“Yāvadeva anatthāya
Ñattaṁ bālassa jāyati
Hanti bālassa sukkaṃsaṃ
Muddhamasa vipātayanti”.
“Trí danh và tai hại
Đồng đến với kẻ dại
Phá thiện pháp để dành,
Đập đầu y tan hoại”.
Pháp cú này, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Veḷuvana, đề cập đến ngạ quỷ bị búa đập đầu (Saṭṭhīkūṭapeta ). Quả nhiên, cũng như trong truyện tích trước, khi Đại đức Moggallāna đang đi với Đại đức Lakkhaṇa từ trên núi Gijjhakūta xuống, đến một địa điểm nọ, Ngài mỉm cười. Để trả lời cho câu hỏi về lý do của cái cười này, Ngài bảo bạn đồng hành:
– Đạo hữu nên hỏi tôi trước mặt Đức Bổn Sư.
Thế rồi, sau khi đi bát xong, hai vị Đại đức đồng đến bái kiến Đức Bổn Sư. Khi ngồi xuống đã yên nơi rồi, Đại đức Lakkhaṇa nhắc lại câu hỏi buổi sáng. Đại đức Moggallāna đáp : “Thưa đạo hữu, tôi đã thấy một con ngạ quỷ thân hình cao lối ba phần tư do tuần. Phía trên đầu nó có đến sáu muôn cái búa sắt cháy lên ngọn lửa, bay lên giáng xuống không ngớt, đập đi đập lại sọ óc của nó tan nát, rồi lại hường như cũ. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ gặp chúng sanh nào có hình thù như thế, nên nay thấy nó, tôi mỉm cười”.
Trong kinh: Chuyện ngạ quỷ (Petavatthu) có bài kệ như vậy :
“Saṭṭhī kūtasahassāni,
Paripuṇṇāni sabbaso;
Sīse tuyhaṃ nipatanti
Obhindanteva matthakanti”.
Lược dịch :
“Sáu muôn búa sắt,
Đều đủ một loạt,
Rớt xuống đầu người
Đập cho nó nát”.
Bài kệ này đề cập đến con ngạ quỷ mà Đại đức Moggallāna mới vừa thấy đây vậy.
Khi nghe Đại đức Moggallāna vừa nói dứt lời, Đức Bổn Sư xát nhận rằng:
– Này các Tỳ khưu! Như Lai cũng đã từng thấy chúng sanh ấy từ khi đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề, nhưng vì lòng bi mẫn, Như Lai không hề thổ lộ với những người khác, vì e có những kẻ không tin lời Như Lai sẽ gặp phải điều bất hạnh. Bây giờ đã có Moggallāna là nhân chứng, nên Như Lai mới nói rõ ra đây.
Nghe vậy, chư Tỳ Khưu bạch xin Đức Thế Tôn giải về tiền nghiệp của con ngạ quỷ nát đầu. Do đó Đức Bổn Sư thuyết sự tích sau đây:
Tương truyền rằng: Thời quá khứ trong thành Bārāṇasī có người đàn ông què, nhưng y có tài về bún giàn thun (Sālittakasippa) bá phát bá trúng. Hằng ngày anh ta đến ngồi nơi một gốc cây to tại cổng vào thành. Lũ trẻ con trong làng xúm nhau yêu cầu: “Chú lấy sạn bắn thủng lá cây da cho thành hình con voi coi chú, cho thành hình con ngựa coi chú…”.
Nhờ biểu diễn tài bắn đạn cho nhóm nhi đồng coi thỏa thích, nhà thiện xạ què được chúng đem cơm bánh, vật thực đến cho anh ta ăn.
Một hôm, có đoàn xa giá đức vua ngự đi đến gốc cây da tại cổng thành. Lũ trẻ lôi anh què vào giữa những chùm rễ phụ của cây da rồi bỏ chạy trốn hết.
Đức vua ngự vào đứng tại gốc cây da để nghỉ mát, Ngài thấy bóng râm phủ lên long thể loang lổ khác thường. Ngài tự nghĩ: “Sao kì lạ thế?”, khi ngước nhìn lên thấy những hình voi, ngựa… theo các lỗ thủng trong tàng lá cây, Đức vua phán hỏi: “Ai đã làm việc này?”.
Khi nghe thị thần đáp là : “Anh què làm”, Đức vua cho đòi anh ta đến trước long nhan và phán rằng : “Viên Ngự sử của trẫm rất già hàm lợ khẩu. Dầu cho trẫm có khuyên nhủ nhiều phen, ông ta vẫn cứ lắm lời, khiến trẫm phải bực bội khó chịu. Nhà ngươi có thể bắn chừng một gáo phân dê vào miệng ông ta được không?”.
Tâu hoàng thượng được. Xin hoàng thượng cho người đặt con ngồi sau bức rèm có khoét lỗ nhỏ. Rồi hoàng thượng cùng ngồi với quan Ngự sử phía ngoài. Con sẽ có cách thừa hành thánh lịnh.
Đức vua làm theo kế của anh què. Anh này lấy mũi dao nhọn khoét một lỗ trong bức rèm, rồi theo đó phóng viên phân dê vào miệng vừa hả ra của Viên Ngự sử đang ngồi lý luận với đức vua. Mãi mê hùng biện để thuyết phục Đức vua, vị quan già không hay biết có chuyện khác
thường. Hễ lọn phân nào lọt vào miệng là ông ta nuốt luôn viên phân ấy với nước miếng.
Khi đã bắn hết phân dê, anh què lay động bức rèm. Đức vua nhận được mật hiệu của anh ta, biết là phân dê đã hết, bèn phán bảo Viên Ngự sử: “Này khanh Đại học sĩ (ācariya), quả nhân chịu thua, không thể nào biện luận hơn khanh nổi, vì khanh già hàm lợi khẩu quá! Nuốt hết gáo phân dê rồi mà khanh chưa chịu ngậm miệng làm thinh”.
Vị quan Bà la môn hết sức hổ thẹn, từ đó không thể mở miệng nói thêm lời nào với Đức vua nữa.
Đức vua hài lòng, triệu anh què vào cung và phán rằng:
– Nhờ khanh mà trẫm mới được an vui.
Đoạn nhà vua ban thưởng cho anh ta đủ thứ phẩm vật, và còn ân tứ thêm bốn làng trú phú (gāmavara) ở bốn phía thành.
Khi hay biết chuyện này, vị quân sư (amacco) đắc lực của Đức vua có nói bài kệ rằng:
“Sādhu kho sippakannāma,
Api yādisakīdisaṃ;
Passa khañjappahārena
Laddhā gāmā catuddisāti”.
“Nếu tập luyện cho tinh,
Nghề nào cũng là vinh,
Như anh què bắn sạn,
Được làng bốn phương thành ”.
Vị quân sư lúc bấy giờ chính là Như Lai ngày nay vậy.
Thời ấy có gã nam tử (puriso) trông thấy anh què được hiển vinh phú túc, tự nói thầm rằng : “Ông què này còn được tài sản lớn lao, chỉ nhờ vào tài bắn sạn. Vậy ta cũng cần học tập nghề ấy”.
Nghĩ rồi, thanh niên đến bái kiến ông què để xin thọ giáo. Chàng nói:
– Xin giáo sư (ācariya) truyền nghề bắn sạn cho con.
– Ta không thể truyền nghề bắn sạn cho chú được.
Tuy bị từ chối, thanh niên cũng không nản chí, cứ lân la chìu chuộng, đấm bóp tay chân, phục thị ông thầy què, quyết làm cho ông hài lòng mà thâu nạp mình làm đệ tử. Lâu lâu mỗi khi thấy thầy vui vẻ, chàng nhắc lại lời yêu cầu. Về sau, ông giáo sư cũng xiêu lòng, không nỡ phụ công lao khó nhọc của người hầu hạ, ông mới đem hết sở trường của mình truyền lại cho y. Khi thanh niên đã tinh thông nghề bắn sạn, giáo sư hỏi chàng : “Bây giờ con đã thành nghề, vậy con sẽ định làm gì sau khi xuất sư?”.
– Thưa thầy con sẽ ra đi thực hiện tài nghệ của con.
– Nghĩa là con sẽ làm gì?
– Dạ thưa, con sẽ hạ sát bò cái hay là người ta bằng một phát đạn.
– Con ơi, con bắn chết bò cái thì phải bồi thường một trăm đồng vàng, còn bắn chết người thường dân thì bồi thường ngàn đồng vàng nhân mạng. Con đem bán vợ đợ con mà mang tai họa đó con. Trừ khi vật gì không gia tộc, cha mẹ vợ con, khi bị bắn thì không có ai đòi tiền thiệt hại.
– Thưa sư phụ, vâng.
Rồi chàng ta lượm sạn bỏ đầy một cái bao nhỏ mang theo kè trên bắp vế, ra đi tìm mồi. Gặp con bò cái, gã không giám hạ sát, vì nghĩ rằng: “Con bò này có chủ”.
Thời bấy giờ, có vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) hồng danh là Thiện Nhân, Ngài an cư trong một thảo xá ở phụ cận thành. Lúc ấy, Ngài đi vào thành khất thực, còn đang đứng ở cổng thành.
Thấy Ngài thanh niên nghĩ rằng: “Ông này không cha, không mẹ, không bà con ọ hàng chi cả, có bắn chết ông ta cũng không ai đòi tiền bồi thường nhân mạng. Vậy để ta bắn ông này thí nghiệm tài nghệ của ta”. Giương giàn cung thẳng cánh, thanh niên nhắm ngay lỗ tai phải của Đức Độc Giác Phật, bắn ra một phát. Viên sạn bay vào lỗ tai phải, rồi lọt ra ngoài theo lỗ tai trái. Đức Phật Độc Giác khổ thái quá, không đi bát được nữa, nên bay về thảo xá và nhập vô dư Niết Bàn.
Dân chúng thấy vắng bóng Đức Phật đi trì bình, nghĩ: “Chắc có lẽ Ngài đau yếu gì chăng?”.
Khi đến thảo xá, trông thấy Ngài đã viên tịch, ai cũng than thở, khóc lóc. Thấy thiên hạ kéo nhau đến thảo xá, thanh niên cũng đi theo. Đến chỗ nhục thể của Đức Độc Giác, chàng tự thú nhận rằng mình đã hạ sát Ngài: “Ông này đi vào thành khất thực, còn đang đứng giữa cổng, ngay trước mặt tôi. Hôm nay là ngày xuất sư, nên tôi bắn ông ta để thử tay nghề đó”.
Dân chúng đồng thanh la to: “Giữ chặt nó lại, giữ chặt nó lại. Hắn đã tự xưng là bắn chết Đức Phật Độc Giác của chúng ta”. Thế rồi, phần đông xúm nhau đánh đập gã thanh niên sát nhân cho đến khi y mệnh chung. Chết rồi chàng ta bị đọa vào địa ngục Vô Gián (Avīci), bị thiêu đốt rất lâu, cho đến quả địa cầu này dày thêm một do tuần mới thoát khỏi nơi đó. Do quả còn dư sót, chàng ta hóa sanh làm con ngạ quỷ bị búa đập đầu ở trên núi Gijjhakūṭa.
Thuật dứt câu chuyện này Đức Bổn Sư kết luận câu chuyện rằng:
– Này các Tỳ khưu ! Phàm là người ngu mà được nghề nghiệp thiện xảo hoặc của tiền quyền chức, thì họ tự hại lấy bản thân như thế.
Đức Bổn Sư thuyết pháp giảng rộng thêm nghĩa lý, rồi đọc bài kệ ngôn rằng:
“Yāvadeva anatthāya
Ñattaṃ bālassa jāyati
Hanti bālassa sukkaṃsaṃ,
Muddhamassa vipātayanti”.
“Người ngu được trí danh nhiều,
Tài cao để khiến tự chiêu tội tình,
Làm tiêu thiện pháp để dành,
Đầu y cũng phá tan tành chẳng sai”.
CHÚ GIẢI:
Yādaveda: là tiếng liên từ hay tiếp tục từ (nipāto), có ý nghĩ là vô lượng vô biên (avaddipanicchedana).
Ñattaṃ: là trạng thái của người có kiến thức, có danh tiếng, người nào có nghề nghiệp hay nghiệp giỏi hoặc có quyền cao chức trọng thì bao giờ cũng được tiền của danh vọng, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Ai ai cũng nghe biết đến thân thế của họ một cách rõ ràng. Tiếng Ñattaṃ cũng hàm cả hai ý nghĩa như trên.
Đối với người ngu, hễ tài năng, chức nghiệp hoặc là của tiền quyền thế phát sanh lên lúc nào thì tai họa cũng đồng thời phát sanh lên lúc ấy. Bởi vì y ỷ vào trí danh ấy mà tự chiêu lấy tội vào thân.
Hanti: phá hủy, tiêu diệt.
Sukkaṃsaṃ: là thiện pháp để dành, tức là phước tích trữ do nghiệp lành quá khứ.
Quả nhiên, trong lúc trí danh bắt đầu phát sanh lên cho kẻ ngu, thì vốn thiện pháp để dành từ trước của y cũng bắt đầu suy sụp, tiêu hoại.
Muddhaṃ: là cái đầu hay cân não, nghĩa bóng là trí tuệ.
Vipātayaṁ: là tiêu diệt, phá tan, đập vỡ ra. Quả nhiên người ngu bị trí danh phá tan vỡ thiện pháp của họ, phá tan vỡ luôn cái gọi là trí tuệ, đầu não của họ nữa. Thời pháp vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là quả Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Người ngu được thế dám làm ngang,
Gặp bậc chân tu bắn giết càng,
Sạn nhỏ một viên vào óc Phật,
Búa to muôn cái đập đầu chàng.
Phô danh chưa thấy danh thêm rạng,
Tạo khổ nào hay khổ lại mang,
Hỏa ngục thiêu còn dư sót lại,
Làm thân ngạ quỷ đỉnh Linh Sơn.
DỨT TÍCH NGẠ QUỶ BỊ BÚA ĐẬP ĐẦU
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 38