Tích Thiện hộ Kumbhaghosaka – sống hợp lẽ đạo gặt nhiều phước báu
Tích Thiện hộ Kumbhaghosaka – sống hợp lẽ đạo gặt nhiều phước báu
“Uṭṭhānavato satimato,
Sucikammassa nisammakārino;
Saññatassa ca dhammajīvino,
Appamattassa yasobhivaḍḍhatīti”.
“Người chánh niệm nhiệt thành,
Tịnh nghiệp hiệp tri hành,
Giữ mình sống phải đạo,
Không buông lung thô tháo,
Hằng lừng lẫy thinh danh”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự ở Veḷuvana, đề cập đến Thiên hộ Kumbhaghosaka (Đào Khí Âm).
Thưở ấy, nhà của một phú Trưởng giả trong thành Rājagaha bị nhiễm bịnh thời khí (ahivātakarogo).
Lúc bịnh mới phát, ruồi lằn chết trước, kế đến những bò cái, súc vật khác chết tiếp theo. Từ đó, bệnh lây qua các nô tỳ, công nhân trong nhà và sau cùng lây đến chủ nhà.
Khi biết mình lâm trọng bịnh, liệu thế chắc không thoát khỏi chết, hai ông bà phú Trưởng giả đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn cậu công tử đang đứng gần đó và bảo rằng:
“Con ơi! Nghe nói lúc bịnh nầy mới phát, những người phá vách chạy thoát ra ngoài thì được sống sót. Vậy con đừng lo cho cha mẹ. Hãy tiên bảo kỳ thân, chạy thoát đi cho mau, nếu còn sống ngày sau con trở về đây, đến hầm cha mẹ chôn giấu bốn trăm triệu đồng vàng, con đào lấy lên mà làm của sinh sống”.
Nghe qua những lời trăn trối của song thân trong giờ hấp hối, cậu con trai xúc động đến rơi nước mắt. Vừa lạy vừa khóc, cậu không biết làm gì hơn là vâng lời cha mẹ, trốn tránh tử thần, phá vách thoát ra ngoài chạy về miền sơn lâm (Pabbatagahano). Cậu ở tại đó mười hai năm trời dài đăng đẳng, mới quay về sanh quán.
Lúc ra đi là tiểu công tử hãy còn ấu xuân, bây giờ trở về râu tóc sum suê, mặt mày đổi khác nên không ai nhìn biết cậu là con nhà đại phú đã từ trần. Công tử liền đến thăm chừng hầm chôn vàng mà song thân quá cố đã di ngôn cho cậu, thấy còn nguyên vẹn thì nghĩ thầm: “Bây giờ không còn ai nhận ra ta hết, nếu ta đào lên lấy kho vàng tiêu xài, thì sao khỏi chánh quyền bắt bớ làm khó dễ ta, nghĩ rằng ta là một kẻ bần cùng đạo trộm của người chôn giấu. Thôi ta hãy kiếm việc làm thuê, lấy tiền chi độ khẩu”.
Thế rồi, công tử cải trang, ăn vận rách rưới, đi dần vào xóm lao động vừa đi vừa nói:
– Ai có cần mướn người làm không?
Khi ấy có người ở mướn, trông thấy Kumbhaghosaka trong bộ y phục bần cùng đi xin việc thì bảo cậu: “Nầy chú em, làm việc này giúp bọn ta, thì bọn ta sẽ cấp lương thực cho chú em”.
– Việc chi vậy mấy anh?
– Ôi việc nầy dễ ợt, nếu chú em mầy siêng năng thì hừng đông dậy cho sớm đi loanh quanh kiếm các công nhân và kêu gọi họ: “Anh em ơi! Hãy thức dậy đẩy xe ra ngoài và hãy bắt kê bỏ vô! Đã đến giờ thả voi, ngựa ra đồng cỏ rồi nghe! Chị em cũng mau mau ra nấu cơm, nấu cháo đi nghe!”, chỉ có vậy thôi.
Nghe giảng giải xong, công tử nhận chịu đáp:
– Được vậy tốt lắm.
Khi ấy, công tử được cấp cho một cái nhà ở gần nơi đó, mỗi ngày công tử làm tròn phần việc mà họ đã giao.
Thời bấy giờ, Quốc vương Bimbisāra có phép chỉ nghe tiếng nói mà đoán biết thân thế cả tất cả mọi người. Một hôm Quốc vương tình cờ nghe được tiếng nói của công tử Kumbhaghosaka, bèn buột miệng phán rằng: “Đó là một tiếng nói của thanh niên cự phú”.
Lúc ấy có bà ngự nữ đứng hầu đức vua, bà muốn ứng tiếng hỏi nhưng lại nghĩ thầm: “Chắc có lẽ đức vua cũng chẳng dạy cho ta biết rõ việc nầy đâu? Ta cần phải tự mình truy cho ra sự thật”.
Nghĩ rồi, bà ngự nữ phái một quan nội thị ra đi: “Khanh hãy điều tra xem thanh niên đó là người như thế nào?”.
Nội thần vội vã ra đi, giáp mặt công tử Kumbhaghosaka rồi trở về tâu rằng: “Tâu lịnh bà, thanh niên đó là một người nghèo khổ, làm công cho một người ở mướn”.
Quốc vương nghe tâu làm thinh. Qua ngày thứ hai, thứ ba, Quốc vương vẫn còn nghe tiếng nói ấy và cũng đã thốt ra những lời như trước, khiến cho bà tự nữ đứng hầu nghe được, bà cũng nghĩ như trước: “Ta phải truy cho ra manh mối việc nầy”. Bà đã sai phái người đi điều tra nhiều lượt, nhưng ai cũng về trả lời rằng: “Đó là một kẻ bần nhơn”. Bà ngự phi suy nghĩ: “Quốc vương nghe tấu đó là một kẻ bần nhơn thì không tin, cứ lặp đi lặp lại rằng: “Đó là tiếng nói của chành thanh niên đại phú”. Việc nầy ta phải làm cho ra lẽ, ta phải biết rõ sự thật mới được”.
Bà tâu cùng Quốc vương: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho thần thiếp một ngàn đồng vàng, thần thiếp sẽ dắt Công chúa đi theo, nhất định sẽ đem kho tàng ấy về nhập vào vương khổ”.
Quốc vương chuẩn tấu, ban cho vương phi một ngàn đồng vàng, vương phi nhận tiền rồi, bảo Công chúa vận y phục bằng thứ vải thô kệch dơ dáy, đoạn hai mẹ con rời thành Rājagaha ra đi.
Giả trang khách lữ hành, hai phụ nữ quyền quý nầy đến ngay xóm lao động vào trong một nhà nọ hỏi một chủ nhà: “Bác ơi! Chúng tôi đi xa lỡ đường, xin bác làm ơn cho ở đỡ vài hôm rồi chúng ta sẽ ra đi”.
Chủ nhà đáp:
– Bác à! Không mấy khi bác đến đây hỏi xin ở nhờ, nhưng nhà cháu đông người chật chội lắm, đùm đậu ở đây không tiện, hay bác hỏi ở nhà Kumbhaghosaka thử xem, chú ấy ở một mình một cái nhà rộng lớn. Vương phi dắt Công chúa đến đó, yêu cầu: “Ông ơi! Chúng cháu lỡ đường, xin ông chủ cho chúng cháu ở nhà nhờ trong một vài hôm”.
Thấy thanh niên từ chối nhiều lượt vương phi khẩn khoản van nài: “Ông chủ làm ơn cho chúng cháu ngủ nhờ một đêm nay thôi, ngày mai chúng cháu sẽ đi sớm”.
– Ờ thôi được! Hai người ở đỡ một đêm thì cứ ở.
Ngày hôm sau vương phi không chịu từ giã lên đường, chờ khi công tử đi ra đồng làm việc trở về vương phi bảo: “Ông chủ ơi! Ông có lòng tốt cho chúng tôi ở tá túc, chúng tôi không biết lấy chi đền ơn vậy chúng tôi xin nấu cơm giúp ông chủ”.
– Thôi đi bà ơi! Tôi tự nấu lấy mà ăn cũng được.
Tuy bị từ chối vương phi cũng không nản lòng, cứ đeo theo yêu cầu mãi về sau cũng được công tử chấp nhận vương phi bèn ra chợ mua các thứ ngon lành hảo hạng như gạo trắng thơm… đem về nấu nướng theo thực đơn của nhà vua, gồm: Có cơm trắng nuốt như bông bưởi, phụ thêm hai ba món sơn hào hải vị cam trân ngào ngạt, chờ công tử đi làm về dọn ra cho công tử dùng. Khi thấy công tử dùng xong bữa có vẻ
hài lòng thõa mãn. Vương phi bèn nói với ông chủ:
– Ông chủ ơi! Mẹ con chúng tôi còn mệt, xin ông chủ cảm phiền cho mẹ con tôi ở lại một đôi ngày nữa.
Công tử nhận lời:
– Ờ được.
Ngày hôm sau vương phi đích thân đứng nấu các món thực phẩm hướng điềm dọn cho công tử ăn.
Thấy biết công tử đã xiêu lòng vương phi đã nài nỉ xin ở thêm mấy ngày nữa. Nay lần mai lượt, thừa lúc công tử Kumbhaghosaka vắng nhà vương phi dùng dao bén cắt đứt nhiều khúc ở dưới hai bên phía dưới giường nệm của công tử. Khi công tử đi làm về, ngồi lên giường thì cái giường lún thấp xuống.
Công tử hỏi: “Tại sao cái giường nầy thủng xuống như vầy đây?”.
– Thưa ông chủ, có mấy đứa con nít ở lối xóm lại chơi, chúng nó nghịch quá, tôi ngăn cản không được. Chúng nó cả đám trèo ngồi hết trên giường hoài.
– Bà ơi! Tôi mắc cái nạn nầy cũng là tại do bà ở đậu mà ra, chớ lúc trước mỗi lần ra đi, tôi khóa cửa nhà lại hết thì đâu có xảy ra chuyện gì?
– Tôi ngăn lũ trẻ không được thì biết làm sao. Thưa ông chủ.
Vương phi kiếm lời chống chế như vậy, rồi cứ ngày một ngày hai xin lưu lại ở trong nhà, cắt đứt hết dàn dây treo nệm, chỉ còn chừa lại mỗi sợi vải tao nguyên mà thôi, mặc cho công tử phiền hà trách móc. Một hôm, công tử đi làm về vừa ngồi trên giường thì cái giường nệm sụp xuống luôn, làm công tử té ngồi, dộng trán trên hai đầu gối. Công tử đứng dậy cằn nhằn:
“Tôi làm cái gì, tôi sẽ đi đâu bây giờ, mấy bà báo hại tôi mất cả giường nằm”.
– Ông chủ ơi! Ông đừng buồn tội nghiệp, tôi biết làm sao hơn, tại lũ trẻ con tinh nghịch quá, tôi không ngăn nổi. Thôi giờ nầy ông định đi đâu? Thôi ông cảm phiền lên ngủ đỡ một giường với em gái một đêm nay.
Vương phi bảo Công chúa: “Con ạ, con nằm nép qua một bên cho anh con nằm chung với”.
Công chúa nằm chừa một khoảng trống và kêu: “Ông chủ lên nằm đây đi”.
Vương phi cũng giục công tử: “Ông chủ cứ lên nằm một bên em gái đi”.
Công tử Kumbhaghosaka y lời, lên nằm ngủ chung một giường với Công chúa, chỉ trong đêm ấy, trai gái đã giao tình với nhau. Thiếu nữ phát khóc thút thít. Nghe tiếng vương phi gạn hỏi:
– Sao con khóc vậy con?
– Thưa mẹ! Chuyện xảy ra như vầy…
– Con ạ! Việc đã lỡ rồi, có khóc cũng chẳng ích chi. Vả lại con gái lớn cần phải lấy chồng, trai lớn cần phải lấy vợ. Con được sửa trấp nâng khăn cho công tử đây, cũng là một việc rất hay vậy. Nói rồi Vương phi nhìn nhận công tử là giai tế của mình. Từ đó, ba mẹ con sống chung với nhau rất thuận hòa êm thắm.
Cách mấy hôm sau vương phi cho người thông tin lên đức vua: “Xin bệ hạ cho kỵ binh đi rao truyền. Cho thần dân trong xóm lao động phải ăn mừng lễ khánh hạ, nhà nào không tuân lệnh thì phải nộp tiền phạt!”.
Quốc vương y tấu, cho lính mã kỵ bắt loa loan truyền vương lịnh trong xóm lao động.
Khi ấy, bà hỏi chàng rể:
– Con ạ! Có lịnh đức vua truyền lịnh dân chúng trong xóm lao động chúng ta phải ăn mừng lễ khánh hạ. Vậy ta phải làm sao bây giờ?
– Thưa má, con đi làm thuê, lương không đủ sống, biết làm thế nào bây giờ.
– Con ạ! Những người có nhà ở thì vay mượn được, còn lịnh vua truyền xuống thì không thể cãi lại đâu con. Vậy con đi hỏi coi có nhà nào cho vay thì con cầm cố vay mượn đỡ một vài đồng vàng đem về cho má. Công tử bực mình vừa đi vừa cằn nhằn, đến hầm chôn vàng đào lấy lên một đồng đưa cho nhạc mẫu.
Vương phi gửi đồng vàng ấy lên cho đức vua và lấy tiền mình ra xài phí trong cuộc lễ.
Độ vài hôm sau vương phi lại cho người thông tin lên Quốc vương, cũng tâu xin như trước.
Quốc vương lại hạ lịnh cho thần dân ăn mừng lễ khánh chức, nhà nào không tuân lịnh thì phải nộp phạt.
Công tử Kumbhaghosaka nghe mẹ vào báo tin và thúc hối chạy tiền thì cằn nhằn, nhưng cũng đi lấy hai ba đồng vàng đem về.
Vương phi nhận được tiền của con rễ, bèn gọi người thân tín đem dâng lên đức vua. Lại cách mấy hôm nữa vương phi thông tin lên đức vua:
“Bây giờ xin bệ hạ hãy
triệu công tử về triều”.
Quốc vương y tấu, cho binh cầm lịnh tiến đi triệu công tử Kumbhaghosaka.
Toán lệ binh đến xóm lao động, kiếm hỏi người rằng: “Ai tên Kumbhaghosaka?”. Sau cùng gặp được công tử, họ gọi:
– Lại đây chú ơi! Có lịnh của đức vua đòi chú về triều.
Công tử hoảng hốt, không biết có chuyện gì mà binh lính đến kiếm mình, nên đáp:
– Quốc vương không quen biết với tôi mà. Vả lại, tôi có làm tội lệ gì đâu…
Nói rồi, công tử không chịu đi.
Khi ấy, toán lệ binh bất đắc dĩ phải dùng cường lực, nắm hai tay công tử lôi đi, thấy họ làm như vậy vương phi qưở rằng:
– Nè những quân khó dạy. Bây nắm tay lôi bừa con rể của ta như vậy là bất hợp pháp đó nghe.
Hăm he toán lính rồi vương phi trấn an công tử:
– Con cứ đi đi, đừng sợ chi cả. Mẹ về bái kiến đức vua xong, đứa nào nắm tay con lôi kéo, mẹ sẽ bắt chặt tay chúng nó hết.
Nói rồi Vương phi dắt Công chúa về triều trước, thay đổi xiêm y, trang điểm tươm tất và mặc y phục lộng lẫy, rồi đứng chờ ở trong một phía nơi cung đình. Công tử Kumbhaghosaka bị lệ binh điệu đến sân triều, quỳ xuống triều bái Quốc vương xong, đứng lên chờ lịnh. Quốc vương phán hỏi: “Khanh tên là Khumbhaghosaka phải không?”.
– Muôn tâu đại vương, phải.
– Vì lí do gì, khanh có một kho tàng to tát mà lại giấu, không khai báo chi hết vậy?
– Muôn tâu đại vương, ngu dân nầy đâu có kho vàng nào. Ngu dân nghèo khó, còn phải đi làm mướn kiếm ăn.
Khi ấy, Quốc vương lấy mấy đồng tiền vàng của công tử trưng ra làm tang vật và phán hỏi: “Mấy đồng vàng nầy của ai đây?”.
Công tử nhìn biết là tiền của mình thì sợ hãi, than rằng:
– Trời ơi! Nguy cho ta rồi, tại sao mấy đồng tiền vàng này lọt vào tay đức vua?”.
Nhìn quanh một lượt, công tử trông thấy Vương phi và Công chúa xiêm y lộng lẫy đang đứng chỗ ngưỡng cửa ngự phòng thì nói thầm: “Quả thật ta mắc tội khi quân nặng lắm, hai mẹ con bà ấy chắc là người của đức vua cho theo do thám ta”. Thấy công tử nín thinh, Quốc vương phán bảo: “Thôi khanh hãy nên khai hết sự thật. Tại sao khanh làm như thế?”.
– Tâu đại vương! Vì hạ thần không có ai là người bảo trợ để cho hạ thần nương nhờ cả.
– Người như trẫm không làm chỗ nương nhờ cho khanh được sao?
– Tâu đại vương! Thật là tốt đẹp quý báu, nếu hạ thần được đại vương bảo trợ cho hạ thần được có chỗ nương nhờ.
– Kho vàng của khanh tất cả được bao nhiêu?
– Tâu đại vương, bốn trăm triệu đồng vàng.
– Khanh cần phương tiện gì để đem lên?
– Tâu đại vương, hạ thần cần nhiều xe bò.
Quốc vương truyền lịnh thắng mấy trăm cỗ xe bò, cho lệ binh đi theo Kumbhaghosaka đến hầm chôn vàng, lấy vàng chất lên xe bò, chở về sân ngự chất thành một đống to lớn. Đoạn Quốc vương triệu tập tất cả dân cư trong thành Rājagaha và phán hỏi:
– Trong đô thành có ai làm chủ được bấy nhiêu vàng đây không?
– Tâu đại vương, không.
– Vậy ta nên làm gì đây?
– Tâu đại vương! Xin đại vương trọng thưởng và phong chức tước cho chủ kho vàng nầy.
Quốc vương y tấu, ân tứ nhiều tặng phẩm tưởng thưởng công tử Kumbhaghosaka, phong cho công tử chức Thiên hộ và gả Công chúa cho công tử.
Xong rồi Quốc vương với tân phò mã, ngự đến yết kiến Đức Bổn Sư. Sau khi đảnh lễ Ngài, Quốc vương bạch rằng: “Bạch Ngài, quả nhân chưa từng thấy ai cương nghị như thanh niên nầy, mặc dù làm chủ một kho tàng bốn trăm triệu, chàng không hề ỷ lại, chàng làm như kẻ bần hàn, ăn vận rách rưới, làm thuê cho xóm lao động mà nuôi mạng sống, quả nhân đã khéo dùng mưu mẹo điều tra mới khám phá ra sự thật và
cho đào lấy kho vàng đưa vào triều. Quả nhân đã gả Công chúa cho chàng, phong cho phẩm hàm Thiên hộ kiêm chức Phò mã. Bạch Ngài, thật quả nhân chưa từng thấy ai giàu nghị lực như thiếu niên nầy vậy”.
Nghe xong, Đức Bổn Sư đáp:
– Tâu đại vương! Người giữ theo một nếp sống như thế, mới gọi là sống theo lẽ đạo, còn kẻ bất lương làm nghề trộm cướp chẳng hạn, chỉ chuyên đàn áp nhiễu hại trong kiếp hiện tại, chúng sẽ không có sự an vui. Quả thật thanh niên con nhà giàu có, không may gặp cảnh sa sút mà chịu khó làm công nhân hoặc làm nông phu để nuôi mạng như thế, thì đáng gọi là sống chánh mạng, phải đạo lý. Người có sự tinh tấn, đầy đủ sự ghi nhớ chánh niệm, sau khi dùng trí tuệ cân nhắc rồi mới hành động sao cho tri hành hiệp nhất giữa ba nghiệp thân, khẩu và ý của mình thuần tịnh luôn luôn, nhất là giữ mình sống đời đạo lý, nương theo chánh mạng, không bao giờ xa lìa chánh niệm thì thanh danh về quyền hành, chức tước hoặc sự nghiệp càng ngày càng tăng trưởng thêm lên.
Đến đây, Đức Bổn Sư ngâm kệ ngôn rằng:
“Uṭṭhānavato satimato,
Sucikammassa nisammakārino;
Saññatassa ca dhammajīvino,
Appamattassa yasobhivaḍḍhatīti”.
“Nhiệt thành chánh niệm song song,
Thân, tâm, khẩu nghiệp sạch trong phải đường.
Trí năng cân nhắc tỏ tường,
Sống theo đạo lý, luân thường chẳng quên”.
CHÚ GIẢI:
Trên đây, tiếng Uṭṭhānavato chỉ người có lòng nhiệt thành, tinh tấn hăng hái, chuyên cần.
Satimato: Người có đầy đủ sự ghi nhớ hay pháp chánh niệm.
Sukikammassa: (là người) tịnh nghiệp, nghĩa là tam nghiệp (thân, khẩu, ý) đều thanh tịnh, trong sạch vô tội.
Nisammakārino: Là người có trách nhiệm nhận thức đúng đắn và hành động hù hợp với kiến thức chân xác của mình. Hễ ý nghĩ hay lời nói làm sao thì việc làm cũng vậy, hoặc là người suy xét kỹ lưỡng, nghĩ đến nguyên nhân và hậu quả các nghiệp mình tạo do thân, khẩu, ý trong sạch vô tội rồi mới hành động.
Saññatassa: là biết rõ ràng trí tuệ các thanh hạnh của mình, biết tam nghiệp mình vô tội.
Dhammajīvino: Là người sống hợp theo lý đạo, nuôi mạng chân chánh, như tại gia thì không lường thăng tráo đấu, mua cân già bán cân non, điêu ngoa gian xảo… còn xuất gia tu hành thì không làm hai mươi mốt pháp tà mạng, như cho thuốc, đi thơ… chỉ sống tự túc và tri túc bằng cách trì bình khất thực, lấy lất qua ngày.
Appamattassa: Là không buông lung, không phóng dật, không quên lãng sự thu thức, chánh niệm.
Yasobhivaḍḍhati: Thanh danh tăng trưởng, là quyền tước chức vụ, tên tuổi… càng ngày càng lừng lẫy, càng được nhiều người mến phục.
Sau khi bài kệ chấm dứt, Thiên hộ Kumbhaghosaka đắc quả Nhập Lưu, ngoài ra còn có nhiều người đắc Thánh quả, nhất là Sơ quả do nhờ thính pháp của Đức Bổn Sư, hàng đại chúng hưởng được lợi ích như thế.
Dịch Giả Cẩn Đề
Chánh niệm, chuyên cần, nhẫn biết bao!
Tấm gương Kumbha sáng hùng hào!
Giá nghề ti tiện thân hèn hạ,
Thật kế châu toàn của quý cao!
Nếu chẳng Tần Vương nghe tiếng mách,
Thì không hoàng tộc bước chân vào,
Đức dày phước lớn càng tăng trưởng,
Bỏ lúc trần ai chịu khổ lao!
DỨT TÍCH KUMBHAGHOSAKA
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 14