Tích Thiện Nam Sùng Đạo Dhammika – Tái sanh trời Đâu Suất
Tích Thiện Nam Sùng Đạo Dhammika – Tái sanh trời Đâu Suất
“Idha modati pecca modati,
Katapuñño ubhayattha modati;
So modati so pamodati, disvā
Kammavisuddhimattano”.
“Sống vui thác cũng vui,
Người thiện hai đời vui,
Đã vui càng hoan hỷ,
Thấy nghiệp mình sạch rồi”.
Kệ Pháp Cú (16), Đức Phật thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), đề cập đến ông thiện sự nam sùng đạo Dhammika.
Tương truyền rằng: Thưở ấy, tại thành Sāvatthī (Xá Vệ), có đến năm trăm ông thiện nam, toàn là những nhà hâm mộ tôn sùng Phật Pháp, mỗi ông sùng đạo nầy quy tụ được năm trăm cư sĩ trong mỗi nhóm của mình. Vị thủ lãnh của tất cả các nhóm cư sĩ có được mười bốn người con, bảy trai và bảy gái. Mỗi người con ông đều rất trong sạch trong sự hộ độ Tăng, thường xuyên để bát bằng cách rút thăm, để dâng cháo, cơm vật thực đến Tăng (Salākabhatta), để bát một ngày nào trong mỗi kỳ nửa tháng (pakkhikabhattaṃ), làm lễ Trai Tăng đang nhập hạ tại chùa (vassavāsikaṃ).
Ông Dhammika với vợ và mười bốn người con mà ông mệnh danh là đoàn hậu sanh của ông, hiệp nhau thành mười sáu người thiện tín đắc lực, thay phiên nhau chăm lo cúng dường thực phẩm đến Tăng. Ông đứng ra làm gương mẫu giới đức cho cả gia đình ông và tất cả thiện tín và ông hoan hỷ thỏa thích trong sự cúng dường Tăng Bảo luôn luôn như vậy. Một thời gian sau, ông Dhammika nhuốm bịnh và sức lực suy giảm rất nhiều. Biết mình kiệt quệ, ông muốn được nghe kinh, nên bảo người nhà đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và xin cho tám hoặc mười sáu vị Tỳ khưu rành rẽ về kinh tụng. Đức Bổn Sư ra lịnh cho các Tỳ khưu đến nhà ông. Chư Tăng đến nơi, ngồi lên những chỗ đã dọn sẵn hai bên giường bịnh của ông.
– Bạch Đại Đức Tăng! – Ông cố gắng nói, – Vì con yếu quá không thể đảnh lễ chư Tăng được, xin các Ngài từ bi hoan hỷ tụng bố thí cho con một bài kinh.
Chư Tăng hỏi: “Ông thiện nam muốn nghe kinh gì?”.
– Bạch! Xin các Ngài tụng Niệm Xứ Kinh (Satipaṭṭhānasutta).
Nghe vậy chư Tăng bắt đầu tụng:
“Ekayāno ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyāti…”.
“Chỉ có con đường nầy, các Tỳ khưu! Là lối đi duy nhất, dắt dẫn chúng sanh đến nơi hoàn toàn thanh tịnh…”.
Ngay khi ấy, từ sáu cung trời Dục giới (Tứ Đại Thiên, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại Thiên), có sáu chiếc thiên xa chạy xuống, mỗi chiếc dài năm mươi do tuần, trang bị đầy đủ bằng mọi thứ mỹ phẩm xuê xang lộng lẫy, do một ngàn con tuấn mã kéo đi. Mỗi vị chư thiên đứng trên thiên xa đồng thanh nói với Dhammika: “Tôi xin mạn phép rước ông về thiên cung của chúng tôi…”.
Ông Dhammika chưa kịp trả lời, chư thiên đã nói rằng:
– Ông ơi! Ví như cái bát đất đã bể mà đổi được cái bát bằng vàng, ai sanh về thiên cung của chúng tôi sẽ được hưởng muôn ngàn lạc thú, xin ông hãy về với chúng tôi.
Ông thiện nam Dhammika đang nằm nghe kinh, không muốn dứt đoạn nữa chừng, nên bảo chư Thiên: “Thôi đi, khoan đã…”.
Các thầy Tỳ khưu nghe vậy, ngỡ là ông nói với mình, bèn thôi không tụng kinh nữa.
Khi ấy các con trai của ông, phát khóc lên ầm ĩ, kể lể rằng:
– Trước kia phụ thân ta nghe kinh không bao giờ chấn động, sao hôm nay bảo thỉnh chư Tăng đến tụng, rồi lại bảo “Thôi đi” như vậy. Ôi! Đến phút lâm chung đối diện với Tử thần chắc không chúng sanh nào không hãi hùng kinh sợ. Chư Tăng thấy tình cảnh ấy cũng nhắc bảo nhau không tụng kinh nữa thì ra về, nói rồi đồng đứng dậy cáo từ ra đi.
Một lúc sau ông Dhammika hồi tỉnh, nghe tiếng con khóc mới hỏi rằng:
– Sao các con lại khóc?
– Thưa cha! Cha đã bảo thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cho cha nghe, thế mà khi chư Tăng đang tụng thì cha lại ngăn cản bảo thôi đi, các con khóc vì nghĩ rằng:
“Không có chúng sanh nào mà không sợ mặt Tử thần”.
– Thế chư Tăng bây giờ đâu rồi?
– Các Ngài nói: “Không tụng kinh nữa thì ta về” và đã đi về hết rồi cha ạ.
– Nầy các con! Không phải cha nói lời ấy với chư Tăng đâu!
– Thế thì cha nói với ai vậy? Thưa cha.
– Có sáu vị chư thiên từ sáu cõi trời đưa đến sáu chiếc thiên xa, trang trí lộng lẫy, đậu ngay giữa hư không, họ đứng trên xe cất tiếng hỏi cha: “Mời Ngài hoan hỷ về cõi chư thiên với chúng tôi”. Cha bảo “Thôi đi” là nói với chư thiên ấy.
– Thưa cha! Nhưng thiên xa nào đâu, chúng con không thấy.
– Hiện ở nơi đây, ta có vòng hoa nào không?
– Thưa cha có.
– Trong các cõi trời, cõi nào là an lạc nhất hở các con?
– Thưa cha! Cõi trời an lạc nhất là cõi Đâu Suất thiên (Tusitabhavanaṃ) là nơi tịnh cư của tất cả chư Bồ Tát và của phụ mẫu chư vị Đại Giác trong kiếp thành đạo ở thế gian.
– Vậy thì các con hãy lấy vòng hoa liệng lên hư không và nguyện: “Xin vòng hoa nầy dính trên chiếc thiên xa của cõi trời Đâu Suất”.
Các con ông Dhammika y lời, ném một vòng hoa dính vào gọng xe là lơ lững giữa hư không.
Tất cả mọi người túc trực nơi đó đều thấy vòng hoa lơ lửng giữa hư không mà không ai thấy chiếc thiên xa cả. Ông thiện nam hỏi:
– Các con có thấy vòng hoa không?
– Dạ! Thưa thấy.
– Vòng hoa dính trên chiếc thiên xa từ cõi Đâu Suất đưa xuống, cha nay sắp về thiên cảnh ấy vậy các con chớ nên bi thảm, nếu muốn tái sanh về đó để phụ tử được trùng phùng thì các con nên noi gương cha mà tạo nhiều phước báu ở cõi trần gian nầy đi vậy.
Dứt lời, ông Dhammika từ giã cõi đời, bước lên thiên xa về cung Đâu Suất. Liền đó, ông hóa thành vị chư thiên bề cao ba phần tư do tuần, khắp mình đeo giắt những món trang sức, có thể chất đầy sáu mươi cỗ xe bò, có hàng ngọc nữ theo hầu và được một tòa Kim ốc phát sanh lên rõ rệt. Nói về chư Tăng, khi vào đến Tịnh xá vào đảnh lễ, phục lịnh Đức Bổn Sư, Ngài phán hỏi:
– Nầy các Tỳ khưu! Ông cận sự nam có nghe các ông tụng kinh không?
– Bạch Ngài! Có, nhưng đến nữa bài kinh thì ông ấy lên tiếng bảo thôi, rồi đàn con ông phát khóc ầm lên. Chúng con thấy ở nán lại cũng không làm gì nên đứng dậy ra về.
– Nầy các Tỳ khưu! Không phải ông Dhammika đã nói các lời ấy với các ông đâu. Có những chư thiên từ trên sáu cõi trời đưa sáu chiếc thiên xa trang trí lộng lẫy và thỉnh ông lên xe về thiên cảnh, ông ấy không muốn nghe dở bài kinh đang tụng, nên đã thốt lời ấy với chư Thiên.
– Bạch Ngài, có vậy mà chúng con không biết.
– Quả thực vậy đó, các Tỳ khưu.
– Bạch Ngài! Bây giờ ông ấy đang thọ sanh về đâu?
– Nầy các Tỳ khưu! Hiện giờ ông ấy ở cõi Đâu Suất thiên.
– Bạch Ngài! Lúc ông ấy còn sanh tiền, đã vui sống giữa thân bằng quyến thuộc, bây giờ chết rồi lại được thọ sanh vào nhàn cảnh để hưởng thêm hạnh phúc nữa sao?
– Đúng vậy, này các Tỳ khưu! Những người không dể duôi (appamattā) dầu còn tại gia hay đã xuất gia, cũng đều hưởng được sự yên vui trong hai cảnh giới. Lúc sống và sau khi chết rồi cũng đều như thế cả. Đến đây, Đức Bổn Sư nói lên kệ ngôn rằng:
“Idha modati pecca modati,
Katapuñño ubhayattha modati;
So modati so pamodati,
Disvā kammavisuddhimattano”.
“Những người đã sẵn thiện căn,
Kiếp nầy, kiếp nữa, lòng hằng an vui.
Thấy mình phúc nghiệp gieo rồi,
Cả trong hai kiếp đều vui sướng hoài”.
CHÚ GIẢI:
Trong câu kệ Phạn ngữ, chữ Katapuñña chỉ cho người tạo thiện nghiệp bằng nhiều đường lối, khi lâm chung xét thấy rằng: Quả thật, ta chưa từng làm việc quấy ác, ta chỉ làm những việc thuần thiện mà thôi… Nhờ đó mà y được an vui với nghiệp lành trong đời hiện tại.
Sau khi chết, y cũng còn nhờ ảnh hưởng của quả lành, tiếp tục theo mà được an vui kiếp sau nữa, nên mới gọi là hai đời vui (ubhayattha modati).
Kammavisuddhiṃ: nghiệp sạch, như cận sự nam Dhammika. Sau khi xét thấy tự mình đã tạo nhiều nghiệp trong sạch (thuần thiện), tự mình đầy đủ phước nghiệp (kammapuñña) rồi, đến khi lâm chung cũng hưởng được sự an vui trong kiếp hiện tại và sau khi mệnh chung lại được thọ sanh vào cảnh giới khác lại càng hưởng nhiều thiên phúc lạc hơn nữa.
Sau bài kệ nầy, chư Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Đại chúng thính pháp cũng được hưởng ít nhiều lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Suốt cả đời tu, chưởng phước điền,
Chánh tâm sùng đạo, cảm chư Thiên,
Sáu xe túc trực, chờ tôn khách,
Ngàn ngựa bôn phi đón đại hiền?
Tăng tụng kinh dài, ai khiến nghỉ?
Con lo bố khổ, dạ sao yên?
Trấn an, may có vòng hoa lạ,
Lơ lửng trên không việc nhãn tiền.
DỨT CHUYỆN CẬN SỰ NAM DHAMMIKA
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 17