Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm An Lạc: Hai Hoàng Tộc Tranh Giành Nước

 

197. “Susukhaṃ vata jīvāma,

Verinesu averino;
Verinesu manussesu,
Viharāma averino”.

198. “Susukhaṃ vata jīvāma,
Āturesu anāturā;
Āturesu manussesu,
Viharāma anāturā”.

“Vui thay, chúng ta sống,

Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!”.

“Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau”.

199. “Susukhaṃ vata jīvāma,
Ussukesu anussukā;
Ussukesu manassesu,
Viharāma anussukā.”

“Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi ngự giữa hai Hoàng Tộc Thích Ca, đề cập đến sự tranh chấp nước của quyến thuộc.

Tương truyền rằng: Hai họ Hoàng Tộc Sakya và Koliya đã hiệp tác nhau đập một cái đập chung để dẫn nước từ sông Rohinī vào giữa hai thành Kapilavatthu và Koliya, và trồng trọt hoa màu trên những cánh đồng ở hai bên bờ sông. Đến tháng Jettha mūla (tháng 6-7 dương lịch) năm ấy, nhận thấy các vụ mùa bị thất nhiều, hai bên nông dân hai bờ sông hợp nhau lại. Dân thành Koliya lên tiếng trước rằng:

– Nếu nước sông này dẫn nước chia đôi để tưới cả hai bên sông thì không đủ cho các vị lẫn cho bên chúng tôi. Vụ mùa của chúng tôi sắp chín tới, chỉ cần một lần tưới nữa thôi. Vậy các vị hãy dành trọn nước sông này cho chúng tôi sử dụng đi.

Nhóm dân họ Thích cũng nói rằng: Sau khi các vị gặt lúa chín, chất đầy kho lẫm rồi, chẳng lẽ chúng tôi lại lấy vàng, bạc, ngọc bích, ngọc tuyền và tiền bạc ra, xách theo thúng rỗ hoặc túi bao mà đi đến nhà các người. Vụ mùa của chúng tôi cũng chỉ cần một lần tưới nữa thôi. Vậy hãy nhường cả nước sông này cho chúng tôi.

– Chúng tôi nhất định không nhường được.

– Chúng tôi cũng không cho các vị lấy hết nước dòng sông nầy.

Cuộc bàn luận đi đến nơi bế tắc. Một người đứng lên đánh đối phương, người nầy đánh trả lại. Thế là cuộc xô xát bành trướng ra, hai họ trong Hoàng gia đánh nhau, cùng với những lời lẽ bêu xấu nhau kịch liệt. Những người dòng Koliya nói:

– Nầy những người dân thành Kapilavatthu, các người hãy dắt con cái đi đi.

Những kẻ nào sống chung với em gái mình, giống như chó nhà và chó rừng, thì những voi, ngựa, khiên, vũ khí mà những kẻ ấy có được, sẽ làm gì được chúng tôi.

Những người dòng Thích Ca cũng mắng lại rằng:

– Nầy các kẻ hủi! Các ngươi hãy dắt con cái đi đi. Những kẻ hủi khốn nạn, vô hại, giống như loài thú ở trên cây táo, thì những voi, ngựa, khiên và vũ khí của những kẻ ấy làm gì được chúng tôi.

Hai nhóm nông dân nầy đem câu chuyện tranh chấp nầy báo cáo lên cho hai Hoàng Tộc biết tin.

Các chiến sĩ Thích Ca lập tức nai nịt gọn gàng, mang vũ khí ra đi và hét lớn rằng:

– Chúng ta sẽ biểu diễn tài nghệ của những người sống với em, chị gái mình cho bọn chúng nó thấy.

Các chiến sĩ Koliya cũng nai nịt gọn gàng, mang vũ khí ra đi và thét lớn rằng:

– Chúng ta sẽ biểu diễn tài lực của những người cùi sống trên cây táo cho chúng nó thấy.

Sáng hôm ấy, Đức Bổn Sư quán xét thế gian theo thông lệ, vì nhìn thấy những quyến thuộc của Ngài. Ngài tự nghĩ: “Nếu ta không can thiệp thì những người nầy sẽ giết hại lẫn nhau. Ta phải đến đó mới được”.

Thế rồi, Ngài theo đường hư không đến đứng giữa dòng sông Rohinī. Ngồi kiết già giữa hư không. Các quyến thuộc trông thấy Đức Bổn Sư liền ném vũ khí xuống đất và đảnh lễ Ngài. Đức Bổn Sư bèn hỏi mỗi bên rằng:

– Tâu Đại Vương! Vì sao có cuộc tranh chấp nầy.

– Bạch Ngài! Trẫm không được biết.

– Vậy thì ai biết bây giờ đây?

Hai vua đáp: “Có lẽ Phó Vương”. Khi hai vị Phó Vương bị hỏi thì đáp là: “Có lẽ quan Tổng binh biết”, lần theo thứ tự từ trên xuống, cuối cùng cũng đến các nông dân, họ đáp: “Bạch Ngài, đây là cuộc tranh giành nước sông Rohinī”. Đức Thế Tôn hỏi hai vị vua:

– Tâu Đại vương! Nước đáng giá bao nhiêu?

– Bạch Ngài, nước giá rẻ lắm.

– Tâu Đại Vương! Các Chiến Sĩ Sát Đế lỵ giá bao nhiêu?

– Bạch các Ngài! Các chiến sĩ Sát Đế Lỵ giá rất cao.

– Thế thì, vì nước có giá trị rẻ như thế lại đem đánh đổi bằng các chiến sĩ Sát Đế Lỵ. Như vậy có thích đáng chăng?

Mọi người đều im lặng, Đức Phật gọi hai vị vua đến phán rằng:

– Tâu Đại Vương! Vì sao Ngài lại làm như thế? Nếu hôm nay Như Lai không ngự đến đây, thì máu các ngươi nhuộm xuống dòng sông rồi. Các Ngài đã làm điều không xứng đáng, các Ngài sống trong thù hận, trú trong ba pháp hận thù, còn Như Lai sống không thù hận. Các Ngài sống trong tham ái, còn Ta sống không tham ái.

Nói rồi, Ngài thuyết lên kệ ngôn như sau:

197. “Susukhaṃ vata jīvāma,

Verinesu averino;
Verinesu manussesu,
Viharāma averino”.

198. “Susukhaṃ vata jīvāma,
Āturesu anāturā;
Āturesu manussesu,
Viharāma anāturā”.

“Vui thay, chúng ta sống,

Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!”.
“Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau”.

199. “Susukhaṃ vata jīvāma,
Ussukesu anussukā;
Ussukesu manassesu,
Viharāma anussukā.”

“Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng”.

197. Hạnh phúc thay! Sống không thù hận giữa hận thù. Giữa những người hận thù, Ta sống không thù hận.

198. Hạnh phúc thay! Ta sống mạnh khỏe giữa ốm đau. Giữa những người bệnh tật, Ta sống không ốm đau.

199. Hạnh phúc thay! Ta sống không tham ái. Giữa những người dục vọng ta sống không tham ái.

CHÚ GIẢI:

Susukhaṃ: Sutthusukhaṃ: Sự an vui tốt đẹp. Đại ý của bài kệ nầy là: Những người sư sĩ tại gia, không phải bậc xuất gia, sống bằng một nghề nào như y sĩ… hằng nói “chúng ta sống an vui”. Những người nào nghĩ: “Chúng ta là những người không thù hận trong số những người thù hận với tâm hận thù, là những người không bịnh tật do không phiền não trong số những người bịnh tật là phiền não. Là những người không tham ái tìm cầu ngũ dục, những người ấy có thể nói là hạnh phúc thay”.

Hai kệ ngôn sau cũng cùng chung một ý nghĩa như thế. Cuối thời pháp, nhiều người đắc Thánh Quả, nhứt là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Hai họ Hoàng Gia suýt giết nhau
Bởi tranh chút nước tưới hoa màu
Khi thương lựa nói lời ngon ngọt
Lúc giận moi tìm lý lẽ sâu.
Trước múa tay chân còn phải quấy
Sau khoe gươm giáo hết đuôi đầu.
“Máu đào một giọt hơn ao nước”
Phật giảng hòa ngay, khỏi đợi lâu”.
DỨT TÍCH HÒA GIẢI GIA TỘC

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 31

Post Views: 260