“Na ve kadariyā devalokaṃ vajanti,
Bālā have nappasaṃsanti dānaṃ;
Dhīro ca dānaṃ anumodamāno,
Teneva so hoti sukhī parattha”.
“Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Đời sau, được hưởng lạc”.
Kệ ngôn Pháp cú này được Đức Thế Tôn thuyết lên, khi Ngài trú tại Jetavana, đề cập đến cuộc thi đại thí vô song của vua Pasenadi.
Tương truyền rằng: Một thời nọ, sau khi Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu đi du hoá, rồi Ngài trở về trú tại Jetavana gần thành Sāvatthī. Bấy giờ, Đức vua Pasenadi đi đến Tịnh xá, bạch thỉnh rằng:
– Bạch Thế Tôn! Xin thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Tăng ngụ đến Hoàng cung của Trẫm thọ thực vào ngày mai.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời, Đức vua trở về Hoàng cung. Vào sáng hôm sau, Ngài cho chuẩn bị mọi vật thực thượng vị để cúng dường, loan truyền trong thần dân rằng:
– Hãy đến xem sự cúng dường của Vua Pasenadi Kosala.
Dân chúng tề tựu đến Hoàng cung, chứng kiến sự cúng dường của Đức vua. Rồi đại chúng đi đến Tịnh xá bạch thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu nhận lời thọ thực vào ngày mai của thị dân Sāvatthī. Vào sáng hôm sau, khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi vật thí thượng vị, đại chúng đến tâu với Đức vua rằng:
– Tâu bệ hạ! Xin thỉnh Bệ hạ ngự đến xem chúng thần cúng dường Đức Thế Tôn và chư Tăng.
Sự cúng dường của thị dân hơn hẳn Đức vua ngày hôm trước. Khi Đức vua ngự đến xem, thấy thế nghĩ rằng: “Dân chúng cúng dường hơn cả ta rồi. Một vị Vua như ta không thể thua chúng thần dân”. Thế là, Đức vua bạch xin cúng dường Tăng chúng có Đức Phật là vị Thượng Thủ vào ngày mai.
Đức vua lại cúng dường hơn thị dân Sāvatthī, cứ như thế cuộc tranh tài về thí sự giữa thị dân và Đức vua kéo dài đến 6 lần. Đến lần thứ 7 thì chúng thị dân dốc tất cả tài lực vào cuộc đại thí, cuộc cúng dường của thị dân vô cùng long trọng, không ai có thể phàn nàn rằng: Trong cuộc đại thí này thiếu đi loại vật thực được chúng dân đem đến cúng dường. Đức vua kinh hoàng trước đức tin của thị dân, Ngài suy nghĩ:
– Nếu sự cúng dường của ta mà thua kém chúng dân thì ta còn mặt mũi nào làm Chúa của họ được chứ.
Đức vua cứ băn khoăn, suy nghĩ tìm phương cách bố thí hơn thị dân Sāvatthī. Bấy giờ, Hoàng Hậu Mallikā đi vào yết kiến Đức Vua, thấy Ngài đang đăm chiêu suy nghĩ, bà hỏi rằng:
– Tâu Bệ Hạ! Vì sao Ngài ủ rũ như thế? Vì sao Long Thể của Bệ Hạ có vẻ rã rượi như thế này?
– Này Hậu! Hậu chưa biết việc chi hay sao?
– Tâu Bệ Hạ! Thần thiếp nào biết được việc gì đâu?
Đức Vua tường thuật lại cuộc thi tài cúng dường giữa mình với thị dân, đã trải qua 6 lần bất phân thắng bại cho Hoàng Hậu nghe tận tường. Bấy giờ, Hoàng Hậu tâu rằng:
– Tâu Thánh thượng! Xin Ngài chớ nhọc tâm suy nghĩ nữa. Lẽ thường là vị Chúa tất phải hơn chúng dân chứ. Ngài hãy nghe và biết như thế này đi, thần thiếp sẽ giúp Bệ hạ thắng trong cuộc thí sự này.
Hoàng Hậu tâu với Đức Vua như thế, vì nàng muốn rằng sự cúng dường tối thắng này do bà sắp xếp, sự cúng dường này là cuộc đại thí sự không một thí sự nào có thể sánh bằng.
– Tâu Đại Vương! Xin Ngài hãy cho làm nhà Trai đường bằng cây quý, nền được san bằng phẳng, mái nhà là cây mà phải là cây Sôla mới được. Trai thí đường này rộng rãi, đủ chỗ cho Đức Thế Tôn cùng 500 vị Tỳ khưu ngồi theo thứ lớp cao thấp được phân theo hạ lạp. Bên ngoài là sân rộng dành cho đại chúng. Hãy cho làm 500 cây lọng trắng, lọng che Đức Thế Tôn là lọng hai tầng, còn những vị Tỳ khưu là lọng một tầng. Chọn 500 thớt tượng thuần hoá để cầm lọng che cho các Ngài. Cho làm từ 8 đến 10 chiếc thuyền vàng đặt giữa trai đường, trong thuyền ấy chứa đầy hương trầm Chiên Đàn được tán nhuyễn, cho những nàng Công Nương đứng quanh thuyền,dùng hoa sen xanh để rải hương thơm Chiên Đàn cúng dường Đức Phật và chư Tăng, cho mỗi vị Công Nương đứng quạt hầu hai vị Tỳ khưu và rải hương hoa cúng dường khắp hướng.
Những vị Công Chúa trẻ tuổi sẽ mang vật thơm được tán nhuyễn đổ vào thuyền. Mùi hương thơm sẽ toả thơm ngát ngôi trai thí đường ấy. Rồi Đại Vương cho dâng những vật thực có đầy đủ hương vị tối thắng đến Đức Thế Tôn cùng chư Tăng. Như thế, Bệ Hạ sẽ thắng cuộc vì thị dân làm sao có được voi thuần hoá, cũng không thể có những Công Nương xinh đẹp trang điểm lộng lẫy phục vụ chư Tăng và Đức Thế Tôn. Xin Thánh thượng hãy thực hiện như thế đi.
– Lành thay! Lành thay, này Ái Hậu.
Đức vua thực hiện y theo lời của Hoàng Hậu Mallikā, mọi việc tiến hành được thuận lợi và tốt đẹp. Chỉ riêng về tượng chiến thì chỉ có được 499 con là thuần hoá, có thể điều khiển voi dùng vòi quấn lọng hầu chư Tăng mà thôi. Đức vua bối rối, hỏi Hoàng Hậu rằng:
– Này Hậu! Voi chiến thuần hoá chỉ có được 499 con thôi, thiếu mất một con, vậy Trẫm phải xử trí ra sao bây giờ?
– Tâu Bệ Hạ, không có đủ 500 voi chiến sao?
– Này Hậu, tượng chiến thì có nhiều, nhưng tượng được thuần hoá rồi chỉ có 499 con thôi. Lại nữa, có con tượng rất hung dữ, e rằng nó sẽ nổi cơn hung bạo như cuồng phong, làm hại đến chư Tỳ khưu.
– Tâu Bệ Hạ! Thần thiếp biết cách sắp xếp hung tượng ấy vào đâu rồi! Bệ Hạ hãy cho hung tượng ấy đứng cầm lọng hầu Ngài Angulimāla đi.
Đức vua y theo lời của Hoàng Hậu Mallikā. Khi hung tượng cầm lọng đứng hầu Trưởng lão Angulimāla thì nó trở nên hiền thục như đã từng được dày công huấn luyện. Nó cúp đuôi vào hai chân sau, hai tai phe phẩy, đứng ôm lọng nhắm mắt che cho Trưởng lão Angulimāla. Chúng thị dân trông thấy như thế, suy nghĩ rằng:
– Tượng này có tiếng là hung dữ bậc nhất, thế mà Trưởng lão Angulimāla chinh phục được tượng hung hãn ấy.
Đức vua sau khi cúng dường vật thực thượng vị loại cứng loại mềm đến chư Tăng rồi cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn và chư Tăng. Trải qua 7 ngày như thế, đến ngày thứ 7 thì Đức vua bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn! Trong cuộc đại thí vật trọng thể này, ngoài những vật bất hợp lẽ, vật nào dâng cúng hợp pháp, Trẫm xin cúng dường tất cả đến Đức Thế Tôn và chư Tỳ khưu Tăng.
Người ta bảo rằng: Trong cuộc đại thí ấy, Đức Vua đã tiêu hết 14 Koti tiền vàng trong một ngày. Cả bốn vật là: lọng, bảo tọa, chân bát và bệ kê chân dành cho Đức Phật và chư Tăng Tỳ khưu đều là những vật vô giá toàn bằng vàng ròng cả. Không một ai có thể cúng dường thí vật tối thắng hơn cả Vua Pasenadi được và trong đời Đức Phật hiện tiền (kể cả chư Phật quá khứ) các Ngài chỉ có một lần Đại thí vô song mà thôi. Và cũng phải do người nữ sắp xếp (sự cúng dường ấy) đến Bậc Đạo Sư được thành tựu viên mãn.
Đức vua Pasenadi có hai vị quan Đại Thần là Kāla và Junha. Vị Đại Thần Kāla có sự suy nghĩ thấp kém rằng:
– Ôi! Sự tổn hại đã đến và vây Hoàng Tộc rồi, Đức vua đã bỏ ra 14 Koti tiền vàng trong mỗi ngày cho đại thí này, cúng dường đến các vị Sa môn ấy, khi các vị ấy chỉ có ăn rồi ngủ mà thôi. Công khố của Hoàng Tộc sẽ đi đến chỗ suy vong mất.
Hoàng Tộc sẽ có sự tổn hại như vầy rồi. Riêng Đại Thần Junha thì hoan hỷ, nghĩ rằng:
– Sự cúng dường của Đức Vua thật là thù diệu và hy hữu, ngoài Ngài ra không một ai có thể cúng dường thí vật cao thượng được như thế nữa. Đức Vua không chia phần phước báu của mình đến các chúng sanh, việc như thế sẽ không hề có đến cho Ngài đâu. Vậy ta hãy hoan hỷ với phước báu cao thượng của Đức Vua Pasenadi.
Khi Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu đã thọ thực xong, tay rời khỏi miệng bát, đãngăn vật thực. Đức vua đến nhận bát và lời phúc chúc tuỳ hỷ nơi Bậc Đạo Sư, Đức Thế Tôn suy nghĩ:
– Đức vua cúng dường Đại thí như vầy, ví như dòng nước lớn được khai mở, nhưng đại chúng hoan hỷ không nhỉ?
Ngài dùng trí quán xét, thấy được hai nguồn tư tưởng của hai vị Đại Thần, và quán tiếp Ngài thấy rằng: “Nếu Như Lai tuỳ hỷ phước cho xứng đáng với phước báu của Đức vua, thì Đại Thần Kāla sẽ vỡ tim, đầu bị bể thành bảy mảnh mà chết. Trái lại Đại Thần Junha sẽ chứng đạt Dự Lưu Quả”.
Với tâm đại bi đối với Đại Thần Kāla, Ngài chỉ tuỳ hỷ phước bằng bốn kệ ngôn ngắn, rồi từ nơi ngồi đứng dậy cùng Tăng chúng trở về Tịnh Xá. Khi về đến Jetavana, chư Tỳ khưu hỏi Tỳ khưu Angulimāla rằng:
– Này Hiền giả! Hiền giả thấy con tượng hung dữ ấy đứng cầm lọng che cho mình như thế, Hiền giả có hãi kinh chăng?
– Này chư Hiền! Tôi không có sự sợ hãi đó đâu.
Chư Tỳ khưu cho rằng Trưởng lão là người khoe Thượng Nhân Pháp, là đạo quả A La Hán, nên trình bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Tỳ khưu Angulimāla đã nói điều phi chân, sai với ý của mình.
– Này các Tỳ Khưu! Angulimāla hằng không còn kinh sợ nữa, con của Như Lai giống như Ngưu Vương giữa đàn bò, tức là đồng với Bậc Vô Lậu rồi.
Ngài thuyết lên kệ ngôn (trong phẩm Bà la môn) rằng: “Ta nói rằng: Người dũng cảm, cao thượng, hùng dũng, người tầm cầu ân đức lớn, người chiến thắng đặc biệt, người không rúng động, người đã rửa sạch (mọi ô nhiễm) người đã giác ngộ, đó gọi là Bà la môn”.
Riêng Đức vua Pasenadi u sầu khi nghe Đức Thế Tôn chỉ tuỳ hỷ phước bằng bốn câu kệ ngắn, rằng:
“Bậc Đạo Sư đã không tuỳ hỷ phước xứng đáng với sự cúng dường của ta, giữa hội chúng Ngài chỉ thuyết lên có bốn câu kệ ngôn vắn tắt như thế, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Có lẽ ta đã thất kính với Đức Đạo Sư, đã cúng dường bất xứng đến Ngài rồi chăng? Có phải chăng ta đã làm cho Ngài không hoan hỷ. Lẽ ra Ngài sẽ tuỳ hỷ phước xứng đáng với đại thí này rồi. Vì Ngài hằng tuỳ hỷ xứng đáng với những ai hằng hạnh đại thí kia mà”.
Đức vua đi đến Tịnh Xá Jetavana, vào đảnh lễ Đức Thế Tôn, xong rồi bạch hỏi Ngài rằng:
– Bạch Thế Tôn! Có phải Trẫm cúng dường vật không thích hợp chăng? Hay là vật cúng dường của Trẫm không được thanh tịnh? Hoặc Trẫm chỉ cúng dường vật bất xứng còn vật thích hợp lại không cúng dường?
– Tâu Đại Vương! Vì sao Đại Vương lại hỏi Như Lai như thế?
– Bạch Thế Tôn! Vì Trẫm thấy Ngài tuỳ hỷ phước đại thí chỉ bốn kệ ngôn ngắn.
– Này Đại Vương! Đại Vương đã cúng dường đại thí vật Vô Song. Đó là sự cúng dường thí vật không sự cúng dường thí vật nào có thể so sánh được. Trong đời chư Phật chỉ có một lần Vô Song Thí như thế thôi. Lẽ thường, đại thí như thế, người thường khó làm.
– Nếu sự kiện là như thế, vì sao Đức Thế Tôn lại không phúc chúc cho xứng với đại thí như thế.
– Này Đại Vương! Vì trong hội chúng của Đại Vương không được trong sạch.
– Bạch Thế Tôn! Vậy trong hội chúng có lầm lỗi chi thế?
Đức Thế Tôn thuật lại hai ý nghĩ của Đại Thần Kāla và Đại Thần Junha, rồi cho Vua biết rằng với tâm đại bi mẫn đối với Kāla, nên Ngài chỉ chúc phước ngắn gọn bằng bốn câu kệ mà thôi. Được nghe như thế, Đức vua trở về Hoàng Cung cho đòi Đại Thần Kāla đến, hỏi rằng:
– Này Kāla khanh! Được biết rằng khanh có ý nghĩ như thế, như thế phải chăng?
– Tâu Đại Vương! Có thật như thế.
– Này khanh! Ta và Hoàng Tộc đâu có dùng tài sản của khanh hay của gia tộc khanh để cúng dường, Trẫm cũng không có làm điều chi khiến khanh buồn phiền cả.
Vậy thì, tài sản nào mà Trẫm đã ban cho khanh, khanh hãy mang theo đi, khanh hãy rời khỏi Vương Quốc của Trẫm.
Đức vua sau khi tẩn xuất Đại Thần Kāla ra khỏi Vương quốc rồi, Ngài cho gọi Junha đến phán hỏi rằng:
– Được nghe rằng khanh có được ý nghĩ như thế phải chăng?
– Tâu bệ hạ! Vâng.
– Lành thay! Lành thay, Trẫm rất hài lòng về khanh, Trẫm sẽ ban cho khanh ngôi vị Quốc Vương trong 7 ngày, khanh toàn quyền xuất cửa kho ra hành thí hạnh như Trẫm đã làm.
Đức vua Pasenadi giao vương quốc cho Đại Thần Junha trị vì 7 ngày. Rồi Đức vua đến trình lên Đức Thế Tôn việc làm của mình, bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hãy nhìn thấy hậu quả xấu của kẻ cuồng si kia, y đã khinh thường sự tín thí của Trẫm cúng dường như thế đấy”.
Đức Đạo Sư phán rằng:
– Thật vậy, này Đại Vương! Kẻ ngu không hoan hỷ với thí hạnh của kẻ khác, là người sẽ nhận lấy khổ cảnh sau này. Còn Bậc Đại trí có sự hoan hỷ thí hạnh của kẻ khác nên nhận được thiên giới sau này vậy. Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Na ve kadariyā devalokaṃ vajanti,
Bālā have nappasaṃsanti dānaṃ;
Dhīro ca dānaṃ anumodamāno,
Teneva so hoti sukhī parattha”. “Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Đời sau, được hưởng lạc”.
177. Đúng như vậy, người hà tiện không lên cảnh trời, kẻ cuồng si không tán dương đức quảng đại. Người thiện trí hoan hỷ bố thí, do đó được hạnh phúc về sau.
CHÚ GIẢI:
Kadariyā: Nghĩa là người có sự bỏn xẻn, rón rít. Người không biết lợi ích đời này và đời sau, gọi là ngu nhân.
Sukhī parattha: Nghĩa là Bậc trí khi thọ hưởng Thiên sản, gọi là người có sự an lạc về sau, vì chính do quả phước tuỳ hỷ về sự bố thí đó.
Dứt kệ ngôn, Đại Thần Junha chứng đắc Pháp Nhân. Pháp thoại mang lại lợi ích cho đại chúng như thế. Đại Thần Junha đã cúng dường đến Đức Thế Tôn cùng chư Tăng trong cả 7 ngày như Đức vua Pasenadi thường làm.
Dịch Giả Cẩn Đề
Vua với dân thành gắng sức đua,
Trai Tăng làm phước chẳng ai thua.
Nhờ bà Mạt Lỵ bày mưu chước,
Dân chẳng làm hơ nổi Đức vua.
Trong lễ trai tăng bất nhị này,
Năm trăm voi, lọng hộ tăng thầy,
Thêm ban chiêu đãi dòng vương giả.
Vật thực, hương hoa cúng đủ đầy.
Dầu Vua thiết lễ tốn nhiều tiền
Phật chẳng khen theo lẽ tự nhiên,
Vì có Đại Thần không đắc ý,
Sợ ông vỡ sọ phải quy thiên.
Phật dạy: trai tăng phước thật nhiều,
Người tâm tuỳ hỷ cũng đồng siêu,
Kẻ ngu bón rít, không khen tặng
Lợi ích không cầu, họa hại chiêu!
DỨT TÍCH ĐẠI THÍ VÔ SONG
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 41