Dhamma Nanda937 Views  0 CommentsTRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

DHAMMA – ADHAMMA (ĐÚNG PHÁP VÀ SAI PHÁP)

Vào khoảng thời gian cuối hạ thứ 9, chưa đến hạ thứ 10 của Đức Phật Gotama, một sự kiện xảy ra tại ngôi chùa Ghositārāma, xứ Kosambī như sau:

Một nhóm tỳ khưu trì luật (vinayadhara) với một nhóm tỳ khưu trì kinh (suttantadhara) cãi cọ, tranh luận với nhau, do nguyên nhân bắt nguồn từ một việc nhỏ:

* Một vị tỳ khưu trì kinh đi ra khỏi nhà vệ sinh, để nước rửa còn dư trong ca.
* Một vị tỳ khưu trì luật đi vào nhà vệ sinh, nhìn thấy nước rửa còn dư trong ca…..

Với một chuyện nhỏ hiểu lầm nhau, dẫn đến chia ra thành 2 nhóm tỳ khưu, không chịu hành Tăng sự chung với nhau.
Hay biết sự việc xảy ra như vậy, nên Đức Phật ngự đến khuyên dạy mỗi nhóm tỳ khưu ấy không nên cãi cọ, tranh luận với nhau nữa, hãy nên sám hối, rồi cùng nhau hòa hợp, cùng nhau hành Tăng sự, nhưng không nhóm nào chịu vâng theo lời giáo huấn của Ngài.

Một hôm, Đức Thế Tôn ngự đi khất thực trong thành Kosambī, sau khi độ ngọ xong, Đức Thế Tôn một mình rời khỏi thành Kosambī, ngự đi vào khu rừng Pālileyyaka.

Một mình ngự tại khu rừng thanh vắng này Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Trước đây, hai nhóm tỳ khưu xứ Kosambī cãi cọ với nhau, tranh luận với nhau. Bây giờ, Như Lai ở một mình, không có người nào bên cạnh, vắng vẻ, yên tịnh biết dường nào!”

Đức Thế Tôn an cư nhập hạ thứ mười tại khu rừng Pālileyyaka này. Voi chúa Pālileyyaka chán ngán với cảnh sống chung chạ với đàn voi con nhỏ, nên nó lẩn tránh vào khu rừng này, gặp Đức Thế Tôn, nó cảm thấy vô cùng hoan hỷ làm bổn phận phục vụ hộ độ Đức Thế Tôn, như người đệ tử biết phận sự lo hầu hạ thầy.

Thấy voi chúa Pālileyyaka hộ độ Đức Thế Tôn, con khỉ phát sinh đức tin trong sạch cũng bắt chước hộ độ Đức Thế Tôn, hằng ngày, nó vào rừng tìm các loại trái cây chín ngon, đem về cúng dường đến Đức Thế Tôn.

Một hôm, con khỉ gặp tổ ong mật không còn con ong, nó đem về cúng dường lên Đức Thế Tôn.
Nhìn thấy Đức Thế Tôn dùng mật ong ấy, nó vô cùng hoan hỷ nhảy nhót, vì sơ ý rơi xuống đất chết. Sau khi chết, thiện nghiệp bố thí cúng dường mật ong ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam có tên là Makkaṭa devaputta: Vị thiên nam khỉ trong lâu đài nguy nga tráng lệ tại cõi trời Tam thập Tam thiên.

Dân chúng thành Kosambī hay biết tin Đức Thế Tôn một mình ngự vào khu rừng Pālileyyaka an cư nhập hạ, bởi vì hai nhóm tỳ khưu cãi cọ với nhau, tranh luận với nhau. Tuy Đức Thế Tôn ngự khuyên dạy hai nhóm tỳ khưu không nên cãi cọ với nhau nữa, nhưng hai nhóm tỳ khưu vẫn không vâng lời giáo huấn của Đức Thế Tôn nên toàn thể dân chúng thành Kosambī đều nhất trí với nhau rằng: “Chúng ta không đón tiếp, không đảnh lễ, không làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực đến hai nhóm tỳ khưu ấy.”

Khi hai nhóm tỳ khưu ấy đi khất thực trong thành Kosambī, không có ai cúng dường vật thực suốt 2-3 ngày liền chịu đói, cho nên, hai nhóm tỳ khưu ấy không còn thái độ cứng rắn như trước. Họ chịu sám hối với nhau, hòa hợp với nhau như trước. Hai nhóm tỳ khưu cùng nhau đi đến găp dân chúng trong thành Kosambī, báo cho dân chúng biết, tất cả họ đã hòa hợp với nhau rồi.

Sau 3 tháng mùa mưa an cư nhập hạ xong, Ngài Đại Đức Ānanda cùng nhóm 500 tỳ khưu rời khỏi kinh thành Sāvatthi, đi đến khu rừng Pālileyyaka, để hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ 500 tỳ khưu đều chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại nơi ấy.

Ngài Đại Đức Ānanda bạch với Đức Thế Tôn theo lời thỉnh mời của ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà Visākhā,… kính thỉnh Đức Thế Tôn ngự đến kinh thành Sāvatthi. Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Đức Thế Tôn ngự rời khỏi khu rừng Pālileyyaka cùng chư tỳ khưu lên đường đi đến kinh thành Sāvatthi. Voi chúa Pālileyyaka tiễn đưa Đức Thế Tôn ra đến bìa rừng, Đức Thế Tôn dạy voi chúa Pālileyyaka rằng:

– Này Pālileyyaka! Con nên trở lại khu rừng, từ đây trở ra thuộc địa phận loài người, có thể có hại đến con!

Nghe giọng phạm âm phát sinh từ tâm từ của Đức Thế Tôn, Voi chúa Pālileyyaka đứng lại nhìn theo với tâm kính yêu vô hạn. Khi Đức Thế Tôn vừa khuất, Voi chúa Pālileyyaka đứng chết tại nơi ấy, sau khi chết, thiện nghiệp phục vụ ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam tên là Pālileyyaka devaputta trong lâu đài nguy nga tráng lệ tại cõi trời Tam thập Tam thiên.

Khi đến kinh thành Sāvatthi, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana. Nghe tin tất cả hai nhóm tỳ khưu xứ Kosambī đang trên đường đến kinh thành Sāvatthi, để hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức Sāriputta đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, tất cả hai nhóm tỳ khưu xứ Kosambī sẽ đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, để xin sám hối. Vậy, con nên đối xử với họ như thế nào? Bạch Ngài.

Đức Phật khuyên dạy Ngài Đại Đức Sāriputta rằng:

– Này Sāriputta! Con nên đối xử với tất cả tỳ khưu ấy theo chánh pháp.

Ngài Đại Đức Sāriputta bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con nên biết phân biệt thế nào gọi là tỳ khưu nói tà pháp (adhammavādī), và thế nào gọi là tỳ khưu nói chánh pháp (dhammavādī)?

Đức Phật khuyên dạy rằng:

– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ khưu nói tà pháp có 18 điều như sau:

18 ĐIỀU TÀ PHÁP (Vinayapiṭaka. Bộ Mahāvaggapāḷi)

Tỳ khưu trong Phật giáo này là người:
1 – Thuyết giảng điều tà pháp mà nói là điều chánh pháp.
2 – Thuyết giảng điều chánh pháp mà nói là điều tà pháp.
3 – Thuyết giảng điều sai luật mà nói là điều đúng luật.
4 – Thuyết giảng điều đúng luật mà nói là điều sai luật.
5 – Thuyết giảng điều Như Lai không thuyết giảng mà nói là điều Như Lai thuyết giảng.
6 – Thuyết giảng điều Như Lai thuyết giảng mà nói là điều Như Lai không thuyết giảng.
7 – Thuyết giảng điều Như Lai không thường hành mà nói là điều Như Lai thường hành.
8 – Thuyết giảng điều Như Lai thường hành mà nói là điều Như Lai không thường hành
9 – Thuyết giảng điều Như Lai không chế định mà nói là điều Như Lai chế định..
10 – Thuyết giảng điều Như Lai chế định mà nói là điều Như Lai không chế định..
11 – Thuyết giảng điều phạm giới mà nói là điều không phạm giới.
12 – Thuyết giảng điều không phạm giới mà nói là điều phạm giới.
13 – Thuyết giảng điều phạm giới nhẹ mà nói là điều phạm giới nặng.
14 – Thuyết giảng điều phạm giới nặng mà nói là điều phạm giới nhẹ.
15 – Thuyết giảng điều phạm giới, rồi còn phạm giới nữa mà nói là điều phạm giới, rồi không còn phạm giới nữa.
16 – Thuyết giảng điều phạm giới, rồi không còn phạm giới nữa mà nói là điều phạm giới, rồi còn phạm giới nữa.
17 – Thuyết giảng điều phạm giới trầm trọng mà nói là điều phạm giới không trầm trọng.
18 – Thuyết giảng điều phạm giới không trầm trọng mà nói là điều phạm giới trầm trọng.
– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ khưu nói tà pháp có 18 điều như vậy.

18 ĐIỀU CHÁNH PHÁP

– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ khưu nói chánh pháp có 18 điều như sau:

Tỳ khưu trong Phật giáo này là người:
1 – Thuyết giảng điều tà pháp nói là điều tà pháp.
2 -Thuyết giảng điều chánh pháp nói là điều chánh pháp.
3 – Thuyết giảng điều sai luật nói là điều sai luật.
4 – Thuyết giảng điều đúng luật nói là điều đúng luật.
5 – Thuyết giảng điều Như Lai không thuyết giảng, nói là điều Như Lai không thuyết giảng.
6 – Thuyết giảng điều Như Lai thuyết giảng, nói là điều Như Lai thuyết giảng.
7 – Thuyết giảng điều Như Lai không thường hành, nói là điều Như Lai không thường hành.
8 – Thuyết giảng điều Như Lai thường hành, nói là điều Như Lai thường hành
9 – Thuyết giảng điều Như Lai không chế định, nói là điều Như Lai không chế định.
10 – Thuyết giảng điều Như Lai chế định, nói là điều Như Lai chế định.
11 – Thuyết giảng điều phạm giới, nói là điều phạm giới.
12 – Thuyết giảng điều không phạm giới, nói là điều không phạm giới.
13 – Thuyết giảng điều phạm giới nhẹ, nói là điều phạm giới nhẹ.
14 – Thuyết giảng điều phạm giới nặng, nói là điều phạm giới nặng.
15 – Thuyết giảng điều phạm giới, rồi còn phạm giới nữa, nói là điều phạm giới, rồi còn phạm giới nữa.
16 – Thuyết giảng điều phạm giới, rồi không còn phạm giới nữa, nói là điều phạm giới, rồi không còn phạm giới nữa.
17 – Thuyết giảng điều phạm giới trầm trọng, nói là điều phạm giới trầm trọng.
18 – Thuyết giảng điều phạm giới không trầm trọng, nói là điều phạm giới không trầm trọng.
– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ khưu nói chánh pháp có 18 điều như vậy.

TÀ PHÁP (Adhamma) đó là:
– 10 bất thiện nghiệp hoặc 10 ác nghiệp,
– 4 pháp chấp thủ: Tham dục chấp thủ, tà kiến chấp thủ, pháp thường hành chấp thủ, ngã kiến chấp thủ,
– 8 tà đạo (micchāmagga): Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
Tóm lại các ác pháp đều gọi là tà pháp (adhamma).

CHÁNH PHÁP (Dhamma) đó là:
– 10 thiện nghiệp.
– 37 Pháp chứng đắc Thánh Đạo (Bodhipakkhiya-dhamma): 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo.
Tóm lại các thiện pháp đều gọi là chánh pháp (dhamma).

TÀ PHÁP HOẶC CHÁNH PHÁP CÓ TẦM QUAN TRỌNG THẾ NÀO TRONG PHẬT GIÁO?

* Người nào thuyết tà pháp, giảng tà pháp đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não lâu dài không chỉ riêng cho người ấy, mà còn cho nhiều người liên quan khác nữa, nhất là làm cho Phật giáo suy thoái.

* Người nào thuyết chánh pháp, giảng chánh pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài không chỉ riêng cho người ấy, mà còn cho nhiều người liên quan khác nữa, nhất là làm cho Phật giáo phát triển.

Như trong Chi bộ kinh, phần 1 chi có 2 phần:
* Thuyết pháp làm cho chánh pháp suy thoái.
*Thuyết pháp làm cho chánh pháp phát triển.

Thuyết pháp làm cho chánh pháp suy thoái như thế nào?

Đức Phật thuyết dạy rằng:
1 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū adhammaṃ ‘dhammo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujana-ahitāya paṭipannā bahujana-asukhāya bahuno janassa anatthāya ahitāya dukkhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū apuññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ antaradhāpentī’ti.

2 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū dhammaṃ ‘adhammo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujana-ahitāya paṭipannā bahujana-asukhāya bahuno janassa anatthāya ahitāya dukkhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū apuññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ antaradhāpentī’ti.

3 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū avinayaṃ ‘vinayo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujana-ahitāya paṭipannā bahujana-asukhāya bahuno janassa anatthāya ahitāya dukkhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū apuññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ antaradhāpentī’ti.

4 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū vinayaṃ ‘avinayo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujana-ahitāya paṭipannā bahujana-asukhāya bahuno janassa anatthāya ahitāya dukkhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū apuññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ antaradhāpentī’ti.

Thuyết pháp làm cho chánh pháp phát triển như thế nào?

Đức Phật thuyết dạy rằng:

1 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū adhammaṃ ‘adhammo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujanahitāya paṭipannā bahujanasukhāya bahuno janassa atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū puññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ ṭhāpentī’ti.

2 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū dhammaṃ ‘dhammo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujanahitāya paṭipannā bahujanasukhāya bahuno janassa atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū puññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ ṭhāpentī’ti.

3 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū avinayaṃ ‘avinayo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujanahitāya paṭipannā bahujanasukhāya bahuno janassa atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū puññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ ṭhāpentī’ti.

4 – “Ye te bhikkhave, bhikkhū vinayaṃ ‘vinayo’ti dīpenti, Te bhikkhave, bhikkhū bahujanahitāya paṭipannā bahujanasukhāya bahuno janassa atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ.
Bahuñca te bhikkhave, bhikkhū puññaṃ pasavanti, te cimaṃ saddhammaṃ ṭhāpentī’ti… (Aṅguttaranikāya, Phần Ekakanipāta, Dutiyapamādādivagga)

Ý NGHĨA:

Thuyết pháp làm cho chánh pháp suy thoái như thế nào?

1 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều tà pháp (adhamma) mà nói là ‘chánh pháp’ (dhamma).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều không đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, không đem lại sự an lạc cho nhiều người, mà đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều tội lỗi, nhiều ác nghiệp, và còn làm cho chánh pháp suy thoái nữa.

2 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều chánh pháp (dhamma) mà nói là ‘tà pháp’ (adhamma).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều không đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, không đem lại sự an lạc cho nhiều người, mà đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều tội lỗi, nhiều ác nghiệp, và còn làm cho chánh pháp suy thoái nữa.

3 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều sai luật (avinaya) mà nói là ‘đúng luật’ (vinaya).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều không đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, không đem lại sự an lạc cho nhiều người, mà đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều tội lỗi, nhiều ác nghiệp, và còn làm cho chánh pháp suy thoái nữa.

4 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều đúng luật (vinaya) mà nói là ‘sai luật’ (avinaya).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều không đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, không đem lại sự an lạc cho nhiều người, mà đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều tội lỗi, nhiều ác nghiệp, và còn làm cho chánh pháp suy thoái nữa.

Tương tự như trên Đức Phật thuyết dạy:
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai không thuyết, không giảng (abhāsitaṃ alapitaṃ Tathāgatena) mà nói là Như Lai thuyết giảng (bhāsitaṃ lapitaṃ Tathāgatena)….

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai thuyết giảng (bhāsitaṃ lapitaṃ Tathā-gatena) mà nói là Như Lai không thuyết, không giảng (abhāsitaṃ alapitaṃ Tathāgatena)…..

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai không thường hành (anāciṇṇaṃ Tathā-gatena) mà nói là Như Lai thường hành (āciṇṇaṃ Tathāgatena) …..

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai thường hành ((āciṇṇaṃ Tathāgatena) mà nói là Như Lai không thường hành (anāciṇṇaṃ Tathāgatena) …..

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai không chế định (apaññattaṃ Tathāgatena) mà nói là Như Lai chế định (paññattaṃ Tathāgatena) ….

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai chế định (paññattaṃ Tathāgatena) mà nói là Như Lai không chế định (apaññattaṃ Tathāgatena).

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều không đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, không đem lại sự an lạc cho nhiều người, mà đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não đến chư thiên và nhân loại.

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều tội lỗi, nhiều ác nghiệp, và còn làm cho chánh pháp suy thoái nữa.

Thuyết pháp làm cho chánh pháp phát triển như thế nào?

1 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều tà pháp (adhamma) nói là ‘tà pháp’ (dhamma).
– Này chư Tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều phước thiện, nhiều thiện nghiệp, và còn làm cho chánh pháp được phát triển nữa.

2 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều chánh pháp (dhamma) nói là ‘chánh pháp’ (dhamma).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều phước thiện, nhiều thiện nghiệp, và còn làm cho chánh pháp được phát triển nữa.

3 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều sai luật (avinaya) nói là ‘sai luật’ (avinaya).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều phước thiện, nhiều thiện nghiệp, và còn làm cho chánh pháp được phát triển nữa.

4 – Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều đúng luật (vinaya) nói là ‘đúng luật’ (vinaya).
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc đến chư thiên và nhân loại.
– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều phước thiện, nhiều thiện nghiệp, và còn làm cho chánh pháp được phát triển nữa.

Tương tự như trên, Đức Phật thuyết dạy:

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai không thuyết, không giảng (abhāsitaṃ alapitaṃ Tathāgatena) nói là Như Lai không thuyết, không giảng (abhāsitaṃ alapitaṃ Tathāgatena) ….

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai thuyết giảng (bhāsitaṃ lapitaṃ Tathā-gatena) nói là Như Lai thuyết giảng (bhāsitaṃ lapitaṃ Tathāgatena) …..

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai không thường hành (anāciṇṇaṃ Tathā-gatena) nói là Như Lai không thường hành (anāciṇṇaṃ Tathāgatena) ……

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai thường hành ((āciṇṇaṃ Tathāgatena) nói là Như Lai thường hành ((āciṇṇaṃ Tathāgatena) …..

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai không chế định (apaññattaṃ Tathāgatena) nói là Như Lai không chế định (apaññattaṃ Tathāgatena)…

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu nào thuyết giảng điều Như Lai chế định (paññattaṃ Tathāgatena) nói là Như Lai chế định (paññattaṃ Tathāgatena).

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy đã thuyết những điều đem lại sự tiến hóa cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc đến chư thiên và nhân loại.

– Này chư tỳ khưu! Những tỳ khưu ấy tích lũy nhiều phước thiện, nhiều thiện nghiệp, và còn làm cho chánh pháp được phát triển nữa.

PHÁP VÀ LUẬT LÀ LỜI GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

Trong Luật Tạng, bộ Cūḷavagga, Đức Phật thuyết dạy bà Đại Đức Tỳ khưu ni Mahāpajāpati Gotamī biết phân biệt rõ không đúng pháp, không đúng luật, không đúng lời giáo huấn của Đức Phật và đúng pháp, đúng luật, đúng lời giáo huấn của Đức Phật.

KHÔNG ĐÚNG PHÁP VÀ LUẬT, LỜI GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

– Này Gotamī! Con nên biết phân biệt pháp nào:
*là pháp làm phát sinh tham ái, không phải diệt tham ái,
*là pháp ràng buộc trong cảnh khổ, không phải giải thoát khỏi cảnh khổ,
*là pháp chấp thủ trong tử sinh luân hồi, không phải giải thoát khổ tử sinh luân hồi,
*là pháp tham muốn nhiều, không phải tham muốn ít,
*là pháp không biết tri túc, không phải biết tri túc,
*là pháp sống chung nhiều người, không phải sống một mình nơi thanh vắng,
*là pháp làm biếng nhác, không phải cố gắng tinh tấn,
*là pháp sống khó nuôi, không phải sống dễ nuôi.
Như vậy, con nên biết rõ chắc chắn rằng: Những pháp ấy là không đúng pháp, không đúng luật, không đúng lời giáo huấn của Đức Tôn sư.

ĐÚNG PHÁP, LUẬT, LỜI GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

– Này Gotamī! Con nên biết phân biệt pháp nào:
*là pháp diệt tham ái, không phải làm phát sinh tham ái,
*là pháp giải thoát khỏi cảnh khổ, không phải ràng buộc trong cảnh khổ,
*là pháp giải thoát khổ tử sinh luân hồi, không phải chấp thủ trong tử sinh luân hồi,
*là pháp tham muốn ít, không phải tham muốn nhiều,
*là pháp biết tri túc, không phải không biết tri túc,
*là pháp sống một mình nơi thanh vắng, không phải sống chung nhiều người,
*là pháp cố gắng tinh tấn, không phải làm biếng nhác,
*là pháp sống dễ nuôi, không phải sống khó nuôi.

Như vậy, con nên biết rõ chắc chắn rằng: Những pháp ấy là đúng pháp, đúng luật, đúng lời giáo huấn của Đức Tôn sư. (Vinayapiṭka, Cūḷavaggapāli, Paṭhamabhāṇavāra)

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 34

Post Views: 461