Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
“Vācānurakkhī manasā susaṃvuto
Kāyena ca akusalaṃnakayirā
Ete tayo kammapathe visodhaye
Ārādhaya maggaṃ isippaveditaṃ”.
“Ý điều lời thận trọng
Thân không làm điều ác
Ba nghiệp nầy thanh tịnh
Chứng đạo Thánh nhân dạy”.
Một ngày nọ, lúc đang đi xuống núi Gijjhakūṭa (Kỳ Xà Quật) với Đại Đức Lakkhaṇa, đến một nơi Đại Đức Moggallāna bỗng mỉm cười.
Thấy vậy, Đại Đức Lakkhaṇa bèn hỏi:
– Nầy Đạo hữu, do nhân gì mà hiền giả lại mỉm cười?
– Nầy hiền giả! Không phải thời để trả lời câu hỏi nầy. Khi về trước Đức Thế Tôn hiền giả hãy hỏi tôi việc ấy.
Nói rồi hai vị Đại Đức cùng vào thành Sāvatthī khất thực. Vào xế chiều hai vị đến Veḷuvana đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi ngồi xuống một bên, khi ấy Đại Đức Lakkhaṇa hỏi về sự mỉm cười của Đại Đức Moggallāna vào ban sáng rằng:
– Nầy hiền giả Moggallāna! Do nhân gì duyên gì vào ban sáng hôm nay hiền giả lại mỉm cười?
– Nầy hiền giả Lakkhaṇa! Tôi đã thấy con ngạ quỷ heo, mình dài ba dặm (tigāvuta), mình như người nhưng đầu lại là heo, trong miệng nó mọc ra cái đuôi, từ đó dòi bò ra lúc nhúc, tôi nghĩ thầm rằng:
“Từ trước đến nay ta chưa từng thấy một chúng sanh có hình tướng như thế”, nên tôi mỉm cười.
Đức Thế Tôn xác nhận rằng:
– Thật vậy, nầy chư Tỳ khưu! Các Thinh Văn của Ta hằng là bậc có chánh kiến (tức Thiên nhãn: Cakkhubhuta)! Chính Như Lai đã từng thấy loại chúng sanh như thế khi Như Lai đắc quả Vô Thượng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề, nhưng không tuyên thuyết vì chưa có ai trông thấy, Như Lai suy nghĩ: “Những ai không tin lời Như Lai sẽ
có nhiều bất lợi cho họ”. Nay có được Moggallāna làm chứng, nên ta xác nhận như thế: Nầy các Tỳ khưu! Moggallāna đã nói đúng sự thật.
– Bạch Thế Tôn! Chẳng hay trong tiền kiếp chúng sanh ấy đã tại ác nghiệp gì?
– Nầy các Tỳ khưu! Các thầy hãy lắng nghe.
Rồi Ngài thuật lại tiền kiếp của con ngạ quỷ heo như sau: Tương truyền rằng: Trong thời Đức Phật Kassapa, trong một thôn nọ có hai vị Đại Đức sống hòa hợp cùng nhau. Vị lớn được 60 tuổi, vị nhỏ thì 59 tuổi. Mỗi khi hai vị đi đâu, vị nhỏ cũng mang y bát theo hầu vị lớn, làm tất cả mọi công việc phục dịch y như vị Sa di theo hầu thầy. Giống như hai anh em cùng cha mẹ sinh ra.
Hai vị Đại Đức hòa thuận êm ấm, cho đến một hôm có một vị khách Tăng Pháp Sư ghé vào chùa của hai Đại Đức. Hôm ấy là ngày Pháp lệ. Hai vị Đại Đức hoan hỷ cho vị khách Tăng trú ngụ trong chùa, nói rằng:
– Thưa bậc Thiện trí thức! Xin hãy thuyết pháp cho chúng tôi nghe đi.
Vị Pháp Sư thuyết pháp, hai vị Đại Đức hoan hỷ với ý nghĩ rằng: “Chúng ta thỉnh được vị Pháp Sư rồi”.
Qua hôm sau, hai vị Đại Đức dẫn vị khách Tăng đi khất thực trong làng. Sau khi thọ thực nơi ấy, hai Ngài bảo vị Pháp Sư rằng:
– Thưa hiền giả! Hãy thuyết Pháp đến tín gia đi.
Hai vị Đại Đức thỉnh cầu vị Pháp Sư thuyết Pháp cho dân chúng nghe như thế. Sau khi nghe Pháp, mọi người cung thỉnh ba vị Đại Đức sáng mai đến thọ thực tại nơi ấy. Cứ đều đều như thế, hai vị Đại Đức cùng vị Pháp Sư đi khất thực khắp các làng quanh chùa, thọ bát hai ngày liền ở một nơi nhà thí chủ.
Vị Pháp Sư suy nghĩ: “Hai ông này nhu nhược quá. Ta phải làm sao cho họ bỏ trú xứ này đi, ta sẽ chiếm ở luôn trong chùa này mới được”.
Buổi chiều, vị Sư khách đến phục dịch hai vị Đại Đức, khi hai vị trở về phòng riêng thì vị ấy quay lại nơi ngụ của vị Đại Đức lớn và thưa rằng:
– Bạch Ngài, con có chút chuyện cần phải bạch với Ngài.
– Hiền giả cứ nói.
Vị Pháp Sư suy nghĩ đôi chút, rồi nói rằng:
– Bạch Ngài, chuyện này nếu con nói ra e phạm lỗi nặng lắm.
Rồi vị ấy từ giã ra đi, đến phòng vị Đại Đức nhỏ, ông cũng làm y như thế. Ngày hôm sau, vị Pháp Sư cũng làm y như cũ. Qua ngày hôm sau, sự tò mò của hai vị Đại Đức lên cực độ, khi vị Pháp Sư đến gặp riêng vị Đại Đức lớn rằng:
– Bạch Ngài, con có chút chuyện cần phải bạch, nhưng trước mặt Ngài con không dám nói ra.
– Không sao đâu, Hiền hữu cứ nói ra đi.
Sau cùng, làm như bị này ép quá, vị Pháp Sư hỏi rằng:
– Bạch Ngài, vị Đại Đức nhỏ có điều chi xích mích với Ngài chăng?
– Nầy bậc Thiện trí thức! Vì sao hỏi vậy? Chúng tôi chẳng khác nào như anh em ruột từ một cha mẹ sanh ra, hễ người này được lợi lộc thì người kia cũng được lợi lộc.
Từ trước đến nay tôi chưa hề thấy Sư đệ tôi lầm lỗi gì cả.
– Thật thế ư? Bạch Ngài.
– Nầy Hiền hữu! Thật như vậy.
– Bạch Ngài! Vị Sư đệ của Ngài nói với con rằng: “Nầy bậc Thiện trí thức, người là con nhà gia thế, còn vị Đại Đức lớn kia, nếu người ngỡ là thanh tịnh, có tàm có quý thì lầm đấy, khi tiếp xúc với vị ấy, người nên cẩn thận thân và khẩu đi”.
Vị Sư đệ của Ngài nói với con như thế, từ khi con vừa đến nơi nầy.
Nghe vậy, vị Đại Đức lớn phát sanh sân hận, tâm thần bấn loạn như cái bát sành bị gậy đập nát vậy. Rồi vị Pháp Sư đi ngay đến vị Đại Đức nhỏ và cũng nói y như trước. Vị sau cũng phát sanh sân hận, tâm thần bấn loạn như vị kia.
Suốt thời gian chung sống trước đây, không bao giờ hai vị vào làng riêng nhau, nhưng qua việc nầy, ngày hôm sau vị Đại Đức nhỏ vào làng khất thực, rồi trở về trước đứng ở nơi Giảng đường, vị Đại Đức lớn khất thực về sau, đi đến Giảng đường. Vị nhỏ suy nghĩ: “Ta có nên rước bát Ngài hay không?”. Mặc dầu có ý nghĩ: “Sẽ không rước bát”, nhưng vị Đại Đức nhỏ suy nghĩ: “Từ trước giờ ta chưa từng làm như thế, thôi ta không nên bỏ qua phận sự của mình”.
Khi tự làm tâm dịu xuống, vị Đại Đức nhỏ đến gần vị lớn nói:
– Bạch Ngài! Cho con thỉnh y bát.
– Hãy đi đi! Ngươi không xứng đáng thỉnh y bát của ta.
Vừa nói, vị ấy khoát tay xua đuổi, tỏ vẻ bất cần.
– Dạ phải rồi! Thưa Ngài, con cũng có ý nghĩ là không rước y bát của Ngài nữa đâu.
– Nầy Hiền giả! Có lẽ ngươi nghĩ rằng ta quyến luyến ngôi chùa nầy lắm phải chăng?
– Bạch Ngài! Xin Ngài cũng đừng lầm tưởng rằng con quyến luyến ngôi chùa nầy. Đây là ngôi chùa của Ngài mà.
Nói rồi, vị Đại Đức nhỏ mang lấy y bát ra đi. Vị Đại Đức lớn cũng bỏ chùa đi luôn. Hai vị không cùng đi một đường, vị đi cửa sau, vị đi cửa trước. Vị Pháp Sư giả vờ rằng:
– Bạch hai Ngài! Các Ngài chớ nên làm như thế.
Hai vị Đại Đức bảo rằng:
– Thôi hiền giả hãy ở lại đi.
Qua ngày sau, vị Pháp Sư đi vào làng kế cận. Các thiện tín hỏi:
– Bạch Ngài! Còn hai vị Đại Đức nữa đâu?
– Thôi các tín gia đừng hỏi nữa. Hôm qua hai vị Đại Đức của quý vị tranh chấp lẫn nhau, rồi bỏ đi cả rồi. Ta đã hết lời yêu cầu các Ngài ở lại mà không được.
Trong số ấy, những người thiểu trí thì làm thinh, trái lại các bậc có trí suy nghĩ rằng: “Hai Đại Đức ấy, từ bấy lâu nay chẳng hề phạm lỗi lầm chi gọi là nhỏ nhặt.
Nếu có điều kinh sợ, tai hại phát sanh đến hai Ngài, chắc hẳn là do nơi vị Sư mới nầy vậy”.
Còn hai vị Đại Đức, dầu đi đến nơi nào tâm trí cũng không hề an vui. Đại Đức lớn suy nghĩ: “Than ôi! Nặng thay là việc hành quấy của vị mới tu kia, vừa mới gặp khách Tăng trong giây phút đã nói: “Đừng tiếp xúc thân thiện với Đại Đức lớn”.
Còn vị Đại Đức nhỏ cũng nghĩ rằng: “Ôi! Nặng thay là việc làm sai quấy của vị Đại Đức lớn. Vừa gặp khách Tăng trong giây lát mà đã dặn đừng nên tiếp xúc thân thiện với ông Sư nầy”.
Cả hai đều không còn tâm trí để ôn tập kinh điển hay thiền định chi cả. Một năm trôi qua. Một hôm, cả hai vị cùng đến một ngôi chùa ở phía Tây và cùng vào một Đạo trường. Vừa nhìn thấy vị Đại Đức nhỏ, vị lớn không cầm được lòng, nước mắt tuôn trào. Vị Đại Đức nhỏ cũng nhận thấy vị lớn, hai mắt đầy lệ nhỏ, tự nghĩ rằng: “Ta nên nói trước hay là không?”. Rồi nghĩ rằng: “Điều này cũng chẳng có chi là hệ trọng”.
Nên đảnh lễ vị lớn, bạch rằng:
– Bạch Ngài! Từ trước đến lúc chia tay, con hằng rước y bát của Ngài, đi chung với Ngài. Ngài có thấy con làm điều chi lầm lỗi với Ngài chăng?
– Ta chưa hề trông thấy, này Hiền giả.
– Thế sao Ngài lại bảo với vị Pháp Sư rằng: “Đừng nên tiếp xúc thân thiện với con”.
– Nầy Hiền giả! Ta không hề nói như thế đâu. Nhưng ta được nghe rằng Hiền giả cũng nói với vị Pháp Sư về ta như thế đó.
– Bạch Ngài, con không bao giờ nói như thế.
Khi ấy, hai vị mới vỡ lẽ ra, biết rằng: “Chắc vị Pháp Sư có ý muốn ly gián chúng ta, nên nói như thế?”. Rồi hai vị xin sám hối với nhau về chuyện đã hiểu lầm nhau.
Suốt một năm không thể làm cho tâm được an vui, ngày hôm ấy hai vị hòa hợp cùng nhau, và quyết định: “Chúng ta sẽ tống cổ vị Pháp Sư ra khỏi chùa”.
Thế rồi, hai vị Đại Đức khởi hành lần hồi về ngôi chùa cũ. Vị Pháp Sư trông thấy hai vị Đại Đức trở về, bèn rước y bát. Hai vị Đại Đức khoát tay rằng:
– Thầy là người không xứng đáng ở trong ngôi chùa nầy nữa.
Không thể nán lại, vị Pháp Sư liền ra khỏi chùa ngay và đi nơi khác. Mặc dầu đã hành Sa môn Pháp hết hai muôn năm, nhưng vị ấy không thể chịu đựng sự trách mắng. Đến lúc chết phải xa xuống A Tỳ địa ngục, bị thiêu đốt suốt cả thời gian một vị Phật. Bây giờ, quả còn dư sót, vị ấy còn thọ khổ với thân hình ngạ quỷ heo trên núi
Gijjhakūṭa như đã nói ở phía trước.
Sau khi thuật lại tiền nghiệp của ngạ quỷ heo, Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Vị Tỳ khưu chánh danh cần phải có thân, khẩu, ý thanh tịnh.
Rồi Ngài nói lên kệ ngôn rằng:
“Vācānurakkhī manasā susaṃvuto
Kāyena ca akusalaṃnakayirā
Ete tayo kammapathe visodhaye
Ārādhaya maggaṃ isippaveditaṃ”.
“Ý điều lời thận trọng
Thân không làm điều ác
Ba nghiệp này thanh tịnh
Chứng đạo Thánh nhân dạy”.
CHÚ GIẢI:
Vācānurakkhī: Giữ gìn lời nói, đừng để phạm giới vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác ngữ, ỷ ngữ.
Manasā: Thu thúc đừng cho tham, sân, tà kiến.
Kāyena: Giữ thân đừng làm ba hạnh bất thiện là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Hãy làm thanh tịnh thân, khẩu như vậy. Người làm thanh tịnh thân, khẩu như thế sẽ thành tựu được Bát Chánh Đạo mà chư Phật và các Đạo sĩ hằng chỉ dạy. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.
Dịch Giả Cẩn Đề
Hai sư hòa hợp sống chung vui,
Tin khách đường xa, thọc mũi dùi,
Một sớm rời nhau tâm đã khổ,
Trăm năm gặp lại, lệ còn rơi,
Đoạt chùa, trách kẻ lòng đanh đá,
Nghĩ bạn, thương ai dạ ngậm ngùi…
Núi trọc chưa mờ gương Ngạ quỷ,
Thân người, đầu lợn, miệng lòi đuôi,
Thân tịnh, miệng đầu chẳng tịnh theo,
Làm con Ngạ quỷ mọc đầu heo,
Lưỡi trong, thêm lưỡi ngoài: đuôi thúi,
Ăn nói làm sao? Rõ ngặt nghèo.
DỨT TÍCH NGẠ QUỶ HEO
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 44