Các Tỳ Khưu Ở Kosambi

“Pare ca na vijānanti,
Mayam’ettha yamāmase;
Ye ca tattha vijānanti,
Tato sammanti medhagā”.

“Nhóm kia không hiểu biết,
Nơi đây ta tự diệt.
Người am hiểu lẽ nầy,
Từ nay thôi biện thuyết”.

Kệ Pháp Cú số 6 nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến các Tỳ khưu ở thành Kosambi. Thời ấy, gần thành Kosambi có hai vị Tỳ khưu cùng an cư trong ngôi chùa Ghosita (Lôi Âm), một vị chuyên thuyết pháp, một vị thông suốt Tạng Luật. Vị nào cũng có năm trăm đệ tử túc trực bên mình. Một hôm vị Pháp sư đi đại tiện trong cầu xí, rửa ráy xong đi ra, còn chừa nước dư trong cái gáo mà không úp xuống. Kế đó vị Luật sư đi cầu vô thấy nước dư trong cái gáo, đến khi trở ra gặp vị Pháp sư bèn hỏi:

– Nầy đạo hữu, phải đạo hữu đi cầu còn chừa nước dư trong cái gáo không?

– Dạ phải! Thưa đạo hữu.

– Đạo hữu không biết làm vậy là phạm giới (Tác ác) sao?

– Dạ! Thật tôi không biết.

– Làm vậy là phạm giới đó thưa đạo hữu.

– Thế thì để cho tôi xin sám hối tội ấy.

– Nhưng nếu đạo hữu không cố ý, không niệm tưởng trong khi làm thì không phạm. Nghe vậy vị Pháp sư phạm giới cho là mình không có lỗi, nên bỏ qua không sám hối.

Vị Luật sư không kín miệng, đem nói với nhóm đệ tử của mình: “Vị Pháp sư nầy phạm giới mà không biết”.

Những vị nầy, khi gặp mặt những vị đệ tử của vị Pháp sư, bèn chê trách: “Thầy Tế độ của mấy đạo hữu đã phạm giới mà không biết là mình có lỗi”.

Đệ tử của vị Pháp sư đem chuyện nầy bạch với thầy mình. Vị Pháp sư nói rằng:

“Cái ông Luật sư nầy, lúc trước đã bảo là ta không phạm, bây giờ lại nói là ta phạm. Vậy ông ta là người vọng ngữ”.

Thế rồi, hai bên sanh sự cãi nhau, trước nhỏ sau to, lần lần gây ra lớn chuyện. Kế đó vị Luật sư nắm được cơ hội, nhóm hết chư Tăng, đọc tuyên ngôn trục xuất vị Pháp sư. Viện cớ rằng vị nầy phạm giới mà không chịu nhận lỗi. Từ đó, những thí chủ thường dâng cúng vật thực vật dụng và những người hộ độ chư Tăng trong chùa bắt đầu chia ra làm hai phe. Cho đến chư Tỳ khưu Ni thỉnh Tăng dạy đạo, chư thiên hộ pháp cùng các bạn mới bạn cũ, chư thiên trên hư không cũng như chư Phạm Thiên, tất cả những vị còn phàm tâm thảy đều chia ra làm hai phe đối lập, tranh luận nhau, tiếng xôn xao thấu đến cõi trời Sắc Cứu Cánh Thiên (kaniṭṭhabhavana).

Lúc ấy, một vị Tỳ khưu đem chuyện tranh chấp giữa hai nhóm Tăng về bạch lên Đức Thế Tôn, nói rằng: “Nhóm Tăng đọc tuyên ngôn trục xuất vị Pháp sư cho rằng mình hành đúng pháp luật, nhưng nhóm binh vực vị nầy phản ứng bản trục xuất, cho là không đúng pháp luật, nên vẫn giao thiện thân cận vị Pháp sư”.

Đức Thế Tôn hai lần nhắn lời khuyên bảo: “Hãy nên hòa hiệp”, nhưng Ngài được tin trả lời: “Bạch Ngài, họ vẫn không chịu hòa nhau”.

Lần thứ ba được tin cho hay Tăng chúng đã phân ly, Đức Thế Tôn phải thân hành ngự đi đến tận nơi tranh chấp giải bày chỗ bất lợi trong hành vi thái độ của cả hai bên, bên Luật sư đọc tuyên ngôn trục xuất và bên Pháp sư phạm giới mà không chịu sám hối. Rồi Ngài phán dạy chư Tăng hãy làm lễ Phát lồ chung nhau ngay lúc đó và hành Tăng sự chung trong một chỗ có Kiết giới (Sīmā). Ngài ban hành điều lệ, cho phép các Tỳ khưu đã tranh chấp nhau nơi Trai Tăng đường hay bất luận nơi nào, hãy nên ngồi xen kẽ nhau (āsanatarikāya) trong Trai Tăng đường.

Dàn xếp xong xuôi, Đức Thế Tôn trở về chùa Jetavana. Kế đó, lại có tin cho hay: Chư Tỳ khưu ở Kosambi lại cạnh tranh với nhau nữa.
Đức Thế Tôn lại thân thành ngự đến tận chùa Ghosita để hòa giải. Ngài mở lời cản ngăn rằng: “Thôi đi, các Tỳ khưu đừng chia rẽ, tranh chấp nữa”.

Đoạn Ngài dạy tiếp rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, những sự chia rẽ tranh chấp, cãi lẫy, kình chống nhau, đều chẳng lợi ích chi, cũng vì tranh chấp nhau mà con chim cút Ấn Độ (Lututika) bé tí hon đã làm thiệt mạng một thớt tượng chúa (Hatthināga).

Sau khi kể tích Bổn Sanh (Jātaka) về con chim cút, Đức Thế Tôn khuyên nhủ rằng: “Nầy các Tỳ khưu, các ông hãy nên hòa hợp nhau, đừng kình chống nhau nữa. Vì kình chống nhau mà cả trăm ngàn con chim cút thường (vattatā) phải bỏ mạng”.

Và Đức Bổn Sư kể thêm về tiền tích con chim cút. Nhưng chư Tăng vẫn giữ lập luận của mình, bất chấp những huấn từ của Đức
Thế Tôn.

Một vị Pháp sư háo thắng, muốn cho Đức Thế Tôn khỏi phải cực lòng nói mãi vô ích, lên tiếng can rằng: “Bạch Thế Tôn là Đức Pháp Chủ, xin Ngài hãy về ngơi nghỉ dưỡng nhàn và hưởng thụ sự an vui nhãn tiền hiện hữu. Để cho chúng Tăng nhờ sự chia rẽ, tranh chấp, cãi lẫy, kình chống nầy mà danh tiếng được lẫy lừng”.

Nghe vậy, Đức Thế Tôn lại phán: “Nầy các Tỳ khưu, xưa kia tại thành Bārāṇasī, có vị Quốc vương tên là Brahmadatta (Phạm Thí) là vua xứ Kāsi. Vua Brahmadatta xâm chiếm nước Kosala của vua Dīghīti (Trường Thọ), bắt hành quyết vị Vương tẩu quốc, sau dược Thái tử Dīghāyu (Trường Sanh) dung tha mạng sống, không báo thù, từ đó hai họ giao hòa, đồng vinh cộng lạc”.

Kể tích nầy, Đức Bổn Sư kết luận: “Nầy các Tỳ khưu, rất đỗi là các bậc vua chúa anh hùng mã thượng, từng trải việc kiếm cung chinh chiến mà còn nhẫn nại giao hòa được như thế thay, hà huống là chư Tăng đã xuất gia Sa môn, dự hàng Thinh Văn đệ tử của Như Lai mà không làm sao sáng tỏ đức nhẫn nhục hiền hòa, cho mọi người trông thấy được sao?”.

Mặc dầu đã tận tình khuyến giới, Đức Bổn Sư cũng không hòa giải được nhóm đệ tử của Ngài. Thấy Tăng chúng phân ly, Đức Thế Tôn chẳng được hài lòng.

Ngài tự nghĩ:

“Các Tỳ khưu không vâng lời ta giáo hóa, tình trạng chia rẽ nầy chỉ làm Ta bận rộn hay là Ta lánh xa nơi đô hội, một mình ra đi tìm chỗ tịnh cư”.

Nghĩ rồi, Đức Thế Tôn vào thành Kosambi khất thực, sau đó không từ giã chư Tăng, Ngài mang y bát đơn thân độc hành, ngự ngay đến làng Balaka của người làm muối (Lonakaranaṃ). Nơi đó Ngài thuyết cho Đại đức Bhagutthera về hạnh độc hành (Ekacarikavatta). Rồi Ngài ngự đến rừng Pācinavamasamigadāya (Trúc Lộc Viên), thuyết về phước báu hương vị của pháp hòa hợp cho ba mươi vị thiếu niên công tử
nghe.

Đoạn Ngài trực chỉ vô miền Pālileyyaka. Nghe rằng Đức Thế Tôn đã nhập một hạ an vui nơi đó, dưới gốc cây Tāla xinh đẹp trong khu rừng Rakkhitavana (Vệ Lâm) gần vùng Pālileyyaka có con Tượng chúa Pālileyyaka hộ độ. Ở Kosambi, những thiện nam tử đi chùa không thấy Đức Bổn Sư, bèn hỏi chư Tăng:

– Bạch các Ngài! Đức Bổn Sư ngự tại đâu?

– Ngài đi vào rừng Pālileyyaka rồi.

– Bạch Ngài vì lý do nào?

– Vì Ngài đã cố gắng hết sức giảng hòa mà chư Tăng chúng tôi không chịu đoàn kết với nhau.

– Bạch các Ngài! Các Ngài đã xuất gia làm đệ tử của Đức Bổn Sư, mà Đức Bổn Sư dạy các Ngài hòa hợp đoàn kết, các Ngài không chịu đoàn kết với nhau hay sao?

– Quả thật như thế đó, nầy các đạo hữu.

Mọi người nghe vậy, bảo nhau: “Mấy ông nầy là môn đồ của Đức Bổn Sư mà lại cãi lời Thầy, không chịu đoàn kết. Tại mấy ông mà chúng ta không diện kiến Đức Bổn Sư được, vậy ta đừng nên thỉnh ngồi, đảnh lễ, chào mừng, kính trọng mấy ông nầy nữa”. Từ đó trở đi, khi gặp chư Tăng ở Kosambi, không ai thèm để ý chào đón chi hết.

Chư Tỳ khưu đi khất thực cũng ít người để bát, phải nhịn đói hết hai ba ngày liền, nhờ đó mới tỉnh ngộ cùng nhau sám hối và tha thứ tội lỗi cho nhau, đoạn báo tin cho thiện tín hay rằng:

– Nầy chư thiện tín, chư Tăng đã hòa hợp, các ông hãy trong sạch như trước.

– Các Ngài có xin sám hối với Đức Bổn Sư chưa?

– Nầy các đạo hữu, chư Tăng chưa sám hối với Ngài.

– Nếu vậy, các Ngài hãy xin sám hối với Đức Bổn Sư đi. Chừng nào các Ngài xin sám hối với Đức Bổn Sư chừng ấy chúng tôi sẽ trong sạch với các Ngài như trước. Lúc ấy vì chưa mãn hạ, không thể đi sám hối với Đức Bổn Sư nên các Tỳ khưu phải ráng sống lây lất khổ cực lắm.
Trái lại, Đức Bổn Sư nhập hạ một mình trong rừng được an vui nhờ có Tượng chúa Pālileyyaka hộ dộ.

Tượng chúa này cũng lìa đàn, đi vô rừng sâu một mình để được an tịnh. Tượng chúa tự nghĩ: “Ở trong đàn chung chạ bực bội quá! Nào là voi đực voi cái voi lứa voi con… bao nhiêu đầu ngọn cỏ của ta đều bị chúng gặm trước, bao nhiêu nhánh cây ta bẻ sẵn xuống đều bị chúng dành nhau ăn, chỗ ta uống nước đều bị chúng quậy cho nổi bùn. Ta xuống ngâm mình dưới ao hồ nào cũng bị con voi cái đeo theo kỳ cọ trên mình ta. Hay là ta hãy lánh đi, tìm chỗ sống riêng biệt một mình”. Nghĩ rồi Tượng chúa quyết định lìa đàn, đi ngay vô khu rừng Rakkhitavana trong vùng Pālileyyaka, đến dưới gốc cây Tāla xinh đẹp, chỗ Đức Thế Tôn đang ngự, đảnh lễ Ngài xong, Tượng chúa nhìn quanh không thấy có vật chi khác hết, Tượng chúa bèn lấy chân đạp mạnh vào gốc cây Tāla xinh đẹp làm cho cây ngã xuống, đoạn dùng vòi tét một cánh cây, lấy làm chổi quét sân.

Kế đó, Tượng chúa dùng vòi lấy vỏ cây đi múc nước để sẵn. Khi nhớ nước nóng cần phải có, tượng nghĩ lập cách nấu nước, làm sao đây?
Tượng dùng vòi kéo cây cứng cọ nhau cho nháng lửa, đoạn nó chất thêm củi khô cho cháy lên có ngọn, lượm đá nhỏ bỏ vô đống lửa, nướng cho nóng, rồi dùng vòi cầm gậy khều đá ra, lăn đùa đi cho đá rớt xuống các hồ nước thiên nhiên trên một hốc đá (sondi).

Thỉnh thoảng Tượng lấy vòi thăm chừng, khi độ biết nước vừa đủ ấm, nó đến đảnh lễ Đức Bổn Sư.

Đức Ngài hỏi nó: “Ngươi nấu nước nóng rồi phải không Pālileyyaka?”. Đoạn Đức Thầy đến chỗ tắm.

Kế đó, Tượng chúa mang nhiều thứ trái cây dâng lên Đức Bổn Sư. Tới giờ Đức Bổn Sư vào làng khất thực, Tượng chúa lấy y bát đội lên đầu đi theo hầu Ngài.

Khi tới cận xóm, Đức Bổn Sư dừng lại, bảo tượng rằng: “Nầy Pālileyya, kể từ đây ngươi không thể theo ta được nữa, hãy trao y bát lại cho ta”.
Lấy y bát rồi, Đức Bổn Sư ngự đi một mình vào làng khất thực.

Con Tượng chúa đứng mãi nơi bìa rừng, chờ cho tới khi Đức Bổn Sư đi bát về, chạy ra rước lấy y bát, đội lên đầu và lục thục theo Ngài trở về chỗ ngự.

Về đến nơi, nó để y bát xuống đàng hoàng, lại tiếp tục làm lại những công việc hàng ngày nó vẫn làm để phục dịch Đức Bổn Sư, khi rãnh việc nó cầm cây làm quạt để quạt hầu Ngài.

Ban đêm, Tượng cầm một khúc cây to, thức để canh phòng thú dữ, nó nói thầm:

“Ta sẽ hộ vệ Đức Bổn Sư”, rồi nó đi tới đi lui, tuần hành theo các khoảng trống trong rừng cho tới khi mặt trời mọc. Theo tục truyền, khu rừng được mệnh danh kể từ đó. Khi mặt trời mọc lên, Tượng chúa dâng nước rửa mặt, cây đánh răng… đến Đức Bổn Sư xong, nó lo làm những phận sự hằng ngày đã kể ở trước. Gần nơi đó, có con khỉ chúa, ngày ngày trông thấy Tượng chúa dậy sớm, hầu hạ phục dịch Đức Như Lai, khỉ chúa tự nghĩ: “Ta cũng sẽ làm việc chút ít chứ”.

Trong khi nhảy nhót la cà nhiều chỗ, một hôm khỉ ta gặp được một ổ mật ong, đóng trên một nhánh cây, thấy ong đã bỏ đi hết, nó bèn bẻ nhánh cây ấy, cầm đi đem về gần tới Đức Bổn Sư nó bứt lá chuối lót dưới ổ mật ong, rồi dâng lên cho Ngài dùng.

Ngài chỉ tiếp nhận và làm thinh. Khỉ chúa đứng chờ coi Đức Bổn Sư có thọ dụng ổ mật đó không. Nhưng nó chỉ thấy Ngài cầm lên và để xuống chứ không dùng. Khi ta tự hỏi: “Có cái gì đây?”, nó bèn cầm lấy nhánh cây có ổ ong lên, lật qua lật lại xem thật kỹ, thì thấy còn sót trứng ong trong ổ, nó bèn cẩn thận gạt bỏ hết trứng ong, rồi dâng ổ mật lại Đức Bổn Sư. Lần này Ngài thọ lãnh và thọ dụng. Thấy vậy, khỉ chúa mừng quýnh, tung tăng nhảy nhót chuyền hết cành nầy tới cành kia.

Đang lúc cao hứng, không cẩn thận đề phòng, khỉ chúa với tay chụp phải một nhánh cây giòn yếu, nhánh nắm trong tay gãy, nhánh đạp dưới chân cũng gãy luôn, khỉ ta rơi từ trên cao xuống, trúng nhằm một gốc cây bén nhọn, chết liền tại chỗ. Nhờ tâm trong sạch đối với Đức Bổn Sư, khỉ được siêu sanh lên cõi Tam thập tam thiên (Tāvatiṃsa) ở trong một tòa đền bằng vàng rộng ba mươi do tuần, có hàng ngàn thiên nữ theo hầu. Khắp cõi Diêm Phù Đề đều hay biết tin Đức Bổn Sư kiết hạ an cư trong rừng Rakkhitavana, có Tượng chúa hộ độ.

Từ thành Sāvatthī Trưởng giả Anāthapiṇḍika và bà Visākhā cùng nhiều đại gia tộc khác gởi thơ yêu cầu Đại đức Ānanda:

“Bạch Ngài, xin cho chúng tôi được yết kiến với Đức Tôn Sư”.

Năm trăm vị Tỳ khưu nhập hạ ở tha phương, khi mãn hạ về gặp Đại đức Ānanda, cũng yêu cầu:

– Nầy đạo hữu Ānanda! Từ khi chúng tôi hội kiến với Đức Tôn Sư, được nghe pháp thoại của Ngài đến nay cũng đã quá lâu, xin đạo hữu hoan hỷ giúp chúng tôi được yết kiến Ngài để được nghe những lời vàng ngọc do Ngài ban bố. Đại đức Ānanda bèn hướng dẫn chư khách Tăng đi tìm Đức Bổn Sư.

Khi gần đến nơi, Đại đức nghĩ thầm: “Đức Như Lai đã sống biệt cư trong ba tháng qua, ta chẳng nên đưa khách Tăng cùng vào một lượt mà làm mất sự yên tịnh của Ngài”.

Để chư Tăng ở lại bên ngoài, Đại đức đi một mình vào rừng Rakkhitavana.

Tượng chúa Pālileyyaka vừa thấy dáng người lạ đã cầm gậy chạy xông tới. Đức Bổn Sư nhìn tượng chúa và kêu: “Pālileyyaka hãy dang ra đừng đứng cản đường.

Đó là vị thị giả của Như Lai”. Tượng chúa lập tức bỏ gậy xuống, đến xin rước bát của Đại đức, nhưng Đại đức không đưa.

Tượng chúa nghĩ thầm: “Nếu vị nầy thông hiểu Giới Luật thì không dám để đồ đạc của mình lên thạch bàn chỗ Đức Bổn Sư an tọa”.

Đại đức đặt y bát xuống đất (những vị Tỳ khưu hiểu Luật không bao giờ để đồ đạc của mình lên chỗ ngồi, chỗ nằm của các bậc Thầy Tổ).
Tượng chúa thấy vậy, phát tâm trong sạch đối với Đại đức.

Sau khi đảnh lễ Đức Tôn Sư, Đại đức ngồi xuống một bên. Đức Bổn Sư bèn nói:

– Nầy Ānanda! Ông lại đây có một mình ông sao?

Khi nghe Đại đức Ānanda cho Ngài biết có năm trăm vị Tỳ khưu cùng đi với Đại đức, Ngài lại nói:

– Chư Tăng ấy hiện giờ ở đâu?

– Vì không biết được tôn ý, nên con vào đây có một mình, chư Tăng còn ở lại phía ngoài.

– Hãy gọi chư Tăng ấy vào đây.

Đại đức vâng lời dạy; chư Tăng vào đến nơi, đảnh lễ Đức Thầy xong, ngồi nép qua một bên.

Đức Bổn Sư thân mật hỏi han chư Tăng về việc tự túc và hành đạo rồi, chư Tăng bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Ngài là một vị Phật Chí Tôn, một vị Vương tối thượng, lá ngọc cành vàng mà ở rừng suốt ba tháng hạ, không người hộ độ, dâng nước hầu cơm khi ngồi, khi đứng, khuya sớm một mình chắc là cực khổ lắm!

Nghe vậy, Đức Bổn Sư đáp:

– Nầy các Tỳ khưu! Đã có tượng chúa Pālileyyaka làm hết mọi việc cần thiết giúp Ta, nếu ai có được bạn đồng cư như Tượng chúa nầy, người ấy có thể vui sống chung, bằng không được vậy thì sống lẻ loi cô độc còn hơn.

Nói rồi, tiếp đọc ba câu kệ dưới đây về sau được ghi chép lại trong phẩm Voi (Nāga vagga) của kinh Pháp Cú.

“Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ,
Saddhiṃ caraṃ sādhuvihāri-dhīraṃ;
Abhibhuyya sabbāni parissayāni,
Careyya ten’attamano satīmā.
No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ,
Saddhiṃ caraṃ sādhuvihāridhīraṃ;
Rājāva raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya,
Eko care mātaṅgaraññeva nāgo.
Ekassa caritaṃ seyyo,
Natthi bāle sahāyatā;
Eko care na ca pāpāni kayirā,
Appossukko mātaṅgaraññeva nāgoti”.

“Nếu may gặp bạn đồng hành,
Hiền minh chơn chánh hiểu rành lối đi.
Tinh tường thắng phục gian nguy,
Hãy nên hoan hỷ, nhớ ghi kết tình.
Nếu không gặp bạn đồng hành,
Hiền minh chơn chánh, hiểu rành lối đi.
Như vua bỏ nước vong suy,
Như voi rừng thẳm thà đi một mình.
Thà rằng chiếc bóng độc hành,
Không cùng đứa dại kết tình thâm giao.
Độc cư chẳng phạm lỗi nào,
Thanh nhàn như tượng ra vào rừng sâu”.

Kệ ngôn vừa dứt, năm trăm vị Tỳ khưu đều đắc quả A La Hán. Kế đó Đại đức Ānanda chuyển lời thỉnh cầu của ông Anāthapiṇḍika và các thiện tín khác, Đại đức nói:

– Bạch Ngài! Năm mươi triệu Thánh Thinh Văn có ông Anāthapiṇḍika là người lãnh đạo, kính gởi lời xin cung thỉnh Đức Tôn sư trở về Jetavana.

Đức Thế Tôn phán:

– Thế thì nầy Ānanda, ông hãy mang bát của Ta đi. Đại đức Ānanda vừa lấy y bát của Đức Bổn Sư bước đi, thì Tượng chúa đứng đường cản lại.

Chư Tăng thấy Tượng làm vậy bèn hỏi Đức Thế Tôn:

– Bạch Ngài! Tượng chúa làm cái gì đây?

– Nầy các Tỳ khưu! Tượng chúa tỏ ý muốn cúng dường thực phẩm đó. Tượng nầy có công hộ độ Như Lai lâu ngày, chớ nên làm buồn lòng nó. Chư Tăng hãy ở nán lại.

Đức Bổn Sư dẫn chư Tăng quay trở lại chờ. Tượng chúa đi sâu vô rừng, kiếm chuối và nhiều thứ trái cây khác, chất lên trên đầu, đội về để dành qua ngày sau dâng cúng đến chư Tăng, năm trăm vị Tỳ khưu độ cũng không hết. Khi chư Tăng thọ thực xong, Đức Bổn Sư lấy y bát ra đi.

Tượng chúa rẽ lối đi chen vào chư Tăng, đến đứng ngay trước mặt Đức Bổn Sư.

Chư Tăng lại bạch hỏi:

– Bạch Ngài! Tượng chúa định làm gì vậy?

– Nầy các Tỳ khưu! Tượng chúa muốn tiễn đưa các ông về cho sớm và giữ Ta ở lại.

Đức Bổn Sư quay qua bảo Tượng chúa rằng:

-Nầy Pālileyyaka, hôm nay Như Lai ra đi không còn trở lại. Vĩnh biệt nhà ngươi. Trong kiếp hiện tại nầy ngươi chẳng mong gì đắc Thiền định, Minh sát hay chứng được đạo quả chi đâu. Thôi ngươi hãy nán lại ở đây nghe. Nghe vậy, Tượng chúa đút vòi vào miệng, từ từ thụt lùi lại phía sau vừa đi vừa rống lên những tiếng bi ai sầu thảm (nếu nó cầm được Đức Như Lai ở lại, có lẽ nó sẽ hết lòng phụng dưỡng Ngài mãi mãi cho đến hết đời của nó).

Ra tới bìa rừng, Đức Bổn Sư kêu Tượng chúa và bảo:

– Nầy Palileyyaka! Từ đây trở ra không phải là địa phận của ngươi, nếu ngươi đi xa hơn nữa vào tới nhà cửa xóm làng có người ở, ắt là sẽ nguy hiểm cho ngươi. Thôi ngươi hãy dừng lại!

Tượng chúa bèn dừng lại, rống lên nghe rất thảm thiết. Nó giương đôi mắt nhìn theo Đức Bổn Sư cho đến khi khuất dạng rồi bị nứt tim, nó chết ngay tại chỗ đó, nhờ đang có tâm trong sạch với Đức Như Lai, nó được sanh về cõi Tāvatiṃsa (Đao Lợi) ở trong một tòa lâu đài bằng vàng ba mươi do tuần, có cả ngàn thiên nữ theo hầu và được mệnh danh là Pālileyyaka Thiên tử (Devaputta).

Đức Bổn Sư ngự hành lần hồi về tới Jetavana. Các Tỳ khưu ở Kosambi hay tin Đức Bổn Sư đã trở về thành Sāvatthī, bèn kéo nhau đến để xin sám hối. Quốc vương xứ Kosala nghe tin chư Tăng tranh chấp ở Kosambi đi vào thành Kosala, bèn ngự đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch:
– Bạch Ngài! Quả nhân cấm không cho các Tỳ khưu ngỗ nghịch ấy vào nước của quả nhân.

– Tâu Đại Vương! Tất cả những Tỳ khưu ấy đều là hạng người có giới đức thanh cao, chẳng qua vì tranh giành, kình chống lẫn nhau mà không vâng lời Như Lai đó thôi. Nay họ đã biết ăn năn đến để xin sám hối Như Lai. Đại Vương hãy để cho họ đến.

Ông Anāthapiṇḍīka cũng đến bạch với Đức Thế Tôn:

– Bạch Ngài! Con không cho mấy ông đó vào chùa.

Đức Bổn Sư lại giải thích cho ông nghe, như Ngài giải thích với đức vua, nên ông lẳng lặng đi ra.

Khi các Tỳ khưu ở Kosambi đến, Đức Bổn Sư ra lệnh sắp đặt chỗ ở riêng biệt một phía cho họ ở chung, ngoài ra các Tỳ khưu khác không được ngồi chung, đứng chung hay tiếp xúc chuyện trò của họ.

Nhiều người nghe tiếng đồn, kéo nhau đến chùa hỏi thăm Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài! Các vị nào là những vị Tỳ khưu tranh chấp ở Kosambi đâu?”.

Đức Bổn Sư chỉ ngay họ cho thiện tín thấy. Rồi hết người nọ đến người kia, họ lấy tay chỉ truyền nhau: “Nghe nói là mấy ông Sư đó đó”.

Thế rồi, chư Tỳ khưu ấy hổ thẹn chẳng dám ngước mặt ngó lên đến quỳ mọp dưới chân Đức Bổn Sư và xin sám hối với Ngài.

Đức Bổn Sư qưở rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Việc làm của các ông thật là đáng tội, các ông được xuất gia tu hành với một vị Phật như Ta, mà các ông bất chấp lời khuyên dạy, chẳng khứng hiệp hòa. Bậc hiền trí thưở xưa lãnh lời di chúc của song thân sắp thọ tử hình, dầu cho song thân có bị thảm sát chết đi rồi, cũng không dám vi phạm lời di chúc ấy. Về sau được thống lãnh cả hai quốc gia.

Nói rồi, Đức Bổn Sư nhắc lại tích đức vua xứ Kosala một lần nữa và Ngài kết luận rằng:

“Nầy các Tỳ khưu, dầu cho Phụ vương và Mẫu hậu đã bị hành quyết rồi, Thái tử Trường sanh cũng không trái lời đi chúc của Tiên vương. Về sau được vua Brahmadatta phong làm phò mã và nhường cả ngai vàng, thành ra một mình thống lãnh cả hai lãnh thổ là xứ Kāsi và Kosala. Còn các ông bây giờ cãi, không nghe lời Ta.

Tội lỗi của các ông nặng nề biết mấy”.

Đến đây Đức Bổn Sư đọc lên bài kệ rằng:
“Pare ca na vijānanti,
Mayam’ettha yamāmase;
Ye ca tattha vijānanti,
Tato sammanti medhagāti”.

“Nhóm kia tranh luận đảo điên,
Không ngờ: Mình tự tìm niềm diệt vong.
Nhóm nầy lý nọ hiểu thông,
Ta đây dứt sự lòng vòng hơn thua”.

CHÚ GIẢI:
Pare ca: Theo nghĩa thông thường là “những người khác” nhưng ở đây không có nghĩa là người ngoài cuộc, mà ám chỉ những người đang tranh chấp. Gây sự xáo trộn trong đoàn thể, là những người thiếu sự hiểu biết, tương đối với nhóm này là nhóm hiểu biết, không tranh chấp.

Hoặc giả chỉ nhóm Tăng mà Như Lai đã khuyến giới: “Nầy các Tỳ khưu, đừng nên chia rẽ nhau”… mà chẳng chịu nghe lời, lại còn
đáp rằng: “Vì chúng tôi còn tham sân…”.

Na vijānanti: Nghĩa là không hiểu biết, tức là không hiểu biết rằng: Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Hoặc giả là dốt nát đảo điên, chấp theo tà kiến, gắng làm tăng trưởng mầm sống chia rẽ tranh chấp với hi vọng rằng: “Làm vậy chúng tôi sẽ được danh tiếng”.

Mayam’ettha: Nghĩa là chúng ta nơi đây, ý nói trong việc tranh chấp, chia rẽ nầy, hoặc là ở nơi đây có sự chia rẽ nầy.

Yamāmase: Sự tiêu diệt, chư Tăng đang hòa hợp sống chung, bỗng nhiên sanh ra tranh giành, cãi vã, bất hòa, ấy là tự mình chận đứng bước tiến của mình, tự mình tiêu diệt mình, tự mình đưa nhau đến chỗ suy vong mà không tự biết.

Ya ca tattha: Nghĩa là những người ở tại đây, chỉ nhóm người không tranh chấp, đối lại với nhóm kia ở câu kệ trên.

Hoặc giả chỉ những Tỳ khưu tranh chấp, nhưng sớm biết ăn năn tự hối, nhờ có sự lưu tâm, suy xét, cân phân lợi hại.

Vijānanti: Nghĩa là hiểu biết, tức là hiểu biết sự tai hại của sự chia rẽ và sức mạnh của sự đoàn kết to lớn dường nào.

Tato: Từ đây hay là do đây, từ đây là kể từ lúc người hiền trí nhờ lưu tâm quán xét thống thấu được rằng: Sự tranh chấp chia rẽ là con đường đưa đến chỗ diệt vong.

Còn nói do đây, là do những người sớm biết lưu tâm quán xét tự nhận tội lỗi để cùng nhau hợp hòa trở lại, do người như vậy làm gương cho người khác noi theo.

Samanti medhagāti: Các sự tranh chấp, cãi lẫy hiện thuyết hơn thua, phải quấy thảy đều yên lặng chấm dứt, không còn kéo dài lòng thòng nữa.

Đến cuối câu kệ, chư Tỳ khưu đều đắc quả nhất là quả Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Hai nhóm Tỳ khưu Kiều Thưởng Di,
Nghịch nhau bởi cớ chẳng ra gì.
Nước thừa, lại phá Tăng hòa hiệp,
Giới nhỏ sao làm chúng đoạn ly.
Phật dạy không nghe lời quý ích,
Thầy chung sẽ được tiếng cao kỳ.
Từ Tôn vắng bóng còn ai hộ.
Bụng đói thì thôi hết thị phi.
DỨT CHUYỆN CÁC TỲ KHƯU Ở KOSAMBI

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 45

Post Views: 393