Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Hoa: Tích Đại Đức Mahākassapa Được Vua Trời Để Bát

“Appamatto ayaṃ gandho,
Yā’yaṃ tagaracandanī;
Yo ca sīlavataṃ gandho,
Vāti devesu uttamo”.

“Đa già la, Chiên đàn,
Hương nầy ít giá trị,
Hương Giới đức lan tràn,
Thấu rõ trời vô tỷ”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Trúc Lâm (Veḷuvana) đề cập đến Đại đức Mahākassapa được Đức Đế Thích để bát. Thật vậy, một hôm sau bảy ngày Thiền Diệt, Đại đức xuất định, rời chỗ tịnh cư để đi vào thành Vương Xá đi bát từng nhà. Trong khi ấy, năm trăm ngọc nữ là cung phi của Đức Thiên Vương Đế Thích rủ nhau: “Chúng ta hãy để bát cúng dường Đại đức”. Rồi họ mang theo năm trăm vắt cơm sữa, xuống đứng đón đường Đại đức và đồng hỏi:

– Bạch Ngài, xin Ngài thọ lãnh vắt cơm nầy rồi hãy đi, xin Ngài tế đệ chúng con.

Các cô hãy tránh đường cho ta đi độ những người khốn khó.

– Bạch Ngài, xin Ngài đừng xua đuổi chúng con, xin Ngài từ bi tế độ chúng con.

Đại đức biết họ là năm trăm Thiên nữ, nên một mực từ chối, nhưng họ không chịu tránh đường, cứ theo van xin mãi. Đại đức thầm bảo họ: “Mấy cô thật không biết hư lượng. Hãy tránh đi chỗ khác đi”. Nói rồi Đại đức búng ngón tay kêu thành tiếng. Nghe tiếng búng tay của Đại đức các ngọc nữ đều cứng mình, không thể kiên trì ở đó được nữa nên đồng chạy trở về thiên đình. Đức Đế Thích hỏi: “Các nàng đi đâu về
đó?”.

– Tâu Thiên vương! Chúng em thấy Đại đức Mahākassapa vừa xuất đại định nên rủ nhau xuống để bát cúng dường Đại đức rồi về đây.

– Các nàng có để bát được chăng?

– Đại đức không chịu thọ.

– Ngài bảo sao?

– Tâu Thiên vương! Đại đức bảo: “Để ta tiếp độ những người khốn khó”.

– Các nàng đi với lối trang phục như thế nào?

– Tâu Thiên vương, cũng y như thế nầy.

Đức Đế Thích chê rằng: “Sang như các nàng, để bát Đại đức thì làm sao Đại đức chịu nhận”.

Đế thích tự mình cũng muốn để bát, nên Đức Thiên vương hóa làm ông lão thợ dệt già lụm cụm, răng rụng, tóc sương, gần đất xa trời. Thiên hậu Sujātā cũng hóa thành một bà lão tuổi tác cũng già nua như thế. Đức Đế Thích hóa hiện một con đường dẫn đến chỗ ngụ là mái tranh tồi tàn, trong đó là hai ông bà già đang kéo chỉ. Đại đức Mahākassapa đang đi vào thành tìm người khốn khó để tế độ, vừa đến ngoài cổng thành trông thấy con đường, có mái chòi tranh, hai ông bà lão nghèo khổ đang ở đó. Khi ấy, Đế Thích đang giăng chỉ, còn Thiên hậu thì quấn chỉ đã se thành cuộn.

Đại đức suy nghĩ: “Hai người nầy tuổi tác đã già mà còn làm việc lao động, chắc chắn trong thành nầy không có ai nghèo khổ hơn họ, dầu họ chỉ chừng một vá cơm, ta cũng nên tế độ thọ dụng cho họ có phước”. Đại đức đi đến cửa nhà của hai ông bà. Đức Đế Thích thấy Đại đức đi đến liền bảo Thiên hậu:

– Nầy ái khanh, Đại đức của chúng ta đã đến rồi kìa, khanh cứ ngồi làm thinh, giả đò như không thấy Đại đức, để ta nói gạt Đại đức đặng mình để bát Ngài nghe. Đại đức đến đứng trước cửa nhà, hai ông bà làm như không thấy Đại đức, cứ chăm chỉ lo làm công việc của mình, một lát sau mới đi vào nhà. Bây giờ Đế Thích mới bảo vợ:

– Trước cửa nhà mình in như có vị Đại đức đứng, bà coi có phải vậy chăng?

– Thôi, ông hãy ra xem đi ông à!

Đức Đế Thích ra khỏi nhà, gieo năm vóc xuống đảnh lễ Đại đức, hai tay gác lên đầu gối nói rằng:

– Chà khổ dữ a! Không mấy thưở mà Đại đức Mahākassapa của ta quang lâm đến tệ xá, bà ở trong nhà có món chi chút đỉnh không hả?
Nàng Sujātā làm ra vẻ lẩm cẩm, chậm chạp trả lời rằng:

– Có ông à!

Đức Đế Thích không nói xả giao: “Bạch Ngài, có vui lòng nhận thực phẩm ngon lành không?”, mà chỉ rước bát Ngài, nói:

– Xin Ngài hãy tế độ chúng tôi.

Đại đức nghĩ thầm: “Mấy người nầy chỉ để một nắm rau hay cám, ta cũng sẽ thọ cho họ có phước”, rồi đưa bát ra.

Đức Đế Thích vào trong nhà, bới cơm trong nồi ra đổ đầy bát rồi đem trao qua tay của Đại đức. Cơm của Đế Thích để bát có cả canh và thức ăn, mùi thơm ngon lan ra khắp cả thành Rājagaha.

Lúc bấy giờ, Đại đức nghĩ rằng: “Người nầy coi bộ nghèo khó, để bát đồ cao quý như là đồ ăn của Đức Đế Thích, ai đây há?”.

Khi quán xét biết rõ là Đức Thiên Vương ở cung trời Đao Lợi. Đại đức trách rằng: “Nghiệp của Thiên vương tạo đây nặng lắm, không khác nào cướp phước của kẻ nghèo khó. Thật vậy, kẻ nào nghèo khổ thế mấy, nhưng hôm nay đặt bát cho ta thì nhất định phải chiếm được địa vị, Đô đốc hay Trưởng giả chẳng sai”.

– Bạch Ngài, không có ai nghèo khổ hơn trẫm cả.

– Có lý nào mà Thiên vương nghèo khổ trong khi Thiên vương làm chúa tể cả hai cõi trời.

– Bạch Ngài, quả thật như thế, là vì trẫm tạo nghiệp lành nhằm thời kỳ chưa có Phật. Còn ba vị Thiên vương như Cūḷaratha (Tiểu Xa), Mahāratha (Đại Xa) và Anekavaṇṇa (Đa Sắc) nhờ tạo nghiệp lành trong thời Đức Phật hiện tại giáng thế. Khi sanh lên Thiên cung, gần cung của trẫm thì có oai lực bằng nhau và đều thắng xa trẫm về vẻ huy hoàng xán lạn. Quả thật, gần ba vị ấy thì ngôi sao của trẫm trở nên lu mờ,
đen tối, trẫm phải dắt cả đoàn cung phi ngọc nữ kiếm đường thoát thân, chạy vào tư cung. Ánh sáng từ mình họ chiếu ra bao trùm ngọc thể của trẫm, còn ánh sáng từ ngọc thể của trẫm chiếu ra không thấu tới mình họ. Vậy thì ai là người khốn khổ hơn trẫm, bạch Ngài?

– Dầu vậy từ rày về sau, Thiên vương đừng gạt bần Tăng mà để bát nữa nhé!

– Bạch Ngài, gạt Ngài để bát như thế, trẫm có được phước lành hay chăng?

– Có được đạo hữu à!

– Nếu vậy thì tạo nghiệp lành là bổn phận của trẫm, bạch Ngài. Nói rồi, Đức Đế Thích đảnh lễ Đại đức, dắt nàng Sujātā nhiễu quanh Đại đức rồi bay bổng lên hư không, cất tiếng cao hứng reo rằng: “Ôi sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đức Mahākassapa trường tồn âm chất”.

Trong Tam Tạng kinh có nhiều chỗ chép rằng:

Một thời, Đức Thế Tôn trú tại Veḷuvana, trong vùng nuôi sóc, gần thành Rājagaha.

Trong thưở ấy, Đại đức Mahākassapa an cư trong động Pipphaliguhā (Lạc Tiêu), ngồi kiết già nhập định suốt bảy đêm ngày, Đại đức Mahākassapa mới xuất định, khi đã xuất định, Đại đức Mahākassapa nghĩ rằng: “Ta hãy vào khất thực trong thành Rājagaha”.

Ngay lúc đó, độ năm trăm nàng Thiên nữ cố gắng muốn để bát cúng dường đến Đại đức Mahākassapa, khi ấy Đại đức Mahākassapa khước từ sự cúng dường của năm trăm thiên nữ, xong rồi Ngài sửa soạn đắp y mang bát vào thành Rājagaha để khất thực.

Ngay lúc bấy giờ, Đức Đế Thích (Sakka) có ý muốn để bát cúng dường Đại đức Mahākassapa, hóa ra người thợ dệt đang se chỉ, nàng Sujātā là công chúa A tu la đang quay xe.

Khi ấy Đại đức Mahākassapa đi ngay đến nhà của Đế Thích Hoàn Nhân. Khi thấy Đại đức Mahākassapa đi từ phía xa lại, đức Đế Thích đi ra khỏi nhà để tiếp đón, rước lấy bát để đem vào nhà, xúc cơm trong nồi cơm đầy bát rồi dâng cúng đến Đại đức Mahākassapa, cơm trong bát có nhiều canh và các món phụ tùng.

Khi ấy, Đại đức Mahākassapa tự nghĩ: “Chúng sanh nầy là ai mà có thần thông oai lực như thế nầy?”. Rồi Đại đức Mahākassapa lại nghĩ: “Đây chắc là Đế Thích Hoàn Nhân”.

Sau khi hiểu biết như vậy, Đại đức nói với Đế Thích Hoàn Nhân rằng: “Việc của Thiên vương đã làm hôm nay rồi thì thôi, đừng làm như vậy nữa”.

– Bạch Đại đức Mahākassapa, chúng tôi cũng còn thiếu phước, chúng tôi cũng phải tạo phước vậy.

Nói rồi, đức Đế Thích đảnh lễ Đại đức Mahākassapa, nhiễu quanh Ngài đoạn bay bổng lên hư không giữa trời, cao hứng thốt lên ba lần câu nói sau đây:

“Ôi! Sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đại đức Mahākassapa trường tồn âm chất!

Ôi! Sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đại đức Mahākassapa trường tồn âm chất!

Ôi! Sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đại đức Mahākassapa trường tồn âm chất!”.

Pāli:
“Aho dānaṃ paramadānaṃ kassape supatiṭṭhi tanti”.

Đức Thế Tôn đứng trong chùa, nghe tiếng của Thiên vương reo lên như vậy, bèn kêu chư Tỳ khưu và bảo rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, hãy nhìn coi Đế Thích Hoàn Nhân, ông ta cao hứng ca ngâm rồi bay đi trên hư không kìa.

– Ông ta làm gì mà cao hứng vậy bạch Ngài?

– Gạt được Kassapa con trai ta, để bát cúng dường rồi, ông ta thỏa thích, vừa đi vừa cao hứng ngâm nga.

– Bạch Ngài, làm sao mà ông ta biết là nên để bát cúng dường cho Đại đức?

– Nầy các Tỳ khưu, Tỳ khưu thọ pháp Đầu đà hằng đi khất thực như con trai ta, thì chư thiên hay nhân loại gì cũng đều thương mến cả.
Nói rồi, chính Ngài cũng ngẫu hứng ngâm nga.

Trong kinh chỉ ghi chép có bấy nhiêu thôi. Do nhờ thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, Đức Thế Tôn nghe được Đế Thích, sau khi bay bổng lên không ở giữa trời cao hứng reo lên ba lần:

“Ôi! Sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đại đức Mahākassapa trường tồn âm chất!
Ôi! Sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đại đức Mahākassapa trường tồn âm chất!
Ôi! Sự bố thí, bố thí Ba la mật nơi Đại đức Mahākassapa trường tồn âm chất!”.

Thế rồi, sau khi hiểu rõ chuyện nầy, Đức Thế Tôn cao hứng thốt lời ngẫu hứng sau đây:

“Piṇḍapātikassa bhikkhuno
Attabharassa anaññaposino
Devā pihayanti tādino
Upasantassa sadā satīmatoti”.

“Tỳ khưu nguyện giữ hạnh trì bình,
Xin chẳng nuôi ai, đủ miệng mình,
Người vậy chư thiên hằng cảm mến,
Tâm thường thanh thản, trí viên minh”.

Sau bài kệ ngẫu hứng, Đức Thế Tôn phán bảo rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Đức Đế Thích sở dĩ để bát cúng dường con trai ta, chẳng qua vì mộ hương Giới đức vậy.

Rồi Ngài thuyết lên kệ Pháp Cú:
56. “Appamatto ayaṃ gandho,
Yā’yaṃ tagaracandanī;
Yo ca sīlavataṃ gandho,
Vāti devesu uttamo”.

56. “Đa già la với Chiên đàn,
Hương nầy chưa mấy cao sang trên đời.
Hương người Giới đức tuyệt vời,
Xông lên thấu các cõi trời cao siêu”.

CHÚ GIẢI:
Trên đây, tiếng appamatto nghĩa là nhỏ nhen, ít ỏi.

Yo ca sīlavantaṃ: Nghĩa là Giới hương nào của người Giới đức, không phải ít giá trị như hương Đa già là, như Chiên đàn đó đâu, mà nó có sức bay lan thật xa vậy.

Vāti devesu uttamo: Nghĩa là quý giá, cao cả không hương nào bằng, và tỏa rộng ra khắp cả các nơi, kể cả các cảnh giới của chư thiên và nhân loại.

Khi thời Pháp chấm dứt, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả, đại chúng thính pháp đều hưởng được sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ca Diếp Ma Ha định tế bần,
Độ nhằm Đế Thích giả cùng nhân,
Mới hay trời cũng tranh làm phước,
Kẻo sống thua người thấy tủi thân.
Bằng tâm dối gạt giúp cho người,
Phước cũng mười phân đủ trọn mười,
Chỉ tội chú nghèo chưa biết mặt,
Hụt làm bá hộ một phen chơi.
Đi bát hằng ngày Phật vẫn khen,
Nhưng mà chịu cực phải cho quen,
Bằng không sẽ thấy buồn trong ruột,
Bỏ hạnh Tỳ khưu chẳng trống kèn.
DỨT TÍCH VUA TRỜI ĐẾ THÍCH
ĐỂ BÁT ĐẠI ĐỨC MAHĀKASSAPA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 29

Post Views: 311