Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Ác: Tích Thợ Săn Gặp Thiền Sư

“Yo appaduṭṭhassa narassa dussati,
Suddhassa posassa anaṅgaṇassa;
Tameva bālaṃ pacceti pāpaṃ,
Sukhumo rajo paṭivātaṃva khitto”.

“Hại người không ác tâm,
“Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Kỳ Viên Tự (Jetavana Vihāra), đề cập đến tên thợ săn Kô Ká (Koka).

Tương truyền rằng: Tảng sáng sớm một ngày nọ, tên thợ săn nầy mang cung tên và dắt theo bầy chó săn đi vào rừng. Dọc đường anh ta gặp một Tỳ khưu Đầu đà thường khất thực, đang đi bát, liền nổi giận nói thầm rằng: “Ta gặp đồ xui xẻo, chắc bữa nay sẽ không được chút chi cả!”, rồi anh ta đi luôn.
Còn vị Trưởng lão vào làng khất thực, độ cơm xong, đi trở về chùa. Tên thợ săn đi loanh quanh trong rừng không được chi cả, khi trở về lại gặp vị Trưởng lão. Anh ta đã giận sẵn, càng giận thêm: “Hôm nay vì gặp đồ xui xẻo nầy mà ta đi vào rừng không săn được chút chi cả. Bây giờ trở về lại gặp thứ kỳ đà cản mũi nầy nữa, ta sẽ xuỵt chó cho cắn nó mới được”. Anh ta ra hiệu lịnh rồi thả chó ra.

Vị Trưởng lão van lơn: “Đừng làm vậy, nầy Thiện nam”. Thợ săn đáp: “Hôm nay ta xuất hành bị mi cản mũi mà ta săn không có thịt chi cả. Bây giờ trở về, lại bị mi cản mũi nữa, nên ta phải xuỵt chó cho cắn chết mi đi!”.

Nói rồi ông ta thúc giục đàn chó xốc tới. Vị Trưởng lão lật đật trèo lên một nhánh cây cao khỏi đầu người, ngồi tránh chó. Đàn chó bao vây quanh gốc cây.
Thợ săn Kô Ká đi đến nói:

– Dầu mi có trèo lên cây, mi cũng không thoát khỏi tay ta.

Anh ta bắn một mũi tên vào gót chân vị Trưởng lão. Trưởng lão lại van xin:

– Ông đừng làm vậy.

Thợ săn bất chấp lời van xin của Trưởng lão, cứ tiếp tục bắn tên. Vị Trưởng lão bị trúng tên ở một gót chân, phải rút chân lên và chân kia vẫn phải thòng xuống. Tên thợ săn lại nhắm chân đó buông tên, không đếm xỉa gì đến lời van xin của người tu hành khổ hạnh, tên thợ săn bắn trúng cả hai gót chân của Trưởng lão. Trưởng lão cảm thấy trong mình phát nóng lên như bị lửa đốt. Vì thọ khổ quá mạnh, Trưởng lão không giữ được Chánh niệm, vô ý để rơi chiếc y trên (Uttarasaṅgaṃ), chiếc y rơi xuống ngay đầu gã thợ săn Kô Ká và trùm luôn cả mình anh ta.

Bầy chó tưởng là vị Trưởng lão té xuống, áp lại chui đầu vào chiếc y, kéo lôi chủ mình và cắn xé tận xương. Khi nạn nhân đã chết, đàn chó chui ra đứng ngoài lá y. Khi ấy Trưởng lão bẻ một nhánh cây khô liệng xuống, đàn chó nhìn lên thấy Trưởng lão, biết rằng chúng đã cắn lầm chủ của chúng, liền bỏ chạy vào rừng.

Trưởng lão khởi tâm áy náy: “Tại cái y của ta bao trùm, khiến cho anh ta thọ hại, không biết Giới của ta có còn lành mạnh (Arogaṃ) chăng?”.

Trưởng lão tuột xuống đất, về đảnh lễ Đức Bổn Sư, thuật lại tự sự từ đầu đến cuối rồi hỏi:

– Bạch Ngài, vì lá y của con rơi xuống mà ông thợ săn bị thiệt mạng, không biết

Giới của con còn lành mạnh chăng? Không biết Phạm hạnh của con có còn tồn tại chăng?

Sau khi nghe dứt câu chuyện của vị Tỳ khưu, Đức Bổn Sư giải thích rằng:

– Nầy Tỳ khưu, Giới của thầy vẫn còn lành mạnh, Phạm hạnh của thầy vẫn có như thường. Kẻ làm hại người vô tội phải gặp tai họa. Không những bây giờ gã thợ săn bị như thế, mà thời quá khứ sau khi hại những người vô tội, kẻ ấy cũng đã bị thọ hại như thế rồi.

Tiếp theo đó, Đức Bổn Sư thuyết lên Bổn sanh như sau: Tương truyền rằng: Trong thời quá khứ có một ông y sĩ đi khắp các làng mạc để hành nghề, nhưng không kiếm được việc chi để làm cả, bụng đói, ông đi ra khỏi cổng làng, thấy nhiều đứa trẻ đang chơi thì nghĩ thầm rằng: “Cho rắn cắn mấy đứa nhỏ nầy, rồi cho thuốc chữa, ta sẽ có cơm ăn”. Ông y sĩ bèn kêu lũ trẻ, chỉ cho chúng thấy một con rắn nằm trong bọng cây, thò đầu ra ngoài: “Nầy các em bé, đây có con cưởng con, hãy bắt lấy nó đi”.

Khi ấy, có một cậu bé lanh tay, chụp được cổ con rắn, nắm thật chặt, lôi rắn ra ngoài bọng cây. Khi nhận biết đó là con rắn, cậu bé kêu rú lên rồi ném rắn đi. Bất ngờ con rắn rơi ngay trên đầu gã y sĩ đang đứng gần đó. Con rắn quấn quanh cổ ông ta mổ thật mạnh một cái, khiến ông ta chết liền tại chỗ đó. Tên thợ săn chó Kô Ká trong tiền kiếp cũng từng mưu hại người vô tội rồi tự mình đi đến chỗ diệt vong như thế. Sau khi kể tích xưa, Đức Bổn Sư thuyết pháp chỉ rõ mối liên hệ giữa tiền kiếp và hiện kiếp, rồi Ngài ngâm kệ kết luận rằng:

“Yo appaduṭṭhassa narassa dussati,
Suddhassa posassa anaṅgaṇassa;
Tameva bālaṃ pacceti pāpaṃ,
Sukhumo rajo paṭivātaṃva khitto”.

“Đem ác ý xâm phạm đến người không tà vạy, thanh tịnh vô nhiễm, tội ác sẽ trở lại kẻ ấy, như ngược gió tung bụi.

CHÚ GIẢI:

Appaduṭṭhassa: không tội ác đối với tự thân hoặc đối với tất cả chúng sanh.

Narassa: chúng sanh.

Dussati: phạm lỗi, phạm hình luật.

Suddhassa: vô tội, không phạm lỗi.

Posassa: một lời khác để chỉ định chúng sinh như tiếng Narassa ở trên.

Anaṅgaṇassa: vô nhiễm, không phiền não, cấu uế.

Pacceti = Paṭeti: ngược trở lại.

Paṭivātaṃ: Cũng như một người đứng phía dưới gió mà muốn tung bụi lên phía trên gió, thì tự nhiên bụi tung ra sẽ bay ngược trở lại rơi lên người đó. Khi người nào làm hại một người vô tội chẳng hạn như đánh bằng tay, thì tự nhiên người ngu ác ấy trong hiện kiếp hoặc kiếp vị lại phải thọ khổ, như bị thiêu đốt trong hỏa ngục. Đó là quả dị thục của nghiệp ác đã làm đối với người vô tội, dội ngược lại người làm ác vậy. Cuối thời Pháp, vị Tỳ khưu ấy chứng đắc quả A La Hán. Tứ chúng thính pháp cũng hưởng được sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Sáng dắt chó đi, gặp trọc đầu,
Thợ săn tà kiến tự lo âu,
Đến trưa, chẳng được con chi cả,
Về gặp ông sư, quyết trả thù.
Xít chó rượt nà kẻ tu hành,
Sư trèo cây nọ để đào sanh,
Bị tên trúng gót, buông y xuống,
Chó chụp thợ săn, xé nát banh.
Vì mình vô ý hại thợ săn,
Hỏi Phật: Như con có tội chăng?
Phật bảo: Vô tâm thì chẳng tội,
Thợ săn chết bởi hắn làm nhăng!
DỨT TÍCH THỢ SĂN GẶP THIỀN SƯ

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 45

Post Views: 413