Lễ Đặt Tên Thái Tử & Đạo Sỹ Kāḷadevila ( A Tư Đà )

 Dhamma Nanda964 Views  0 CommentsTRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

4. ĐẠO SỸ KĀḶADEVILA

Đạo sĩ Kāḷadevila chứng đắc 8 bậc thiền, chứng đắc ngũ thông tam giới, là vị Tôn sư của Đức vua Suddhodana.

Hôm ấy, vị Đạo sĩ Kāḷadevila độ ngọ trong cung điện của Đức vua Suddhodana xong, liền lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên nghỉ trưa trong một lâu đài, ngồi nhập thiền để hưởng sự an lạc trong thiền định; khi xả thiền vị Đạo sĩ ra đứng trước cửa, nhìn thấy Đức vua Sakka cùng chư thiên nam, chư thiên nữ hoan hỷ vui mừng reo hò một cách khác thường, không giống như mọi ngày, vị Đạo sĩ bèn hỏi rằng:

– Này chư thiên, tại sao hôm nay quý vị hoan hỷ vui mừng, reo hò ca hát vui vẻ khác thường như vậy, quý vị có thể nói lý do ấy cho bần đạo nghe được hay không?

Chư thiên bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Đạo sĩ, hôm nay Thái tử của Đức vua Suddhodana đã sinh ra đời rồi. Khi Thái tử trưởng thành sẽ từ bỏ nhà xuất gia và trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thuyết pháp Chuyển Pháp Luân tế độ cho chúng sinh: Nhân loại và chư thiên, phạm thiên có cơ hội được lắng nghe chánh pháp, rồi thực hành theo chánh pháp dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo- 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đó là nguyên nhân làm cho chúng tôi vô cùng hoan hỷ, vui mừng reo hò ca hát khác thường như vậy!

Sau khi lắng nghe chư thiên trả lời như vậy, vị Đạo sĩ Kāḷadevila liền từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên hiện xuống cõi người, đi vào cung điện của Đức vua Suddhodana; Đức vua cung kính đón tiếp, thỉnh mời ngồi chỗ cao quý, Đức vua đảnh lễ xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị Đạo sĩ Kāḷadevila bèn hỏi rằng:

– Này Đại vương, bần đạo nghe nói rằng Thái tử của Đức vua đã sinh ra đời rồi, bần đạo xin được chiêm ngưỡng Thái tử.

Đức vua Suddhodana truyền lệnh thay trang phục cho Thái tử xong, rồi thỉnh Thái tử ra mắt đảnh lễ vị Đạo sĩ Kāḷadevila. Khi ra trước mặt vị Đạo sĩ Kāḷadevila, Đức Bồ Tát Thái tử liền hiện lên đứng trên đầu vị Đạo sĩ Kāḷadevila với tư thế vững vàng.

Vị Đạo sĩ Kāḷadevila nhận thấy Đức Bồ Tát Thái tử có oai lực phi thường, nên vị Đạo sĩ đứng dậy dời xuống chỗ ngồi thấp, nhường chỗ ngồi cao quý lại cho Đức Bồ Tát, Đạo sĩ chắp hai tay lễ bái Đức Bồ Tát Thái tử.

Đức vua Suddhodana nhìn thấy oai lực phi thường của Đức Bồ Tát Thái tử, khiến Đức vua lần thứ nhất đảnh lễ Đức Bồ Tát Thái tử.

Đạo sĩ Kāḷadevila mỉm cười và khóc

Vị Đạo sĩ Kāḷadevila chứng đắc 8 bậc thiền và ngũ thông tam giới, có khả năng đặc biệt thấy rõ, biết rõ trong thời quá khứ 40 đại kiếp, và trong thời vị lai 40 đại kiếp, như vậy gồm 80 đại kiếp. Vị Đạo sĩ Kāḷadevila dùng trí tuệ nhãn thông thấy rõ biết rõ thời vị lai của Đức Bồ Tát Thái tử sẽ có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ, trí tuệ thấy rõ biết rõ rằng:

“Không còn hoài nghi gì nữa, Đức Bồ Tát Thái tử này chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác”.

Vị Đạo sĩ Kāḷadevila phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ, nên mỉm miệng cười.

Sau đó, vị Đạo sĩ Kāḷadevila quán xét thân phận của mình và thấy rõ rằng:

“Ta không có duyên lành gặp được Đức Phật và không được lắng nghe chánh pháp của Ngài; bởi vì, ta sẽ chết trước khi Đức Bồ Tát Thái tử trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Vả lại, sau khi ta chết, do năng lực của đệ tứ thiền vô sắc: Phi tưởng, phi phi tưởng xứ thiền sẽ cho quả tái sinh trong cõi trời vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, có tuổi thọ lâu 84.000 ngàn đại kiếp. Vì cõi vô sắc chỉ có 4 danh uẩn, nên phạm thiên cõi vô sắc không có mắt để nhìn thấy Đức Phật, không có tai để nghe chánh pháp của Đức Phật khi Ngài xuất hiện trên thế gian”.

Khi vị Đạo sĩ Kāḷadevila biết mình không có duyên lành gặp được Đức Phật và không nghe được chánh pháp của Ngài, cảm thấy tủi phận, nên tủi thân khóc.

Đức vua Suddhodana nhìn thấy vị Đạo sĩ Kāladevila khi thì mỉm miệng cười, khi thì lại cảm động khóc bèn bạch hỏi rằng:

– Kính bạch Đạo sư, có tai họa nào xảy đến cho Thái tử của con không? Bạch Ngài.

Vị Đạo sĩ Kāladevila tâu rằng:

– Tâu đại vương, không có tai họa nào xảy đến cho Thái tử cả, Thái tử chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Bần đạo biết rõ như vậy nên mỉm miệng cười và bần đạo cũng biết rõ mình không có duyên lành được gặp Đức Phật và lắng nghe chánh pháp của Ngài, bần đạo cảm thấy tủi phận, nên tủi thân khóc.

Lễ đặt tên Đức Bồ Tát Thái tử

Đức Bồ Tát thái tử sinh ra đời được 5 ngày, thì Đức vua Suddhodana tổ chức trọng thể buổi lễ gội đầu và đặt tên cho Đức Bồ Tát Thái tử. Đức vua Suddhodana truyền lệnh mời 108 vị Bàlamôn thông hiểu ba bộ sách xem tướng (theo truyền thống của Bàlamôn) vào cung điện để thiết đãi món ăn đặc biệt “cơm nấu bằng sữa tươi nguyên chất”.

Trong số 108 vị Bàlamôn ấy, có 8 vị Bàlamôn đại trí là vị Bàlamôn Rāma, vị Bàlamôn Dhaja, vị Bàlamôn Lakkhaṇa, vị Bàlamôn Jotimanta, vị Bàlamôn Yañña, vị Bàlamôn Subhoja, vị Bàlamôn Suyāma và vị Bàlamôn Sudatta; sau khi xem tướng, thấy Đức Bồ Tát có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ. Trong 8 vị Bàlamôn đại trí, có 7 vị đồng đưa lên 2 ngón tay và đoán quả quyết rằng: Thái tử là Bậc có đầy đủ trọn vẹn các tướng tốt chính và phụ này:

– Nếu sống tại cung điện, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương trị vì thiên hạ có 4 biển làm ranh giới.

– Nếu từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Duy chỉ có một vị Bàlamôn trẻ tuổi nhất, thuộc dòng dõi Koṇḍanna tên là Bàlamôn Sudatta, sau khi xem kỹ tướng của Đức Bồ Tát Thái tử xong, vị Bàlamôn này chỉ đưa một ngón tay lên và đoán quả quyết rằng:

– Thái tử có đầy đủ trọn vẹn các tướng tốt chính và các tướng tốt phụ này, Thái tử không thể nào sống tại cung điện, Thái tử sẽ từ bỏ nhà đi xuất gia, rồi chắc chắn Ngài sẽ trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Tất cả các vị Bàlamôn đại trí cũng đều nhất trí với nhau rằng:

“Thái tử chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác”.

Trong lễ gội đầu và đặt tên cho Đức Bồ Tát Thái tử, tất cả các vị Bàlamôn đại trí đều nhất trí với nhau rằng: Đức Bồ Tát Thái tử chắc chắn sẽ trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chúng sinh trong tam giới (tam giới theo danh từ Pāḷi gọi là attha) và chắc chắn sẽ được thành tựu như ý (như ý theo danh từ Pāḷi gọi là siddha). Hai danh từ này được ghép với nhau thành tên của Đức Bồ Tát Thái tử là SIDDHATTHA (SIDDHA + ATTHA) nghĩa là sự lợi ích được thành tựu, hoặc Bậc đem lại sự thành tựu mọi lợi ích cho chúng sinh.

Phật Mẫu Mahāmayādevī Quy Thiên

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử Siddhattha đản sinh ra đời đến ngày thứ bảy, Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī quy thiên, bởi vì, Bà đã hết tuổi thọ. Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī hưởng thọ được 56 năm 4 tháng 27 ngày ở cõi người.

Sau khi Bà Chánh-cung Hoàng-hậu chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam tênSantussita trong cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên) tầng trời thứ tư trong 6 cõi trời dục-giới. Chư-thiên trong tầng trời thứ tư này có tuổi thọ 4.000 năm tuổi trời, so với thời gian cõi người bằng 576 triệu năm; bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tusita này bằng 400 năm ở cõi người.

Tuyển Chọn Nhũ-Mẫu

Đức-vua Suddhodana truyền lệnh tuyển chọn nhũ mẫu để nuôi dưỡng Thái-tử Siddhattha. Những người đàn bà đủ tiêu chuẩn được tuyển chọn có 240 người nhưng chỉ có 60 bà được chọn trực tiếp lo phục vụ Thái- tử; ngoài ra, còn có 60 lính hầu và 60 vị quan trông coi việc nuôi dưỡng Thái-tử.

Khi Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī quy thiên, Đức-vua Suddhodana tấn phong Bà Mahāpajāpati gotamī (em của Bà Mahāmayādevī) lên ngôi vị Chánh- cung Hoàng-hậu.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāpajāpatigotamī sinh hạ Hoàng-tử Nanda, sau Thái-tử Siddhattha 2-3 ngày. Bà Mahāpajāpatigotamī vốn là bà dì ruột của Thái-tử Siddhattha, bà tự đảm đương địa vị nhũ mẫu nuôi dưỡng Thái-tử Siddhattha, còn Hoàng-tử Nanda, con đẻ của bà, được giao cho nhũ mẫu khác nuôi dưỡng.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha trưởng thành bằng bầu sữa ngọt lành của nhũ mẫu Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāpajāpatigotamī.

Nguồn từ cuốn Tam Bảo do Tỳ Khưu Hộ Pháp Dhammarakkhita Bhikkhu biên soạn

Bộ ảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. Trong bối cảnh lịch sử nước Ấn Độ thời bấy giờ con vua chúa mới sanh ra đều thỉnh mời vị tiên tri đến xem tướng.

Đạo sĩ Asita được dịch theo tiếng Hoa là A Tư Đà. Ông tu ở đỉnh núi cao quanh năm phủ đầy tuyết trắng của dãy Hy Mã Lạp Sơn, A Tư Đà vốn là con trai của một Bà La Môn xứ Ujjenì thơ mộng và trù phú. Với tư chất thông tuệ, uyên bác, ông đã sớm trở thành một người đức độ, thông thái và được dân chúng xứ ấy tôn xưng là hiền giả khả kính. Khi danh tiếng vang xa khắp nơi, A Tư Đà được Sìhahanu, thân phụ của vua Tịnh Phạn, mời về cung để truyền dạy đạo lý siêu thế cho mình. Được phép Vua Sìhahanu, A Tư Đà bèn cất một am tranh tại một khu vườn trong kinh thành Ca Tỳ La Vệ để tu trì và cũng để vua có dịp được học hỏi thêm những khi rảnh rang việc triều chính. Tại am thất đơn sơ này, với những nỗ lực cao độ của mình, chẳng bao lâu, A Tư Đà đã thành tựu tám cấp độ thiền định và chứng đắc ngũ thông. Vì quá khao khát với lý tưởng giải thoát, muốn vượt qua những sở chứng hiện có, ông liền từ giã chốn đô thị huyên náo, lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn và dành trọn quãng đời còn lại của mình trong cảnh u tịch vắng vẻ của chốn thâm sơn hoang dã.

Ở vùng núi gần đó, có một vị hiền triết, một tu sĩ khổ hạnh đầu đà, có tên là Asita Kaladevala. Ông vui mừng khi nghe tin vui về việc một hoàng tử được sinh ra với vua Suddhodana và nữ hoàng Maha Maya. Là một giáo sĩ của nhà vua, ông nhanh chóng đi thăm viếng cung điện để xem chính Hoàng thân ra đời.

Tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa. Phù điêu Phật giáo Thái Lan

Ttiên A Tư Đà được tạc bằng gỗ

Bộ ảnh tiên A Tư Đà chắp tay rơi lệ tủi hờn, ông nghĩ mình đã già nua sau này không được học đạo của thái tử

Bộ ảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa. Tranh vẽ Phật giáo Đài Loan

Bộ ảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa

Bộ ảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa. Tranh vẽ Phật giáo Hàn Quốc

Thái tử Tất Đạt Đa mới sanh ra. Tranh vẽ Phật giáo Ấn Độ

Bộ ảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa

Bộ ảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng cho thái tử Tất Đạt Đa. Tranh vẽ Phật giáo Myanma

Hoạt cảnh tiên A Tư Đà đến xem tướng thái tử. GĐPT Tâm Đức thực hiện

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 74

Post Views: 1.080