Đức Phật Cho Phép Đại Đức Mahamoggalana Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda
Đức Phật Cho Phép Đại Đức Mahamoggalana Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda
SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ BẢY
ÐỨC PHẬT CHO PHÉP ÐẠI ÐỨC MAHÀMOGGALLÀNA
THU PHỤC RỒNG CHÚA NANDOPANANDA
Ðức Phật cho phép Ðại đức Mahàmoggallàna vận dụng thần thông để thu phục Rồng chúa Nandopananda, là Rồng tà kiến có nhiều thần thông.
(Phỏng theo Chú giải Theragàthà và Apàdàna, chuyện Đại đức Màhàmoggallàna)
-ooOoo-
Thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại Jetavana gần thành Sàvatthi. Phú hộ Anàthapindika, sau khi nghe xong thời pháp, rất hoan hỷ đảnh lễ Ðức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng Tăng chúng 500 vị Tỳ khưu ngự đến thọ thực tại tư gia của chúng con vào ngày mai.
Ðức Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời của ông, biết Ðức Phật đã nhận lời, tâm ông phú hộ vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi xin phép trở về.
Vào canh chót đêm ấy, như lệ thường, Ðức Phật nhập đại bi định, khi xả định quán xét thế gian xem chúng sinh nào hữu duyên nên tế độ. Ngài nhìn thấy Rồng chúa Nandopananda hiện ra trong mạng lưới đại bi tế độ của Ngài. Ðức Phật quán xét thấy Rồng chúa là Rồng tà kiến, không có đức tin nơi Tam bảo, rất hung dữ có nhiều thần thông. Nhưng cuối cùng, nó sẽ có đức tin rồi quy y Tam bảo. Vậy, ai là người có khả năng thu phục được Rồng chúa này? Ngài biết rằng Ðại đức Mahàmoggallàna có năng lực thu phục được Rồng chúa này.
Sáng hôm ấy, Ðức Phật gọi Ðại đức Ànanda dạy:
– Này Ànanda, con hãy thông báo cho 500 vị Tỳ khưu cùng đi theo Như Lai lên cõi Tam thập tam thiên.
Cũng vào sáng hôm ấy, tại cung điện Long vương có tổ chức yến tiệc linh đình, Rồng chúa Nandopananda ngự trên ngai có lọng trắng che, bá quan văn võ áo mũ chỉnh tề ngồi theo thứ bậc, cùng hoàng tộc nhà Rồng đang say mê xem những vũ khúc kỳ diệu của các long nữ, và cùng nhau thưởng thức những món ngon vật lạ đặc biệt chốn long cung.
Ngay lúc ấy, Ðức Phật cùng với 500 vị Tỳ khưu Tăng đang bay qua khoảng không gian phía trên địa phận cung điện của Rồng chúa, cố ý làm rơi bụi xuống đầu, cốt để cho chúng Rồng nhìn thấy như chọc tức, như khiêu khích, cho nên Rồng chúa Nandopananda nổi cơn thịnh nộ, tuyên bố với bọn bầy tôi thuộc hạ: “Bọn Sa môn đầu trọc này lên cõi Tam thập tam thiên, dám bay ngang qua cung điện của ta, ta sẽ làm cho họ phải kính nể, để về sau không dám bay ngang qua đây nữa”. Rồng chúa tức giận đi đến chân núi Sineru dùng phép thuật hoá thân hình to lớn và dài bao vòng quanh, cuộn tròn cả ngọn núi, chồng lên nhau bảy vòng, rồi phồng mang che phủ luôn cả đỉnh núi, bao trùm cả cõi Tam thập tam thiên. Thế là từ xa chẳng ai còn nhìn thấy cõi trời đâu nữa.
Khi ấy, Ðại đức Ratthapàla bạch với Ðức Thế Tôn rằng: (vcvcv)
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, trước kia mỗi lần lên ngang đây, con đều nhìn thấy, không những núi Sineru mà còn nhìn thấy cõi Tam thập tam thiên, nhìn thấy cả cung điện Vejayantapasàda của Ðức vua trời Sakka cùng lá cờ trên đỉnh cung điện ấy, nhưng bây giờ con chẳng nhìn thấy được gì cả.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, do nhân duyên nào vậy, Bạch Ngài.
Ðức Phật dạy rằng:
– Này Ratthapàla, Rồng chúa Nandopananda tức giận các con, nên đã hoá thân hình to lớn và dài, bao quanh núi Sineru chồng lên bảy vòng, rồi phồng mang che phủ luôn cả đỉnh núi, bao trùm cả cõi Tam thập tam thiên, cho nên con không nhìn thấy được gì nữa.
Ðại đức Ratthapàla bạch với Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ðức Thế Tôn cho phép con được dạy Rồng chúa bớt tánh kiêu căng ngã mạn ấy.
Ðức Phật không cho phép, rồi lần lượt Ðại đức Bhaddiya, Ðại đức Ràhula… vị nào cũng muốn trừng phạt Rồng chúa ấy, nhưng Ðức Phật đều không cho phép, cuối cùng Ðại đức Mahàmoggallàna bạch Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ðức Thế Tôn cho phép con được thu phục Rồng chúa Nandopa-nanda ấy.
Ðức Phật chấp nhận cho phép Ðại đức Mahà-monggallàna vận dùng thần thông biến hoá thành con Rồng có thân hình to lớn và dài hơn Rồng chúa Nandopananda, bao quanh thân hình Rồng chúa, chồng lên nhau 14 vòng, siết chặt lấy thân hình của nó, phồng mang lớn đè lên mang của nó, Ðại đức Mahàmonggallàna càng siết vào, thân mình Rồng chúa càng đau đớn chịu không nổi.
Rồng chúa tức giận hoá ra luồng khí độc phun ra để làm hại Ngài Ðại đức Mahàmonggallàna, nhưng không hại được Ngài, ngược lại Ngài Ðại đức cũng hoá ra luồng khói mạnh hơn làm cho Rồng chúa vô cùng khó chịu.
Rồng chúa càng tức giận hoá ra luồng lửa phun ra để thiêu đốt Ngài, Ngài Ðại đức cũng hoá ra luồng lửa mạnh hơn làm cho thân hình Rồng chúa nóng như thiêu như đốt.
Thế là một phần thân thể bị siết chặt, đau đớn, một phần thì bị khói và lửa thiêu đốt không sao chịu nổi được nữa.
Rồng chúa muốn biết vị Sa môn này là ai, bèn hỏi rằng:
– Ngươi là ai? Sao dám làm khổ ta đến như vậy?
Ðại đức Mahàmoggalàna trả lời:
– Này Nandopananda, bần đạo là Mahàmoggalàna đây!
Rồng chúa yêu cầu Ngài Ðại đức rằng: Bạch Ðại đức, xin Ngài hiện trở lại hình tướng vị Tỳ khưu.
Ðại đức Mahàmoggallàna biết mưu mô xảo quyệt của Rồng chúa muốn hại Ngài, cho nên Ngài vừa hiện ra, liền đi thẳng vào lỗ tai bên phải, đi sang lỗ tai bên trái, rồi từ lỗ tai bên trái đi sang lỗ tai bên phải của Rồng chúa. Rồng chúa đau đớn khó chịu, nhanh như chớp, Ngài lại đi vào từ lỗ mũi bên phải đi sang lỗ mũi bên trái, rồi từ lỗ mũi bên trái đi sang lỗ mũi bên phải của Rồng chúa.
Rồng chúa càng đau đớn, càng khó chịu gấp bội phần, dường như không còn chịu đựng được nữa, nó van xin Ngài Ðại đức tha lỗi cho nó; nhưng thật tâm của nó chưa chịu khuất phục, đây chỉ là một mưu kế chờ có cơ hội là hại Ngài, ngay tức khắc. Ngài Ðại đức biết rõ ác tâm của nó, cho nên Ngài vừa thoát ra khỏi lỗ mũi, khi Rồng chúa vừa mở miệng, Ngài lại nhanh như chớp đi thẳng vào miệng của Rồng chúa mà nó không hề hay biết, Ngài đi thẳng vào bụng của nó, mở đường đi kinh hành từ hướng Ðông sang hướng Tây, rồi đi ngược lại, và từ hướng Nam sang hướng Bắc, rồi đi ngược lại làm cho Rồng chúa đau đớn và khó chịu vô cùng.
Ðức Thế Tôn nhìn thấy như vậy, nhắc nhở Ðại đức Mahàmoggallàna.
– Này Moggallànà, con nên thận trọng, Rồng chúa có nhiều phép mầu lợi hại và ác tâm, vậy con hãy cẩn thận kẻo nguy hiểm.
Ðại đức Mahàmoggallàna bạch với Ðức Thế Tôn:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã luyện Iddhipàla (tứ thần túc) đến chỗ thuần thục, vận dụng như ý. Còn ý nghĩ độc ác của Rồng chúa thì con biết rõ.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài đừng bận tâm lo cho con. Dầu có hàng trăm, hàng ngàn Rồng chúa như Nandopananda thì con cũng có khả năng thu phục được dễ dàng, huống hồ gì chỉ có một con. Bạch Ngài.
Rồng chúa Nandopananda nghĩ rằng: “Lúc đầu vị Sa môn này đi vào miệng mà ta chẳng hề hay biết, bây giờ ta chờ y ra, ta sẽ cắn răng, nhai nuốt y vào bụng mới hả cơn tức giận này”.
Rồng chúa bạch Ngài Ðại đức:
– Kính bạch Ðại đức, tôi xin chịu khuất phục Ngài rồi, kính thỉnh Ngài từ bi ra ngoài, Ngài đi qua, đi lại trong bụng của tôi, làm cho tôi đau đớn khó chịu quá!
Ngay lúc ấy, Ðại đức Màhàmoggallàna đi ra khỏi miệng, mà Rồng chúa Nandopannanda không hề hay biết gì cả. Ngài hiện ra đứng trước mặt, vừa nhìn thấy Ngài Ðại đức Rồng chúa bằng giọng căm tức nói:
– Chính Sa môn này đây à!
Nhanh như chớp, từ hai lỗ mũi, Rồng chúa phun ra hai luồng khí độc như vũ bão cực kỳ nguy hiểm để giết hại Ngài Ðại đức; ngay tức khắc, Ngài Ðại đức liền nhập đệ tứ thiền hữu sắc, nên luồng khí độc của Rồng chúa không thể làm cho đầu sợi lông chân của Ngài lay động.
Thấy vậy, Rồng chúa Nandopananda vô cùng kinh ngạc, nghĩ rằng vị Sa môn này có thần thông thật là phi thường.
Lúc ấy, Ðại đức Mahàmoggallàna hoá ra điểu vương Garuda, to lớn phát ra một luồng khói mạnh, phóng thẳng đến Rồng chúa, làm cho thân hình của nó quằn quại lảo đảo một cách khốn khổ. Rồng chúa tự biết mình không thể chịu đựng nổi oai lực của Ngài Ðại đức nên đành chịu khuất phục trước uy lực và đức độ của Ngài.
Rồng chúa hoá ra một cậu bé chấp tay đảnh lễ Ðại đức rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Ðại đức, con đem hết lòng thành kính xin nương nhờ nơi Ngài, rồi y cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Ngài Ðại đức một cách thành kính bằng tâm phục thiện.
Như vậy, Ðại đức Mahàmoggallàna đã thu phục được Rồng chúa Nandopananda cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, Ngài Ðại đức bảo Rồng chúa rằng:
– Này Nandopananda, có Ðức Thế Tôn đang ngự ở kia, con hãy đi theo thầy đến hầu đảnh lễ Ngài.
Rồng chúa Nandopananda ngoan ngoãn vâng lời thầy đi theo sau đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn:
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng, lần thứ ba, kể từ nay cho đến trọn đời.
Ðức Thế Tôn truyền dạy rằng: “Này Rồng chúa Nandopananda, cầu chúc cho con được sự an lạc lâu dài”.
Rồng chúa Nandopananda có duyên lành đã quy y Tam bảo trở thành Rồng chúa có chánh kiến, có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.
Sáng hôm ấy, công việc hoá độ Rồng chúa Nandopananda đã hoàn thành, Ðức Phật cùng 500 vị Tỳ khưu Tăng vân hành trở lại kinh thành Sàvatthi ngự đến tư thất phú hộ Anàthapindika để thọ thực cũng vừa đúng ngọ.
Vị trưởng giả đại thí chủ hoan hỷ đón rước Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng xong bèn bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, do vì nhân duyên nào mà Ðức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đến trễ như thế này?
– Này Anàthapindika, sáng nay Như Lai cùng chư Tỳ khưu Tăng trên đường đến Tam thập tam thiên, ngang qua cung điện của Rồng chúa Nandopananda, Như Lai đã cho phép Moggallàna dùng thần thông để thu phục Rồng chúa có tà kiến, nhiều thần thông ấy.
– Kính bạch Ðức Thế Tôn kết quả như thế nào? Bạch Ngài?
– Này Anàthapindika, Moggallàna đã thu phục được Rồng chúa Nandopananda, nó đã cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, trở thành Rồng chúa có chánh kiến, có đức tin trong sạch và đã quy y Tam bảo.
Nghe vậy, vị đại phú hộ vô cùng hoan hỷ bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, thật là hạnh phúc biết dường nào! Vậy, con kính thỉnh Ðức Phật cùng 500 vị Ðại đức Tăng ngự đến thọ thực nhà con suốt 7 ngày, để mừng Ngài Ðại đức Mahàmoggallàna đã thâu phục được Rồng chúa Nandopananda có đức tin quy y Tam bảo.
-ooOoo-
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 49