đức Phật đang ở gần đó, vua Pasenadi đã bảo tướng quân Dīgha-Kārāyana chuẩn bị ngựa xe để đến thăm Đức Phật.
Trong cuộc hội kiến này, vua Pasenadi đã kể lại lòng kính tín Tam Bảo của mình, thể hiện qua tám việc đặc thù với Đức Phật, giáo pháp và đệ tử của Ngài, gọi pháp truyền thống (Dhammanvaya) của bản thân. Đặc biệt, trong điều cuối cùng, vua Pasenadi đã khẳng định một vấn đề quan trọng: Thế Tôn được tám mươi tuổi, con cũng được tám mươi tuổi[27] (Bhagavāpi āsītiko, ahamipi āsītiko). Kinh Trung A-hàm cũng xác chứng: Con đã tám mươi tuổi, Thế Tôn cũng tám mươi tuổi (我年八十,世尊亦八十)[28]. Cổ thư Tây Tạng không những xác nhận cả hai đều 80 tuổi mà còn bổ sung thêm, Đức Phật và vua Pasenadi cùng sanh trong một ngày[29].
Như vậy, khi Đức Phật và vua Pasenadi đều 80 tuổi, thì vương tử Tỳ Lưu Ly vẫn chưa soán ngôi vua. Theo kinh Đại-bát Niết-bàn, cũng trong năm đó, Đức Phật đã nhập Niết-bàn tại Kusinārā[30].
Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm vua Pasenadi và Đức Phật gặp nhau tại thị trấn Medatalumpa khi cả hai đã 80 tuổi, sự kiện này đã mở ra một thông tin mới: Đức Phật đã ghé thăm quê nhà lần cuối trước khi diệt độ ở Kusinārā. Vì lẽ, xét về khoảng cách và lộ trình, thị trấn Medatalumpa của vương tộc Sākya rất gần với Kusinārā và cách Vesāli rất xa, khoảng 375 dặm, theo cách tính của T.W. Rhys Davids[31]. Trong điều kiện giao thông ngày nay, khoảng cách đó có thể ngắn hơn.
blankTheo kinh Đại-bát Niết-bàn, sau kỳ an cư cuối cùng tại làng Beluvā ở thành Vesāli, Đức Phật tuyên bố ba tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết-bàn, và lúc này Ngài đã 80 tuổi[32]. Từ Vesāli, Ngài đã lần lượt đi qua các thành phố và thôn ấp như Bhandagāma, Hatthigam, Ambagama, Jambugama, Bhoganagara, Pāvā, vượt sông Kakuthā, sông Hiraññavatī và đến rừng sāla, thuộc Kusinārā Upavattana. Với những thông tin từ kinh Đại-bát Niết-bàn cho thấy, đây là chuyến du hành cuối cùng, và có thể kinh Niết-bàn đã lược bỏ địa danh Medatalumpa thuộc vương quốc Sākya, nhưng được kinh Pháp trang nghiêm đã kịp thời ghi nhận.
Trở lại sự kiện vương nạn Tỳ Lưu Ly, theo chuyện tiền thân số 465, chuyện Sāla – cổ thụ cát tường đã bổ túc phần tiếp theo câu chuyện ở kinh Pháp trang nghiêm. Trong thời gian vua Pasenadi vào hầu chuyện với Đức Phật tại Medatalumpa, tướng quân Dīgha-Kārāyana đã trộm lấy năm tín vật của vương quyền rồi sau đó trốn về Sāvatthī, tôn Tỳ Lưu Ly lên làm vua. Sau khi kết thúc cuộc hội kiến và bái biệt Đức Thế Tôn, nhận ra tình hình nguy cấp, vua Pasenadi không quay trở lại Sāvatthī, mà ngay tức khắc cùng với người hầu gái cưỡi ngựa thẳng đến Rājagaha nhằm tìm sự trợ giúp từ vua Ajātasattu. Do tuổi già, do khoảng cách quá xa[33] và khi đến Rājagaha thì trời tối nên cổng thành đã đóng, chính vì vậy vua Pasenadi đã đột ngột băng hà trong công quán trước cổng thành Rājagaha[34].
Theo tác giả J.P.Sharma trong tác phẩm Republics in Ancient India: Có thể Đức Phật cũng viên tịch sau khi vua Pasenadi mất tại cổng thành Vương-xá, và đứa con đam mê quyền lực (Tỳ Lưu Ly- người viết chú) thì không mặn mà lắm với những việc như tôn giáo hay thần minh[35]. Đề xuất quan điểm này, tác giả J.P.Sharma nhằm lý giải sự vắng mặt của đại diện vương triều Kosala trong tang lễ của Đức Phật.
3. Sự vắng mặt của đại diện vương triều Kosala và sự hiện diện của vương tộc Sākya trong tang lễ của Đức Phật
Theo ghi nhận của kinh Đại-bát Niết-bàn, trong những đại diện quốc gia, cá nhân và khu vực đến thỉnh cầu xá-lợi Phật về phụng thờ, không có đại diện nước Kosala[36]. Điều này được lý giải theo nhiều hướng.
Căn cứ vào lịch sử cho thấy, ở Sāvatthī có đến ba tinh xá lớn, đó là Jetavanārāma, Pubbārāma và Rājakārāma thường được Đức Phật quang lâm. Theo thống kê, Đức Phật đã trải qua 18 kỳ an cư tại Kỳ-viên tinh xá (Jetavanārāma), 6 kỳ an cư tại Đông Viên tinh xá (Pubbārāma)[37] và thi thoảng thuyết giảng tại tinh xá Vương Lâm (Rājakārāma)[38]. Gần nữa sự nghiệp hoằng pháp gắn liền với Sāvatthī, có hàng ngàn đệ tử xuất gia và tại gia tại nơi này, thế nhưng khi Đức Phật nhập Niết-bàn thì không có đại diện của nước Kosala tham dự tang lễ. Điều đó chứng tỏ, cùng thời gian này đã có một biến động quan trọng nào đó từ giai tầng lãnh đạo, hoặc đất nước Kosala đang diễn ra nội loạn bên trong. Ở đây, việc đại diện vương triều Kosala không có mặt trong tang lễ của Đức Phật tại Kusinārā, một địa điểm rất gần so với Rājagaha hay Vesāli; hơn nữa, tang lễ kéo dài tới bảy ngày, nhờ đó mà Trưởng lão Mahā Kasspa đã kịp về dự lễ hỏa táng[39]. Do vậy, có thể nói sự vắng mặt của đại diện vương triều Kosala tại tang lễ Đức Phật dường như báo hiệu một sự bất ổn về chính trị đang diễn ra trong nước.
Dựa trên kinh thư khả tín của Tây Tạng, tác giả W. Woodville Rockhill trong tác phẩm The life of The Buddha and the early history of His Order, đã bổ sung thêm, sau khi đăng quang vương vị, Tỳ Lưu Ly yêu cầu thái tử Jeta, người cùng với thương gia Anāthapiṇḍika xây dựng Kỳ-viên tinh xá, cùng cất quân chinh phạt vương quốc Sākya, thái tử Jeta đã thẳng thắn chối từ nên bị Tỳ Lưu Ly giết hại[40]. Việc tiếm đoạt vương quyền cũng như ổn định tình hình đất nước, và cân nhắc thời gian thuận lợi để khởi binh[41]… cũng đòi hỏi nhiều sức lực và thời gian. Thế nên theo chúng tôi, Tỳ Lưu Ly chưa thể phát binh chinh phạt vương quốc Sākya ngay sau khi lên ngôi.
Bên cạnh sự vắng mặt không rõ lý do của đại diện vương triều Kosala, thì sự xuất hiện của vương tộc Sākya thuộc khu vực kinh đô Kapilavatthu, trong khi phân chia xá-lợi đã đồng thời khẳng định: khi Đức Phật nhập Niết-bàn thì vương tộc Sākya không những đang sống bình yên, mà còn tỏ ra cường thịnh, khi đem xá-lợi Phật về xây tháp phụng thờ tại kinh đô Kapilavatthu.
blankLiên quan đến việc phụng thờ xá-lợi của vương tộc Sākya tại Kapilavatthu, theo ngài Huyền Tráng trong tác phẩm Đại Đường Tây Vức ký, quyển sáu, đã ghi nhận rằng, có hai bảo tháp thờ xá-lợi các vị cổ Phật quá khứ trong thành Kapilavatthu[42]. Một tháp cao hơn 30 thước và một tháp cao hơn 20 thước, bên cạnh tháp đều có trụ đá gắn đầu sư tử ở phía trên, kèm theo minh văn do vua Asoka ghi lại. Ở đây, cần lưu ý rằng, xá-lợi là của các vị Phật quá khứ, nhưng bảo tháp và trụ đá thì do vua Asoka dựng nên[43]. Mặc dù mãi đến hôm nay, các ngành khoa học hữu quan vẫn chưa phát hiện được xá-lợi Đức Phật Sākya cũng như của các vị cổ Phật tại Kapilavatthu, nhưng những nền móng tháp và trụ đá do vua Asoka xây dựng thì đã được phát hiện.
Từ sự kiện vương tộc Sākya ở Kapilavatthu nhận một phần xá-lợi Đức Phật để xây tháp phụng thờ, từ sự vắng mặt của đại diện vương triều Kosala trong tang lễ Đức Phật tại Kusinārā, đã bổ trợ thêm cho quan điểm, khi Đức Phật viên tịch thì vương nạn Tỳ Lưu Ly chưa xảy ra.
4. Nhận định
Vương nạn Tỳ Lưu Ly là một sự kiện có thực, vì ngoài phương diện tư liệu, sự kiện này còn được ngài Huyền Tráng xác tín bằng những di chỉ lịch sử.
Căn cứ vào lịch sử của vương triều Kosala nói chung và sự nghiệp của vua Pasenadi nói riêng, dựa trên sự kiện vương tộc Sākya có mặt tại thời điểm phân chia xá-lợi Đức Phật, đặc biệt là y cứ vào thông tin Đức Phật và vua Pasenadi đều thọ 80 tuổi ở kinh Pháp trang nghiêm; sau thời điểm đó, Tỳ Lưu Ly mới tiếm ngôi Pasenadi, đã cung cấp nhiều bằng chứng khả tín để kết luận: Tỳ Lưu Ly thảm sát vương tộc Sākya sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Từ sự thực mà chúng tôi đã minh chứng, đã đồng thời phủ định những huyền tích liên quan đến việc Đức Phật đã ba lần ngăn cản cuộc tiến công của Tỳ Lưu Ly, cũng như Ngài không hề tuyên bố: Bóng của thân tộc, mát hơn người ngoài (親族之廕故勝外人)[44], vì đây là lập ngôn của một tư duy hữu ngã.
[1]大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第六, 劫比羅伐窣堵國.
[2] Hán tạng: 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十六, 等見品第三十四; 大正藏第 04 冊 No. 0198 佛說義足經, 卷下, 維樓勒王經第十六; Nikāya: Thiền viện Viên Chiếu, Tích truyện Pháp cú, tập 1, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 339-357. Nguyên tác Anh ngữ: Eugene Watson Burlingame. Buddhist Legends. Vol 29. Viḍūḍabha wreaks vengeance on the Sākyas. Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1921. p. 30-46; Jataka, No.7; Jataka, No.465.
[3] Xem thêm bài viết của chúng tôi: Nghiên cứu về vương nạn Tỳ Lưu Ly và cuộc thiên di đến Gandhāra của dòng họ Thích. Xem, Thích Chúc Phú, Biện chính Phật học, tập 1, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.77-97.
[4] Kinh Tiểu bộ, tập 7, chuyện Sala – cổ thụ cát tường, Trần Phương Lan dịch, Viện NCPHVN, 2002, tr.648.
[5]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十六, 等見品第三十四.
[6] V. Fausboll. The Jātaka together with its commentary being tales of the anterior births of Gotama Buddha. Vol 4. London: Luzac and Company Ltd., 1963. p.152.
[7] Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, Trần Phương Lan, dịch, NXB. Phương Đông, 2011, tr.566. Nguyên tác tiếng Anh: Hajime Nakamura. Gotama Buddha. Trans. Gaynor Sekimori. Tokyo: Kosei Publishing Co., 2002, p.380.
[8] Theo chúng tôi thì có đến hai bản kinh chữ Hán cùng đề cập: 1. Kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm đẳng kiến, kinh số 2; 2. Kinh Nghĩa túc, quyển hạ, kinh Duy-lâu-lặc vương.
[9] Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, Trần Phương Lan dịch, NXB. Phương Đông, 2011, tr.566.
[10] Kinh Tiểu bộ, tập 7, Chuyện Sala – cổ thụ cát tường, Trần Phương Lan dịch, NXB. Viện NCPHVN, 2002, tr.648.
[11] Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.135-174.
[12]大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第四十六.
[13] Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Đại vương Janasandha, số 468, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.193.
[14] Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, NXB,Tôn Giáo, 2013, tr.167-168.
[15] Kinh Trung bộ, kinh Ái sanh, tập 2, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.138.
[16] Kinh Tiểu bộ, tập 3, chuyện Hòn núi đẹp, số 195, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.652.
[17] Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Lợn rừng của thợ mộc, số 492, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.366.
[18] Trường hợp này của vua Pasenadi rất giống trường hợp của vua Trần Nhân Tông. Theo lịch sử, vương triều nhà Lý và nhà Trần đã từng đánh bại quân Chiêm Thành, nhưng để xây dựng tình hòa hiếu, vua Trần Nhân Tông đã gã công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Mân sau đó đã dâng hai châu Ô, Lý làm vật dẫn cưới. Xem, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.96-97.
[19] Kinh Tiểu bộ, tập 3, chuyện Lời giáo giới cho vua, số 151, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.516.
[20] Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Bạn – thù, số 473. NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.214.
[21]Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, số 89, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr. 148. Xem thêm, kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ nhất, kinh Triền phược, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1993, tr.177-178; kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, truyện Nhà tù trói buộc, số 201, Trần Phương Lan dịch, NXB.TP.HCM, 2001, tr.412-413.
[22] Kinh Tiểu bộ, tập 2, Trưởng lão Ni kệ, chương 1, Sumanā xuất gia khi tuổi già, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.536.
[23] Kinh Tiểu bộ, tập 2, Trưởng lão Tăng kệ, chương 6, Brahmadatta, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.361-362.
[24] Kinh Tiểu bộ, tập 3, chuyện Nhảy mũi, số 155, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.530.
[25] Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Kaṇṇakatthala, số 90, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.159.
[26] Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, số 89, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.145-151.
[27] Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, số 89, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.150.
[28] 大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經卷第五十九, 法莊嚴經.
[29] Rockhill, William Woodville. The life of Buddha and the early history of his Order. London: Trubner & Co Ludgate Hill, 1884, p.114. Cf: I am aged and decrepit, fourscore years old, and the Blessed One is aged and decrepit, and (nearly) fourscore years old. And p.16: At the same time as the Buddha was born a son was born to King Aranemi Brahmadatta of Sravasti; from the whole country being illuminated at the time of his birth he was called Prasenajit.
[30] Kinh Trường bộ, kinh Đại-bát Niết-bàn, số 16, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, tr.336.
[31] T.W. Rhys Davids. Buddhist India. London: T. Fisher Unwin Adelphi Terrace – New Yord: G.P Putnam’s Sons, 1911, p. 17.n.1
[32] Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.303.
[33] Theo tư liệu của T.W. Rhys Davids, sau khi quy đổi đơn vị tính từ do-tuần (yojanas) qua dặm (miles), thì khoảng cách từ vương quốc Sākya đến Rājagaha khoảng 450 dặm; đến Vesāli khoảng 375 dặm; đến Sāvatthī khoảng 50-60 dặm. Xem thêm, T.W. Rhys Davids. Buddhist India. London: T. Fisher Unwin Adelphi Terrace – New Yord: G.P Putnam’s Sons, 1911, p.17.n.1
[34] Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Sala, cổ thụ cát tường, số 465, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.171.
[35] J.P Sharma. Republics in ancient India. Leiden: E.J. Brill, 1968. p. 184-185. Cf, Probably the death of the Buddha took place after King Pasenadi had passed away at the gates Rajāgaha, and his power-loving son was not very enthusiastic about things religious and theological.
[36] Kinh Trường bộ, kinh Đại-bát Niết-bàn, số 16, Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.348.
[37] H.W. Schumann, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch. NXB.TP.HCM, 2000, tr.252-253.
[38] Kinh Tương ưng bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.736.
[39] Kinh Trường bộ, kinh Đại-bát Niết-bàn, số 16, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.344.
[40] Rockhill, William Woodville. The life of Buddha and the early history of his Order. London: Trubner & Co Ludgate Hill, 1884, p.121.
[41] Đức Phật nhập Niết-bàn vào khoảng đầu mùa mưa. Khi mùa mưa đến thì không thể khởi binh, đó là cân nhắc của vua Pasenadi và cũng là thực tế dụng binh thời xưa. Xem, kinh Tiểu bộ, tập 3, chuyện Một nắm đậu, số 176, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.593.
[42] Hai vị Phật đó là, 迦羅迦村馱佛, tức Đức Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda-buddha), và 迦諾迦牟尼佛, tức Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni (Konakāmuni-buddha).
[43]大正藏第 51 冊 No. 2087 大 唐 西 域 記, 卷 第 六, 劫 比 羅 伐 窣 堵 國. Nguyên văn: 城 東 南 窣 堵 波,有 彼 如 來 遺 身 舍 利.前 建 石 柱,高 三 十 餘 尺,上 刻 師 子 之 像,傍 記 寂 滅 之 事,無 憂 王 建 焉… 次 北 窣 堵 波,有 彼 如 來 遺 身 舍 利,前 建 石 柱,高 二 十 餘 尺,上 刻 師 子 之 像, 傍 記 寂 滅 之 事,無 憂 王 建也 .Xem thêm, Étienne Lamotte. History Indian Buddhism. Paris: Institut Orientaliste Louvain La Neuve, 1988. p. 227.
[44]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十六, 等見品第三十四.
Chúc Phú
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 243