Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Ngạ Quỷ Mình Rắn

“Na hi pāpaṃ kataṃ kammaṃ,
Sajju khīraṃ’va muccati;
Ḍahantaṃ bālamanveti,
Bhasmācchanno’va pāvako”.

“Nghiệp ác như sữa bò,
Mới vắt chưa nổi dậy,
Như lửa ngún dưới tro,
Ngầm theo đốt kẻ quấy”.

Kệ pháp cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi ngài an ngự tại Veḷuvana, đề cập đến con ngạ quỷ mình rắn (ahipeta). Quả nhiên, một ngày nọ, Đại đức Lakkhaṇa (Thiện Tướng), nguyên là một trong số cả ngàn cựu đạo sĩ hỏa giáo (Jatila) rủ Đại đức Moggallāna cùng đi vào thành Rājagaha khất thực. Trong lúc hai Ngài từ trên núi Gijjhakūṭa (Kỳ Xà Quật) đi xuống.

Đại đức Moggallāna trông thấy con ngạ quỷ mình rắn nên mỉm cười. Đại đức Lakkhaṇa vì không có thiên nhãn, nên ngạc nhiên hỏi:

– Vì cớ chi mà đạo hữu mỉm cười?

– Thưa đạo hữu, bây giờ không phải là lúc trả lời câu hỏi của đạo hữu, đạo hữu hãy hỏi tôi khi nào chúng ta giáp mặt Đức Thế Tôn.
Sau khi đi bát vào trong thành Rājagaha trở ra, hai bạn đồng đạo đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Ngồi yên chỗ xong, Đại đức Lakkhaṇa liền hỏi rằng:

– Nầy đạo hữu Moggallāna! Lúc ở trên núi Gijjhakūṭa đi xuống, thấy bạn mỉm cười, tôi có hỏi cho rõ nguyên do, bạn bảo rằng: “Nên hỏi bạn trước mặt Đức Thế Tôn”. Vậy bây giờ bạn hãy giải rõ việc ấy đi.

Đại đức Moggallāna liền đáp:

– Thưa đạo hữu, buổi sáng nay tôi có mỉm cười khi trông thấy con ngạ quỷ mình rắn. Con quỷ dị hình nầy, đầu giống như đầu người, còn thân thì suôn đuột giống như mình rắn (ahipeta), bề dài của nó ước độ hai mươi lăm do tuần. Từ trước đầu nó, ngọn lửa bốc cháy lên dài tới sau đuôi, rồi lại bắt đầu từ đuôi cháy ra hai bên. Cháy ngược tới trước đầu, hoặc từ giữa mình bốc lửa lên cháy ra hai phía, rồi từ hai phía bốc cháy nhập lại khúc giữa.

Theo tục truyền rằng: Về giống ngạ quỷ nầy có hai con, mình dài đến độ hai mươi lăm do tuần, kỳ như những con khác chỉ dài độ ba phần tư do tuần mà thôi. Thứ dài hai mươi lăm do tuần như con mình rắn trên đây là một. Còn một con nữa là con ngạ quỷ Ô Nha (kākapeta), hình thù như con quạ. Con sau này, Đại đức Moggallāna cũng thấy trên đỉnh núi Gijjhakūṭa. Thấy nó bị lửa thiêu đốt, Đại đức có thuyết kệ hỏi tiền nghiệp của nó như vầy:

“Pañcayojanikā jivhā,
Sīsante navayojanaṃ;
Kāyo accuggato tuyhaṃ,
Pañcavīsatiyojanaṃ;
Kinnu kammaṃ karitvāna,
Pattosi dukkhamīdissanti”.

Lược dịch:
“Với lưỡi năm do tuần,
Đầu người chín do tuần,
Mình người dài thườn thượt,
Hai mươi lăm do tuần,
Do nghiệp gì kiếp trước,
Người thọ khổ hiện thân?”.
Ngạ quỷ đáp:

“Ahaṃ bhante Moggallāna
Kassapassa mahesino
Saṅghassābhihaṭaṃ bhattaṃ
Āharesiṃ yathicchakanti”.

Lược dịch:
“Bạch Đại đức Mục Kiền Liên
Thời Ca Diếp đại hiền,
Lúc Tăng chưa thọ bát,
Con ăn vụng trước tiên”.

Tiếp theo bài kệ, ngạ quỷ kể tích rằng:

– Bạch Ngài, trong thời kì Đức Phật Kassapa, có nhiều vị vào làng khất thực.

Dân trong làng thấy chư Tăng thì phát tâm ái mộ, nên cung thỉnh quý Ngài vào an ngự trong nhà khách sảnh, lấy nước rửa chân quý Ngài rồi thoa xức dầu. Kế đó, họ dâng cháo điểm tâm và đồ ngọt giải lao. Trong khi chờ đến giờ để cúng dường cơm ngọ, họ xúm nhau ngồi nghe thuyết pháp.

Sau thời pháp, các thính giả xin thỉnh bát không của quý Ngài, rồi mạnh ai nấy về nhà của mình, lựa toàn cao lương mĩ vị để đầy mỗi bát mà đem đến khách đường. Lúc bấy giờ, con là một con quạ đang đậu trên mái nhà khách, thấy vậy mới bay xuống mổ ăn ba lần ba vắt cơm bát. Cơm ấy Đại đức Tăng chưa nhận lãnh cũng như chưa kiểm soát rồi bố thí, cũng không phải là cơm của thí chủ từ nhà mình đem đến,
với tác ý cúng dường đến toàn thể Đại đức Tăng. Vì ăn trước ba vắt cơm ấy, và cũng chỉ có tiền ác nghiệp ấy thôi, mà đến khi
mạng chung con phải trả quả, bị thiêu đốt trong lửa địa ngục A Tỳ, còn quả dư sót nên giờ đây phải hóa sanh làm ngạ quỷ Quạ (kākapeta) ở trên núi Gijjhakūṭa, để chịu khổ như thế này đây.

Trên đây là tiền tích của ngạ quỷ Quạ, đã thuật lại với Đại đức Moggallāna. Hôm nay, trước mặt Đức Thế Tôn, Đại đức quả quyết rằng:

– Tôi đã mỉm cười khi thấy ngạ quỉ mình rắn.

Bấy giờ, Đức Bổn Sư xác nhận lời của Đại đức và phán:

– Nầy các Tỳ khưu, Moggallāna đã nói sự thật. Chính Như Lai từ ngày đắc quả Chánh Giác cũng đã từng thấy ngạ quỷ rắn ấy nhưng không nói cho người khác biết vì nghĩ rằng: “Những ai không tin lời Như Lai, ắt gặp sự bất lợi”. Sau khi minh chứng, xác nhận sự mục kích của Đại đức Moggallāna cùng với Lakkhaṇa trong buổi sáng hôm ấy, Đức Bổn Sư thuyết về nhị thập điều (Vīsativatthūni: Có lẽ hai mươi phận sự của bậc Sa môn: là setthabhūmissayo…sikkhāpadāripūrī (xin xem “Kho tàng Pháp Bảo” của Đại đức Bửu Chơn).

Nghe pháp xong, chư Tỳ khưu còn muốn biết sinh tiền nghiệp của ngạ quỷ mình rắn, nên bạch hỏi Đức Bổn Sư. Ngài từ bi thuyết tiếp sự tích sau đây: Tương truyền rằng: Trong thời dĩ vãng xa xưa, có nhiều người hiệp nhau cất lên một thảo xá (paṇṇasālā) ở cạnh bờ sông gần thành Bārāṇasī, rồi dâng đến Đức Phật Độc Giác.

Từ khi an ngự nơi đó, Ngài vẫn thường thường đi vào khất thực trong thành. Dân chúng trong thành cũng quen lệ, sáng và chiều mang theo lễ vật như hương hoa đi cúng dường Đức Phật Độc Giác. Con đường của mọi người đi viếng Đức Phật xuyên qua đám ruộng cày của một thanh niên nọ, cũng là dân ở trong thành Bārāṇasī. Vì thế, mỗi ngày hai lần sáng và chiều, tất cả đại chúng đi đến thảo xá của Đức Phật
Độc Giác, ai cũng giẫm đạp lên đám ruộng của thanh niên ấy. Chàng trai đã nhiều phen cản ngăn không cho quần chúng giẫm đạp lên đất
ruộng của mình, nhưng cũng vô hiệu. Tức quá, không biết làm cách nào khác, chàng ta nghĩ quấy rằng: “Nếu như không có thảo xá của vị Sa môn ở đây, thì họ bặt đường lui tới, đâu có đạp bừa lên ruộng của ta”.

Vì quy tội cho thảo xá của Đức Độc Giác Phật, nên chàng nông phu thừa lúc Ngài đi vào thành khất thực, chàng đập phá những đồ vật dụng của Ngài tan nát, rồi châm lửa đốt luôn cốc lá.

Khi thấy chỗ ngụ của mình đã cháy tiêu, Đức Phật Độc Giác rời bỏ chỗ ấy đi, không chút gì luyến tiếc. Đại chúng mang hương hoa đến, trông thấy cốc bị cháy, hỏi truyền nhau rằng:

“Không biết Đại đức của chúng ta đi đâu?”. Chàng trai khi ấy cũng có mặt trong nhóm đại chúng, đến chỗ cốc cháy, chàng đứng giữa đám đông tự khoe rằng: “Chính tay tôi đã đốt thảo xá của ông ấy”.

Quần chúng nổi giận la lên: “Hãy giữ chặt tên ấy. Tại vì nó gây tội ác mà chúng ta không còn được gặp Đức Phật Độc Giác nữa”. Rồi kẻ tay chân, người gậy gộc đánh đập chàng nông dân ấy đến vong mạng. Chết rồi, chàng ta bị đọa xuống A tỳ địa ngục, bị thiêu đốt mãi mãi, cho đến khi địa đại cao lên thêm một do tuần mới thoát khỏi nơi đó. Vì còn dư sót quả, chàng ta phải hóa sanh ngạ quỷ Rắn, ở trên núi Gijjhakūṭa hiện nay vậy.

Khi thuật hết tích trên đây, Đức Bổn Sư kết luận rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, nghiệp ác bao giờ cũng giống như sữa tươi vậy. Hễ sữa tươi mới vắt ra không biến chất như thế nào thì nghiệp ác bao giờ khi làm chưa thuần thục như thế ấy. Nhưng khi nghiệp quả chín mùi thì lúc bấy giờ kẻ ác phải mang lấy thống khổ triền miên vậy.

Đức Thế Tôn thuyết pháp giải rộng thêm nghĩa lý trường hợp trên đây, rồi Ngài kết thúc bằng bài kệ nầy:

“Na hi pāpaṃ kataṃ kammaṃ,
Sajju khīraṃ’va muccati;
Ḍahantaṃ bālamanveti,
Bhasmācchanno’va pāvakoti”.

“Nghiệp ác vừa mới làm ra,
Như sữa mới nặn khó mà đông ngay.
Tro tàn lửa ngún còn đây,
Ngầm theo kẻ ác, hằng ngày đốt thiêu”.

CHÚ GIẢI:
Sajju khīraṃ: Sữa tươi mới nặn, là sữa từ trong vú bò cái mới nặn ra.

Muccati: Là chín mùi, biến chất, nổi dậy. Sữa bò để lâu mới biến chất thành chua hoặc có đóng váng trên mặt, hoặc đông đặc lại, chớ lúc mới vừa nặn ra nó chưa bị mất tính chất sữa tươi của nó. Cho nên người làm sanh tô, lạc, đề hồ cần phải ủ sữa và chờ đợi một thời gian mới có kết quả.

Nghiệp ác cũng vậy, khi mới vừa làm nó chưa trổ quả liền ngay lúc ấy. Nếu quả ác thuần thục ngay thì không có ai dám tạo ác nghiệp cả. Những kẻ làm ác sở dĩ còn sống an nhiên do nhờ nghiệp lành quá khư còn duy trì Ngũ uẩn hiện tại. Nhưng sau khi Ngũ uẩn phân ly, nghiệp quả thuần thục, những người ấy sẽ sa đọa vào khổ cảnh ác thú chẳng sai.

Ḍahantaṃ bālamanveti: Ngầm theo đốt kẻ ngu.

Bhasmācchannova pāvako: Như lửa ngún dưới tro. Thật thế, than lửa bị vùi lấp dưới tro nóng thì không cháy lên ngọn, vì có tro che. Nhưng ai vô ý cào lớp tro mặt mà đụng nhằm lửa than thì sẽ bị phỏng da mặt, cháy tay ngay và sẽ có cảm giác nóng dữ dội như lửa cháy xém tới trong óc.

Cũng như thế, sau khi tạo nghiệp ác, kẻ ngu bị nghiệp theo đốt mãi mãi, nhứt là bị sa hỏa ngục trong kiếp thứ hai hoặc kiếp thứ ba chẳng ạn.

Khi thời pháp chấm dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhứt là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Gặp Phật mà không tạo phước gì,
Còn gây tội ác rõ ngu si,
Ruộng kia trống trải, ngăn người đến,
Đường nọ liền trơn, cấm chúng đi.
Vọng chấp tư điền, đồ địa chất,
Hỏa thiêu thảo xá, cảnh Liên trì,
Nay làm ngạ quỉ mình như rắn,
Thọ khổ trường miên khó thoát ly.
DỨT TÍCH NGẠ QUỶ MÌNH RẮN

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 58

Post Views: 559