Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
“Piyato jāyatī soko,
Piyato jāyatī, bhayaṃ;
Piyato vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayaṃ”.
“Do ái sinh sầu ưu,
Do ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”.
Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài trú tại Jetavana, đề cập đến một người gia trưởng nọ. Ông gia trưởng nầy quá buồn khổ vì cái chết của đứa con trai mình, hằng đi đến bãi tha ma mà than khóc kể lể, nhưng không giảm được lòng thương nhớ con. Đức Bổn Sư khi quán sát thế gian trong buổi sáng sớm, thấy ông gia trưởng có duyên đắc đạo Tu Đà Hườn. Sau khi đi khất thực về, Ngài cùng nhóm Sa môn tùy tùng đi đến nhà của gia trưởng ấy.
Nghe báo tin, có Đức Bổn Sư cùng chư Tăng ngự đến, ông tự nghĩ: Chắc Ngài muốn chuyện trò thân mật với ta.
Ông cung thỉnh Đức Thế Tôn và chư Tăng vào nơi được soạn sẵn, thỉnh ngồi xong, đảnh lễ Ngài và tự ngồi xuống một bên. Đức Bổn Sư liền hỏi ông rằng:
– Nầy thiện nam, sao ông buồn vậy?
– Bạch Ngài! Con buồn vì cái chết của con con.
– Nầy Thiện nam! Ông chớ nên sầu muộn, cái mà chúng ta gọi là sự chết nầy, chẳng phải chỉ có ở nơi nầy, không phải chỉ có ở nơi kia, không phải chỉ để riêng cho một người, mà để chung cho tất cả chúng sanh trong hoàn vũ. Không có một pháp hữu vi nào là thường tồn cả, bởi vậy không nên khóc than sầu muộn, mà trái lại phải chú ý quán xét về sự chết một cách hợp lí rằng: “Vật phải chết, vật phải tan rã đã tan rã rồi”.
(Maranadhamman matam, bhijjadhamman bhinnam).
Các bậc hiền trí thưở xưa đã không than khóc khi đứa con yêu chết, mà chỉ dùng chánh niệm tham thiền quán tưởng rằng: Vật phải chết đã chết, vật phải tan rã đã tan rã.
– Bạch Ngài, bậc hiền trí nào đã làm như vậy? Và làm trong thời nào? Xin Ngài hoan hỷ giải rành cho con được biết.
Theo lời yêu cầu của gia trưởng, Đức Bổn Sư thuật Bổn Sanh bằng kệ ngôn rằng:
Cũng như con rắn lột bỏ da cũ, con người lột bỏ xác thân mà đi qua cảnh giới khác. Xác thân trống rỗng bỏ lại đó, người chết đã ra đi. Trong khi cái xác nó bị thiêu, nó không nghe lời than khóc của thân quyến. Bởi vậy, tôi không thương tiếc nó, mặc nó đi đâu thì đi. Sau khi giải rộng Bổn Sanh Uraga có năm chương. Đức Bổn Sư dạy tiếp: Thưở xưa các bậc hiền trí đã xử sự như thế khi đứa con yêu chết, chớ không như ông bây giờ đã bỏ bê mọi việc trong nhà, bỏ cả ăn uống mà khóc than suốt ngày đâu. Chẳng những thế, các bậc hiền trí còn tham thiền quán tưởng đề mục chết, không buồn rầu khóc lóc, vẫn ăn uống như thường và chăm lo công việc của mình.
Vậy ông đừng ôm ấp ý nghĩ: “Đứa con thân yêu của ta đã chết” nữa. Sỡ dĩ có sự buồn khổ ấy nổi lên, chỉ vì nó có chỗ nương là tình yêu mới dấy lên được.
Rồi Ngài ngâm lên bài kệ rằng:
“Piyato jāyatī soko,
Piyato jāyatī, bhayaṃ;
Piyato vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayaṃ”.
“Do ái sinh sầu ưu,
Do ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”.
CHÚ GIẢI:
Sự ưu tư, sự sợ hãi là nguồn gốc của vòng sanh tử luân hồi, sau khi sanh lên, bao giờ cũng nương theo sự ái luyến người và vật mà sanh lên. Một khi đã giải thoát sự thân ái rồi tự nhiên cả hai thứ phiền não trên đây không có nữa.
Cuối thời Pháp, ông gia trưởng mất con chứng đắc quả Tu Đà Hườn. Kỳ dư thính chúng đều hưởng sự lợi ích từ pháp thoại.
Dịch Giả Cẩn Đề
Con sớm chết đi để lại cha
Khóc thương măng trẻ, tội cha già
Ngày ngày bỏ ngủ, thân rừng xác
Bữa bữa quên ăn, phế việc nhà
Kiếp trước tạo duyên lành cúng Phật.
Đời nầy rảnh nợ khổ tìm ma
Luyến lưu dứt được nhờ nghe Pháp
Đắc quả đầu tiên lúc tại gia.
DỨT TÍCH TRƯỞNG GIẢ KHÓC CON
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 4