Đức Phật Thu Phục 3 Anh Em Nhà Kassapa

 Dhamma Nanda1339 Views  0 CommentsTRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

ĐỨC PHẬT THU PHỤC 3 ANH EM NHÀ KASSAPA

Nơi đây có ba anh em tu khổ hạnh, thờ thần Lửa. Người anh cả là Uruvela Kassapa có 500 đệ tử, người anh kế là Nadi Kassapa có 300 đệ tử, và người em út là Gaya Kassapa có 200 đệ tử. Các tiếng Uruvela, Nadi, Gaya chỉ nơi cư trú của mỗi người. Ba vị này tu theo đạo Bà-la-môn, thờ Thần Lửa. Họ sống trong những túp lều dựng bằng cành cây và lá cây. Áo của họ mặc làm bằng vỏ cây. Tóc để dài thắt thành bím hoặc bới trên đỉnh đầu. Họ không đi khất thực nhưng tiếp nhận các thức cúng dường của dân chúng từ các làng mạc trong vùng. Họ tự nấu nướng lấy. Họ cũng chăn nuôi súc vật để ăn và để cúng tế. Ðạo sĩ Uruvela Kassapa đã trên 100 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh. Ông là người tinh thông ba bộ kinh Vệ-đà, sống một cuộc đời đức hạnh gương mẫu, và tự tin rằng mình đã chứng quả Arahán. Ông rất được hai người em tôn kính. Những buổi giảng đạo của ông được dân chúng địa phương đến tham dự rất đông.

Ðức Phật đến viếng vị này trước nhất. Tôn giả Uruvela Kassapa thấy vị samôn còn trẻ mà đạo phong uy nghiêm cũng đem lòng quý mến. Sau một lúc đàm đạo, ông sửng sốt nhận thấy rằng có những tư tưởng trong kinh Vệ-đà mà ông chưa nắm vững được. Vị samôn này đã chỉ cho ông những chỗ thâm sâu của các bộ Atharvaveda và Rigveda. Lạ hơn nữa là khi nói đến các môn ngữ học, văn pháp, sử truyện và mười tám pháp tế tự của đạo Bà-la-môn, không có điều gì mà vị samôn này không thông.

Trưa hôm ấy, Đức Phật nhận lời thọ ngọ trai với Uruvela Kassapa. Xếp Y cà sa lại làm bốn để trải thành tọa cụ trên bờ cỏ, Đức Phật ngồi uy nghi thọ trai trong im lặng. Uruvela Kassapa cũng giữ sự yên lặng đoan trang để thọ trai bên cạnh vị khách samôn.

Chiều hôm ấy, trong khi đàm đạo với Uruvela Kassapa, Đức Phật hỏi:

– Này hiền giả, hiền giả hãy nói cho tôi biết vì sao thần Lửa lại có thể đem lại cho chúng ta sự giải thoát?

– Samôn Gotama, sau một lúc im lặng suy nghĩ tôn giả Kassapa đáp: lửa là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Lửa có nguồn gốc từ Phạm thiên (Brahma). Vì vậy trong các điện thờ, hình tượng Phạm thiên luôn luôn được đặt vào vị trí trung ương. Kinh Atharvaveda có nói về phép thờ Lửa. Lửa là sự sống. Nếu không có lửa thì không có sự sống. Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là nguồn năng lượng làm phát sinh ra cây cối, muông thú và con người. Lửa phá tan bóng tối, phá tan sự lạnh lẽo, đem tới nguồn vui và sự sinh trưởng của vạn vật. Thức ăn nhờ lửa mà trở nên tinh khiết. Con người nhờ lửa mà trở về hợp nhất được với Brahma. Vì lửa là sự sống nên lửa chính là Brahma vậy. Thần lửa Agni cũng chỉ là một trong muôn ngàn biểu hiện của Brahma. Trong hỏa viện, thần lửa Agni thường được biểu hiện như có hai cái đầu: một đầu biểu trưng cho lửa thường dùng hằng ngày và một đầu biểu trưng cho lửa của sự tế lễ và trở về nguyên thể. Có tới bốn mươi bốn phép tế lửa. Người đạo sĩ thờ lửa phải giữ giới, phải khổ hạnh và phải chuyên cần tu tập mới có đủ tư cách duy trì Thần Lửa và làm sáng tỏ con đường giải thoát.

– Tôn giả Kassapa, Đức Phật hỏi tiếp: ngài nghĩ thế nào về những người cho rằng nước là bản chất đầu tiên của sự sống, nước bắt nguồn từ Brahma, và nước có công năng làm cho con người trở nên thanh tịnh để trở về hợp nhất với Brahma (Phạm thiên)?

Uruvela Kassapa im lặng. Ông nghĩ đến hằng triệu người, ngay trong giờ phút này, đang tắm trong nước sông Hằng (Gangā) và trong những dòng sông, hồ nước linh thiêng khác, mong rửa sạch được mọi tội lỗi và nghiệp chướng để sau này có thể trở về với Brahma. Một lát sau, ông nói:

– Samôn Gotama, nước không thật sự giúp ta siêu thoát được. Nước đi xuống, trong khi lửa bốc lên. Khi ta chết, thân xác ta nhờ lửa mà bay lên thành khói …

– Tôn giả Kassapa, ngài nói như vậy e không đúng. Ðám mây trắng đang bay trên trời kia cũng là nước đấy. Nước cũng có thể bay lên. Khói cũng là hơi nước. Cả hai thứ mây và khói đều sẽ phải trở lại mặt đất. Vạn vật, như ngài đã biết, luôn luôn luân chuyển tuần hoàn.

– Nhưng vạn vật đều có một nguồn gốc, và có thể trở về nguồn gốc ấy.

– Tôn giả Kassapa, vạn vật nương nhau mà có mặt. Tôn giả hãy nhìn chiếc lá trong tay tôi đây. Hạt giống là nhân, đất, nước, hơi nóng, đám mây, mặt trời, thời gian, không gian … đều là duyên giúp cho chiếc lá này có mặt. Thiếu một trong các duyên ấy thì chiếc lá này sẽ khác đi hoặc không thành. Tất cả các loài đất đá, thảo mộc và cầm thú đều theo luật nhân duyên sinh ấy. Nguồn gốc của một vật là vạn vật. Tôn giả hãy quán sát kỹ xem. Có bao giờ chỉ có một nhân đơn độc mà đưa tới được một quả đâu. Phải có đủ nhân duyên hòa hợp mới sanh ra quả. Ý niệm về một nguyên nhân duy nhất đầu tiên là một vọng tưởng do vọng chấp thiếu nhận xét mà ra. Này tôn giả, chiếc lá trong tay tôi đây là do tất cả các pháp trong vũ trụ họp lại để tạo thành, trong đó có nhận thức của tôn giả.

Vị đạo-sĩ Bà-la-môn im lặng.

Trời đã tối. Ðạo sĩ Uruvela Kassapa mời Đức Phật ngủ lại trong túp lều của ông. Nhưng Đức Phật ngỏ ý muốn được nghỉ đêm một mình trong hỏa viện. Vị đạo sĩ Bà-la-môn nói:

– Mấy hôm nay có một con rắn lớn vào ẩn trong hỏa viện, đuổi thế nào nó cũng không đi. Samôn Gotama không nên nghỉ đêm trong đó, có thể bị nguy hiểm. Chính vì con rắn kia mà lâu nay chúng tôi đã phải lập tế đàn ngoài trời để hành lễ. Xin ngài nghỉ đêm tại đây cho an toàn.

– Tôn giả an tâm. Tôi xin được nghỉ đêm trong hỏa viện. Chắc cũng không sao đâu.

– Samôn đã muốn nghỉ đêm tại hỏa viện thì xin cứ tự tiện. Ngài muốn ở đó bao lâu cũng được.

Ðêm ấy Đức Phật nghỉ trong hỏa viện. Trên bàn thờ chính, lửa được nuôi bằng nhiều ngọn đèn, mỗi ngọn đèn có nhiều bấc. Góc bên trái có một đống gỗ lớn, có lẽ đây là gỗ chiên đàn dùng để đốt lên mỗi khi hành lễ. Ðức Phật nghĩ nếu có một con rắn ở trong hỏa viện thì chắc nó ẩn mình trong đống gỗ. Ngài chọn góc đối diện, xếp áo cà sa làm bốn, trải xuống làm tọa cụ và bắt đầu ngồi thiền định. Ðến khuya, Đức Phật thấy một con rắn thật lớn nằm khoanh tròn giữa hỏa viện, ngài lên tiếng nhỏ nhẹ nói:

– Rắn ơi, hãy đi ra ngoài rừng ở cho an ổn, đừng ở đây sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Giọng nói của Đức Phật chứa đầy tinh thương và sự hiểu biết. Con rắn từ từ trườn đi về phía cửa. Ðức Phật cũng ngả lưng xuống tọa cụ. Khi Đức Phật thức giấc thì ánh trăng khuya chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ vào nơi người nằm. Ngài ngồi dậy, cầm áo lên rũ bụi, rồi khoác áo lên người, đi ra khỏi hỏa viện, vào ven rừng để thiền hành. Lúc trời tang tảng sáng thì hỏa viện bốc cháy, không biết vì lý do gì. Các đệ tử của đạo sư Kassapa thấy lửa, hoảng hốt la lớn, rồi chạy đi tìm bình xuống sông Nairanjana múc nước lên tưới. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Hỏa viện của họ bốc cháy dữ dội, không còn cách gì cứu chữa.

Ðạo sĩ Uruvela Kassapa đang bùi ngùi thương tiếc vị samôn đức hạnh và tài ba mà ông vừa mới được quen biết từ sáng hôm qua. Giữa lúc ấy thì Đức Phật xuất hiện. Ðang đi thiền hành trên đồi cao, thấy lửa bốc cháy, ngài quay trở về. Thấy Phật, đạo sĩ Kassapa mừng rỡ chạy lại nắm lấy tay Người.

– May quá, may quá, samôn Gotama vẫn an toàn, không sao cả. Tôi mừng quá.

– Cám ơn tôn giả, tôi vẫn được an toàn.

Ðức Phật biết hôm nay là ngày đạo sĩ Uruvela Kassapa thuyết pháp. Nghe nói trong số những người nghe pháp, ngoài năm trăm đệ tử tu sĩ, còn có gần một ngàn người từ các thôn xóm kéo tới. Giờ thuyết pháp được định vào buổi trưa, sau giờ thọ trai. Biết rằng sự có mặt của mình trong buổi thuyết pháp sẽ làm cho vị lãnh đạo không được thoải mái nên Đức Phật cầm bát đi vào thôn xóm để khất thực. Ðến giờ ngọ, Ngài ngồi thọ trai bên bờ hồ sen. Ði thiền hành quanh hồ, rồi đến tĩnh tọa dưới bóng cây cổ thụ. Ðến xế chiều, đạo sĩ Kassapa tìm tới:

– Samôn Gotama, hôm nay vào giờ thọ trai chúng tôi chờ mãi mà không thấy ngài. Sao ngài không tới?

– Cám ơn tôn giả, tôi muốn đi ngắm cảnh quanh đây, và để ngài được tự nhiên trong lúc thuyết pháp.

– Hôm qua samôn Gotama nói về sự có mặt của chiếc lá như là sự tập hợp của nhiều yếu tố nhân duyên. Ngài nói rằng con người cũng do sự tập hợp của nhân duyên mà thành. Vậy thì khi các nhân duyên tan rã, con người đi về đâu?

– Ðã từ lâu chúng ta bị kẹt vào ý niệm về ngã (atma) như một cái ta thường tại bất biến. Chúng ta đã quen nghĩ rằng khi thân xác tan rã, cái ngã ấy vẫn còn tồn tại và có thể trở về nguồn gốc của nó là Brahma (Phạm thiên) để cộng trú với ngài. Này tôn giả Kassapa, đó là một sai lầm căn bản đã từng làm lạc lối biết bao nhiêu thế hệ.

– Tôn giả Kassapa nên biết: Vạn pháp từ nhân duyên sanh và cũng do nhân duyên mà diệt. Cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt. Ðó là nguyên lý duyên sinh mà tôi đã khám phá được nhờ thiền quán. Trong thực tại, không có một cái gì đồng nhất và bất biến. Không có ngã, dù là đại ngã hay tiểu ngã. Này tôn giả Kassapa, ngài đã từng quán chiếu về thân thể, cảm thọ, tâm tưởng, tâm hành và tâm thức chưa? Con người có mặt là do sự tập hợp và vận hành của năm uẩn ấy. Ðó là những dòng biến chuyển liên tục, trong đó không có một yếu tố nào thường tại.

Ðạo sĩ Uruvela Kassapa im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi hỏi:

– Như vậy có phải là sa môn Gotama chủ trương thuyết hư vô không?

– Không phải. Quan niệm vạn vật đều là hư vô cũng là một tà kiến như quan niệm về một bản ngã trường tồn bất biến. Tôn giả Kassapa, ngài hãy nhìn mặt hồ này đây. Tôi không hề nói rằng nước, lá sen, hoa sen trong hồ là hư vô. Tôi chỉ nói rằng nước, lá sen, hoa sen đều là những hiện tượng do nhân duyên phối hợp mà có mặt, và trong tự thể của chúng không hề có một thực thể bất biến và thường tại.

– Vậy, nếu không có ngã, không có “atma”, thì cần gì phải tu hành để đạt tới giải thoát? Giải thoát cho ai? Ai là người được giải thoát?

Ðức Phật nhìn vào mắt vị đạo sĩ Bà la môn. Cái nhìn sáng chói như tia nắng mặt trời nhưng cũng êm dịu như ánh trăng. Ngài mỉm cười nói:

– Tôn giả Kassapa hãy thử tự tìm lấy câu trả lời. Hôm khác, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện.

Hai người trở về trú sở. Uruvela Kassapa nhường tịnh thất mình cho Đức Phật nghỉ đêm. Ông sang nghỉ đêm tại túp lều của một người đệ tử lớn. Tôn giả Uruvela Kassapa rất được các đệ tử quý mến và cung kính vâng lời.

Trong những ngày kế tiếp, Đức Phật không đi khất thực bên ngoài vì sáng nào đạo sĩ Kassapa cũng cho đem thức ăn cúng dường tại chỗ. Tuy vậy, trưa nào sau khi thọ trai, ngài cũng đi kinh hành ở ven rừng hoặc bên bờ hồ, rồi đến nơi có bóng mát ngồi tĩnh tọa. Cứ xế chiều, Kassapa lại đi tìm Đức Phật để đàm đạo. Càng ngày ông càng nhận thức được tầm vóc vĩ đại của tuệ giác và đức hạnh của Đức Thế Tôn.

Một hôm nọ trời mưa giông tầm tã suốt đêm. Sáng hôm sau nước sông Nairanjana tràn bờ, làm ngập lụt xóm làng nhà cửa trong vùng. Khu rừng nơi đạo sĩ Kassapa và năm trăm đệ tử đang hành đạo cũng bị ngập lụt. Tuy vậy mọi người đều chạy kịp lên chỗ cao, không ai bị nước cuốn. Riêng vị samôn Gotama thì không ai thấy mặt. Ðạo sĩ Kassapa đốc thúc nhiều chiếc ghe đi tìm. Cuối cùng người ta thấy Đức Phật đang đứng trên một đỉnh đồi.

Nước dâng lên rất mau và rút xuống cũng mau. Các vị tu sĩ trong giáo đoàn của ông Kassapa đã khởi sự dựng lại hỏa viện bị cháy và các túp lều bị nước cuốn đi hoặc làm cho xiêu vẹo.

Một buổi chiều, Đức Phật cùng đạo sĩ Kassapa đứng bên bờ sông Nairanjana đàm đạo. Ðạo sĩ Kassapa hỏi Đức Phật:

– Hôm trước samôn Gotama có nói về sự quán chiếu năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tôi đã thử thực tập quán sát và thấy rằng cả năm dòng hiện tượng là thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và tâm thức đều biến chuyển luôn, không có cái nào thường tại bất biến. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu được rằng nếu không có tự ngã thì ta cần gì phải nhọc công tu tập? Giải thoát cho ai? Ai là người được giải thoát?

– Này tôn giả Kassapa, ngài có công nhận rằng khổ đau là một sự thật không?

– Tôi công nhận khổ đau là một sự thật.

– Ngài có công nhận rằng khổ đau nào cũng có nguyên nhân, cũng như muôn vật trong vũ trụ, vật nào cũng do nhân duyên kết hợp mà thành?

– Tôi công nhận khổ đau nào cũng có nguyên nhân.

– Khi những nguyên nhân của khổ đau có mặt thì khổ đau có mặt; vậy khi những nguyên nhân của khổ đau vắng mặt thì khổ đau có vắng mặt không?

– Dĩ nhiên khi những nguyên nhân của khổ đau không còn thì khổ đau cũng không còn.

– Này tôn giả Kassapa, khổ đau không còn tức là giải thoát, cần gì phải có tự ngã mới có giải thoát. Này tôn giả, nguyên nhân sâu xa của khổ đau là vô minh, nguyên nhân gần của khổ đau là tham ái. Vạn vật đều vô thường mà ta tưởng là thường, đó là vô minh. Vạn vật đều không có tự ngã mà ta tưởng là có tự ngã, đó là vô minh. Từ vô minh phát sinh ra tham ái, mong cầu được cái nọ cái kia, rồi sinh ra thương, ghét, tham lam, giận hờn, sợ hãi …và biết bao phiền não, đau khổ khác. Con đường giải thoát là con đường quán chiếu thực tại để thực chứng được tự tính vô thường, vô ngã, và duyên sinh của vạn pháp, của muôn vật. Con đường giải thoát là con đường diệt trừ vô minh. Vô minh diệt thì tham ái diệt; tham ái diệt thì phiền não diệt và khổ đau diệt. Ðó là giải thoát.

Uruvela Kassapa im lặng. Một lát sau, ông hỏi:

– Samôn Gotama, tôi biết những điều ngài nói ra là những điều ngài thực chứng chứ không phải lý luận suông. Theo ngài thì đạo quả giải thoát chỉ có thể do công phu quán chiếu đem lại. Vậy tất cả những lễ nghi thờ phụng và lời khấn nguyện đều là hoàn toàn vô ích hay sao?

Ðức Phật chỉ tay sang bờ sông bên kia nói:

– Này tôn giả Kassapa, nếu có người đang đứng bên này sông muốn sang bờ bên kia thì người ấy phải làm gì?

– Người ấy phải lội qua sông hoặc phải dùng thuyền chèo qua bên kia.

– Ðúng vậy. Nhưng nếu có người muốn qua sông mà không chịu lội, cũng không dùng thuyền, chỉ lập đàn cúng tế và khấn nguyện thì tôn giả nghĩ sao?

– Tôi cho rằng người đó không thực tế, và không biết chừng nào người đó mới qua sông được.

– Cũng vậy, Ðức Phật nói, nếu không tu tập quán chiếu để diệt trừ vô minh, tham ái và phiền não thì ta không đạt tới bờ giải thoát được, dù ta có tế lễ, khẩn cầu suốt cả cuộc đời.

Ðạo sĩ Uruvela Kassapa bỗng sụp lạy dưới chân Phật. Ông khóc nức nở và nói:

– Kính lạy Thầy, con đã lầm lỡ gần hết cuộc đời, giờ đây xin thầy chấp nhận con làm đệ tử của Thầy để con có cơ duyên học hỏi và tu tập con đường giải thoát.

– Lành thay! Nhưng còn các đệ tử của ông thì sao?

– Xin thầy cho con có dịp tiếp xúc với họ. Chiều mai con sẽ xin trình thầy quyết định của con.

Hai ngày sau, Uruvela Kassapa và tất cả 500 đệ tử đều cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa. Họ liệng xuống sông Nairanjana tất cả những búi tóc, hình tượng và dụng cụ tế lễ, rồi tập họp trước mặt Đức Phật, quỳ xuống, đồng nói lớn:

” Con xin quy y Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này.
” Con xin quy y Pháp, con đường của tình thương và sự giác ngộ.
” Con xin quy y Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.

Sau lễ xuất gia, đức Phật giảng cho 500 vị tân tỳ khưu về Tứ Diệu Ðế, Vô Ngã, phép quán hơi thở, thân thể và tâm ý, phép khất thực và tĩnh cư.

Ngày hôm sau, đạo sĩ Nadi Kassapa cùng 300 đệ tử cũng tìm đến nơi. Hôm qua họ hốt hoảng khi thấy hàng trăm búi tóc và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều trên sông Nairanjana; họ nghĩ rằng một tai nạn nào đó đã xảy ra cho trung tâm tu học của Uruvela Kassapa. Sau khi nghe giải thích họ đều đồng ý xin xuất gia và cho người đi thông báo cho ông Gaya Kassapa hay. Ba anh em Kassapa rất thương mến nhau, lại cùng chung lý tưởng nên chỉ trong bảy ngày, tất cả ba anh em và 1000 đệ tử đều xuất gia theo Phật , nâng số đệ tử Phật lên 1093 vị.

Sau đó Đức Phật hướng dẫn tất cả đến đỉnh núi Gaya-Sisa, cách Uruvela không xa, và giảng kinh thứ ba là kinh Adittapariyaya (kinh Lửa). Nghe xong kinh này, tất cả 1003 vị tân tỳ khưu mới đều đắc quả Arahán. Ðức Phật cư trú tại Gaya-Sisa liên tiếp trong ba tháng để chỉ dạy cho các tu sĩ mới.

Ðức Phật nói Kinh Lửa (Aditta-Pariyaya):

Này các tỳ khưu, tất cả đều bị thiêu đốt. Này các tỳ khưu, tất cả đều bị thiêu đốt là như thế nào?

Mắt nằm trong lửa, hình sắc nằm trong lửa, nhãn thức nằm trong lửa. Cảm giác (thọ), dù vui sướng hay đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ, phát sanh do nhãn-xúc, đều nằm trong lửa. Lửa ấy bắt nguồn từ đâu? Từ những ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê, sanh, già, bệnh, chết, buồn phiền, than khóc, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như Lai tuyên bố như vậy.

Hãy quán tưởng điều này, này các tỳ khưu, người đệ tử thuần thục của bậc thánh nhơn thấy nhàm chán với mắt, hình sắc, nhãn thức, nhãn xúc, dù cho cảm giác nhận được có như thế nào chăng nữa – vui sướng, đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ. Cũng thế, người đệ tử thuần thục của bậc thánh nhơn thấy nhàm chán với tai, âm thanh, mũi, mùi hương, lưỡi, vị, thân, xúc, tâm, ý, tâm thức, tâm xúc, dù cho cảm giác nhận được có như thế nào chăng nữa – vui sướng, đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ. Do nhàm chán, người đó không còn luyến ái; do không còn luyến ái, người đó được giải thoát. Người đó sẽ tự biết rằng mình không còn tái sanh nữa, đời sống phạm hạnh đã hoàn mãn, những gì cần làm đã làm xong, và sẽ không bao giờ trở lại trạng thái này nữa.

Khi Đức Phật dứt lời, tất cả các vị tỳ khưu đều đắc quả Arahán, dứt sạch mọi ô nhiễm.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 49

Post Views: 484