Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
“Hananti bhogā dumedhaṃ
No ve pāragavesino
Bhogataṇhāya dummedho
Hanti añña’va atānaṃ”.
“Giàu sang hại người ngu
Không hại người cầu tìm
Đến được bờ bên kia
Kẻ ngu vì ham giàu
Hại mình và hại người”.
Kệ Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến vị Trưởng giả Aputtaka. Được nghe rằng: Một hôm, Đức vua Pasenadi vị thủ lãnh xứ Kosala. Đức vua được tin 1 vị Trưởng giả trong thành Sāvatthī vừa mệnh chung, thị dân đến báo cho Ngài rõ tài sản của vị ấy. Đức vua phán hỏi:
– Tài sản ấy sẽ chuyển giao cho ai?
– Tâu Đại Vương, sẽ chuyển giao cho Đại vương sẽ sung vào công khố.
Thế là Đức vua cho chuyển di tài sản ấy vào công khố, trọn cả bảy ngày mới chuyển hết tài sản ấy vào Hoàng cung. Rồi Đức vua Pasenadikosala đi đến Đại Tự Jetavana, yết kiến Đức Thế Tôn, Bậc Đạo Sư phán hỏi rằng:
– Nầy Đại vương! Có chuyện gì mà Đại vương đến đây vào buổi trưa nắng gắt thế nầy?
– Bạch Thế Tôn! Có vị Trưởng giả trong thành Sāvatthī vừa mệnh chung, con phải di chuyển tài sản của vị ấy vào công khổ, vì vị ấy không có người thừa tự.
Bạch Thế Tôn! Được nghe rằng Trưởng giả ấy rất giàu có, nhưng khi gia nhân mang thực phẩm thượng vị đến cho ông dùng, thực phẩm ấy đựng trong chiếc mâm vàng, thì ông ta nói rằng: “Loài người (mà) được dùng vật thực ngon như vậy ư? Các người đang mỉa mai ta chắc”. Khi gia nhân đặt mâm vật thực xuống thì ông lấy cây, gạch, đá… ném xua đuổi gia nhân đi. Y chỉ dùng gạo nát với nước cải chua và nói rằng: “Đây mới thực sự là vật thực của nhân loại”. Và khi gia nhân mang vải tốt đến cho ông, hay mang chiếc xe đẹp tốt lộng lẫy đến, thì ông mắng nhiếc, dùng gậy gộc, đá gạch để xua đuổi gia nhân. Ông ta chỉ dùng y thô xấu, chỉ đi xe thô xấu mà thôi.
– Nầy Đại vương! Chuyện nầy quả có thật như thế. Vì thưở quá khứ ông cúng dường đến Đức Phật Độc Giác Tagarasikhī vật thực. Một lần nọ, khi ông đang ngồi trên gác, chợt trông thấy Đức Phật Độc Giác đang trì bình đứng trước cửa nhà. Y bảo với gia nhân rằng: “Hãy cho vị Sa môn ấy bát cơm đi”, rồi ông ta đứng dậy bỏ đi.
Được nghe rằng, vị Trưởng giả ấy là người không có đức tin, nên mới nói như thế thôi. Riêng vợ ông là người có đức tin suy nghĩ rằng: “Lâu nay ta mới được nghe chồng ta nói lên tiếng CHO, sự ước nguyện của ta đã được viên mãn trong ngày hôm nay vậy. Ta hãy cúng dường vật thực hảo hạng đến Ngài”.
Bà liền thỉnh bát và đặt vào bát những món vật thực thượng vị, cúng dường đến Đức Phật Độc Giác. Ngài nhận bát rồi đi ra, ông Trưởng giả đi cửa sau ra gặp Đức Phật Độc Giác đang ôm bình đi ra nên hỏi vị Độc Giác rằng:
– Nầy ông Sa môn, ông có được chi chăng?
Không đợi Đức Phật Độc Giác trả lời, y mở nắp bát Ngài ra xem, thấy những loại vật thực thượng vị, y bất bình suy nghĩ rằng: “Vật thực nầy nên cho nô lệ của ta dùng còn có ích hơn, vì khi họ dùng vật thực nầy rồi, họ sẽ làm việc cho ta. Còn ông Sa môn nầy khi ăn rồi sẽ tìm nơi ngủ mà thôi, vật thực của ta sẽ hao phí đi”.
Lại nữa, nầy Đại vương, cũng trong kiếp ấy Trưởng giả đã giết chết cháu ruột của mình mà sang đoạt tất cả tài sản.
Được biết rằng, Trưởng giả ấy khi dạo chơi với cháu mình thì đứa cháu nắm lấy tay chú nói rằng:
– Chiếc xe nầy là của cha con, con bò nầy cũng của cha con.
Trưởng giả ấy suy nghĩ: “Hiện giờ nó đã biết nói như thế rồi, khi nó trưởng thành thì ai sẽ là người gìn giữ gia sản nầy chứ?”. Ác tâm sanh khởi cho Trưởng giả ấy, y dẫn đứa cháu mình đi dạo chơi trong rừng, dùng lấy hai tay bóp cổ đứa cháu như người ta bóp củ khoai chín, rồi liệng bỏ xác cháu mình vào bụi rậm gần đó.
– Nầy Đại vương! Đây là tiền nghiệp của Trưởng giả ấy.
Đức Thế Tôn phán dạy tiếp rằng:
– Nầy Đại vương! Do quả Trưởng giả cúng dường vật thực đến Đức Độc Giác Phật Tagarasikhī, nên được thọ sanh làm Chúa Đế Thích 7 lần, quả còn dư sót được làm đệ nhất Trưởng giả có đại tài sản trong thành Savatthī nầy 7 lần. Do nghiệp quả khởi lên tâm bất bình hối tiếc rằng: “Nên cho vật thực nầy đến nô lệ dùng, vì dùng vật thực nầy sẽ làm việc cho ta có ích lợi hơn”. Nên tâm của Trưởng giả ấy không chịu dùng vật thực thượng vị, không thích dùng vải quý, hay dùng loại xe đẹp… không chịu dùng hay thọ dụng năm dục trưởng dưỡng.
Do quả nghiệp sát hại cháu mình để cưỡng đoạt gia tài, nên y bị thiêu đốt trong lửa địa ngục với thời gian dài không sao đếm xiết được, và quả còn dư sót nên y bị tuyệt tự, và đại tài sản ấy thường bị sung vào công khố quốc độ đã 7 lần rồi.
– Nầy Đại vương! Lại nữa, phước cũ nay đã hết mà y không có tạo phước thiện mới, vì có tâm bỏn xẻn. Nầy Đại vương! Chính khi mệnh chung thì y rơi vào địa ngục Mahāroruva, bị thiêu đốt trong lửa địa ngục.
Nghe được tiền nghiệp của Trưởng giả Aputtaka như thế, Đức vua bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu thay, đây là quả nghiệp quá nặng. Khi Trưởng giả ấy có được tài sản như thế mà không tự thọ hưởng. Và khi được Đấng Chánh Đẳng ngự trú nơi đây, ông ấy cũng chẳng tạo được phước thiện gì cả.
– Thật vậy! Nầy Đại vương, người thiếu trí đã được tài sản thường không tầm cầu Níp Bàn. Lại nữa, ái dục phát sanh do tài sản thường giết người ấy lâu dài.
CHÚ GIẢI:
No ve pāragavesino: là tài sản hằng không hại người tầm cầu bờ thường hằng, tức là Níp Bàn.
Hanti añña’va attanaṃ: nghĩa là người thiếu trí thường tự giết mình như giết người khác, cũng vì tham muốn do tài sản mà phát sanh lên.
Dứt kệ ngôn, nhiều người chứng đạt Thánh Quả như Dự Lưu…
Dịch Giả Cẩn Đề
Bá Hộ không con để dối lòng,
Chết rồi, di sản bị sung công,
Đức vua muốn biết rành nhân quả,
Cầu phật từ bi giải lý thông,
Bởi ông Bá hộ kiếp xưa xa,
Bảo vợ dâng cơm đến Phật Đà,
Nhưng lại trở lòng tham hối tiếc,
Nay giàu, chẳng dám hưởng vinh hoa,
Vì giết con anh đoạt sảnh tài,
Bảy đời tuyệt tự, chẳng con trai,
Lại không bỏ của ra làm phước,
Hiện ở A –Tỳ chịu khổ sai,
Tài sản chỉ làm hại kẻ ngu,
Bo bo giữ của chẳng lo tu,
Người khôn biết lánh xa tài dục,
Tâm chỉ cầu mong quả đặc thù.
DỨT TÍCH TRƯỞNG GIẢ VÔ TỰ
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 29